📞

Tiến sĩ khoa học dịch sách văn học

09:23 | 07/11/2013
Tới Ba Lan năm 1970 để học ngành Trắc địa - Bản đồ, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Ba Lan Nguyễn Văn Thái không hề nghĩ rằng, 20 năm sau, ông sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này và với công việc chẳng liên quan gì tới chuyên ngành mình học: Dịch sách văn học.
Ông Nguyễn Văn Thái tại Lễ ra mắt tiểu thuyết Nông dân tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thái sinh năm 1945, tại Hà Nội. Với thành tích học tập tốt, ông được Nhà nước cử đi Ba Lan để học tập ngành Trắc địa - Bản đồ vì thời điểm đó, ở Việt Nam, kỹ sư chuyên ngành này vô cùng khan hiếm. Sau 4 năm học tập tại Warszawa, ông Thái về nước và công tác tại Cục Đo đạc và Bản đồ. Sau đó, ông đã hai lần trở lại Ba Lan để làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ (1979-1982) và Bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học (1986-1989), đồng thời làm cộng tác viên cho Tổng cục Đo đạc Bản đồ Ba Lan.

Cơ duyên với Warszawa

10 năm gắn bó với quốc gia Trung Âu xinh đẹp này không khiến ông Thái nghĩ tới ý định đưa gia đình tới định cư tại đây, cho đến mùa Hè năm 1988…

Ông có hai người con trai, trong đó có một người con bị hen suyễn rất nặng, sức khỏe rất yếu (học lớp 11 mà chỉ nặng 35kg). Trong suốt thời gian ông học tập xa nhà, vợ ông đã vô cùng vất vả trong việc chăm sóc sức khỏe cho con, đặc biệt trong hoàn cảnh nền y tế lạc hậu của Việt Nam thời điểm sau chiến tranh. Mùa hè năm 1988, trước khi bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học, ông Thái đã đưa hai con sang Ba Lan chơi.

Rời xa khí hậu nhiệt đới ẩm ướt đặc trưng của miền Bắc Việt Nam, tới vùng khí hậu khô, lạnh ôn hòa của Ba Lan, con trai ông bỗng hết hẳn các triệu chứng hen suyễn đeo đẳng bao nhiêu năm trước đó. Sau kỳ nghỉ hè năm đó, ông Thái đưa con trở lại Hà Nội và lại chứng kiến con trai mình bị hành hạ bởi căn bệnh mãn tính khó chịu này. Vì thế, dù không muốn sinh sống xa quê hương nhưng ông đã bàn với vợ mình và đưa cả gia đình tới Ba Lan.

Ông Nguyễn Văn Thái nhớ lại: "Tiếng Ba Lan rất khó học nên vợ và các con tôi đã mất nhiều thời gian để hòa nhập với cộng đồng sở tại. Tuy nhiên, bù đắp lại là sức khỏe của con tôi tiến triển rất tích cực. Tôi tiếp tục làm việc cho Tổng cục Đo đạc Bản đồ Ba Lan, còn vợ tôi thì làm quen dần với việc kinh doanh của bà con người Việt tại đây. Hai con tôi thích nghi với tiếng Ba Lan nhanh hơn và sau đó đều thi đỗ vào Đại học Bách khoa Warszawa".

Từ "ông Chủ tịch"...

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan hiện có khoảng 25.000-30.000 người. Trong đó, đa số bà con làm kinh doanh, buôn bán những mặt hàng như may mặc, giày dép và thực phẩm… Con số lớn như thế nhưng thật ngạc nhiên là chưa từng có một hội đoàn người Việt nào được thành lập tại đây.

Sau khi kết thúc công việc tại Tổng cục Đo đạc Bản đồ Ba Lan, ông Thái đã nảy ra ý tưởng tập hợp bà con người Việt tại đây thành một hội đoàn. Sau quá trình vận động và thuyết phục bà con về những lợi ích của việc tham gia hội đoàn, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đã chính thức được thành lập vào năm 1999 và Đại hội khóa I nhất trí bầu ông Nguyễn Văn Thái làm Chủ tịch.

Sau Hội người Việt Nam tại Ba Lan, có nhiều hội đoàn người Việt được thành lập tại quốc gia này, nhưng Hội đoàn được thành lập đầu tiên vẫn là hội lớn nhất với khoảng 1000 gia đình là Hội viên và luôn giữ vai trò tiên phong, nòng cốt trong các hoạt động tập hợp, bảo vệ và hỗ trợ cho bà con người Việt tại đây.

Theo Điều lệ hoạt động của Hội, mỗi Chủ tịch chỉ đảm nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Vì thế, sau 6 năm liên tục được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, ông Thái thôi nắm giữ vai trò này nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong Hội với vai trò là Phó Chủ tịch Hội.

... đến dịch giả “nghiệp dư”

Cả cuộc đời gắn bó với chuyên ngành Trắc địa - Bản đồ, ông Thái chẳng nghĩ rằng mình sẽ bỏ nhiều tâm sức và thời gian cho thơ văn, cụ thể là văn học Ba Lan đến thế. Và, đó cũng chính là lý do mà nhiều độc giả Việt Nam đã được tiếp cận các tác phẩm văn học kinh điển của Ba Lan thông qua cái tên "dịch giả Nguyễn Văn Thái".

Năm 2005, chẳng hiểu có phải biết đến năng khiếu thơ văn của ông Chủ tịch Hội người Việt hay không mà Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam bỗng dưng liên hệ và đặt vấn đề nhờ ông Thái hợp tác dịch giúp họ tác phẩm Chàng Tadeush của đại thi hào Ba Lan Adam Mickiewicz. Đây là tác phẩm thơ nổi tiếng ở Ba Lan - tương tự như Truyện Kiều của Việt Nam. Tập thơ dày 500 trang đã "ngốn" tới 3 năm miệt mài của dịch giả Nguyễn Văn Thái.

Ông Thái chia sẻ: "Ban đầu, tôi định dịch Chàng Tadeush theo thể thơ lục bát truyền thống của Việt Nam, nhưng sau 4 tháng, dịch được khoảng 22 trang theo thể thơ này một cách hoàn hảo, trơn tru thì tôi vấp phải một khó khăn là: tiếng Ba Lan là ngôn ngữ đa âm tiết, còn tiếng Việt là đơn âm. Vì thế, sẽ rất khó để dịch những địa danh có quá nhiều âm tiết ở trong bài. Tôi tham khảo ý kiến của nhà thơ Bằng Việt thì anh ấy nói với tôi rằng, phải chuyển sang thể tự do chứ để thế này không ổn. Thế là, sau rất nhiều giằng co, tôi quyết định làm lại từ đầu".

Tháng 9/2008, Chàng Tadeush đã ra mắt công chúng Việt Nam và được đánh giá là bản dịch tiếng Việt hoàn hảo của tác phẩm lớn này. Đây trở thành động lực lớn để dịch giả "nghiệp dư" Nguyễn Văn Thái tiếp tục bắt tay vào việc chuyển ngữ hai tác phẩm từng nhận giải Nobel Văn học là tiểu thuyết Nông dân của W. Reymont và Hania, tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi của Henryk Sienkiewicz…

"Hiện tôi vẫn đang tiếp tục lựa chọn và chuyển ngữ những tác phẩm lớn của Ba Lan nhằm góp phần đưa văn hóa Ba Lan và văn hóa Việt Nam xích lại gần nhau hơn nữa". (ông Nguyễn Văn Thái)

Khánh Nguyễn