📞

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ và tâm huyết phát triển công nghệ phần mềm tại quê hương

Hương Thảo 16:44 | 08/12/2020
TGVN. Sau hơn 20 năm làm việc tại quê hương, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ đã phát triển TMA Solutions trở thành công ty về công nghệ phần mềm hàng đầu Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên bản đồ các quốc gia phát triển công nghệ cao.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ sinh năm 1949, lớn lên tại làng quê thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Tuổi thơ với cuộc sống gian khó cơ cực đã nung nấu trong ông quyết tâm và nỗ lực học tập để vươn lên.

Sau khi tốt nghiệp tú tài 2 (năm 1967), ông nhận được 3 học bổng du học tại Mỹ, Australia và Nhật Bản. Ông đã chọn Australia để du học và đến năm 1977, ông nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành viễn thông tại trường Đại học Adelaide.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ. (Nguồn: Quehuongonline)

Đưa phần mềm Việt vươn xa

Sau 10 năm học tập và làm việc tại Australia, Tiến sĩ Lệ sang Canada làm việc cho Nortel - Tập đoàn viễn thông lớn và nổi tiếng tại Bắc Mỹ thời bấy giờ. Suốt những năm tháng làm việc tại Canada, ông luôn mang trong lòng ước muốn trở về Việt Nam.

Cơ duyên đến khi đang làm Giám đốc cho một trung tâm R&D ở Nhật Bản, ông được mời tham gia một phái đoàn thương mại về Việt Nam năm 1992. Chuyến đi này giúp ông nhận ra rằng, nguồn tài nguyên chất xám của con người Việt Nam là rất lớn nhưng chưa được khai thác và phát huy đúng mức, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và phần mềm.

Sau nhiệm kỳ ở Nhật, ông tình nguyện làm Giám đốc tiếp thị cho Nortel để mở rộng thị trường Việt Nam. Đây chính là thời gian ông tìm hiểu và nắm bắt tình hình thực tế ở quê hương. “Lý do lớn nhất để tôi quyết định trở về là muốn dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để phát huy năng lực của thế hệ trẻ và góp phần phát triển ngành công nghệ cao Việt Nam. Tôi cũng thấy rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng về sản xuất phần mềm như Ấn Độ”, ông chia sẻ.

Năm 2001, Tiến sĩ Lệ gia nhập Công ty TMA với vai trò Chủ tịch và đã đưa TMA trở thành một trong những công ty gia công phần mềm lớn nhất Việt Nam, góp phần đưa tên tuổi Việt Nam lên trên bản đồ gia công phần mềm thế giới.

Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm qua các dự án với các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới về viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, thương mại điện tử, TMA đang đưa những công nghệ mới nhất để triển khai tại Việt Nam, góp phần hiện đại hóa các ngành nghề và đầu tư các sản phẩm “Made in Vietnam”.

Tiến sĩ Lệ rất hài lòng vì TMA đã từng bước đạt được mục tiêu, nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của hàng trăm khách hàng trong nước và quốc tế. Ông cũng rất tự hào khi TMA hiện đang là công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam với nhiều năm liền đạt huy chương vàng xuất khẩu phần mềm, là đối tác của nhiều công ty lớn từ 27 quốc gia trên thế giới như Canada, Mỹ, Pháp, Australia, Nhật… và nhiều tập đoàn Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Chìa khóa cho sự thành công của TMA là sự đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo với hàng trăm khóa học nội bộ mỗi năm, hợp tác với 45 trường đại học trong và ngoài nước và hướng dẫn thực tập cho trên 500 sinh viên mỗi năm.

Điều mà Tiến sĩ Lệ tâm huyết nhất là phải làm sao cho thế giới biết đến Việt Nam, xem nơi đây là một điểm đến đáng tin cậy về lĩnh vực gia công phần mềm thành công. Ông luôn có niềm tin chắc chắn rằng, nguồn nhân lực Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang với thế giới, bởi thực tế chứng minh rất nhiều người Việt Nam đã thành công, thành danh, tiếp thu nhanh tinh hoa thế giới. Đó là nguồn chất xám rất đáng trân quý cần được đào tạo và phát huy.

Khai trương Công viên sáng tạo TMA Bình Định tại Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn. (Nguồn: Quehuongonline)

Tiến sĩ Lệ chia sẻ với các doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào: “Nếu có điều kiện, hãy trở về quê hương đầu tư làm ăn. Hãy có chiến lược, tầm nhìn xa và nghĩ lớn, tin tưởng vào trí tuệ, con người Việt Nam”. Có lẽ, đó là điều ông rất tâm đắc và phát biểu ở nhiều diễn đàn, hội nghị.

Tiến sĩ Lệ rất thích câu nói nổi tiếng của nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama “Yes, We can!” – những điều chúng ta muốn chúng ta có thể làm được! Bởi nó như trùng khớp với niềm tin trên của ông. Ông cũng truyền tải tinh thần, ý nghĩa câu nói trên tới các nhân viên công ty của mình, nhằm khuyến khích quá trình sáng tạo không ngừng của trí tuệ con người Việt Nam, tạo ra những sản phẩm tốt đáp ứng mọi đối tượng khách hàng.

Ngoài đam mê xây dựng phát triển phần mềm, Tiến sĩ Lệ có sở thích sưu tầm cổ vật, nhất là những cổ vật khu vực miền Trung Tây Nguyên quê hương ông. Nếu ai được đến thăm tòa nhà TMA tại Công viên phần mềm Quang Trung, TP. Hồ Chí Minh, và Công viên Sáng tạo TMA tại Bình Định sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bước vào công ty ở ngay tầng trệt là phòng trưng bày những bộ sưu tập cổ vật như một bảo tàng thu nhỏ của ông.

Ngoài ra, ông còn có cả một thư viện về sách với đủ các thể loại và đặc biệt là những tư liệu về Trường Sa, Hoàng Sa. Ông chia sẻ, phòng trưng bày và thư viện sách cũng chính là nơi để ông giới thiệu đến bạn bè và đặc biệt là đối tác nước ngoài hiểu thêm về đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.

(theo Quehuongonline)