📞

Tiền xu "chạy trốn" nơi nào?

23:38 | 22/04/2009
Tiền xu đã xuất hiện trở lại trong cơ cấu đồng tiền gần 6 năm, nhưng tiền xu ngày càng trở nên ít phổ biến vì thói quen tiêu dùng của người dân và thiếu các phương tiện hỗ trợ.
Tiền xu lại đang vắng bóng dần trong các giao dịch hàng ngày vì rất thiếu thiết bị hỗ trợ (Ảnh minh họa)

Thiếu công cụ hỗ trợ

Xét về tính kinh tế, tiền xu chiếm ưu thế vì tuổi thọ cao, loại bình thường cũng được 20 năm, còn tiền xu loại tốt, thời gian sử dụng có thể lên tới 40 năm. Trong khi đó, tiền giấy chỉ có tuổi thọ là 12-14 tháng, tiền polymer cao nhất cũng chỉ được 8 năm.

Ở các nước phát triển, tiền xu đã tìm được chỗ đứng riêng của mình, được người tiêu dùng sử dụng phổ biến tại các máy hàng tự động và hầu như tất cả các dịch vụ tự động đều chi trả bằng tiền xu.

Ngay ở Thái Lan, từ các trạm điện thoại công cộng, máy bán lẻ như: Bán nước, cà phê, máy bán quà bánh ăn vặt... đến máy bán vé tàu điện ngầm, tàu điện trên cao đều chỉ sử dụng tiền xu, nếu không có tiền xu thì thật phiền phức.

Tuy nhiên, tại Việt Nam tiền xu lại đang vắng bóng dần trong các giao dịch hàng ngày vì rất thiếu thiết bị hỗ trợ. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Ban Tư Vấn Tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tiền xu đã không được phát hành mới từ hơn 1 năm nay. "Đồng xu có mệnh giá nhỏ nên cũng khá bất tiện trong lưu thông. Hơn nữa, Việt Nam thiếu công cụ hỗ trợ nên tiền xu cũng không được ứng dụng nhiều", ông Kiêm cho biết.

Ông Richard Kiger - Giám đốc tiếp thị Đông Dương của hãng Coca-Cola cho biết: "Tập quán sử dụng tiền xu ở các máy bán lẻ rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới vì tính tiện dụng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường Việt Nam cần thời gian để người tiêu dùng làm quen với tập quán này. Thêm nữa, chi phí lắp đặt, bảo trì cũng như giá thành cho từng đơn vị máy bán hàng khá cao. Có thể nói, hiện chúng tôi chưa ưu tiên hướng đầu tư này".

Mệnh giá nhỏ, khó cất giữ

Ở Việt Nam, tiền xu có mệnh giá nào thì trên giấy cũng có mệnh giá đó. Hơn nữa, tiền xu có mệnh giá lớn nhất là 5.000 đồng, nhỏ nhất là 200 đồng, trong khi hiện nay rất ít loại hàng hóa có giá dưới 1.000 đồng, và chắc là không có đơn vị hàng hóa nào có giá 200 đồng.

"Đến cốc trà đá ở quán vỉa hè bây giờ rẻ nhất cũng đến 1.000 đ, làm gì có thứ nào mua được với 200 đ. Vợ tôi đi siêu thị, người ta toàn trả lại đồng xu 200 đ, có khi cả một vốc. Tôi bảo mua kẹo cao su ngay tại chỗ", anh Thành, một người dân sống gần siêu thị Fivimart Trúc Bạch, cho biết.

Tiền xu chủ yếu dùng để bỏ lợn

Ra chợ Thành Công - một trong những khu chợ lớn của Hà Nội mới biết tiền xu đang dần dần vắng bóng trong giao dịch, mua hàng ngày. "Ngày nào tôi cũng đi chợ, gần đây không thấy tiền xu xuất hiện trong gaio dịch mua bán ở chợ, tôi hầu như không bị trả lại bằng tiền xu", chị Phạm Thu Dung - địa chỉ ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết. Nhiều người dân buôn bán tại chợ Thành Công cũng có cùng ý kiến trên "Tiền xu dạo này ít xuất hiện hơn, đi đâu hết", chủ một tiệm bán thịt tại chợ Thành Công cho biết.

Theo chủ các cửa hàng ở chợ, tiền xu có nhược điểm là nặng, lại bé nên hay bị "lọt tay", nếu thường xuyên có tiền xu thì phải đựng riêng sang một vị trí khác. Nhiều người, kể cả người bán hàng và khách hàng sau khi nhận được tiền xu đã xử lý bằng cách cho vào... lợn đất tiết kiệm.

Một vài bà nội trợ còn lưu ý, nhà nào có trẻ em nhỏ cần phải cẩn thận hơn trong việc cất giữ, tốt nhất là mua một ống tiết kiệm để đựng tiền xu. Như vậy, trên thực tế sẽ có một lượng tiền không hề được xoay vòng, không sinh lời.

Nhìn chung, để đưa tiền xu vào lưu thông một cách thực sự hiệu quả thì cần tạo thuận lợi cho người sử dụng cộng với việc xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu.Theo Pháp luật và Xã hội