Hiện nay, ngoại giao kênh II đang là hình thức mới mẻ được tận dụng và chú trọng phát triển, ngày càng phổ biến và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, kênh đối ngoại này đang có những bước đi mạnh dạn hơn trong quá trình hội nhập sâu sắc với nền ngoại giao học giả của khu vực và thế giới.
Kỳ vọng lớn
Đó cũng là lý do rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia về các lĩnh vực (kinh tế, xã hội, môi trường,…) của Việt Nam và Nhật Bản đã cùng ngồi lại với nhau để thảo luận về phát triển bền vững - vấn đề đang được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm hiện nay. Hội thảo “Xây dựng xã hội phát triển bền vững: Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong việc đảm bảo phát triển bền vững” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (HLKHXHVN) tổ chức ngày 28/9 là một trong những sự kiện có hình thức thể hiện đúng tính chất, vai trò của hình thức đối ngoại này.
Các đại biểu dự Hội thảo “Xây dựng xã hội phát triển bền vững: Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong việc đảm bảo phát triển bền vững” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28/9. (Ảnh: Q.H). |
Thực tế cho thấy hợp tác giữa hai “đối tác chiến lược” Việt Nam và Nhật Bản thời gian gần đây được thúc đẩy mạnh mẽ. Song song với các hình thức hội đàm, thương lượng giữa các lãnh đạo, và nhà ngoại giao, các chuyên gia, học giả, viện nghiên cứu cũng luôn giao lưu, trao đổi thảo luận, dù không chính thức, nhưng có mục tiêu rõ ràng, góp phần thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, từ đó đề ra những ý tưởng, khuyến nghị chính sách trong mọi lĩnh vực hợp tác song phương.
Về ý thức phòng ngừa thiên tai, trong sinh hoạt đô thị, cần có chính sách định hướng cho người dân để họ có kế hoạch phòng chống thiên tai trong mỗi việc làm hàng ngày, khi làm việc ở cơ quan, ra ngoài phố, trong gia đình. Những hoạt động đời thường được lồng ghép với các hoạt động phòng chống rủi ro, thiên tai, tai nạn sẽ đem lại hiệu quả. Mỗi địa phương một khác, do vậy, phải giúp người dân có ý thức tự tìm hiểu và đưa ra cách giải quyết bởi chính họ mới biết thế nào là cách thức thích hợp nhất để phòng ngừa các thiên tai cho mình và khu vực xung quanh. GS. Oyane Jun, Đại học Sensu |
Ông Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng trong quan hệ song phương, những ý kiến của các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu của hai nước sẽ gợi ý cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình ra đối sách, chính sách cụ thể. Kỳ vọng của ông là kết quả từ những Hội thảo như vậy sẽ có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Nhật Bản - Tấm gương soi
Phát triển bền vững - chủ đề Hội thảo, cũng là vấn đề đã đi vào Chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc và đang được tiến hành triển khai ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang thu hút sự quan tâm của Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu.
Phát triển bền vững được coi là mục tiêu cơ bản trong việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo công bằng xã hội, và bảo vệ môi trường mà Việt Nam đang hướng tới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách này, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định song vẫn phải đối mặt với nhiều bất cập, làm hạn chế chất lượng tăng trưởng.
Chính bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nhằm thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo hướng phát triển bền vững là hết sức cần thiết.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. (Ảnh: Q.H). |
Nhật Bản là nước rất thành công trong chính sách phát triển kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ II, đồng thời cũng là nước đạt được những thành tựu rất đáng kể trong việc đảm bảo công bằng xã hội, giải quyết các vấn đề về môi sinh, xử lý ô nhiễm, khắc phục thảm họa thiên nhiên…
Có thể nói, Nhật Bản là tấm gương sáng về quá trình phát triển đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với nhiều trải nghiệm tương đồng với Việt Nam trong quá trình phát triển hiện nay, những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đảm bảo phát triển bền vững thực sự là những tham khảo hữu ích cho Việt Nam.
Soi gương, sửa mình
Trên thực tế, mô hình tăng trưởng của thế giới không còn như trước. Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sản phẩm thô, lao động giá rẻ, khai thác cạn kiệt tài nguyên gây nên thảm hoạ môi trường là đi ngược với mục tiêu phát triển bền vững. Các chuyên gia đánh giá rằng đây là phương thức tăng trưởng không có tương lai và không được chấp nhận ở nhiều quốc gia.
Về phát triển nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản coi đây là vấn đề rất đáng quan ngại sau sự cố Fukushima. Định hướng của Chính phủ là tái khởi động lại nhà máy, nhưng để có được sự ủng hộ của nhân dân về vấn đề này rất khó khăn vì vấp phải nhiều phản đối. Gần đây, khảo sát cho thấy, nếu tính cả chi phí xử lý bồi thường khi sự cố, các giải pháp đảm bảo an toàn… thì tổng đầu tư vào chi phí tăng cao và giá điện nguyên tử không còn rẻ. Lợi thế về kinh tế của các nhà máy điện hạt nhân không còn như trước đây. GS. Dimiter Ialnazov, Đại học Kyoto |
Phương thức tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu dựa vào vốn đầu tư công, xuất khẩu tài nguyên, lao động giá rẻ, là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và đã đến giới hạn. Các vấn đề nhạy cảm như ô nhiễm môi trường, quy hoạch thiếu cân đối, đầu tư tràn lan, tỷ lệ nghèo không ổn định khi tiếp cận với chuẩn mực thế giới, mất cân đối trong phân phối thu nhập giữa các vùng, năng lực cạnh tranh thấp xuất hiện ngày càng nhiều trong nền kinh tế.
Rõ ràng là, không nên đạt được tăng trưởng bằng mọi giá. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh tế trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam được đặt ra khá lạc quan, và vẫn cho thấy xu hướng chạy theo tốc độ, theo chiều rộng, bề nổi là chính. Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện HLKHXHVN có quan điểm: Việt Nam đang chạy theo mô hình phát triển với những cái giá khá lớn về kinh tế, xã hội, môi trường. Việt Nam đã nhận ra những rủi ro tiềm ẩn và đang muốn thay đổi, tái cấu trúc. Đã đến lúc không thể mải tăng trưởng theo số lượng mà quên đi chất lượng.
Thực vậy, con đường này là tất yếu, đối với cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Mô hình tăng trưởng bền vững chú trọng chất lượng dù với tốc độ không nhanh như mong muốn sẽ mang lại tính đồng bộ, hiệu quả và bền vững hơn. Cần soi gương trước rồi sửa lại mình - Đây là vấn đề đang đặt ra cho công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay.
Ở Việt Nam, sự tiến triển của kinh tế thị trường đã làm cho các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng nông thôn truyền thống và ý thức xã hội lỏng lẻo dần. Khi dự báo về cái gọi là “phát triển bền vững” thì dường như họ bắt đầu nhận ra sự xuất hiện manh nha của một mối quan hệ xã hội khác với các quan hệ xã hội truyền thống. Có lẽ, những dự báo của các nhà nghiên cứu Nhật Bản phần nào đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội và sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. GS. Murakami Shunsuke - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Đại học Sensu Biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long đã bộc lộ rõ rệt. Người dân tại các khu vực nói trên hiện đã nhận thức được sự biến đổi của khí hậu, đồng thời đã thực hiện các biện pháp đối phó ở mức độ nhất định như sửa chữa, gia cố nhà cửa. Nhưng như vậy không có nghĩa là đủ. Việt Nam cần phát triển và chuyển giao kỹ thuật ứng phó dễ thực hiện, giá thành thấp, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, kỹ thuật truyền thống của địa phương… GS.TS. Tamura Makoto, Đại học Ibaraki |