Cùng với 6 luật được công bố vào sáng 12/7, trong ngày, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo và công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật với tổng cộng 12 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 có 9 chương, 78 điều, quy định cụ thể về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thiệt hại được bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước…
Luật cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa ngay khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.
Luật cũng bổ sung một số thiệt hại về tinh thần và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; trường hợp bị thiệt hại về tinh thần so sức khỏe bị xâm phạm.
Người bị thiệt hại được tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán ngay được, không cần xác minh. Ngoài ra, Luật cũng quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng: Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; bổ sung đối tượng được phục hồi danh dự; quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: T.A) |
Sửa đổi các lỗi kỹ thuật của Bộ luật Hình sự
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) được xây dựng sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế.
Các sửa đổi này không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015.
Một trong những điểm đáng chú ý là liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Luật quy định người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể; chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản.
Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng, máy tính, mạng viễn thông, đồng thời, bổ sung tội danh mới là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế; bổ sung quy định theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm cả đối với 2 tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.
Luật Cảnh vệ
Luật Cảnh vệ được tiến hành xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn những năm qua và kế thừa những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật…
Luật gồm 6 chương, 33 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, Luật Cảnh vệ đã bổ sung 2 chương, 12 điều, quy định cụ thể về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; công tác khen thưởng và xử lý vi phạm…
Đại diện Bộ Công an thông tin về Luật Cảnh vệ. (Ảnh: D.L) |
Khắc phục bất cập trong trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý gồm 8 chương, 48 điều được xây dựng nhằm mục tiêu khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật đã được ban hành gần đây để phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm sự hội nhập quốc tế, trong đó có nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật quy định về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý; nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; các hành vi bị nghiêm cấm; người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp…
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Gồm 8 chương, 76 điều, Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ và công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ.
Luật quy định điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vât liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Toàn cảnh buổi công bố lệnh của Chủ tịch nước sáng 12/7. (Ảnh: T.A) |
Gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công gồm 10 chương, 134 điều quy định cụ thể về tài sản công và phân loại tài sản công; chính sách, nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; công khai và giám sát của cộng đồng đối với tài sản công; các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 chú trọng đến việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch của việc khai thác.
Luật bổ sung quy định giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.