Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 15/7 tại Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN) |
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì Hội thảo.
Khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, 92 năm qua, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung và hoàn thiện phương thức lãnh đạo; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, việc lãnh đạo, định hình, phát triển và hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam được thực hiện với ba trụ cột: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
“Đây là một quá trình liên tục, liên thông: đòi hỏi tính toàn diện, bao quát nhưng phải rất cụ thể để đạt được sự tối ưu và sát hợp với thực tiễn; phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có quyết tâm cao nhưng không được chủ quan, nóng vội, mà cần có lộ trình thích hợp, làm đến đâu chắc đến đó. Điều này liên quan đến nhiều vấn đề mới và khó. Đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, cần có kết luận cụ thể. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn và khi cần có thể tổ chức thí điểm"
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là một nhiệm vụ hệ trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. (Nguồn: TTXVN) |
Tiếp sau Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban tổ chức tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo để lắng nghe ý kiến của các lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học của các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên và phía Nam về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Hội thảo là cơ hội để Đảng bộ thành phố được lắng nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, những kết quả, kinh nghiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Kết quả của Hội thảo cung cấp những luận cứ mang tính lý luận và thực tiễn, góp phần tham mưu, đề xuất với Trung ương tiếp tục hoàn thiện và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để khôi phục, phát triển kinh tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Thành phố đã ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chính sách đối với người có công cách mạng…
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, xuất phát từ tính chất, tầm quan trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới, Hội thảo lần này có nhiệm vụ nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Hội thảo hướng tới làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 35 tham luận của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. 11 ý kiến tham luận trình bày tại Hội thảo tập trung làm rõ, làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới. Những vấn đề có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. (Nguồn: TTXVN) |
Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thừa nhận thành quả của những năm đổi mới; phương thức lãnh đạo của Đảng liên tục được đổi mới, có kết quả trên nhiều lĩnh vực.
"Chúng ta được thừa hưởng thành quả của một năm đổi mới khi có sự tham gia của các phương thức lãnh đạo của Đảng; các phương thức đổi mới đã đem lại kết quả trong nhiều lĩnh vực. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng cũng kịp thời ban hành nhiều chủ trương, đường lối, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, phát huy dân chủ, đổi mới phong cách lề lối làm việc; tăng cường công tác tuyên truyền không chỉ trong cán bộ đảng viên mà còn trong nhân dân, để đưa đường lối chủ trương của Đảng vào cuộc sống".
Phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy chính trị, công tác kiểm tra giám sát trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả.
Do đó, cần tiếp tục làm cho phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới, mang lại kết quả như mong muốn; qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, vấn đề được đề cập nhiều nhất là quan điểm đường lối được thể hiện qua hệ thống văn bản của Đảng, cả về nội dung và hình thức. Cần đổi mới cách thức ban hành văn bản của Đảng, tạo thuận lợi nhất cho quá trình triển khai đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống một cách nhanh, kịp thời và hiệu quả hơn.
Quá trình triển khai nghị quyết, văn bản của Đảng phải có văn hóa, cán bộ đảng viên yêu cầu phải cao hơn, phải hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn văn bản của Đảng. Từ đường lối quan điểm đến vấn đề thể chế, các quy định, quy chế, quy trình phải cụ thể, rõ ràng, đi vào cuộc sống nhanh hơn, kiểm tra đánh giá thuận lợi hơn. Đồng thời cần nâng cao năng lực dự báo, năng lực đánh giá tình hình, năng lực cụ thể hóa để bảo đảm việc tổ chức thực hiện phải phù hợp với đặc điểm, với địa bàn, với đơn vị cơ quan, tổ chức khác nhau.
Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, yêu cầu là đội ngũ cán bộ phải có đủ phẩm chất, uy tín, phải ngang tầm nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt, kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn được xem là xương sống trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Cán bộ nào thì phong trào đó, muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có đội ngũ cán bộ xứng tầm, được bố trí đúng năng lực, sở trường, chuyên môn.
Đánh giá cao các phát biểu của đại biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc hơn khi xác định các nội dung đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương thời gian tới, để Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới.