Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống, xin Thứ trưởng cho biết những nội dung nổi bật sẽ được thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC lần này?
Tuần lễ Cấp cao lần này có ý nghĩa quan trọng bởi 2016 là năm đầu tiên APEC triển khai nhiều chiến lược dài hạn liên quan đến tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ và hợp tác dịch vụ. Đây cũng là năm APEC tiến hành rà soát giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư đến năm 2020, hoàn tất nghiên cứu Chiến lược chung về hiện thực hoá Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. |
Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển con người”, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 28 sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chính về liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, hiện đại hoá doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển vốn nhân lực. Đây cũng là những nội dung xuyên suốt mà chủ nhà Peru cùng 20 nền kinh tế thành viên còn lại thúc đẩy trong cả năm APEC 2016.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu suy giảm, cùng với các vấn đề an ninh và môi trường tác động mạnh đến triển vọng phát triển bền vững, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà Lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về thực trạng kinh tế toàn cầu và khu vực, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng.
Các nhà Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các cách thức thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại các nền kinh tế APEC) trong chuỗi giá trị toàn cầu, xác định các mục tiêu chung nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại số, dịch vụ và kinh tế tri thức.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước, các nhà Lãnh đạo sẽ thảo luận việc phát huy vai trò của APEC như một cơ chế thúc đẩy các chính sách ứng phó với nguy cơ mất an ninh lương thực. Để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế sâu rộng tại khu vực, các biện pháp tăng cường các kết nối cứng, kết nối số, kết nối thể chế và kết nối con người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ là những nội dung được các nhà Lãnh đạo quan tâm thảo luận.
Xin Thứ trưởng cho biết việc tham gia của Đoàn Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao APEC năm nay có ý nghĩa như thế nào đối với việc Việt Nam chuẩn bị đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017?
Với tư cách chủ nhà Năm APEC 2017, việc tham dự của Đoàn Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trước hết, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động APEC trong năm 2016, đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số Uỷ ban và cơ chế quan trọng, đăng cai tổ chức thành công một số cuộc họp và hội thảo chuyên ngành của APEC.
Tại Tuần lễ Cấp cao lần này, Đoàn Việt Nam tiếp tục chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của APEC, đặc biệt trong quá trình thảo luận và xây dựng văn kiện trình các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo, làm tiền đề thúc đẩy các nội dung hợp tác ưu tiên của Năm APEC 2017.
Thứ hai, tại Tuần lễ Cấp cao Lima, Việt Nam sẽ nhận chuyển giao từ Peru vai trò chủ nhà Năm APEC 2017. Tại phiên bế mạc của Hội nghị cấp cao và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Chủ tịch nước sẽ có các bài phát biểu quan trọng về Năm APEC 2017 và mời các nhà Lãnh đạo, quan chức cùng cộng đồng doanh nghiệp khu vực tham dự các hội nghị trong Năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ giới thiệu với các đồng nhiệm APEC về chủ đề và dự kiến các ưu tiên hợp tác chính của APEC 2017. Với tư cách Chủ tịch Hội nghị các Quan chức Cao cấp APEC năm sau, tôi cũng vinh dự được mời phát biểu tại Hội nghị tổng kết của các Quan chức Cao cấp và Hội nghị Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC về quá trình chuẩn bị của Việt Nam cho Năm APEC 2017.
Thứ ba, ngoài việc tham dự các hoạt động đa phương, Chủ tịch nước và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao ta sẽ có nhiều tiếp xúc song phương quan trọng, qua đó làm sâu sắc thêm quan hệ của ta với các nền kinh tế thành viên APEC, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác đối với quá trình đăng cai Năm APEC 2017 của ta.
Cuối cùng, đây là cơ hội rất tốt để các đại diện các Bộ, ngành, địa phương tham gia tổ chức các hoạt động APEC trong năm 2017 trực tiếp khảo sát, học tập kinh nghiệm tổ chức, chủ trì các sự kiện, từ đó khẩn trương hoàn tất chu đáo công tác chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.