Ông nhận định thế nào về thực trạng và tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp khu vực Trung Đông?
Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông đã được các bên chú trọng và phát triển. Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025”, mối quan hệ giữa các bên được nâng lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu về lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư với nhiều hình thức linh hoạt và đạt được những kết quả nổi bật rất đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Hiện nay, toàn cầu đang phải đối diện khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra song quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông vẫn được chú trọng. Các bên đều đã và đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, ngân hàng… ngay sau khi đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19.
Tôi cho rằng tiềm năng và cơ hội là rất lớn cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp khu vực Trung Đông.
Tiềm năng và cơ hội được đánh giá là rất lớn, ngoài ra theo ông, đâu là những thuận lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực này?
Các quốc gia Trung Đông với lợi thế địa lý tiếp giáp với cả ba châu lục Á, Âu, Phi, là những nước giàu tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tương đối lớn, tiềm năng tài chính dồi dào. Các nước hiện cũng đang có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm may mặc, da giày, nông sản, linh kiện điện tử, thiết bị phụ tùng…
Đặc biệt, các quốc gia vùng Vịnh là thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới, do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu tới thị trường này thì sẽ có cơ hội vào được quốc gia khác trong khu vực. Đây là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam nên hướng đến trong thời gian tới.
Mặt khác, thị trường Trung Đông khá dễ tính, không đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật như những thị trường khó tính khác (chẳng hạn như EU) nên phần nào cũng là thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Thuận lợi là thế nhưng chắc hẳn khó khăn khi kinh doanh ở đây cũng không phải là nhỏ?
Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên còn có những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải tại thị trường Trung Đông.
Trước hết, đó là sự cạnh tranh gay gắt về hàng hóa giữa các quốc gia khác có lợi thế và được công nhận danh tiếng như: Gạo, ngũ cốc (Ấn Độ); chè, gia vị (Trung Quốc, Ấn Độ); nông sản (Thái Lan, Kuwait, Ấn Độ)…
"Các quốc gia vùng Vịnh là thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới, do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu tới thị trường này thì sẽ có cơ hội vào được quốc gia khác trong khu vực". |
Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất để sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa bắt kịp với xu thế mới của những nước khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp những khó khăn như: Trở ngại về khoảng cách địa lý, chia sẻ thông tin còn khiêm tốn, nhận biết và nắm bắt về thị trường còn ở mức giới hạn, tập quán kinh doanh còn khác biệt.
Là Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông nhận định thế nào về hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Việt Nam và các nước khu vực này?
Về hoạt động ngân hàng, hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã mở gần 500 quan hệ ngân hàng đại lý (Correspondent Bank) với các nước khu vực Trung Đông song chưa có bất kỳ ngân hàng thương mại Việt Nam nào có hiện diện hoặc thể hiện nhu cầu mở hiện diện tại các quốc gia khu vực Trung Đông.
Theo tôi, đây cũng là một trong những điểm khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương với các đối tác trong khu vực.
Đứng trước những khó khăn và thuận lợi đó, trong bối cảnh mới hiện nay, theo ông, cần cách tiếp cận mới như thế nào để tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông?
Để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế, năng lượng và thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông trong thời gian tới, các bên cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp.
Theo tôi, có 5 điểm mà các cơ quan quản lý Việt Nam và các nước Trung Đông cần tập trung giải quyết.
Thứ nhất, tăng cường trao đổi cấp cao để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế đi vào chiều sâu và bảo đảm tối đa lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam cũng như lợi ích của các doanh nghiệp khu vực Trung Đông.
Việc trao đổi này có thể tiến hành thông qua các cuộc tham vấn, họp ủy ban hỗn hợp, giao lưu trực tuyến để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể và tìm kiếm các cơ hội mới (đặc biệt đẩy mạnh hợp tác y tế, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay).
Thứ hai, tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông. Đây là một kênh hợp tác có hiệu quả, thông qua đó, các bên rà soát tình hình hợp tác và cùng bàn bạc, đề ra những giải pháp cụ thể cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Thứ ba, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các Bộ, ngành chức năng, các Phòng thương mại và công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp giữa các bên để hỗ trợ liên kết, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tiềm năng tại khu vực; tiếp cận các thị trường, đối tác mới; tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu, thông qua tổ chức diễn đàn, hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại.
Thứ tư, tích cực thúc đẩy, xây dựng, hoàn thiện và ký kết các khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương với khu vực, trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư của doanh nghiệp thông qua ký Nghị định thư, Hiệp định khung hợp tác, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại một số nước trong khu vực cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực làm ăn tại Việt Nam.
Thứ năm, tích cực vận động các đối tác tiềm năng của khu vực hỗ trợ và hợp tác đầu tư công (nguồn vốn hỗ trợ phát triển - ODA), hợp tác công tư, đầu tư khu vực tư nhân…
Còn doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những điều cơ bản nào khi muốn hợp tác làm ăn với đối tác Trung Đông?
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất và xuất khẩu phù hợp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến, các hội chợ, triển lãm tổ chức tại các nước trong khu vực; đồng thời đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và ngoại ngữ.
Các bên cần quan tâm phát triển công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường, từ đó nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tiềm năng và cơ hội kinh doanh tại mỗi nước.
Nắm vững tiêu chuẩn yêu cầu từ bản chất đặc trưng văn hóa của các nước khu vực Trung Đông (nước Hồi giáo). Tiêu chuẩn Halal là "chìa khóa" cho các doanh nghiệp Việt Nam vào được thị trường Trung Đông.
Để hợp tác đầy đủ, toàn diện với các doanh nghiệp khu vực Trung Đông cần phải tìm hiểu được thói quen, tập quán, tiêu chuẩn Halal là gì, người dân các nước Hồi giáo họ tiêu dùng, sinh hoạt, làm việc… như thế nào.
Qua các thông tin tôi biết, để tránh các tranh chấp, giảm thiểu thiệt hại trong giao dịch ngoại thương với các đối tác thuộc khu vực Trung Đông, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý trong khâu kiểm tra lý lịch thương nhân, khả năng tài chính của doanh nghiệp (việc này có thể thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước trong khu vực, Phòng Thương mại công nghiệp của nước sở tại)…
Được biết, ông là một trong số các diễn giả tham gia phát biểu tham luận tại Hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới” do Bộ Ngoại giao tổ chức, ngày 26/8. Ông đánh giá như thế nào về sáng kiến tổ chức Hội thảo này?
Tôi đánh giá cao sáng kiến và các nỗ lực của Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo này.
Với sự hiện diện của đại diện các bộ, ngành, các tỉnh thành, các Đại sứ/Đại biện các nước và tổ chức quốc tế, các tập đoàn/công ty, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực, các ngân hàng thương mại Việt Nam… các thông tin về cơ chế chính sách mới, nhận diện các biện pháp, tiềm năng của thị trường các bên… được trình bày, thảo luận tại sự kiện sẽ đem lại lợi ích to lớn cho các đơn vị trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, cách tiếp cận mới để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tự trực tiếp/gián tiếp từ khu vực Trung Đông, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác, tạo sinh lực mới để Việt Nam và Trung Đông tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện.
Xin cảm ơn ông!