Ngoại trưởng Argentina Diana Mondino nói rằng, nước này sẽ thay đổi chiến lược trong quan hệ với Anh. (Nguồn: Nation Word News) |
Đề xuất trên được bà Mondino tiết lộ trong buổi trả lời phỏng vấn đài phát thanh Radio Mitre về kết quả cuộc gặp mới đây với người đồng cấp Anh David Cameron tại Brazil, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 (21-22/2).
Merco Press dẫn lời Ngoại trưởng Modino nhấn mạnh: “Chúng tôi đang thay đổi chiến lược để xem liệu có thành công hơn một cuộc đối đầu hay từ chối quan hệ với Anh, vốn là những lựa chọn trước đây".
Theo bà, có thể bằng cách cùng hợp tác và có mối liên kết lành mạnh hơn, với một nền kinh tế có trật tự", mục tiêu khôi phục chủ quyền đối với các hòn đảo sẽ dễ dàng hơn".
Với chiến lược này, chính phủ Argentina đang muốn theo đuổi một giải pháp thông qua các kênh ngoại giao để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Anh, tránh các kịch bản như xung đột quân sự hoặc cắt đứt quan hệ.
Bà Mondino cho hay, cuộc gặp Ngoại trưởng Cameron “kéo dài hơn mức bình thường” và Argentina đã bày tỏ quan điểm rõ ràng “chuyến thăm hôm 18-19/2 của ông tới khu vực có tranh chấp là đáng trách”.
Buenos Aires bày tỏ mong muốn các bà mẹ Argentina có con hy sinh trong cuộc chiến kéo dài 10 tuần giữa quân đội hai nước vào năm 1982, vốn chưa từng được tới thăm mộ con tại Malvinas/Falkland, có thể đến quần đảo này.
Từ năm 1833, Buenos Aires đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Malvinas, cách bờ biển Argentina 500 km và cách bờ biển Anh tới 12.700 km, sau khi London chiếm đóng khu vực này. Từ đó tới nay, Argentina và Anh vẫn tranh chấp chủ quyền đối với Malvinas/Falkland.
Tháng 4/1982, quân đội Argentina triển khai chiến dịch tấn công quân sự nhằm chiếm lại quần đảo. Tuy nhiên, tới ngày 14/6 cùng năm, Argentina thua trận. Gần 1.000 binh sĩ cả hai bên đã thiệt mạng.
Buenos Aires và London nối lại quan hệ ngoại giao hồi tháng 2/1990 dưới thời Tổng thống cánh hữu của Argentina Carlos Menem.
Ngoại trưởng Argentina khi đó là ông Guido Di Tella cũng cố gắng thiết lập mối quan hệ thân thiện, trước tiên với các cư dân trên quần đảo và sau đó là với Chính phủ Anh thông qua Chính phủ Mỹ.
Năm 2016, cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind tiết lộ, ông Di Tella hồi năm 1997 đã đề xuất quần đảo Malvinas/Falkland được phép tuyên bố “độc lập” với cả London và Buenos Aires. Sau đó, tiến trình đàm phán đã thất bại vì Buenos Aires muốn vị trí phó thống đốc phải là người Argentina.
Hôm 19/2, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã tới quần đảo Malvinas/Falklands, thăm các khu vực nơi diễn ra xung đột vũ trang giữa hai nước năm 1982, đặt vòng hoa tại nghĩa trang chôn cất những người tử nạn khi đó cũng như gặp gỡ cư dân sống trên quần đảo.
Trước khi tới Malvinas, ông Cameron khẳng định, London cam kết bảo vệ quyền tự quyết của các công dân sinh sống tại quần đảo này, nhấn mạnh rằng, Malvinas/Falklands là một phần lãnh thổ giá trị của Hoàng gia Anh và sẽ không tranh luận về chủ quyền của quần đảo.