📞

Tìm "đơn thuốc" xử lý nợ xấu

12:47 | 29/09/2012
Đi kèm với quá trình tăng trưởng nhanh của nền kinh tế thời gian qua là tỷ lệ nợ xấu không ngừng tăng theo. Giải pháp xử lý nợ xấu đã được bàn luận nhiều nhưng chưa thống nhất.
Ảnh minh họa

202.000 tỷ đồng nợ xấu có đáng lo ngại không?

Tại Hội thảo "Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam", nợ xấu - vấn đề bức bách trong nền kinh tế Việt Nam đã được đưa ra "chẩn để trị", nhằm giải quyết sớm thì mới có thể khơi thông được dòng vốn, phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp, đẩy đà tăng trưởng kinh tế đất nước.

Số liệu về nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đầu tháng 7/2012 cho thấy: Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 3/2012 là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Con số này vượt xa con số 117.000 tỷ đồng trong báo cáo của chính các TCTD (chỉ hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ) . Còn theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng, đến cuối tháng 3/2012 trong hơn 1 triệu khách hàng vay vốn được chọn mẫu khảo sát tại 57 TCTD của Việt Nam có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên. Như vậy, dù là con số nào thì số nợ xấu của Việt Nam đều không nhỏ.

Theo nguyên Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng - Dương Thu Hương, không phải bây giờ mới được chú ý, dẫn đến tình trạng trên là cả một quá trình kinh tế khó khăn từ năm 2008 đến nay, quan trọng là chúng ta nhìn nhận và đánh giá, xử lý nó như thế nào. Và vấn đề quan trọng khác là cần tính tới cả nợ đã được giãn, đảo để xác định được các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nợ xấu gia tăng được PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank đưa ra là năng lực quản trị rủi ro yếu tại mỗi ngân hàng dẫn đến quyết định cho vay, phân loại nợ chưa chính xác. Hay tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp là báo cáo tài chính không kịp thời, không chính xác cũng đã gây không ít khó khăn cho ngân hàng. Vì thế, một số khoản vay ra khỏi ngân hàng, bản chất đã là nợ xấu, không cần phải đợi đến khi không trả được nợ. Biết vậy, nhưng ngân hàng không dễ ngăn chặn được. Nợ xấu còn nằm ở dạng "chuyển vốn cho vay thành vốn góp", khoản nợ này không chỉ "rất xấu" mà còn nguy hiểm ở chỗ đôi khi chỉ tồn tại trên sổ sách của con nợ và chủ nợ. Ngoài ra, nợ xấu còn có nguyên nhân sâu xa từ đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng và khách hàng.

Đơn thuốc nào hữu hiệu?

Nợ xấu hiện nay đang được xử lý theo một số cách, mà các chuyên gia cho rằng có thể "tiền mất mà tật vẫn mang". Phải chăng mọi thứ đang được giải quyết theo kiểu "lửa cháy ở đâu thì dập ở đấy" chứ không tìm nguyên nhân gây cháy. Chẳng hạn, xử lý qua mua bán nợ, nếu thiếu kiểm tra, giám sát mua bán nợ tại những công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại sẽ dẫn đến bản cân đối ngân hàng "không thật". Tức là nợ xấu sạch nhưng bản chất vẫn giữ nguyên, càng làm méo mó thị trường vốn. Đưa nợ xấu cho công ty khai thác, quản lý vốn của Bộ Tài chính xử lý cũng chưa phải cách tốt nhất, bởi nguồn nợ của ngân hàng rất lớn và phức tạp, doanh nghiệp không đủ năng lực sẽ khó thực hiện…

Một năm qua, chúng ta đã bàn về xử lý nợ xấu mà chưa đưa ra kết quả. Điều quan trọng nữa, theo TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- xử lý nợ xấu ngân hàng khó nhất là phải vượt qua được lợi ích nhóm, những nhóm lợi ích liên quan đến siêu lợi nhuận, cũng như việc thay đổi tư duy.

Việc thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) được nhắc đến nhiều nhất nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng đông đảo chuyên gia cho rằng, với kinh nghiệm và mô hình của Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) hiện đang có hiệu quả thì nên thay việc thành lập AMC mới bằng việc tăng lực cho DATC. Vì xử lý nợ xấu không nên lấy lợi nhuận làm trọng mà phải dựa trên nguyên tắc bảo toàn vốn là chủ yếu…

Kinh nghiệm của các nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy, họ đã thành lập công ty quản lý tài sản tập trung để xử lý nợ, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Một đặc điểm chung của 4 công ty này là tất cả đều được Chính phủ tài trợ vốn, tổ chức tập trung hơn là sử dụng mô hình chỉ dựa vào ngân hàng. Hầu hết các công ty quản lý tài sản ở các nước Châu Á chỉ hoạt động trong một số năm nhất định. Các công ty này cũng có quyền hạn đặc biệt để cắt giảm một số thủ tục pháp lý.

Thu Thủy

3 bước cơ bản được đề xuất để xử lý nợ xấu

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn cho các ngân hàng và định chế tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng.

Thứ hai, thành lập công ty quản lý tài sản hoặc công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu. Cơ quan này sẽ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng, sau đó xử lý để bán lại các khoản nợ đã mua này.

Thứ ba, tạo ra một cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay nhằm thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như: thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng và điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng.