Chỉ trong thời gian ngắn, người dân ở xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn (Lào Cai) có tới hơn 600 ha quế. Năm trước, tại xã này đã có 9 vụ trồng quế trên đất rừng tự nhiên buộc phải xử lý hình sự, 46 hộ dân bị xử lý hành chính. Điều này đang đặt ra câu hỏi về việc Lào Cai có phát triển “nóng” cây quế?
Hợp tác xã quế hữu cơ Chiến Thắng thu mua bao tiêu sản phẩm quế Nậm Đét, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN) |
Lo ngại không đảm bảo chất lượng
Trước hết phải khẳng định, quế là cây góp phần xóa đói giảm nghèo chủ lực cho bà ở Lào Cai, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chính bởi giá trị mang lại cao nên diện tích trồng quế ở địa phương đã được mở rộng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, năm 2010 diện tích trồng quế trên địa bàn khoảng 4.000 ha, giai đoạn 2015-2020 tỉnh đặt mục tiêu 20.000 ha quế. Tuy nhiên, đến năm 2020 tỉnh đã thực hiện được 42.000 ha, trong đó có 3.500 ha quế hữu cơ.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai và Nghị quyết 10 của tỉnh ủy Lào Cai cũng xác định quế là một trong các ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Do vậy để phát triển cây quế, Lào Cai đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến các sản phẩm quế.
Tuy nhiên, điều đáng nói là vài năm trước, khi giá chè búp tươi không ổn định, nhiều hộ dân ở Lào Cai đã trồng quế xen trên nương chè. Lãnh đạo xã Nậm Tha cho biết: Dân cứ trồng, quản lý không thường xuyên được, vì ở trong vùng sâu, vùng lõi. Dân cứ phát trộm, đến khi phát hiện thì họ đã trồng rồi.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định: Việc trồng quế trên nương chè cần phải xem xét lại, vì quế là cây có tinh dầu. Bên cạnh đó, với mật độ hiện nay bà con trồng quá dày thì sản lượng và năng suất chè cũng như quế sẽ không đảm bảo.
Việc gia tăng sản lượng nhanh chóng, trong khi thị phần thị trường truyền thống đang tiến tới điểm ngưỡng cũng được nhận định đang là những yếu tố cản trở sự phát triển cây quế tại Lào Cai.
Nâng cao chuỗi giá trị để tiếp cận thị trường xuất khẩu
Hiện nay, Lào Cai đã xuất khẩu trực tiếp mặt hàng quế sang 9 thị trường, trong đó có 3 nước ASEAN là Singapore, Thái Lan, Malaysia, cùng với Ấn Độ, Bangladesh, Qatar, Lebanon, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Song chủ yếu vẫn là các sản phẩm quế vỏ nguyên liệu và tinh dầu có giá trị thấp, rất ít tinh dầu được xuất khẩu sang thị trường cao cấp như EU, Mỹ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, mặc dù thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cây quế nhưng địa phương còn gặp không ít khó khăn.
Có thể kể đến chất lượng nguồn giống chưa cao, giống có chất lượng di truyền được cải thiện ở mức độ thấp. Hệ thống rừng giống trồng chưa có, kỹ thuật sản xuất cây con chủ yếu là người dân sử dụng kiến thức bản địa, kinh nghiệm lâu năm, chưa có kỹ thuật gieo ươm chính thống, diện tích rừng đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ còn chiếm tỷ lệ thấp...
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm (vỏ, lá) phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Người dân thường trồng theo phong trào dẫn đến không phát huy được sức mạnh tập thể, bị thương lái chèn ép về giá.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng quế chưa có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với người dân... trong khi rừng quế lại chưa có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Điều đáng nói, đối với quế và sản phẩm quế hiện nay chúng ta chưa có khái niệm hữu cơ. Chế biến sâu mới dừng ở sản xuất tinh dầu. Ngoài ra, các khâu liên quan đến logistics, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn tác động đến sự phát triển của ngành hàng.
Để ngành hàng quế phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, Lào Cai cần xác định thị trường sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường; có cơ chế chính sách phù hợp và làm tốt công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân.
Bà con vùng dân tộc thiểu số tại Lào Cai thu hoạch quế. (Nguồn: Infonet) |
Đồng thời cần có sự tham gia của doanh nghiệp, vì đây sẽ là cầu nối giữa hợp tác xã và thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tạo sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ.
Được biết, tỉnh Lào Cai đang tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các xu thế phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm quế sau chế biến theo hướng khuyến khích sản xuất, xuất khẩu đến các thị trường khó tính, tập trung vào thị trường Mỹ và các nước châu Âu.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ duy trì hoạt động của các cơ sở chế biến hiện có, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng cơ sở chiết xuất tinh dầu quế, cụ thể: Gồm 1 nhà máy chế biến sâu tinh dầu quế với công suất trên 500 tấn tinh dầu/năm; 2 nhà máy chế biến sâu vỏ quế, công suất trên 10.000 tấn. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục nâng công suất chế biến của cơ sở chế biến quế trên địa bàn. |
| Thúc đẩy thực hiện quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền ... |
| Đổi thay ở Mường Trai Cuộc sống của người dân ở xã vùng cao Mường Trai (Mường La, Sơn La) ngày càng khởi sắc rõ nét. Giờ đây, người dân ... |