📞

Tìm hướng đi cho nền kinh tế tăng trưởng xanh

08:04 | 03/11/2014
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề "Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế" vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng, nếu tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì cái giá phải trả trong tương lai là rất lớn.
Quảng Ninh đang chuyển con đường phát triển kinh tế "từ nâu sang xanh". (Ảnh minh họa).

Con đường tất yếu

"Tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh" là những cụm từ mà ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đánh giá về tiềm năng và vị thế của tỉnh mình. Bên cạnh thành tựu về kinh tế, tiềm năng lại đang trở thành thách thức khi bất cập từ cơ cấu bất hợp lý phát triển chưa bền vững, chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn và nhân công giá rẻ (năm 2011- 77% thu nội địa là từ than và đất) đang buộc Quảng Ninh phải tái cơ cấu, chuyển sang con đường phát triển kinh tế "từ nâu sang xanh".

Từ câu chuyện của Quảng Ninh cho thấy việc lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh đang là con đường tất yếu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chỉ rõ, tăng trưởng xanh không còn là một xu hướng mà trở thành một lựa chọn sống còn không chỉ của riêng mỗi quốc gia mà của cả thế giới. Việc quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh là yêu cầu tự thân của nền kinh tế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, việc kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu với sự gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế là điểm nhấn.

"Nếu nhận thức tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì giá phải trả trong tương lai là rất lớn, đây là mối quan hệ có tính đánh đổi. Nếu muốn tăng trưởng nhanh, sẽ chỉ được cái trước mắt trong ngắn hạn, nhưng về mục tiêu lâu dài sẽ không đạt được. Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, nếu không gắn với tăng trưởng xanh thì tái cơ cấu chỉ là tạm thời, rồi 5-10 năm nữa lại phải xem lại tái cơ cấu kinh tế", ông Đông nhấn mạnh

Lựa chọn đầy thách thức

Là con đường tất yếu, nhưng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lựa chọn tăng trưởng xanh là một lựa chọn đầy thách thức. Nhấn mạnh về những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt, ông Thiên nhận định, vấn đề nằm ở sự bất hợp lý trong quá trình phân bổ nguồn lực. Trước đây, chúng ta đã định hướng nền kinh tế phát triển theo hướng khai thác vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác sức lao động giá rẻ, chạy theo làm thuê, lắp ráp mà chưa hướng vào phát triển những ngành có đẳng cấp công nghệ cao hơn cho đất nước.

Bên cạnh đó, chúng ta mới chỉ tập trung ở những cơ chế ưu đãi mà chưa tạo ra những điều kiện hạ tầng, vật chất kỹ thuật và thể chế tốt để tạo nên sự bứt phá. Điều này chỉ hợp với các doanh nghiệp FDI nhỏ, không có chiến lược lâu dài đầu tư cho tăng trưởng xanh. Còn với các nhà đầu tư lớn chiến lược, có năng lực về tăng trưởng xanh thì lại chưa thực sự hấp dẫn. "Ưu tiên cao nhất phải là thể chế. Thể chế đàng hoàng, hạ tầng cơ sở tốt thì đầu tư mới đột phá. Phải tạo những ưu đãi như làm tổ cho chim phượng hoàng chứ không phải là làm tổ cho gà", ông Thiên ví von.

Theo ước tính của Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT) cần 30 tỷ USD từ nay đến năm 2020 để thực hiện các biện pháp, kịch bản giảm phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thực hiện tăng trưởng xanh. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ đóng góp 30%, còn lại 70% là của khu vực tư nhân. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Làm thế nào để huy động được 70% nguồn vốn này từ khu vực tư nhân?

Vụ trưởng Phạm Hoàng Mai cho biết, trong quá trình học tập kinh nghiệm của các nước để xây dựng mô hình cho Việt Nam, thì không có mô hình nào phù hợp. "Việt Nam cần có một mô hình riêng, đó là quá trình thúc đẩy tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, thông qua đầu tư và đổi mới công nghệ, từ đó góp phần cho việc ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Đó là điểm khác biệt về tăng trưởng xanh của Việt Nam so với các nước trên thế giới.", ông Mai nói.

Xuân Thành