TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam "khát" nguồn nhân lực cho phát triển đô thị | |
Nhân lực đón đầu kỷ nguyên số |
Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Cũng theo báo cáo này, so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Vừa thiếu, vừa yếu
Còn Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, 69% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang vấp phải khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, DN FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Vì vậy, DN phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới, mức độ chi tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2013, chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh, năm 2014 tăng lên 5,9%, năm 2017 là 5,7%.
Cùng quan điểm nêu trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù 60% số doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, nhưng đầu tư là do thể chế ổn định, quy mô thị trường lớn chứ lao động Việt Nam chỉ được DN đánh giá là “đông và giá rẻ”.
Như một hệ quả của việc thiếu lao động chất lượng cao, kết quả khảo sát của Tổ chức giáo dục Cloud Learning System ở gần 40 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và hơn 20 Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất trong năm 2017 cho thấy, xu hướng các DN tại Việt Nam sử dụng lao động nước ngoài đang tăng lên, trong đó gần 50% lao động phổ thông và gần 45% có trình độ đại học trở lên.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0. Theo đó, những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu tác động lớn, nguy cơ thất nghiệp cao do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Mặt khác, trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Áp dụng công nghệ, đào tạo theo đặt hàng
Trong một hội thảo gần đây, ông Vũ Tiến Lộc cũng đã từng nhận định, tác động kép của hội nhập và CMCN 4.0 đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Nâng cao chất lượng nguồn lao động là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới. Vì vậy, “cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là yêu cầu quan trọng hiện nay”.
Các trường cần chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn. Chuyển mạnh từ đào tạo chủ yếu theo “cung” sang đào tạo theo “cầu” của DN. “Trong việc cải cách đào tạo nguồn nhân lực thì vai trò DN rất quan trọng. DN không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục”, ông Vũ Tiến Lộc nói. Hiện VCCI cũng đã kết nối cùng Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi các DN hợp tác trong việc cải cách hệ thống giáo dục. Đặc biệt thay đổi tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề ở Việt Nam theo 6 hướng đồng hành, hợp tác.
Theo ông Lộc, 6 hướng đó là: DN là người dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo; DN tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở; DN tham gia giảng dạy; DN là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo; DN cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo; là nơi tiếp nhận và sử dụng nguồn lao động.
Mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng giúp DN chủ động nguồn nhân lực theo đúng yêu cầu, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nhà trường có điều kiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhập các công nghệ tiên tiến hiện đại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các DN. Còn sinh viên thì không phải lo lắng về tài chính, được học tập kiến thức sát thực tế của chính DN, nơi họ sẽ gắn bó lâu dài, được đào tạo kỹ năng mềm, văn hóa DN và được đảm bảo chắc chắn có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường cũng cần áp dụng các giải pháp công nghệ để đào tạo, nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với nội hàm của cuộc CMCN 4.0, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào trong hoạt động đào tạo trực tuyến (E-learning) được xem là một trong những giải pháp không chỉ có ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn giải quyết bài toán nhân sự của các DN một cách hiệu quả.
Như vậy, rõ ràng, trong bối cảnh CMCN 4.0, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội. Nói như TS. Nguyễn Minh Phong, nhân lực chất lượng cao là “nguồn vốn” lớn nhất, cũng là “nguồn vốn” lâu dài, bền vững nhất cho DN. Và, để không lỡ “chuyến tàu” CMCN 4.0, ngay từ lúc này, DN cần đầu tư ngay vào “nguồn vốn” bền vững này.
Doanh nghiệp Nhật đang nhắm đến nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam Ngày 29/8, tại Hà Nội, Ngày Công nghệ Thông tin (CNTT) Nhật Bản 2018 (Japan ICT Day) đã chính thức khai mạc với chủ đề ... |
Tiêu chí trở thành người lao động 4.0 Công nghệ số đã và đang tác động trực tiếp, sâu rộng tới phương thức sản xuất cũng như người lao động. Người lao động ... |
Kỷ nguyên số cần tiếp cận từ người dân Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, dù đang ở giai đoạn đầu, đã bùng nổ. Bởi vậy, vấn đề đào tạo Nguồn nhân lực trong ... |