📞

Tìm thấy bằng chứng mới trên Mặt trăng về tác động khiến khủng long tuyệt chủng

08:04 | 30/09/2022
Khoảng 66 triệu năm trước, khủng long đã thống trị Trái đất trong suốt thời gian dài và phát hiện mới mang lại cái nhìn sâu sắc về quá trình tiến hóa trên hành tinh của chúng ta.
Khoảng 66 triệu năm trước, khủng long thống trị Trái đất nhưng sau đó đã tuyệt chủng. (Nguồn: Reddit)

Nhưng sau đó, những cuộc "tấn công" của các tiểu hành tinh đã tác động mạnh mẽ tới nhiều khu vực trên Trái đất, gây ra động đất, sóng thần, cháy rừng, thậm chí cả mưa axit, và khiến loài khủng long "tận diệt".

Một phát hiện mới cho thấy những tác động diễn ra khi Trái đất trải qua thời kỳ tiền sử không phải là những sự kiện riêng lẻ. Thay vào đó, những tiểu hành tinh đồng thời gây ảnh hưởng tới cả Mặt trăng.

GS. Alexander Nemchin, nhà khoa học từ Trung tâm Khoa học và Công nghệ Không gian của Đại học Curtin (SSTC), Australia cho biết bề mặt của Mặt trăng có hơn 9.000 miệng núi lửa.

Đây chính là bằng chứng của những vụ va chạm với thiên thạch trong quá khứ, mà một trong số chúng có thể đã cướp đi sự sống của loài khủng long trên Trái đất.

Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu tại SSTC đã dành nhiều thời gian để phân tích các hạt thủy tinh cực nhỏ nằm trong mẫu đất Mặt trăng, do tàu Thường Nga 5 (Chang'e-5) mang về vào năm 2020.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy những hạt thủy tinh nhỏ bé này được tạo ra bởi sức nóng và áp suất cực lớn do các cuộc "tấn công" của thiên thạch.

Dựa trên cấu trúc phân tử và thành phần của chúng, các nhà nghiên cứu có thể vẽ lại lịch trình của những đợt công kích Mặt trăng diễn ra cách đây hàng chục triệu năm.

Điều thú vị là dòng thời gian của những sự kiện này dường như trùng khớp với giai đoạn Trái đất hứng chịu những trận mưa thiên thạch và loài khủng long dần biến mất.

"Tuổi của một số hạt thủy tinh trên Mặt trăng cho thấy chúng được tạo ra cách đây khoảng 66 triệu năm, vào đúng thời điểm tiểu hành tinh khổng lồ lao vào Trái đất, tạo thành Hố Chicxulub (nằm tại Vịnh Mexico, gần Bán đảo Yucatán của Mexico), và tận diệt loài khủng long", GS. Alexander cho biết.

Tác động trên đã dẫn đến sự kiện được gọi là tuyệt chủng kỷ Phấn trắng - kỷ Paleogen, giết chết 3/4 sự sống trên Trái đất, bao gồm đa số các loài khủng long đang sinh sống.

Nếu lập luận này là chính xác, các nhà nghiên cứu cho rằng sự phân bố dựa trên tần suất và khung thời gian của những tác động lên Mặt trăng có thể cung cấp thông tin có giá trị về điều tương tự từng xảy ra ở Trái đất, thậm chí là các hành tinh khác nằm trong Hệ Mặt trời.

Phân tích cũng có thể tiết lộ về những yếu tố gây ảnh hưởng đến sự sống, cũng như mang lại cái nhìn sâu sắc về quá trình tiến hóa trên hành tinh của chúng ta.

(theo Dân trí)