Nhỏ Bình thường Lớn

Tìm thấy hóa thạch động vật có vú đầu tiên trên thế giới

Hóa thạch vừa được tìm thấy ở Las Hoyas Quarry (Tây Ban Nha), có niên đại khoảng 125 triệu năm, được coi là hóa thạch về động vật có vú lâu nhất được tìm thấy từ trước đến nay. Đây là hóa thạch của loài Spinolestes xenarthrosus, một loài động vật gặm nhấm châu Phi.
Hóa thạch thuộc loài Spinolestes xenarthrosus. (Nguồn: Value Walk)

Các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Autonomous (Madrid - Tây Ban Nha), Đại học Bonn (Đức) và Đại học Chicago (Hoa Kỳ) cho biết: Đây là hóa thạch quý hiếm, được khai quật và bảo quản tốt nhất trong các hóa thạch được tìm thấy trong thời kỳ Đại Trung Sinh (hay còn gọi là "Thời đại của Khủng long" - theo tên gọi chung của các loài động vật phổ biến nhất trong đại địa chất này).

Các nhà nghiên cứu ước tính, một con Spinolestes trưởng thành nặng khoảng 50-70 gram, dài khoảng 24cm, sống trên mặt đất và có khả năng đào bới. Đặc biệt, các hóa thạch được tìm thấy nguyên vẹn đến mức các nhóm nghiên cứu có thể dễ dàng nhận thấy các lỗ chân lông da và mô mềm của gan và phổi của con vật. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, loài động vật có vú này ăn côn trùng và có một lối sống tương tự như loài nhím ngày nay.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy một số nghi vấn như những sợi lông trên thân con vật bị cắt ngắn một cách bất thường và dự đoán, đó có thể là một dấu hiệu của bệnh nấm da.

Nhà cổ sinh vật học Thomas Martin (Đại học Bonn) chia sẻ: “Việc phát hiện ra hóa thạch Spinolestes vô cùng thú vị đối với tôi, bởi nó cung cấp những thông tin mà chúng tôi tin rằng rất khó có cơ hội tìm thấy lần hai".

Theo các nhà khoa học, cách đây khoảng 125 triệu năm, Las Hoyas Quarry - nằm ở phía Đông Tây Ban Nha, từng là một vùng đất ngập nước tươi tốt, với sự đa dạng sinh học của kỷ địa chất Phấn trắng.

M.H (theo Nycity Today)