Theo tờ Sydney Morning Herald ngày 15/6 cho biết, đội thám hiểm đã vượt qua khu rừng rậm nguy hiểm đầy bom mìn của vùng Siem Reap, nơi có quần thể đền Angkor Wat, đền Hindu lớn nhất thế giới ở Tây bắc Campuchia để tiến sâu vào bên trong và cẩn thận bóc tách từng lớp cành cây đan xen chi chít phủ kín để tìm ra thành phố Mahendra Parvata. Theo nhóm nghiên cứu, di chỉ thành phố Mahendra Parvata mất tích cách đây 1.200 năm được cho là nơi hình thành nên đế quốc Angkor năm 802 trước Công nguyên. Di tích này được phát hiện trong chuyến thám hiểm vùng Siem Reap của Campuchia, do nhà khảo cổ học người Pháp Jean-Baptiste Chevance dẫn đầu.
Đoàn thám hiểm đã sử dụng thiết bị "Lidar" gắn vào một chiếc máy bay trực thăng quần thảo trên ngọn núi Phnom Kulen, phía bắc đền Angkor Wat trong suốt 7 ngày. Hàng tỷ xung lazer được bắn vào khu vực cần thăm dò như một máy cảm biến được gắn ngay tại đó. Quá trình này sẽ giúp vẽ ra một bức tranh phức tạp gần như hoàn chỉnh về địa hình ở khu vực này. Thiết bị Lidar cho phép nhóm khảo cổ học nhìn thấy những cấu trúc vuông vắn, bản đồ hoàn chỉnh của thành phố Mahendra Parvata, điều mà họ chưa thể thực hiện sau nhiều năm nhọc nhằn nghiên cứu địa bàn. Trước đây loại thiết bị này đã được sử dụng trong quá trình phát hiện ra di tích vòng tròn đá cổ Stonehenge (Anh) và các di chỉ của người Maya tại vùng Trung Mỹ. Tờ Herald mô tả chuyến tìm kiếm quần thể di tích trên đầy gian nan khi các nhà khoa học phải vượt núi, vượt đầm trên xe máy. Các thành viên trong đoàn đã thề giữ bí mật cho đến khi phát hiện được đánh giá đầy đủ về mặt dữ liệu.
Điều thú vị là nhờ có thiết bị trên, các nhà khảo cổ đã thu về tọa độ vệ tinh giúp phát hiện ra rằng: Mahendra Parvat, di tích có niên đại trước Angkor Wat 350 năm tuổi, còn có hơn 20 ngôi đền và một hệ thống kênh mương và đường đi cổ xưa trong thành phố. Ông Chevance, Giám đốc Quỹ Khảo cổ học và Phát triển đặt tại London, kể với tờ Sydney Morning Herald rằng tài liệu cổ từng đề cập đến thành lũy trong núi Phnom Kulen này, cách 40km về phía bắc của Angkor Wat, nhưng chưa biết đích xác cấu trúc của nó. “Nay từ các dữ liệu mới, chúng ta đã biết chắc là thành phố này đã được kết nối bằng đường bộ, kênh mương, đê điều” - ông hào hứng mô tả.
Qua các hình ảnh thu thập được, ông Damian Evans, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Campuchia của Đại học Sydney kết luận, khu vực di chỉ thành phố Mahendra Parvata hoàn toàn không còn thảm thực vật. “Một lý thuyết mà chúng tôi đang xem xét là tác động môi trường nghiêm trọng của nạn phá rừng và sự phụ thuộc vào quản lý nguồn nước dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh tại đây... Có lẽ thành phố đã phát triển quá thành công đến mức không thể quản lý được sau đó”, ông Evans cho biết.
Phát hiện được cho là kỳ thú trong thế kỷ 21 này sẽ được công bố trong cuốn kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia của Mỹ. Theo ông Damian Evans, phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội ngày nay.
Minh Ngọc