Tính tới hết ngày 10/9, số người mắc Covid-19 tại ASEAN là 529.997. (Nguồn: AP) |
Số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh, Indonesia và Myanmar siết chặt phòng dịch
Tính tới hết ngày 10/9, số người mắc Covid-19 tại ASEAN là 529.997, trong đó 12.787 người tử vong. Trong ngày 10/9, ASEAN ghi nhận 7.917 ca mắc tại 6 quốc gia và 202 ca tử vong tại 3 quốc gia.
Hai quốc gia có số ca mắc cao nhất trong ngày 10/9 tại ASEAN vẫn là Philippines và Indonesia, đều trên 3.600 ca. Tiếp đó là Myanmar với 120 ca. Số ca mắc tại Myanmar có xu hướng giảm trong mấy ngày gần đây, nhưng số ca mắc/ngày vẫn ở mức ba con số.
Ngày 10/9, số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy có thêm 3.861 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 207.203 ca. Số ca tử vong cũng tăng 120 ca lên 8.456 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Tại Thủ đô Jakarta, trên 1.000 ca mắc Covid-19 ghi nhận mỗi ngày trong tháng 9. Các bác sĩ cảnh báo tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát và các phòng chăm sóc tích cực gần như hoạt động hết công suất. Theo chính quyền thành phố Jakarta, tỷ lệ kín chỗ tại các phòng cách ly ở 67 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện là 77%, trong khi con số này ở các phòng chăm sóc tích cực là 83%. Người phát ngôn của Hiệp hội Y tế Indonesia - Halik Malik đánh giá gánh nặng đối với hệ thống y tế ở Jakarta là rất lớn.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 10/9, Myanmar đã siết chặt các biện pháp phong tỏa ở Yangon, thành phố lớn nhất nước này với khoảng 5 triệu dân, sau khi phát hiện thêm 120 ca bệnh trên cả nước, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Theo đó, nhà chức trách Myanmar đã gia hạn lệnh ở nhà tại gần 50% số khu vực ở thành phố Yangon, nơi ghi nhận phần lớn số ca mắc mới. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ và nhà máy vẫn được phép mở cửa và người lao động được miễn trừ lệnh trên.
Hiện Myanmar có tổng cộng 2.009 ca mắc Covid-19, trong đó có 14 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện tăng gấp 4 lần so với thời điểm một tháng trước. Tình hình dịch diễn biến phức tạp buộc nhà chức trách phải ra lệnh đóng cửa trường học trên toàn quốc và tái áp đặt các hạn chế.
Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 3.821 ca mới, mức cao nhất trong 11 ngày qua và 80 ca tử vong mới. Như vậy, tính đến nay, nước này có 248.947 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.066 ca tử vong. Số ca bình phục hiện là 186.058 ca.
Thủ đô Manila tiếp tục là tâm dịch ở Philippines, ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày 10/9 ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch, với 2.079 ca. Tính đến thời điểm này, Philippines đã tiến hành hơn 2,76 triệu lượt xét nghiệm Covid-19. (TTXVN/TGVN)
Indonesia kêu gọi thúc đẩy quan hệ ASEAN-Mỹ
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 10/9 khẳng định, Jakarta và ASEAN cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác tốt đẹp với Washington.
Theo Ngoại trưởng Retno, trong suốt nhiều thập kỷ qua, Mỹ là một trong những đối tác chính của ASEAN. Mối quan hệ đối tác tốt đẹp này là bình đẳng, ổn định và mang lại lợi ích cho người dân Mỹ cũng như ASEAN.
Bà Retno nhấn mạnh, Indonesia hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác phát triển, đối tác duy trì hòa bình và ổn định và có thể tiếp tục duy trì các chuẩn mực, giá trị và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi ASEAN và Mỹ thiết lập hợp tác lâu dài nhằm xây dựng khả năng ứng phó y tế trong khu vực, thông qua một mạng lưới rộng lớn hơn hoặc tăng cường mạng lưới giữa các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
Nhận định, vaccine Covid-19 là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” và là “niềm hy vọng của xã hội”, Ngoại trưởng Retno mong muốn ASEAN và Mỹ cùng hợp tác phát triển, sản xuất và phân phối vaccine. Ngoại trưởng Retno cũng bày tỏ hy vọng, ASEAN và Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò là đối tác thực sự vì hòa bình và ổn định trong khu vực. (TTXVN/Jakarta Post)
Những yếu tố bên ngoài làm cho hợp tác nội khối ASEAN ngày càng quan trọng. (Nguồn: ASEAN Post) |
Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nội khối
Những yếu tố bên ngoài làm cho hợp tác trong nội bộ ASEAN trở nên ngày càng quan trọng hơn. Đó là nhận định của Tiến sỹ Malcolm Cook - chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS).
Tiến sỹ Malcolm Cook cho rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, những vấn đề như đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, cạnh tranh nước lớn có ảnh hưởng rất lớn đến chương trình nghị sự của ASEAN. Ông nhấn mạnh, những điều kiện bên ngoài này khiến hợp tác trong nội bộ ASEAN trở nên ngày càng quan trọng hơn.
Theo Tiến sỹ Malcolm Cook, việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ là một tín hiệu tốt cho thấy ASEAN có thể thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực lớn hơn vào thời điểm không thể có được điều này thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy những nỗ lực chung của khu vực nhằm đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, đặc biệt là đại dịch Covid-19, Tiến sỹ Malcolm khẳng định, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ của Chủ tịch ASEAN trong đại dịch Covid-19. Việt Nam đã góp phần hỗ trợ các cơ chế ASEAN và ASEAN+ để giúp giải quyết các tác động của đại dịch trong khu vực, đồng thời tiếp tục đạt được tiến bộ trong những sáng kiến cốt lõi của ASEAN như RCEP. Ông nhấn mạnh Việt Nam đã được trao một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và cho đến nay Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ này. (TTXVN/TGVN)
ADB cấp 500 triệu USD hỗ trợ Philippines phòng chống thiên tai
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 10/9 đã thông qua khoản vay ưu đãi trị giá 500 triệu USD nhằm giúp Philippines tiếp cận nhanh chóng với nguồn tài chính khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa do thiên tai hoặc dịch bệnh gây ra.
Trong một tuyên bố, Phó chủ tịch ADB Ahmed Saeed cho biết, Philippines đã phải hứng chịu một số thảm họa lớn trong những năm gần đây, bao gồm bão Haiyan vào năm 2013, vụ phun trào núi lửa Taal vào tháng 1/2020 và đại dịch Covid-19 đang xảy ra. Công cụ tài trợ thiên tai dự phòng mới này sẽ giúp chính phủ quản lý các rủi ro tài chính do những cú sốc đó gây ra và giảm bớt tác động kinh tế và xã hội đối với sinh kế của người dân và kinh tế đất nước.
Nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương, Philippines là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, trong đó nhiều núi lửa hoạt động, thường xuyên xảy ra động đất và trung bình có 20 cơn bão mỗi năm kèm theo lũ lụt và lở đất.
Ngân hàng đa phương có trụ sở tại Manila này cho biết, các thảm họa thiên tai khiến Philippines thiệt hại từ 0,7-1% GDP mỗi năm, trong đó khoảng 43,5 tỷ Peso (gần 890 triệu USD) là do động đất và khoảng 133 tỷ Peso (gần 2,7 tỷ USD) do bão.
Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính khu vực Đông Nam Á của ADB Benita Ainabe cho biết, Chương trình nâng cao khả năng chống chọi thiên tai sẽ hỗ trợ các cải cách chính sách nhằm đảm bảo cho Chính phủ nhanh chóng giải quyết nhu cầu của những khu vực dân cư bị ảnh hưởng sau thảm họa, đồng thời giúp tăng cường khả năng ứng phó tổng thể của Philippines đối với các thảm họa và đại dịch. (THX)