Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh tới các nền kinh tế ASEAN. (Nguồn: ASEAN Post) |
ADB chi 200 triệu USD cho hỗ trợ chống dịch Covid-19
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chi 200 triệu USD cho các công ty sản xuất và phân phối vật tư cần thiết tại Đông Nam Á cho cuộc chiến chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19.
Ngân hàng ADB đã đóng cửa trụ sở tại Manila vào ngày 13/3 và yêu cầu nhân viên tạm thời làm việc tại nhà sau khi biết rằng một vị khách đến văn phòng đã xét nghiệm và dương tính với Covid-19.
“An toàn của nhân viên, khách đến ngân hàng và gia đình họ là vô cùng quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đang cung cấp hỗ trợ cho các nhân viên tương tác với khách hàng thông qua mạng Internet”, ông Deborah Stokes, Phó Chủ tịch quản trị và quản lý doanh nghiệp của ADB cho biết.
ADB cho biết họ sẽ quyết định gói hỗ trợ một cách cụ thể khi mở cửa trụ sở trở lại vào vài ngày tới. Vào ngày 7/2, ADB đã đóng góp 2 triệu USD để tăng cường phát hiện và ngăn chặn Covid-19 tại Trung Quốc và Tiểu vùng sông Mekong (GMS).
ADB cũng đã ký khoản vay cho vay khoảng 18,6 triệu USD với một nhà phân phối dược phẩm có trụ sở tại Vũ Hán để hỗ trợ tiếp tục cung cấp thuốc và thiết bị bảo vệ cá nhân. Được thành lập vào năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
(AEC News Today)
Đông Nam Á sẽ thâm hụt ngân sách nếu ngành du lịch điêu đứng vì Covid-19
Đại dịch Covid-19 đang làm lộ ra sự mong manh của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Khi du lịch xuyên biên giới chững lại sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid -19 là đại dịch, hãng Nikkei (Nhật Bản) ước tính rằng 8 trong số 10 quốc gia thành viên của ASEAN sẽ bị thâm hụt ngân sách nếu số lượng khách du lịch nước ngoài giảm một nửa trong năm 2020.
Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch trong và ngoài nước, du lịch ở một số nước ASEAN đã đóng góp 13% vào tổng GDP năm 2018. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD cho doanh thu khu vực trong năm 2018, hơn 50 tỷ USD doanh thu từ sản xuất ô tô và 160 tỷ USD là doanh thu từ sản xuất than đá, dầu.
Nikkei ước tính rằng các thành viên ASEAN phải đối mặt với thâm hụt tổng cộng gần 40 tỷ USD so với năm 2018 nếu số lượng khách du lịch nước ngoài giảm một nửa vào năm 2020. Con số thâm hụt này sẽ tăng vọt lên 150 tỷ USD nếu lượng khách du lịch năm 2020 giảm 100% so với năm 2018. ASEAN đã từng phải đối mặt với khủng hoảng thâm hụt lớn vào năm 1997, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Thâm hụt ngân sách buộc các nước phải dựa vào vốn nước ngoài, nhưng nếu một loại tiền tệ suy yếu quá nhiều, nó sẽ phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư, đầu cơ và từ đó nợ nước ngoài của các nước sẽ gia tăng. Nợ nước ngoài của Malaysia chiếm hơn 60% GDP, gấp đôi dự trữ ngoại tệ. Nợ nước ngoài của Indonesia cũng gấp 3 lần dự trữ ngoại tệ.
Bị cản trở bởi sự biến động trên thị trường toàn cầu, các loại tiền tệ của Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã mất khoảng 5% so với đồng USD kể từ cuối năm ngoái. Hơn nữa, ở cả 3 nước đang việc bán tháo trên thị trường tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu.
(Nikkei Asian Review)
Khu vực Đông Nam Á chứng kiến một xu hướng gia tăng trong tình trạng béo phì ở trẻ em trong vòng 10 - 15 năm qua. (Nguồn: Southeast Asia Globe) |
Tình trạng béo phì gia tăng ở trẻ em trong ASEAN
Khu vực Đông Nam Á chứng kiến một xu hướng gia tăng trong tình trạng béo phì ở trẻ em trong vòng 10 - 15 năm qua. Ước tính có khoảng 6,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi hiện đang đối mặt với tình trạng thừa cân trong khu vực.
Theo Tổ chức Y tếhế giới (WHO), tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã và đang gia tăng ở mức đáng báo động trên toàn cầu. Trong năm 2016, số trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân ước tính đã lên hơn 41 triệu trẻ.
Hơn nữa, nghịch lý ngày càng tăng về thiếu dinh dưỡng và béo phì trong cùng một dân số, thường được mô tả là gánh nặng gấp đôi của tình trạng dinh dưỡng kém, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của dân số và gây căng thẳng đối với năng lực y tế quốc gia.
Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) ước tính, chi phí của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với các công dân thừa cân hoặc béo phì là 166 tỷ USD mỗi năm. Tình trạng béo phì gia tăng nhanh chóng trong khu vực là vô cùng đáng lo ngại, vì trẻ em thừa cân phải đối mặt với nguy cơ cao hơn sẽ trở thành người trưởng thành béo phì và sau đó phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh gan.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Matthias Helble cho rằng, sự thịnh vượng trong 20 năm qua đóng một vai trò lớn trong sự gia tăng của mức độ béo phì. Một lối sống mới dẫn đến sự gia tăng trong việc tiêu dùng các loại thực phẩm tiện lợi và chế biến sẵn, thường chứa chất béo dư thừa, nhiều muối và đường.
Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều được xem là có “mối quan tâm về sức khỏe công cộng” bởi cả 2 tình trạng thiếu dinh dưỡng và thừa cân, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Đáng chú ý tại Indonesia, 12% trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương 2,89 triệu trẻ em bị thừa cân.
Hầu hết các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), như Thái Lan, Campuchia, Philippines, Brunei, Lào và gần đây là Malaysia đã chọn một giải pháp dễ dàng hơn, đó là áp đặt thuế đường hay thường được gọi là thuế soda.
(ASEAN Post)
Người Việt từ các nước ASEAN và châu Âu “đổ” về Việt Nam
Dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nước châu Âu và ASEAN, ngày 18/3 đã có gần 7.000 khách từ các nước 2 khu vực này về Việt Nam.
Cũng trong ngày hôm nay, dự kiến có 5.711 khách từ khu vực ASEAN về Việt Nam trên 78 chuyến bay, hạ cánh đông nhất xuống sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các thủ tục trong giai đoạn này nhiều và phức tạp hơn so với trước đó nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Để hỗ trợ hành khách trong các khung giờ buổi trưa, chiều tối hoặc khi phải chờ đợi lâu làm thủ tục, Nội Bài đã bố trí phục vụ các suất ăn, nước uống miễn phí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0h hôm nay.
Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính với virus corona do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được Việt Nam chấp thuận.
Các biện pháp nêu trên không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.
(TG&VN)