📞

"Thợ" đào tiền ảo châu Phi “săn lùng kho báu” như thế nào?

16:28 | 28/12/2017
Đối với những thanh niên đam mê công nghệ nhưng không được học hành ở châu Phi, tiền kỹ thuật số là cánh cửa để họ bước vào thị trường tài chính và kiếm lời từ lãnh địa này.

Eugene Mutai biết rõ những rủi ro của việc đào tiền ảo. Đôi khi anh tự hỏi "Liệu bong bóng có vỡ không?".

Anh có lý do chính đáng để lo ngại vì đồng tiền kỹ thuật số rất dễ biến động. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản anh tham gia lãnh địa còn mơ hồ và gây tranh cãi này của hệ thống tài chính toàn cầu.

Cách đây vài năm, Mutai làm việc vặt cho các trang trại ở vùng nông thôn Kenya. Hiện tại, anh là thợ đào tiền ảo ở Nairobi. Anh đào tiền ngay trong căn hộ của mình. Nơi ở của anh chìm trong ánh sáng xanh nhạt và tiếng ro ro từ các máy đào tiền ảo tự chế.

Mutai bắt đầu nghiên cứu về tiền kỹ thuật số vào năm ngoái vì tò mò về cách vận hành của loại tiền mới này. "Ở thời điểm đó, Bitcoin rất khó đào", Mutai nói với CNN.

Eugene Mutai ngồi trước chiếc máy đào tiền ảo tự chế trong căn hộ ở Nairobi, thủ đô Kenya. Mutai là một phần trong cộng đồng công nghệ đang lớn mạnh ở châu Phi. (Nguồn: CNN)

Để không phải cạnh tranh với số lượng lớn thợ đào Bitcoin, Mutai bắt đầu đào Ethereum, một loại tiền kỹ thuật số hoạt động tương tự nhưng ít phổ biến hơn.

Bước vào thế giới tiền ảo

Đối với Mutai, tiền tệ dựa trên nền tảng internet là một cuộc cách mạng. Chúng mở ra cánh cửa bước vào thế giới tài chính mà những đứa trẻ ham mê công nghệ nhưng không được học hành ở Kenya từng không thể tiếp cận được.

Đó cũng là một thế giới rối ren của những kẻ trục lợi và lừa đảo trực tuyến. Mutai đã nắm lấy cơ hội. Nhưng liệu trò đỏ đen này có đáng hay không?

Về cơ bản, tiền kỹ thuật số là loại tiền điện tử đồng đẳng được trao đổi bằng cách sử dụng một số nguyên tắc mật mã. Các giao dịch được thực hiện với đồng tiền kỹ thuật số được thêm vào cơ sở dữ liệu phân cấp mở rộng gọi là chuỗi khối. Đó là nơi các thợ đào mỏ tham gia.

"Theo cách hiểu của tôi thì đào tiền ảo về cơ bản là hỗ trợ mạng lưới, góp phần xác minh và thêm các giao dịch vào toàn bộ cơ sở dữ liệu chuỗi khối", Mutai nói.

Nói cách khác, thay vì các công ty dịch vụ tài chính như VISA hay Mastercard đảm bảo giao dịch, các thợ đào mỏ sẽ thực hiện việc này.

Vậy làm thế nào để Mutai kiếm được tiền?

"Có một thứ được gọi là hashrate, về cơ bản nó đo lường tốc độ xác minh các giao dịch và cuối cùng giúp các giao dịch được thêm vào khối", Mutai cho biết.

"Máy tính càng mạnh thì càng xác minh được nhiều giao dịch và càng kiếm được nhiều tiền. Với mỗi giao dịch được xác minh, anh sẽ nhận được một tỷ lệ tiền kỹ thuật số mà anh đang đào", Mutai nói với CNN.

Đây có thể là một công việc sinh lợi. Tiền kỹ thuật số đã tăng trưởng mạnh trong năm qua. Đầu năm 2017, giá trị của Bitcoin ở mức 966 USD. Hiện tại, nó đã vượt mốc 18.000 USD.

Mutai nói rằng anh kiếm được khoảng 800 USD mỗi tháng. Ngoại trừ trường hợp bị cắt điện, một khi các máy đào mỏ được vận hành, anh có thể thư giãn và để máy tính làm việc.

Tuy nhiên, lượng điện lớn cần để vận hành các máy tính đủ khả năng đào mỏ có thể là một trở ngại.

"Tiền điện tiêu tốn khoảng 20% thu nhập của tôi nhưng điều này hoàn toàn không đáng kể khi tiền kỹ thuật số tăng giá gấp đôi", anh nói.

Được phát hành năm 2009, Bitcoin trở thành đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Trong năm 2017, giá trị Bitcoin tăng cao kỷ lục dẫn đến lo ngại bong bóng có thể vỡ. (Nguồn: Getty Images)

Cơ hội đổi đời cho thanh niên châu Phi

Cuộc sống của Mutai không phải lúc nào cũng được thuận lợi. Khi còn là thiếu niên, Mutai đã cùng lúc mất đi hai người thân là bà và người anh em song sinh. Mẹ anh bị rơi vào trầm cảm và họ đã chuyển đến sống ở khu vực cách Nairobi 600km.

Mutai từng mượn bạn chiếc điện thoại di động Nokia Symbian S40 và tự học cách viết mã trên đó. Cuối cùng, anh đã chuyển về thành phố để theo đuổi đam mê công nghệ. Năm 2016, anh được nhận giải thưởng Git cho nhà phát triển công nghệ hàng đầu Kenya.

Một kỹ sư công nghệ làm việc ở Nigeria. Ngành công nghệ nước này đang thu hút nguồn đầu tư lớn từ các công ty trong và ngoài châu Phi. (Nguồn: Newsweek)

Mutai là một phần trong nhóm các nhà phát triển và sáng lập của châu Phi đang tham gia các hoạt động khai thác tiền kỹ thuật số. Cộng đồng này ngày càng lớn mạnh với sự ra đời của BitHub, trung tâm ươm tạo tiền tệ trên nền tảng Internet, ở Nairobi.

Nhà phát triển công nghệ John Karanja thành lập BitHub vào năm 2015. Trung tâm này đã tổ chức các hội thảo về công nghệ chuỗi khối (blockchain) cho các nhà phát triển trẻ tuổi và tiến hành đào tạo tại 5 nước châu Phi.

"Đối với các thanh niên, đây là cơ hội để họ tìm hiểu về tiền kỹ thuật số và qua đó tiếp cận thị trường toàn cầu", Karanja nói với CNN.

Tiền kỹ thuật số cũng có sức hút với người dân ở các quốc gia có hệ thống tiền tệ yếu kém. Tại Zimbabwe, trên sàn giao dịch Golix ở Harare, giá trị Bitcoin đã tăng cao chóng mặt để trở thành loại tiền tệ đắt nhất thế giới.

Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của tiền kỹ thuật số, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ. Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của Ngân hàng JP Morgan, cho rằng Bitcoin là trò "lừa đảo" và "người ta không thể kinh doanh ở nơi mà tiền tệ được phát minh từ không khí".

Cũng có những lo ngại về an ninh của loại tiền này. Năm ngoái, số lượng Bitcoin trị giá 65 triệu USD đã bị đánh cắp từ sàn giao dịch Hong Kong Bitfinex (Trung Quốc), dẫn tới sự sụt giảm 20% giá trị của đồng tiền. Không một ngân hàng trung ương hay chính phủ nào giám sát tiền kỹ thuật số.

Mặc dù vậy, Mutai vẫn tỏ ra kiên định. "Tiền kỹ thuật số là một khái niệm và cách hoạt động của nó là một cuộc cách mạng", anh khẳng định.

Mutai cũng là người thuyết giảng về tiền kỹ thuật số. Anh tin rằng một ngày nào đó nó có thể thay thế các đồng tiền mạnh. "Đó sẽ là một cuộc chiến lâu dài với chính phủ và các định chế tài chính", Mutai nói.

Tiền kỹ thuật số có thể là một cuộc cách mạng hoặc trò lừa đảo. Tuy nhiên, hiện tại, khi Bitcoin có giá hơn vàng, một thế hệ mới của những thợ đào mỏ kỹ thuật số lại tiếp tục săn lùng kho báu.

(theo Zing.vn)