Tin bất động sản mới nhất: Năm 2021, thị trường căn hộ Hà Nội sẽ không xảy ra 'bong bóng'… (Nguồn: infonet) |
Hà Nội sẽ không xảy ra 'bong bóng' căn hộ năm 2021
Chuyên gia công ty Savills nhận định, năm 2021, thị trường căn hộ Hà Nội sẽ không xảy ra 'bong bóng' bất động sản khi kinh tế đang tăng trưởng tại mức được ghi nhận tốt, lực cầu vẫn mạnh và giá có thể kiểm soát được.
Một số các dự án kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải xét lại về tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của dự án để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường.
Mặt khác, Hà Nội sẽ không có tình trạng khan hiếm nguồn cung giống như TP.HCM. Có thể thấy sự thay đổi tích cực về chất lượng của nhiều dự án nhà ở khác nhau, chẳn hạn như nhà ở trong phân khúc tầm trung.
Cũng theo Savills, phát triển cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc “cởi trói” nguồn cung vì đây là điều kiện cần để mở rộng các khu vực dự án ra các quận và thành phố lân cận.
Ngay quý I, quý II của năm 2021, dự kiến sẽ có hàng vạn sản phẩm với đa dạng các phân khúc sẽ chào hàng thị trường. Trong đó, khu vực Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng nhiều nhất.
Giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với 2020.
Lại xảy ra tình trạng huy động vốn trái quy định tại TP.HCM
Thanh tra TP.HCM vừa công bố kết luận, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo (Công ty Thái Bảo) đã tổ chức huy động vốn trái quy định tại dự án được xây dựng với mục đích tái định cư, giải tỏa nhà trên kênh rạch có tên thương mại là dự án Chung cư cao tầng An Sinh (căn hộ Asa Light, tại phường 4 quận 8, TP.HCM), dự án Khu tái định cư Trương Đình Hội 2 (phường 16, quận 8) với tổng số tiền khoảng 381 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện hoàn trả cho người dân khoảng 265 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền huy động vốn sai phép 234 tỷ đối với dự án chung cư cao tầng An Sinh và 31 tỷ đồng đối với dự án khu tái định cư Trương Đình Hội 2, gây nhiều bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo…
Ngoài hai dự án kể trên, dự án khu dân cư Trương Đình Hội 3 (phường 16, quận 8) cũng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để xin Sở Xây dựng TP.HCM điều chỉnh giấy phép xây dựng, điều chỉnh dự án nhưng nhiều căn nhà đã xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng chưa đúng quy định.
Thanh tra TP.HCM xác định, những thiếu sót, hạn chế kể trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND quận 8, Chánh Thanh tra quận 8, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 8, Chủ tịch UBND các phường có vi phạm và các tập thể, cá nhân có liên quan đến từng vụ việc.
Liên quan đến dự án chung cư cao tầng An Sinh, vào giữa năm 2017, hàng trăm khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ của dự án với Công ty Thái Bảo. Theo hợp đồng, chậm nhất ngày 31/12/2018, chủ đầu tư phải bàn giao nhà. Thế nhưng, từ khi ký hợp đồng, dự án triển khai rất chậm, khi thi công đến tầng 6 block B, tầng 2 block A, C thì dự án ngừng thi công đến nay.
Trước đó, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Thái Bảo cho biết, hiện các bên liên quan đang chờ ý kiến kết luận và chỉ đạo từ ngành chức năng về phần vốn góp giữa Công ty Thái Bảo và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 để tiếp tục triển khai dự án.
Năm 2020, gần 1.000 doanh nghiệp địa ốc giải thể
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2020, có 978 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể dù trong quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản cả nước trong quý IV/2020 đã tăng mạnh so với đáy suy giảm nhờ sự phục hồi nhanh của phân khúc nhà ở và khu công nghiệp, qua đó giúp ngành duy trì được tăng trưởng dương cả năm 2020, trong bối toàn nền kinh tế chịu tổn thương bởi dịch Covid-19. Ngành kinh doanh bất động sản đã đóng góp khoảng 4,42% GDP.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2020, ngành bất động sản cũng có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường; số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 kinh doanh bất động sản là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 978 doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay mua nhà giảm sâu nhất trong 10 năm
Theo các chuyên gia ngân hàng thì thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay mua nhà có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây.
Dẫn số liệu khảo sát một số ngân hàng, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay mua nhà.
Như tại VPBank từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên; BIDV từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên; Vietcombank từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu.
Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu).
Nhìn chung, so với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn và theo các chuyên gia ngân hàng thì thời điểm hiện nay đang có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây.
Thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay mua nhà có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây. (Nguồn: Vadi) |
Cũng theo Bộ Xây dựng, ngoài việc nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản trong năm 2020 vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về, vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI.
Chuẩn bị khởi công 2 đại dự án giao thông hơn 6.300 tỷ ở TP. Biên Hòa
Dự án Xây dựng đường ven sông Cái và Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa (Đồng Nai) dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong quý IV/2021 khi đã đủ điều kiện bố trí vốn.
Dự án xây dựng Đường ven sông Cái, đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản và Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường nối 2 đầu cầu) đang được hoàn tất các thủ tục đầu tư, bố trí vốn để khởi công xây dựng trong năm 2021.
Đây là 2 dự án vừa có vai trò kết nối giao thông, vừa thực hiện chỉnh trang, tạo cảnh quan cho đô thị Biên Hòa.
Thời gian qua, do gặp vướng mắc trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư nên tiến độ thực hiện của cả 2 dự án bị chậm trễ. Theo dự kiến, 2 dự án sẽ được khởi công xây dựng trong quý IV/2021 khi đã đủ điều kiện bố trí vốn.
Hiện nay, dự án xây dựng đường ven sông Cái đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch để ban hành thông báo thu hồi đất.
Được biết, ban đầu dự án đường ven sông Cái cần một lượng vốn lên đến 3.587 tỷ đồng, dự án xây dựng đường trục Trung tâm TP. Biên Hòa cần số vốn đầu tư hơn 2.762 tỷ đồng.
Nguồn vốn để thực hiện các dự án “khủng” trên dự kiến sẽ lấy từ nguồn đấu giá đất công.