Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến Triều Tiên vào ngày 7/10 tới đây để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chuyến thăm của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể diễn ra vào tháng tới.
Những diễn biến liên tiếp trong vài tháng gần đây với các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, thượng đỉnh liên Triều đã cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Thời gian qua, Bình Nhưỡng đã có một loạt hành động thiện chí như đóng cửa bãi thử hạt nhân tại Punggye-ri và lên kế hoạch phá bỏ hoàn toàn một cơ sở thử tên lửa đạn đạo chính.
Chưa dừng ở đó, thông qua Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức gửi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định Triều Tiên muốn hoàn tất việc phi hạt nhân hóa để tập trung vào phát triển kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore. (Nguồn: AP) |
Đáp lễ trước những cử chỉ của Bình Nhưỡng, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã liên tục ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thay vì những lời lẽ đậm mùi hăm dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên hay dùng lời lẽ chế diễu nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi năm ngoái.
“Các tên lửa không còn bay đi mọi hướng. Các vụ thử hạt nhân cũng bị dừng lại và một số cơ sở quân sự đang bị phá hủy, các con tin được thả và việc trao trả hài cốt binh lính Mỹ cũng đang được diễn ra. Tôi muốn cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên vì những bước đi mà ông đã đưa ra”, Tổng thống Trump nói.
Trong một sự kiện ở Wheeling, Tây Virginia, Mỹ hôm 29/9, ông Trump nói rằng ông đã “phải lòng” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ việc trao đổi những lá thư cá nhân thời gian qua, một tín hiệu tích cực khác về khả năng hồi sinh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước.
Tuy nhiên, so sánh với những hành động cụ thể, đầy thiện chí của Triều Tiên thì các động thái hồi đáp từ Washington còn mang tính hình thức. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ hủy tập trận chung với Hàn Quốc mà chưa có bước tiếp theo để làm dịu mối quan ngại của Triều Tiên về khía cạnh an ninh. Vẫn như trước đây, Mỹ tiếp tục kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cho đến khi đạt phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng.
Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 diễn ra ngày 20/9 tại Bình Nhưỡng đã ghi dấu ấn với hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nắm tay nhau và giơ lên cao trên đỉnh núi linh thiêng Paektu. Sự kiện này có tính biểu tượng cao về đoàn kết dân tộc với thông điệp rằng người Triều Tiên và Hàn Quốc khát khao hòa bình và muốn chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nhất là khi tình trạng đã kéo dài quá lâu và gây căng thẳng cho cả hai miền Bán đảo Triều Tiên.
Chưa bao giờ triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên lại gần đến như vậy. Với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 trong năm nay đang được lên kế hoạch, dư luận chờ đợi những bước tiến xa hơn và cụ thể hơn nữa từ các nhà lãnh đạo Mỹ - Triều để thúc đẩy các cam kết ngoại giao trong tiến trình phi hạt nhân hóa.