Nhỏ Bình thường Lớn

Tín ngưỡng của người đi biển

Việc làm ăn trên sông nước đã khiến cho con người kết một duyên kiếp không thể nào dứt ra được với những công cụ đánh bắt như thuyền, lưới... Từ đây, tín ngưỡng và ngôn ngữ thuộc nghề đánh cá đã tạo nên những giá trị văn hoá bản địa độc đáo được duy trì từ đời này sang đời khác.
Những người đi biển thường quan niệm thuyền là "sợi dây sinh mệnh" của ngư dân. (Ảnh minh họa)

Thuyền là một công cụ quan trọng trong nghề đánh bắt thủy hải sản. Người và thuyền được gắn liền với nhau, thuyền là "sợi dây sinh mệnh" của ngư dân. Ngư dân thường nhân tính hóa, sinh mệnh hóa con thuyền, ở hai tuyến giữa ngang và dọc dưới thuyền thì tuyệt đối không được đóng đinh. Người ta nói rằng, nếu đóng đinh lên hai tuyến giữa thì sẽ khiến cho tính đực của thuyền sẽ lớn lên, khi ở trên biển mà tính đực của thuyền phát tác thì khó mà khống chế được, nó sẽ chủ động đụng húc vào thuyền khác, gây nguy hại đến sự an toàn của con người.

Những cấm kỵ về thuyền của ngư dân Đông Hải, Trung Quốc lại rất đặc biệt. Trước khi ra biển, những đồ vật chỉ có thể đưa vào trong thuyền mà không được mang từ trong thuyền ra. Sau khi ngư dân lên thuyền thì không được mang giày, không rửa mặt. Nơi ăn cơm trên thuyền cũng được cố định, không được ngồi tùy tiện. Thức ăn thì đặt ở giữa, ai nấy đều chỉ ăn thức ăn phía bên mình, kỵ ăn thức ăn ở phía đối diện hoặc ở cả hai bên. Không được dùng những vật không sạch để đựng cá, như ky đất chẳng hạn và không được dùng chân đá vào cá vàng.

Ở Thượng Hải, Trung Quốc những lời kiêng kỵ thì không được nói, những việc cấm kỵ thì không được làm. Hải Châu dân tục chí có đoạn viết giới thiệu về ngư dân như sau: "Những đồ gia cụ, những sọt cá khi hong phơi thì chỉ được để miệng đồ hướng lên phía trên mà không được lật hướng về phía dưới". Lại nói rằng "Khi ngủ chỉ được nằm nghiêng hoặc nằm ngửa, không được nằm sấp. Đó là vì khi đàn ông chết đuối nổi lên, phần mông thường hướng về phía trên". Tất cả mọi sinh hoạt của con người trên thuyền đều phải được tiến hành trên mui sau của khoang thuyền, vì cho rằng mui sau cách xa với mặt nước biển; khoang sau được gọi là khoang rỗng, nếu sinh hoạt ở đây thì sẽ tránh được những động chạm đến thế giới của Long vương. Tại vùng Triết Giang, người ta còn kỵ không để phụ nữ đi lên trên đầu thuyền, người ngoài mà chân không sạch cũng không được đến đầu thuyền. Ngư dân vùng Đài Loan thì kỵ người bước ngang qua mũi thuyền, cho đó là điềm không lành, nếu như hai chiếc thuyền song hành với nhau, thì kỵ không được dùng dây sắt để xích vào nhau.

Ở Việt Nam, ngư dân vùng biển Khánh Hòa cũng thường kiêng kỵ. Chẳng hạn trước khi ra khơi, họ rất kiêng cữ lời nói, giữ những điều cấm kỵ trong sinh hoạt với niềm tin nhờ đó việc hành nghề được suôn sẻ, may mắn. Họ không để người lạ rờ mó hai con mắt vẽ trước mũi thuyền. Thậm chí, tại những làng biển, có tồn tại những quan niệm lạc hậu như: không đi thăm đàn bà đẻ non tháng; khi mới ra ngõ, tránh gặp người đầu tiên là đàn bà, nhất là đàn bà có chửa; không cho người lạ lên thuyền, nhất là đàn bà vì sợ ghe thuyền mắc "phong long", xui xẻo.

Trong khi hành nghề, nếu có gì bất thường xảy ra mà ngư dân Khánh Hòa cho là do sơ suất phạm các điều kiêng kỵ kể trên thì họ phải nhuộm lại lưới, hoặc xông lưới, sắc thuốc Bắc rưới lên lưới, hoặc dọn rửa ghe và cúng kiếng để giải trừ. Khi làm cá, lỡ để rơi con dao xuống biển thì phải lặn xuống lấy cho được con dao đó lên, đồng thời phải làm con dao bằng giấy, cúng vái tạ thay cho con dao sắt ấy. Đặc biệt, trong lời nói hàng ngày, những người đi biển họ cũng tránh dùng những từ như: úp, lật, đổ, sẩy, sa, rớt, rơi, trở… bởi họ sợ nói những từ đó, khi đi biển sẽ gặp nhiều điều không may.

LINH HƯƠNG (tổng hợp)