📞

Mùa Đông ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

12:04 | 17/01/2017
Thời tiết lạnh có cả những ưu điểm và nhược điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. 

Cơ thể con người sẽ phản ứng ra sao khi nhiệt độ xuống thấp khi Đông về? Thời tiết se lạnh cũng có một số tác dụng nhất định nhưng về cơ bản thì nhiệt độ càng xuống thấp càng nguy hiểm cho cơ thể con người, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ.

Tác động của mùa Đông đến sức khỏe

Vì sao chúng ta lại đi tiểu nhiều khi lạnh? Khi trời lạnh, cơ thể giảm quá trình lưu thông đến tứ chi và bề mặt da, nên máu tích tụ ở một số bộ phận, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp động mạch. Do vậy, thận có chức năng giảm lưu thông máu bằng cách loại bỏ lượng nước trong cơ thể ra ngoài theo đường nước tiểu.

Chứng trầm cảm theo mùa: Đây là một chứng bệnh có biểu hiện rõ nhất vào thời gian cuối Thu - đầu Đông. Nguyên nhân có thể do độ dài của ngày ngắn hơn những tháng khác trong năm. Muốn khắc phục chứng trầm cảm theo mùa thì chúng ta nên thường xuyên ra khỏi phòng, ngồi cạnh cửa sổ đón ánh sáng mặt trời hoặc dùng ánh sáng nhân tạo.

Nếu thấy cơ thể luôn bị lạnh suốt thời gian dài dù được giữ ấm, hay ngồi nơi ấm áp mà vẫn lạnh là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Chúng ta cần thăm khám sức khỏe để có hướng điều trị kịp thời.

Nguy cơ mắc nhiều bệnh khi mùa Đông về? (Nguồn: SIME/4Corners)

Những nguy hiểm về thể chất do tác động trực tiếp từ nhiệt độ thấp

Nhồi máu cơ tim: Những tháng mùa Đông khi nhiệt độ xuống thấp thì càng gia tăng mức độ bệnh nhồi máu cơ tim. Giá rét ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người có các dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn, đã ủ bệnh lâu ngày. Thêm nữa, nhiệt độ càng giảm thì huyết áp càng tăng do nhiều áp lực lên tim. Thời tiết càng lạnh thì cơ thể càng cần hoạt động nhiều hơn để sinh nhiệt, chống đỡ lại giá lạnh.

Những người mắc bệnh nhồi máu cơ tim phải giữ ấm cơ thể cho dù ở trong nhà, hay lúc đi ngủ. Khi ra ngoài trời lạnh phải đeo găng tay, đội mũ, quàng khăn, vì nếu bị nhiễm lạnh sẽ gây ra cơn đau tim. Buổi sáng sớm là thời điểm mà nhiệt độ, thời tiết có nhiều thay đổi gây nhiều nguy hiểm nhất trong ngày.

Hạ thân nhiệt: Đây là tình huống nghiêm trọng khi nhiệt đô cơ thể giảm từ 37C xuống 36C hay thấp hơn. Lúc đó cơ thể sẽ run rẩy, tứ chi tê liệt, hoạt động không chính xác. Lúc này, chúng ta cần mặc thêm quần áo ấm, đi lại trong nhà cho cơ thể nóng dần.

Quàng khăn giữ ấm cho cơ thể mùa đông. (Nguồn: Cool Antarctica)

Nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết lạnh

Thời tiết lạnh làm giảm khả năng miễn dịch: Khi nhiệt độ xuống thấp thì việc đưa máu đến các chi để bảo toàn nhiệt độ cơ thể càng ít. Những hiệu ứng về thời tiết lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mùa Đông như cảm lạnh.

Cảm lạnh và cúm: Đây là 2 chứng bệnh càng ngày càng phổ biến trong suốt những tháng của mùa Đông. Hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả khi trời trở lạnh ảnh hưởng đến đường hô hấp, do chúng ta hít phải khí lạnh vào cơ thể, là điều kiện thuận lợi cho rhinoviruses phát triển, dẫn đến bệnh cúm. Bệnh dễ lây từ người sang người, xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa Đông Xuân. Bệnh lây truyền trực tiếp do tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân ho, hắt hơi ra bay vào mắt, mũi, tay người lành. Khi thời tiết ấm hơn, hệ miễn dịch có khả năng kháng các virus, hạn chế bệnh tật

Đau họng: Nguyên nhân chủ yếu do virus gây ra và cũng lây truyền từ người sang người tương tự như cúm và cảm lạnh.

Norovirus: Đây là tên một nhóm virus thường gây ra dịch viêm đường ruột do virus, người nhiễm norovirus có thể cảm thấy rất mệt trong vài ngày. Giống như cảm lạnh, norovirus xảy ra quanh năm đặc biệt vào các tháng mùa Đông, rất dễ lây nhiễm ở những nơi đông người như trường học, khách sạn. Người bị norovirus dễ mắc chứng tiêu chảy.

Suyễn: Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen suyễn phát triển. Vậy nên để hạn chế hen suyễn tốt nhất là không để cơ thể bị nhiễm lạnh. Dù ở trong nhà, chúng ta vẫn nên quàng khăn lên cả vùng miệng và thở bằng mũi, không nên thở bằng miệng để không hít phải khí lạnh vào cổ họng, đồng thời có thể giữ ấm cho cổ họng.

Mùa Đông cũng có một số lợi ích với sức khỏe con người như hạn chế sinh vật gây bệnh, đốt cháy mỡ thừa... (Nguồn: The Weather Channel)

Lợi ích của mùa Đông với sức khỏe

Thời tiết lạnh ăn ngon miệng: Những tháng lạnh nhất trong năm là lúc chúng ta thỏa sức chế biến các món canh hầm bổ dưỡng, nóng hổi cho cả gia đình. Đây là cách tốt nhất bổ sung năng lượng giữ ấm cho cơ thể. Việc giữ ấm cho cơ thể trong mùa lạnh rất quan trọng với sức khỏe, đặc biệt với người già, trẻ nhỏ và những người mắc các bệnh kinh niên, mãn tính.

Hạn chế sinh vật gây bệnh: Khi nhiệt độ giảm trong những tháng mùa Đông thì các sinh vật gây bệnh như ruồi ít xuất hiện. Chỉ cần thời tiết mát mẻ, gió se lạnh lúc chớm Đông sẽ giảm các sinh vật truyền bệnh gây sốt rét, bệnh ngủ châu Phi (sleeping sickness), một bệnh do nhiễm ký sinh trùng và bệnh Sán máng (Schistosomiasis). Đây là ba loại bệnh có nguy cơ tử vong cao nhất trên thế giới. Thời tiết lạnh rất lý tưởng trong việc ngăn chặn các bệnh do nhiễm khuẩn.

Hạn chế phấn hoa: Nhìn chung, mùa Đông là thời điểm mà cây cối không thụ phấn. Vì vậy, mũi, mắt chúng ta không bị dị ứng bởi phấn hoa nên bệnh viêm mũi dị ứng ít xảy ra hơn.

Đốt cháy mỡ dư thừa: Thời tiết càng lạnh đồng nghĩa với việc cơ thể phải đốt cháy nhiều calo hơn để giữ ấm, điều này rất thú vị cho những ai muốn giảm cân.

(theo Cool Antarctica)