TIN LIÊN QUAN | |
Báo châu Á: 'Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thống trị Đông Nam Á' | |
Tuyển nữ Việt Nam hạ Thái Lan bên tiếng còi thiếu quyết đoán của trọng tài người Nhật Bản |
Nụ cười của các chiến binh đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30. (Nguồn: Zing) |
Những ngày này mang lại thật nhiều cảm xúc cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam, khi cả hai đội tuyển bóng đá nữ và nam đều giành ngôi vô địch tại SEA Games 30. Nếu ngôi nam vương khiến người hâm mộ thỏa cơn khát vàng hàng thập kỷ qua, thì ngôi nữ vương lại khiến nhiều người ngậm ngùi khi đây là lần thứ 6 đội tuyển nữ vô địch SEA Games, nhưng chẳng mấy ai bận tậm về điều đó.
Bóng đá chỉ là một hiện tượng, và nếu thêm chút ngụy biện, người ta sẽ cho rằng điều đó là tất nhiên, khi môn thể thao vua vốn chỉ dành cho nam giới. Nhưng đằng sau đó, dường như truyền thống “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai là có, mười con gái vẫn là không con) đã trở thành một định kiến ăn sâu vào mọi hành vi và lĩnh vực trong đời sống con người.
Trong gia đình, nữ giới có vị trí rất quan trọng, khi cùng tham gia công tác xã hội như nam giới, về nhà lại quán xuyến bao việc gia đình. Nhưng xã hội thường thừa nhận chủ gia đình là nam. Cứ xem trong cuốn sổ hộ khẩu gia đình thì thấy, dù người mẹ, người vợ có vai trò gì, thì họ vẫn luôn ở phía sau người đàn ông mang “chức danh” chủ hộ, trừ khi gia đình vắng bóng đàn ông.
Trong xã hội, nữ giới đóng góp hơn một nửa số lao động, nhưng các vị trí chủ chốt ở đâu tỷ lệ nam giới cũng nhiều hơn. Tỷ lệ nữ giới trong ban lãnh đạo luôn chỉ bằng khoảng 1/3 so với nam. Chẳng hạn, tại Việt Nam, chỉ có 36% tham gia ban lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp là nữ, dù tỷ lệ này vẫn cao thứ hai châu Á, sau Philippines với 37,46%. Tiếp theo là Singapore (33,04%), Indonesia (31,85%), Hàn Quốc (29,89%), Ấn Độ (28,16%), các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (24,17%), Malaysia (22,68 %), Thái Lan (19,39 %) và Nhật Bản (15,43%), theo công bố của tổ chức Grant Thornton (Anh) hồi đầu năm 2019.
Các vị trí chủ chốt trong hệ thống các cơ quan nhà nước từ địa phương tới trung ương cũng luôn ở một mức khiêm tốn. Ai cũng có thể làm phép thử, khi tham dự các cuộc họp tổng kết, các kỳ đại hội, ở vị trí chủ chốt, áo dài sắc màu chỉ là sự điểm xuyết bên đa số các bộ complet màu đen.
Chưa kể, trong cạnh tranh nghề nghiệp, cản trở cho thăng tiến của phụ nữ Việt Nam cũng nhiều hơn. Nghiên cứu của Grant Thornton chỉ ra rằng, thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp của phụ nữ Việt Nam cao hơn 13% so với tỷ lệ trung bình của thế giới (Việt Nam 40%, thế giới là 27%). Trong khi đó, trách nhiệm chăm lo cho gia đình của phụ nữ Việt Nam cũng cao hơn (toàn cầu 25%, Việt Nam 39%).
Đây là những cản trở rất lớn đối với phụ nữ. Bất kể những điều đó, ở mọi lĩnh vực đều ghi nhận đóng góp rất đáng kể của giới nữ. Điều đó nói lên một thực tế là phụ nữ Việt Nam rất xuất sắc khi vượt lên trên chính những cản trở để phấn đấu bằng với đồng nghiệp khác giới.
Sau những say mê của cảm xúc chiến thắng trong kỳ SEA Games này, tôi nghĩ câu chuyện bóng đá nữ âm thầm vô địch cần được xem như là một sự thức tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách khi nhìn lại chính sách phát triển nguồn nhân lực mang tính công bằng giới ngay từ bây giờ. Công bằng về trách nhiệm, cơ hội, ưu đãi trong hoạch định phát triển, dựa trên năng lực cá nhân, không phân biệt nam nữ sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Việt Nam trong cạnh tranh nguồn nhân lực.
Nhìn ra thế giới thì thấy, những đất nước ổn định và hòa bình phát triển bậc nhất cũng là những quốc gia luôn dành ưu tiên cho phái nữ. New Zealand là nước đầu tiên trên thế giới nơi phụ nữ được trao quyền tự do bầu cử (từ 1893), và cũng là quốc gia đầu tiên có nữ Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử. Ở tuổi 37, bà Jacinda Kate Laurell Ardern đắc cử Thủ tướng (năm 2017).
Mới đây, một nữ chính trị gia thậm chí còn trẻ hơn, khi mới ở tuổi 34 đã trở thành Thủ tướng của Phần Lan, bà Sanna Marin. Và nước này cũng là nước có truyền thống những ưu tiên dành cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thực tế thì, tin ở hoa hồng, hoa hồng sẽ luôn tỏa hương!
Việt Nam đạt được tiến bộ về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực TGVN. Trong gần 10 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ghi ... |
Nguồn lực trong cuộc chiến chống bạo lực giới TGVN. Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị đầu mối Giới lần thứ tư của Kế hoạch Colombo (từ ngày 3-5/12) đã ... |
UNFPA: Nguy cơ mất cân bằng giới tính tại Việt Nam TGVN. Theo Trưởng đại diện của UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) tại Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh là tại Việt Nam ... |