Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump bắt đầu phản công với vụ kiện của bang Texas
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/12 đã đệ trình một đơn đề nghị lên Tòa án tối cao để tham gia vào vụ kiện của Texas cho rằng có sai phạm bầu cử tại 4 bang chiến trường gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Luật sư John Eastman đã đại diện Tổng thống Trump đệ đơn đề nghị này lên Tòa án Tối cao.
Trước đó, ông Trump tuyên bố đội ngũ của ông sẽ can thiệp vào vụ kiện của Texas. "Chúng tôi sẽ can thiệp vào vụ kiện của Texas và nhiều bang khác nữa. Đây là một sự kiện lớn. Đất nước chúng ta cần một chiến thắng", Tổng thống Donald Trump bình luận trên Twitter ngày 9/12.
Bình luận được đưa ra sau khi tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton đệ đơn thẳng lên Tòa án Tối cao liên bang, cáo buộc các sai phạm bầu cử tại 4 bang chiến trường Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin - các bang mà ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử.
Đơn kiện nói rằng, giới chức các bang này đã lạm dụng thẩm quyền lập pháp khi sửa đổi luật bầu cử để khuyến khích bỏ phiếu qua thư và dẫn đến tình trạng gian lận bỏ phiếu. Đơn kiện cũng đề nghị Tòa án Tối cao lùi ngày bỏ phiếu đại cử tri 14/12. Đến nay vụ kiện đã nhận được sự ủng hộ của 17 bang khác. (Washington Post)
Hunter Biden chính thức bị điều tra bê bối làm ăn
Con trai của Tổng thống đắc cử Joe Biden, Hunter Biden đang bị chính quyền liên bang điều tra về chuyện làm ăn với nước ngoài, như Trung Quốc.
Các công tố viên liên bang ở Delaware cùng Cơ quan Điều tra Hình sự của Sở Thuế vụ Mỹ và FBI đang thực hiện các bước công khai như đưa trát đòi hầu tòa và sắp xếp các cuộc lấy lời khai. Trước đó, các hoạt động điều tra bị tạm hoãn vì chỉ thị của Bộ Tư pháp Mỹ về việc cấm thực hiện các động thái có thể làm ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.
Các nhà điều tra sẽ xem xét các vấn đề về tài chính, bao gồm điều tra xem ông Hunter và các cộng sự có vi phạm luật về thuế và chống rửa tiền khi hợp tác với đối tác nước ngoài hay không. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ: Người hối hả, ai chẳng vội vã |
Mỹ-Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc ‘nhúng tay’ vào đại học Mỹ
Phát biểu tại một trường đại học ở bang Georgia, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Á đang gia tăng, hôm 9/12, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, Mỹ nên chào đón những người Trung Quốc "thực sự" muốn học tập ở nước này, nhưng ông nhắc tới hai trường hợp sinh viên Trung Quốc bị buộc tội làm gián điệp.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hối thúc các trường đại học tại Mỹ rà soát kỹ lưỡng các sinh viên và sự hỗ trợ từ Trung Quốc, cảnh báo, Bắc Kinh có thể đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ông Pompeo tiếp tục kêu gọi các trường đại học Mỹ đóng cửa tất cả Viện Khổng Tử - tổ chức do Bộ Giáo dục Trung Quốc cấp ngân sách. Bắc Kinh cho biết, mục tiêu của các Viện Khổng Tử nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài. (AFP)
Đại sứ Mỹ tại NATO chỉ trích Trung Quốc không chơi theo luật
Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh tổ chức hôm 9/12 cho biết, thế giới đã cố gắng cho Trung Quốc cơ hội để tham gia vào một "trật tự dựa trên luật lệ", nhưng Trung Quốc đã không tạo được niềm tin rằng nước này có thể chơi một cách công bằng.
Đại sứ Mỹ viện dẫn các động thái của Trung Quốc trong việc thực thi luật an ninh quốc gia gây tranh cãi với Hong Kong và trừng phạt những quan điểm bất đồng tại đặc khu này. Bà Hutchison cũng đề cập việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và liên tục đánh cắp tài sản trí tuệ, cũng như vấn đề Trung Quốc triển khai hệ thống 5G tại châu Âu. (SCMP)
Trung Quốc bắt đầu đáp trả Mỹ
Ngày 10/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, nước này đã rút lại lệnh miễn thị thực cho những người sở hữu hộ chiếu ngoại giao Mỹ muốn tới Hong Kong và Macau.
Trong khi đó, Bloomberg News cũng dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh cho hay, Trung Quốc sẽ trừng phạt các cá nhân Mỹ, bao gồm các nghị sĩ, nhân viên các tổ chức phi lợi nhuận và gia đình họ.
Đây được coi là đòn đáp trả của Bắc Kinh sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và đi lại đối với 14 đại biểu Quốc hội của Trung Quốc hôm 7/12 vì vai trò của họ trong việc thông qua Luật An ninh quốc gia tại Hong Kong. (Reuters, Bloomberg)
TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải: Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả Mỹ và Trung Quốc |
EU-Trung Quốc
EU kêu gọi cùng chống "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc
Trong bài phát biểu ngày 10/12 tại một diễn đàn về năng lượng tổ chức ở Bắc Kinh, Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis cho biết, EU hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận với chính quyền Mỹ về chính sách với Trung Quốc.
"Hãy hợp tác với Trung Quốc nhiều nhất có thể, khi chúng ta có thể và khi Trung Quốc sẵn sàng hợp tác. Và chúng ta cần phản đối (Trung Quốc) khi chúng ta phải làm vậy. Chúng ta cần phải có một hiểu biết chung để nói "không" với chiến lược ngoại giao bắt nạt, đe dọa và cưỡng ép, hay kiểu ngoại giao chiến lang", ông Chapuis nói.
Ông Chapuis cũng kêu gọi các nước châu Âu cần hợp tác với Australia, New Zealand và khối ASEAN để "tìm quan điểm chung" về vấn đề Biển Đông. (Reuters)
Trung Quốc muốn thúc đẩy quan hệ với EU
Đêm 9/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành điện đàm, trong đó đạt được sự đồng thuận quan trọng về hợp tác Pháp-Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo một thông cáo báo chí sau cuộc điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, “độc lập, hiểu biết lẫn nhau, nhìn xa trông rộng, đôi bên cùng có lợi và những kết quả của hợp tác cùng thắng” là nguyện ước ban đầu khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy phát triển ổn định mối quan hệ giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU), cũng như bày tỏ hy vọng phía châu Âu có thể thông qua các chính sách tích cực với quốc gia Đông Bắc Á này.
Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết, Pháp đánh giá cao mối quan hệ với Trung Quốc cũng như vai trò của Trung Quốc trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời bày tỏ muốn tiếp tục thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Thử giải phẫu quan hệ EU-Trung Quốc |
Nagorno-Karabakh
Armenia, Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí bị cấm
Azerbaijan và Armenia ngày 9/12 đã tố cáo lẫn nhau sử dụng các loại vũ khí bị cấm, trong đó có đạn phốt pho trắng, trong cuộc xung đột kéo dài nhiều tuần gần đây liên quan đến quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh.
Ông Artak Beglaryan - thanh sát viên nhân quyền của Cộng hòa Artsakh (tức Nagorno-Karabakh) tự xưng - cho biết văn phòng của ông “đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy Azerbaijan đã sử dụng đạn phốt pho” suốt 6 tuần giao tranh.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã phủ nhận cáo buộc trên, thay vào đó đổ lỗi cho phía Armenia.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Azerbaijan Vagif Dyargahly khẳng định: “Quân đội Azerbaijan không có đạn phốt pho. Chúng tôi không thể sử dụng thứ gì đó mà chúng tôi không có”, đồng thời cho rằng “Armenia đã sửdụng bom phốt pho để tấn công chúng tôi”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Không gian chính trị, an ninh đa chiều nhìn từ Nagorno-Karabakh |
Tình hình Iran
Iran trừng phạt đại sứ Mỹ
Tehran vừa đưa Đại sứ Mỹ ở Yemen Christopher Henzel vào danh sách đen sau một động thái tương tự của Washington nhằm vào nhà ngoại giao Iran cũng ở quốc gia này.
Bộ Ngoại giao Iran lý giải, nước này phạt đại sứ Christopher Henzel vì "vai trò quan trọng của ông trong việc xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen".
Theo Reuters, động thái trên cho phép nước Cộng hòa Hồi giáo tịch thu tài sản của các cá nhân bị cấm vận ở Iran. Tuy nhiên, lệnh phạt chỉ mang tính biểu tượng vì gần như không có tác động nào đến vị đại sứ Mỹ. (Al Jazeera)
Trung Quốc kêu gọi Mỹ khôi phục JCPOA, gỡ bỏ trừng phạt Iran
Ngày 9/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đồng thời gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này ngay lập tức và vô điều kiện. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Nga: Vấn đề của Trung Đông là Israel chứ không phải Iran |
Bán đảo Triều Tiên
Mỹ hối thúc Triều Tiên trở lại đối thoại
Ngày 10/12, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã kêu gọi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trở lại với đối thoại, bày tỏ thất vọng rằng, đàm phán không tiến thêm được bước nào sau khi lãnh đạo hai nước trực tiếp gặp nhau.
Ông Biegun bày tỏ niềm tin vào sự cần thiết phải "viết lại hoàn toàn mối quan hệ" giữa hai kẻ thù lâu năm, dù thừa nhận nó "vẫn chưa mang lại thành công mà chúng tôi mong đợi."
"Chúng tôi không trông chờ Triều Tiên làm mọi thứ trước khi chúng tôi làm bất kể điều gì và Triều Tiên cũng đừng mong một kết quả từ chúng tôi. Nhưng chúng ta phải đồng ý vạch ra một lộ trình hành động và chúng ta phải nhất trí được điểm đến cuối cùng của lộ trình đó", ông Biegun cho biết trong chuyến thăm Seoul kéo dài 4 ngày. (Yonhap)
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (4/12-10/12): Bắc Kinh ngỏ ý tái khởi động quan hệ với Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden dự báo về 'mùa Đông đen tối' TGVN. Hơn 1 tỷ người có thể rơi vào đòi nghèo cùng cực vào năm 2030 do hậu quả của dịch Covid-19, Tổng thống đắc ... |
| Giá vàng hôm nay 10/12: Trong nước và thế giới 'đua nhau' trượt giá, vàng có thể giảm tới 50%? TGVN. Giá vàng trong nước và thế giới đã bước sang ngày thứ hai liên tiếp giảm giá. Chuyên gia đặt giả thiết, giá kim ... |
| Tin thế giới 9/12: Ông Biden hứng chỉ trích; Gián điệp Trung Quốc thâm nhập chính trường Mỹ; Em gái ông Kim Jong-un 'mạnh miệng' chỉ trích Hàn Quốc TGVN. Các vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Australia-Trung Quốc, Biển Đông, Biển Hoa Đông... là một số sự ... |