Trung Quốc-Hungary nâng cấp quan hệ song phương, khẳng định không nhằm vào bên thứ 3. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga - Ukraine
*Nga chặn nỗ lực tấn công của Ukraine vào Moscow và Belgorod: Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin ngày 10/5 thông báo các đơn vị phòng không của Nga đã đánh chặn 1 thiết bị bay không người lái (UAV) ở phía Nam thành phố này và không có thương tích hay thiệt hại nào do các mảnh vỡ rơi xuống.
Trên kênh Telegram, Thị trưởng Sobyanin cho biết chiếc UAV hướng tới Moscow đã bị bắn rơi ở Quận Podolsk, ngay phía Nam thủ đô. Đội cứu hộ và chuyên gia đã có mặt tại hiện trường.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ thêm 2 UAV của Ukraine ở khu vực Belgorod. (TASS)
Tin liên quan |
Định đoạt số phận tài sản Nga bị phong tỏa, EU còn muốn nhiều hơn nữa, Ukraine sẽ có tiền trước mùa Hè? |
*Nga đặt mục tiêu tạo "vùng đệm" ở khu vực Kharkov: Ngày 10/5, một nguồn tin quân sự cấp cao của Ukraine cho biết lực lượng Nga đang cố gắng thiết lập một "vùng đệm" ở tỉnh biên giới Kharkov, Đông Bắc Ukraine để ngăn chặn lực lượng Kiev pháo kích vào lãnh thổ Nga.
Một quan chức địa phương cũng cho hay đã có "cuộc pháo kích quy mô lớn" vào thị trấn Vovchansk có 3.000 dân cư, do đó hiện lực lượng chức năng đang tiến hành sơ tán người dân ở đó và các khu vực lân cận.
Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố lực lượng nước này đã sẵn sàng chống lại cuộc tấn công trên bộ mới của Nga vào tỉnh Kharkov. (AFP)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Hội đồng An ninh quốc gia Philippines kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc: Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines ngày 10/5 đã kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc khỏi Philippines vì cái mà họ gọi là chiến dịch đưa thông tin sai lệch độc hại vi phạm luật pháp địa phương và các nghi thức ngoại giao.
Trong một tuyên bố, Hội đồng này cho rằng các hành động của Đại sứ quán Trung Quốc "không nên được phép bỏ qua mà không bị trừng phạt nghiêm khắc". Tuyên bố này đề cập đến một tin về vụ rò rỉ nội dung cuộc điện thoại giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc và một quan chức quân sự cấp cao của Philippines thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông.
Đại sứ quán Trung Quốc đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận về việc này. (Reuters)
*Trung Quốc, Hungary nâng cấp quan hệ song phương: Trung Quốc và Hungary ngày 9/5 đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới.
Quyết định này được công bố trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Hungary đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Trung Quốc ở châu Âu. Theo đó, Thủ tướng Hungary Orban phát biểu rằng Bắc Kinh và Budapest sẽ mở rộng hợp tác trong "toàn bộ phạm vi" của ngành công nghiệp hạt nhân. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo trong một đoạn phim trên nền tảng xã hội Facebook, Hungary và Trung Quốc đã ký 18 thỏa thuận sau cuộc gặp giữa các 2 nhà lãnh đạo. (Xinhua)
*Ấn Độ hoàn tất thoái quân khỏi Maldives: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal ngày 9/5 xác nhận nước này đã thay thế khoảng 80 binh sĩ ở Maldives bằng đội ngũ nhân viên dân sự theo yêu cầu của Tổng thống nước chủ nhà Mohamed Muizzu - người đã chuyển hướng mối quan hệ của quần đảo này nghiêng sang Trung Quốc.
Trước đó, các binh sĩ Ấn Độ hiện diện ở Maldives để hỗ trợ vận hành 2 chiếc trực thăng và 1 máy bay được New Delhi trao tặng và chủ yếu sử dụng cho mục đích giám sát hàng hải, tìm kiếm-cứu nạn và sơ tán y tế trên quần đảo có khoảng nửa triệu dân này.
Thông báo được đưa ra khi Ngoại trưởng Maldives Moosa Zameer đang thăm Ấn Độ. Tại cuộc gặp người đồng cấp Zameer, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tuyên bố lợi ích chung của hai nước là cách hiểu tốt nhất để phát triển mối quan hệ song phương. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Maldives tới Ấn Độ kể từ khi Tổng thống Muizzu nhậm chức hồi tháng 11 năm ngoái. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tàu Philippines bị phun vòi rồng ở Biển Đông: Manila gửi công hàm thứ 20, Washington nhắc lại lập trường 'cứng' |
*Ngoại trưởng Hàn Quốc sắp thăm Trung Quốc: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 10/5 cho biết Ngoại trưởng Cho Tae-yul sẽ thăm Trung Quốc vào đầu tuần tới để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị. Đây là chuyến đi đầu tiên tới Bắc Kinh của một nhà ngoại giao hàng đầu Hàn Quốc trong hơn 6 năm qua.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, ông Cho sẽ thảo luận với ông Vương Nghị về "các vấn đề cùng quan tâm, từ quan hệ song phương, hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn-Trung-Nhật và Bán đảo Triều Tiên, cho đến các vấn đề khu vực và toàn cầu".
Chuyến thăm của ông Cho diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản mà Seoul đang tìm cách tận dụng để thúc đẩy hợp tác ba bên. Hội nghị này nhiều khả năng sẽ diễn ra từ ngày 26-27/5 (Yonhap)
*Cảnh sát Indonesia bắt giữ 6 công dân Trung Quốc: Cảnh sát Indonesia ngày 10/5 cho biết đang điều tra 6 công dân Trung Quốc bị mắc kẹt ở vùng biển Vịnh Kupang sau khi cố gắng vượt biên sang Australia.
Ngoài ra, cảnh sát Indonesia cũng đã bắt giữ 6 người Indonesia, bị cáo buộc tiếp tay cho hoạt động vượt biên trái phép vào ngày 8/5. Các công dân Trung Quốc có thể đã trả tiền cho người Indonesia để được đưa sang Australia.
Đông Nusa Tenggara của Indonesia là khu vực mà các đối tượng buôn lậu thường xuyên sử dụng để vận chuyển hàng hóa và đưa người vượt biên sang Australia trong thập kỷ qua. (Straits Times)
*Trung Quốc tố cáo Mỹ "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh quốc gia": Quân đội Trung Quốc ngày 10/5 cáo buộc Mỹ có động thái "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc". Động thái này diễn ra sau khi Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 10/5 tuyên bố đã "đuổi" tàu khu trục USS Halsey của Mỹ khi tàu này tiến vào lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông trong cùng ngày.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ tuyên bố tàu khu trục USS Halsey khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa "phù hợp với luật pháp quốc tế".
Tranh chấp mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, bao gồm các vụ xung đột giữa Trung Quốc và Philippines. (Reuters)
Châu Âu
*Ukraine sẽ nhận lô tiêm kích F-16 đầu tiên vào tháng 6: Ngày 10/5, một nguồn tin quân sự cấp cao của Ukraine cho biết Kiev kỳ vọng lô máy bay tiêm kích F-16 đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 6 hay tháng 7 tới.
Ukraine mong có được lô máy bay F-16 do Mỹ sản xuất để giúp nước này đối phó ưu thế trên không của Nga sau hơn 2 năm xung đột. Tuy nhiên, nguồn tin trên không nêu đích danh nước cung cấp những máy bay F-16 này. (Reuters)
*Pháp: Nổ súng tại Paris, 2 cảnh sát bị thương nặng: Theo kênh France Info, rạng sáng 10/5 (giờ Việt Nam), một người đàn ông đã nổ súng khiến 2 sĩ quan cảnh sát bị thương nặng tại một đồn cảnh sát ở thủ đô Paris.
Vụ việc xảy ra trong khi các sĩ quan bắt giữ người đàn ông có hành vi bạo lực gia đình. Đối tượng đã tước vũ khí của một sĩ quan, sau đó nổ súng bắn cảnh sát.
Chính phủ Pháp đã nâng mức cảnh báo an ninh lên cấp độ cao nhất hôm 24/3 sau vụ tấn công đẫm máu tại một phòng hòa nhạc ở thủ đô Moscow (Nga), trong bối cảnh nước này chuẩn bị đăng cai Olympic Paris 2024 vào tháng 7 tới. (AFP)
*Nga quyết định từ bỏ các công nghệ của Trung Quốc: Các nhà phân tích từ NetEase cho biết Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã khiến Trung Quốc bối rối khi quyết định từ bỏ các công nghệ của Trung Quốc. Họ cho rằng bằng cách này, nhà lãnh đạo Nga đã tước đi những hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nguyên thủ quốc gia Nga đưa ra quyết định như vậy vì ông muốn phát triển công nghệ trong nước. Bài báo cho biết Nga đã kiên quyết từ chối sử dụng công nghệ của Trung Quốc.
Các nhà quan sát lưu ý đến việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ Moscow đến St. Petersburg. Họ gọi ý tưởng này là đầy tham vọng vì việc thực hiện chỉ diễn ra trong vài năm. Đồng thời, Nga từ bỏ công nghệ của Trung Quốc khiến nước này đang hụt hẫng vì đang trông chờ vào những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD.
Các nhà phân tích kết luận rằng Tổng thống Putin đã đưa ra lựa chọn có lợi cho LB Nga để nước này có sự phát triển của riêng mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh trong mọi trường hợp, Moscow sẽ không từ bỏ hợp tác với Bắc Kinh. (Sputnik)
Trung Đông – châu Phi
*Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt 17 phiến quân người Kurd ở Iraq, Syria: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/5 cho biết các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 17 phiến quân thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) nằm ngoài vòng pháp luật ở nhiều khu vực khác nhau tại miền Bắc Iraq và miền Bắc Syria.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Bộ này cho biết các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 10 phiến quân PKK ở các khu vực Gara và Hakurk thuộc miền Bắc Iraq và tại khu vực có lực lượng nổi dậy. 7 tay súng khác đã bị tiêu diệt ở hai khu vực phía Bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Các cuộc tấn công xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Iraq là nguyên nhân gây căng thẳng với nước láng giềng phía Đông Nam trong nhiều năm. Ankara đã yêu cầu Iraq hợp tác nhiều hơn trong việc chống lại PKK.
PKK đã tiến hành các hoạt động nổi dậy chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa PKK vào danh sách các tổ chức khủng bố. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Israel: Mối quan hệ với Nga thực sự quan trọng |
*Xung đột Hamas – Israel: LHQ cảnh báo hoạt động viện trợ phải dừng lại trong vài ngày tới: Ngày 10/5, trả lời họp báo trực tuyến, Điều phối viên cấp cao về tình trạng khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Hamish Young xác nhận đã không có thêm chuyến hàng chở nhiên liệu hay viện trợ nhân đạo nào vào được Gaza trong thời gian gần đây. Nếu tình hình không cải thiện, hoạt động nhân đạo sẽ phải tạm dừng trong vài ngày tới.
Cùng ngày, trên thực địa, xe tăng Israel đã kiểm soát được con đường chính phân chia nửa phía Đông và phía Tây của Rafah, bao vây toàn bộ phía Đông của thành phố, đồng thời đóng cửa khẩu duy nhất giữa Gaza và Ai Cập.
Trong bối cảnh xung đột leo thang, vòng đàm phán mới nhất ở Cairo (Ai Cập) đã được nối lại từ ngày 7/5 vừa qua, với sự tham gia của các phái đoàn từ Qatar, Mỹ và Hamas. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn đã kết thúc mà không đạt được đột phá. (Al Jazeera)
*Thái tử Saudi Arabia sắp thăm Nhật Bản: Hãng Kyodo đưa tin Thái tử Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman sẽ có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 20 - 23/5 tới. Đây là chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên của ông Salman từ năm 2019.
Theo kế hoạch, Thái tử Salman sẽ gặp Nhật Hoàng Naruhito và Thủ tướng Kishida Fumio. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi cho biết Thủ tướng Kishida sẽ thảo luận về hợp tác song phương và một loạt vấn đề ảnh hưởng đến Trung Đông và cộng đồng quốc tế.
Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu mỏ lớn cho Nhật Bản và quỹ đầu tư quốc gia của nước này cũng nắm giữ cổ phần trong công ty Nintendo - một doanh nghiệp khổng lồ ngành trò chơi điện tử.
Hơn 90% lượng nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản đến từ Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác. Các công ty năng lượng Nhật Bản cũng muốn đầu tư vào các dự án sản xuất hydro và amoniac ở vùng Vịnh, nhằm sử dụng các loại khí này làm nhiên liệu để giảm lượng khí thải CO2 của Nhật Bản. (Kyodo News)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại: Công báo Liên bang ngày 9/5 cho biết Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại vì “hành động gây hại cho an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Danh sách hạn chế thương mại - được gọi là danh sách thực thể - đã được Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để ngăn chặn dòng chảy công nghệ từ nền kinh tế số 1 thế giới sang Trung Quốc do Washington lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng các công nghệ này để tăng cường năng lực quân sự.
Việc Washington công bố danh sách bổ sung nêu trên khiến các nhà cung cấp Mỹ gặp khó khăn hơn trong hoạt động giao dịch với các thực thể bị nhắm mục tiêu. (Kyodo News)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ 'gọi tên' loạt doanh nghiệp Trung Quốc; lĩnh vực chiến lược của Bắc Kinh sắp bị 'vào tầm ngắm’ |
*Cuba tố Mỹ bảo vệ khủng bố trên lãnh thổ: Ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Cuba tố cáo Mỹ tiếp tục bảo vệ "những kẻ khủng bố" trên lãnh thổ của mình, sau khi biết tin người chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào Đại sứ quán của La Habana ở Washington được trắng án.
Thông qua một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Cuba bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của thẩm phán Tòa án Quận Columbia của Mỹ ban hành ngày 1/5, trong đó tuyên trắng án cho Alexander Alazo Baró, người đã bắn 32 viên đạn từ một khẩu súng trường bán tự động AK-47 tấn công phái đoàn ngoại giao của La Habana ngày 30/4/2020.
Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định đây là hành vi khủng bố ngay giữa thủ đô của nước Mỹ nhằm vào một trụ sở ngoại giao thường trực.
Bộ Ngoại giao Cuba cho rằng những hành động khủng bố như đã nêu trên là kết quả trực tiếp của chính sách của Washington chống lại La Habana, cũng như việc các chính trị gia Mỹ và các nhóm cực đoan chống Cuba thường xuyên kích động bạo lực và thù hận. (TTXVN)
*Venezuela giận dữ trước “hành động khiêu khích” của Mỹ: Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez ngày 9/5 đã bày tỏ giận dữ sau khi chiến đấu cơ của Mỹ bay qua không phận quốc gia láng giềng Guyana trong khuôn khổ tập trận quân sự được Georgetown và Washington lên kế hoạch từ trước.
Ông Padrino Lopez nhấn mạnh đây là vụ việc mới nhất trong một loạt “hành động khiêu khích liên tục” từ phía Mỹ, đồng thời tuyên bố hệ thống phòng thủ của Venezuela sẽ được kích hoạt nhằm ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm không phận thuộc chủ quyền.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Guyana xác nhận các tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ đã bay qua thủ đô Georgetown và những khu vực lân cận trong khuôn khổ tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Guyana. Tranh chấp Essequibo giữa Venezuela và Guyana đã nóng lên từ năm 2015 sau khi công ty năng lượng khổng lồ ExxonMobil có trụ sở tại Mỹ phát hiện ra các mỏ dầu tại khu vực này. (AFP)
| Cựu Tư lệnh Lực lượng hỗn hợp của Nga liên quan vụ Wagner xuất hiện trở lại? Cựu Tư lệnh Nhóm Lực lượng hỗn hợp của Nga trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) tại Ukraine, Tướng Sergei Surovikin ... |
| Định đoạt số phận tài sản Nga bị phong tỏa, EU còn muốn nhiều hơn nữa, Ukraine sẽ có tiền trước mùa Hè? Các đại sứ EU ngày 8/5 đã đồng ý sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ quá trình ... |
| NATO tuyên bố dứt khoát không gửi quân tới Ukraine, chuyên gia Canada nói Kiev chưa có 'cửa' vào liên minh Ngày 9/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg xác nhận, liên minh quân sự này không có ... |
| Tin thế giới 9/5: Cựu Tư lệnh Nga liên quan vụ Wagner sắp trở lại? Tòa Mỹ yêu cầu một công ty Nhật bồi thường hơn 1 tỷ USD Tổng thống Nga cảnh báo xung đột toàn cầu, tàu hải quân Trung Quốc sắp thăm Campuchia, NATO khẳng định không gửi quân tới Ukraine, ... |
| Mỹ cảnh báo Israel về kết cục của chiến dịch ở Rafah, bị đồng minh phàn nàn về 'thông điệp sai lầm' Ngày 9/5, Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, chiến dịch quân sự lớn của Israel tại Rafah sẽ không thúc ... |
| Đại sứ Israel: Mối quan hệ với Nga thực sự quan trọng Ngày 9/5, Đại sứ Israel tại Moscow Simona Halperin khẳng định, mối quan hệ cũng như việc đối thoại giữa nước này với Nga rất ... |