Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Tổng thống Mỹ khẳng định quan điểm không khoan nhượng với Nga
Tổng thống Joe Biden ngày 9/6 khẳng định Mỹ không tìm cách đối đầu với Nga, những sẽ đáp trả “theo cách mạnh mẽ và đầy ý nghĩa” nếu Moscow dính líu đến những hoạt động gây hại.
Phát biểu khởi đầu chuyến thăm kéo dài 8 ngày tới châu Âu - trong đó có hoạt động tham gia hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến cam kết “trước sau như một” của Washington đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Trò chuyện trước các binh sĩ Mỹ và thành viên gia đình tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Mildenhall của Anh, Tổng thống Biden nêu rõ: “Chúng ta không tìm kiếm xung đột với Nga. Chúng ta mong muốn một mối quan hệ ổn định và có thể dự báo… Nhưng như tôi đã tuyên bố, Mỹ sẽ đáp trả theo cách mạnh mẽ và đầy ý nghĩa nếu Chính phủ Nga dính líu đến những hoạt động gây hại”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Mỹ Joe Biden công du châu Âu: Nhiều trọng tâm đối ngoại quan trọng |
Mỹ chỉ trích Nga vì vụ Navalny
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 9/6 cho biết Washington kịch liệt lên án lệnh cấm của Tòa án thủ đô Moscow đối với các nhóm ủng hộ nhân vật chỉ trích Điện Kremlin, Alexei Navalny, đồng thời coi đó là một cuộc tấn công vào các quyền cơ bản và yêu cầu Nga thả nhân vật này.
Người phát ngôn trên tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Nga ngừng lạm dụng những biện pháp cực đoạn nhằm vào các tổ chức phi bạo lực, đồng thời chấm dứt hành động trấn áp đối với ông Navalny và những người ủng hộ ông, cũng như tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về tôn trọng và đảm bảo nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”. (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ Navalny: EU nói Nga có động thái 'nghiêm trọng nhất' từ trước tới nay |
Nga nói Mỹ nên có trách nhiệm để bình thường hoá quan hệ
Ngày 9/6, phát biểu tại Diễn đàn Primakov Readings, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow đang theo đuổi bình thường hóa quan hệ với Washington và kêu gọi Mỹ cũng có trách nhiệm trong những nỗ lực này.
Trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra sau một tuần nữa tại Geneva, Thụy Sỹ, Thứ trưởng Ryabkov nói rằng: “Đây thực sự là một sự kiện quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. Chúng tôi hy vọng sự kiện này sẽ giải đáp cho nhiều câu hỏi".
Quan chức ngoại giao Nga cho hay, ông không rõ sau cuộc tiếp xúc này, xu hướng bền vững hướng tới giải quyết các vấn đề và bình thường hóa quan hệ liệu có thể được đảm bảo hay không, nhưng Nga sẽ theo đuổi điều này.
Theo ông Ryabkov, đây là mấu chốt của tất cả những nhiệm vụ mà Nga đang nỗ lực giải quyết hiện nay, đồng thời kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden cũng "có trách nhiệm và năng lực như Moscow" để đạt được mục tiêu này.
Ông Ryabkov nói: “Chúng ta không chỉ cần tìm lời giải cho vấn đề liệu có cơ hội để xoa dịu căng thẳng mà cả cho vấn đề về ‘phương trình an ninh’ mới trong quan hệ hai nước. Nga cũng đã sẵn sàng cho việc này”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Nga, ông Biden bất ngờ cam kết 'sát cánh' cùng châu Âu chống Nga |
Nga nói Mỹ nên dừng thù địch
Cùng ngày, Sputinik dẫn lời ông Ryabkov cho biết, Mỹ cần dừng chính sách thù địch và can thiệp vào công việc nội bộ của Nga nếu muốn thoát khỏi danh sách các quốc gia không thân thiện.
Tuy nhiên, theo ông Ryabkov, cho đến nay vẫn chưa có cơ sở để hy vọng rằng chính quyền Nga sẽ sửa đổi danh sách này.
Nhà ngoại giao Nga cũng tuyên bố nước này sẵn sàng thảo luận với Mỹ mọi phương án nhằm bình thường hóa hoạt động của đại sứ quán hai nước, bao gồm một số biện pháp được triển khai từng bước, song Moscow mong muốn hai bên sẽ dỡ bỏ hoàn toàn tất cả những hạn chế.
TIN LIÊN QUAN | |
Vấn đề Ukraine trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Tổng thống Putin sẽ giải thích ngọn ngành |
Mỹ-Trung Quốc:
Trung Quốc thông qua luật đáp trả trừng phạt
Cơ quan lập pháp Trung Quốc hôm nay (10/6) đã bỏ phiếu thông qua luật đáp trả trừng phạt. Dự luật được thông qua tại phiên họp bế mạc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Tuy nhiên, các chi tiết của luật vẫn chưa được công khai.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc đưa tin, động thái trên nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Trung Quốc để đáp trả các biện pháp trừng phạt, trước sức ép từ các nước phương Tây như Mỹ, Anh, EU và Canada. (THX)
Bắc Kinh hy vọng Mỹ đối xử công bằng
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/6 cho biết nước này hy vọng Mỹ có thể đối xử với các công ty Trung Quốc một cách bình đẳng và công bằng, tránh chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại.
Phản ứng với quyết định của Mỹ thu hồi các sắc lệnh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và WeChat, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho rằng đây là một bước đi tích cực đúng hướng.
Theo ông Cao Phong, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Bắc Kinh và Washington là đôi bên cùng có lợi. (THX)
Bộ Quốc phòng Mỹ lên các sáng kiến đối phó Trung Quốc
Ngày 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành một chỉ thị yêu cầu nội bộ Lầu Năm Góc thực hiện các sáng kiến đối phó với Trung Quốc.
Lầu Năm Góc mô tả chỉ thị này sẽ “khởi động một nỗ lực lớn của toàn Bộ Quốc phòng để giải quyết tốt hơn các thách thức an ninh do Trung Quốc gây ra”, đồng thời nhắc lại rằng Bắc Kinh là đối thủ số một của Washington.
Các sáng kiến sẽ tập trung vào quy trình và thủ tục của Lầu Năm Góc, được thực hiện với sự tham vấn và hỗ trợ của các bộ ngành liên quan. Mục tiêu là hợp lý hóa và tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một phần các sáng kiến sẽ được xếp vào thông tin mật. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Trung Quốc 'bắt tay' thúc đẩy hợp tác thực chất trong thương mại và đầu tư |
Đáp trả, Nga trục xuất nhà ngoại giao Bắc Macedonia
Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/6 tuyên bố một nhà ngoại giao của Bắc Macedonia là nhân vật không được hoan nghênh, một động thái đáp trả quyết định của Skopje hồi tháng trước.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, quyết định trước đó của Bắc Macedonia là không có cơ sở. Tuy nhiên, Moscow không nêu cụ thể nhà ngoại giao nào của Bắc Macedonia bị trục xuất. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ứng cử viên gia nhập EU 'chơi' căng với Nga, thẳng tay trục xuất nhân viên ngoại giao, Moscow nói gì? |
Tổng thống Argentina lên tiếng xin lỗi về câu nói gây tranh cãi
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez ngày 9/6 đã phải lên tiếng xin lỗi vì trích dẫn một câu nói gây tranh cãi về nguồn gốc của một số dân tộc ở Mỹ Latinh, gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận trong và ngoài nước.
Cụ thể, phát biểu tại một buổi lễ với sự có mặt của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, ông Fernandez đã dẫn lời nhà văn người Mexico Octavio Paz nói rằng “người Mexico có nguồn gốc từ thổ dân, người Brazil xuất hiện từ rừng rậm, nhưng người Argentina đến từ những con tàu”, ám chỉ tới những người nhập cư từ châu Âu.
Ngay lập tức, câu trích dẫn của nhà lãnh đạo Argentina đã làm “dậy sóng” mạng xã hội, dư luận cho rằng đây là một hành động phân biệt và xúc phạm tới các dân tộc khác. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Covid-19: Tổng thống Argentina dương tính với virus SARS-CoV-2 |
Uỷ ban châu Âu kiện Czech và Ba Lan
Ngày 9/6, Ủy ban châu Âu đã kiện Cộng hòa Czech và Ba Lan lên Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (EU) vì không cho phép người nước ngoài từ EU tham gia các đảng chính trị.
Theo EU, cả hai nước đều hạn chế quyền ứng cử trong các cuộc bầu cử địa phương và châu Âu, không như các điều kiện tương tự với công dân Czech và Ba Lan.
Czech và Ba Lan là duy nhất trong 27 quốc gia có luật cấm công dân của các quốc gia khác của EU gia nhập các đảng chính trị. EC cho rằng, điều này vi phạm một điều khoản của Hiệp ước EU cấm phân biệt đối xử vì lý do quốc tịch.
Theo EC, công dân châu Âu có thể thực hiện các quyền chính trị của mình ở các quốc gia thành viên EU khác mà không bị hạn chế. Đặc biệt, họ được quyền ứng cử trong các cuộc bầu cử địa phương và châu Âu tại quốc gia thành viên nơi họ cư trú. Điều đó thúc đẩy sự tham gia tích cực của tất cả công dân EU vào quá trình dân chủ. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
EU: Nếu Nga ngừng 'gây rối', xu hướng đi xuống trong quan hệ Nga-EU có thể thay đổi |
Rộ đồn đoán về sức khoẻ ông Kim Jong-un
Bộ Thống nhất Hàn Quốc đang theo dõi sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song hiện chưa có thông tin về bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong bối cảnh có suy đoán rằng ông đã sụt cân đáng kể.
Tin tức trước đó cho biết ông Kim Jong-un dường như đã giảm "cân đáng kể" dựa trên phân tích một bức ảnh cho thấy dây đồng hồ đeo tay của ông dường như đã được cắt ngắn hơn. Bức ảnh này được chụp trong một phiên họp Bộ Chính trị đảng Lao động cầm quyền vào tuần trước. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 'tái xuất' sau 1 tháng im ắng, mặc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn |
Tình hình Myanmar:
Rơi máy bay quân sự, 12 người thiệt mạng
Một người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar ngày 10/6 xác nhận có 12 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra sáng cùng ngày.
Chiếc máy bay quân sự, chở 6 thành viên phi hành đoàn và 8 hành khách, đã bị rơi ở khu vực gần thành phố Pyin Oo Lwin, miền Trung Myanmar.
Theo người phát ngôn, có 2 người trên máy bay đã may mắn sống sót sau vụ tai nạn. Những kết luận ban đầu cho thấy chiếc máy bay gặp nạn do thời tiết xấu. Cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ hơn nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ tai nạn này. (Reuters)
Bà Aung San Suu Kyi tiếp tục đối mặt với án tù
Chính quyền quân sự Myanmar đã buộc tội bà Aung San Suu Kyi về tội danh tham nhũng, cáo buộc nghiêm trọng nhất đối với bà từ trước đến nay. Theo đó, bà bị cáo buộc nhận hối lộ số lượng lớn tiền mặt và vàng, và phải đối mặt với án tù 15 năm nếu bị kết tội.
Ngoài ra, bà còn phải đối mặt với 6 cáo buộc khác liên quan đến nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm và kích động dân chúng gây bất ổn. (Reuters)