📞

Tin thế giới 11/12: Lý do Morocco làm hòa với Israel; Mỹ giao cơ sở đồn trú cho Hàn Quốc; Sanofi và GSK lùi thời điểm ban hành vaccine

Minh Quân 19:45 | 11/12/2020
TGVN. Lý do Morocco làm hòa với Israel, Mỹ bàn giao cơ sở đồn trú cho Hàn Quốc, Sanofi và GSK lùi thời điểm tung vaccine…là tin thế giới nổi bật ngày 11/12.

Lý do Morocco làm hòa với Israel

Ngày 10/12, Morocco đã trở thành quốc gia Hồi giáo thứ tư chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel trong năm 2020.

Đây có thể là một tuyên bố bất ngờ với nhiều người, song với giới chuyên gia thì khác.

Tác giả Ronen Bergman của tờ New York Times nhận định trong hơn sáu thập kỷ qua, Israel và Morocco đã bí mật hợp tác trong lĩnh vực tình báo và quân sự. Theo đó, Israel đã giúp Morocco thu mua các loại vũ khí và huấn luyện các binh sỹ nước này trong các chiến dịch tình báo.

Bù lại, Morocco đã giúp Israel tiếp nhận người Morocco gốc Do Thái, tiến hành chiến dịch nhắm vào trùm khủng bố Al-Qaeda khét tiếng là Osama Bin Laden, thậm chí là do thám quốc gia Arab khác.

Theo ông Bergman, quan hệ song phương đã được vun đắp và phát triển bởi cộng đồng người Do Thái lớn tại Morocco, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Israel năm 1948. Ước tính có tới 1 triệu người Israel đến từ Morocco hoặc là con cháu của những người từng sống ở Morocco.

Năm 1956, sau khi giành độc lập, chính quyền Morocco đã cấm người Do Thái di cư. Tuy nhiên, nhằm cảm ơn sự giúp đỡ của Cơ quan tình báo Israel (Mossad) trong ngăn ngừa âm mưu lật đổ chính quyền, Quốc vương Hassan II đã gỡ bỏ lệnh cấm này, thậm chí cho phép Mossad thiết lập một căn cứ bí mật tại Morocco, tạo tiền đề cho quan hệ hợp tác bí mật trong sáu thập kỷ qua.

Đáng chú ý, quan hệ song phương được cho là đã tiến triển đặc biệt sau khi Morocco cho phép Mossad tiến hành nghe lén cuộc gặp giữa lãnh đạo Chính phủ và quân đội các nước Arab tại Casablanca năm 1965, qua đó giúp Israel có được nhiều thông tin cần thiết, dẫn đến chiến thắng trong Cuộc chiến Bảy ngày năm 1967.

Quan trọng hơn, Morocco cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Israel – Ai Cập. Đổi lại, Israel thuyết phục Mỹ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Morocco.

Không loại trừ khả năng Mỹ, dưới tác động của Israel, đã quyết định phá bỏ thế trung lập kéo dài 40 năm trong vấn đề chủ quyền Tây Sahara và tuyên bố khu vực này thuộc chủ quyền của Morocco, qua đó đáp ứng điều kiện của Casablanca nhằm bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. (New York Times)

Quân đội Mỹ bàn giao 12 cơ sở đồn trú cho Hàn Quốc

Ngày 11/12, Mỹ đã bàn giao 12 cơ sở đồn trú của lực lượng quân đội nước này cho Hàn Quốc, trong đó có một số cơ sở ở trung tâm thủ đô Seoul.

Theo giới chức Hàn Quốc, trong phiên họp ủy ban hỗn hợp được tổ chức trực tuyến bàn về thỏa thuận Quy chế các lực lượng (SOFA), Mỹ đã đồng ý chuyển giao 12 cơ sở đồn trú của Quân đội Mỹ cho nước sở tại. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thể giải quyết bất đồng xung quanh vấn đề chia sẻ chi phí khôi phục môi trường ở những khu vực này. Hai bên tiếp tục tham vấn về thủ tục khử độc, các tiêu chuẩn quản lý các cơ sở đồn trú và những vấn đề khác còn tồn tại.

Trong số những cơ sở được bàn giao có 2 địa điểm quan trọng là căn cứ Yongsan Garrison, Doanh trại Camp Kim và 4 cơ sở khác do lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) kiểm soát ở trung tâm Seoul.

Đây là lần đầu các cơ sở quân đội ở khu phức hợp Yongsan, từng là trụ sở quân đội Mỹ, được chuyển giao cho Hàn Quốc. Seoul dự định biến khu vực này thành công viên quốc gia.

Theo Chính phủ Hàn Quốc, Seoul và Washington đã thống nhất bàn giao với điều kiện tiếp tục tham vấn về trách nhiệm đối với khử độc các căn cứ quân sự, phương thức tăng cường quản lý môi trường các kho quân sự hiện do USFK quản lý và điều chỉnh những thỏa thuận liên quan tới SOFA.

Thỏa thuận này có hiệu lực đối với 28.500 lính Mỹ hiện đang đồn trú tại Hàn Quốc, bao gồm các vấn đề về tính hợp pháp và quyền hạn hoạt động của lực lượng này. Thứ trưởng điều phối chính sách hợp tác của Chính phủ Hàn Quốc Choi Chang-Won cho biết 2 bên đang thảo luận về chuyển giao giao 12 cơ sở đồn trú còn lại của quân đội Mỹ cho Hàn Quốc.

Các cuộc đàm phán chuyển giao các cơ sở đồn trú do quân đội Mỹ kiểm soát được tiến hành từ năm 2003. Sau đó, Hàn Quốc sẽ bắt đầu công tác khử độc, làm sạch môi trường và triển khai các dự án.

Theo giới chức Hàn Quốc, nước này đang nghiên cứu xây dựng các tòa nhà công cộng tại Doanh trại Camp Kim và đặt lại Trung tâm y tế quốc gia tại Seoul ở những khu vực mà trước đó Nhà máy cơ khí quân đội Mỹ sử dụng. (Yonhap)

Dịch Covid-19

Sanofi và GSK lùi thời điểm tung vaccine ra thị trường

Vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do hai hãng dược Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh) phối hợp phát triển chưa sẵn sàng được tung ra thị trường cho tới cuối năm 2021 thay vì giữa năm như dự kiến ban đầu.

Theo tuyên bố của Sanofi và GSK, kết quả sơ bộ cho thấy các tình nguyện viên ở độ tuổi 18 - 49 tuổi được thử nghiệm vaccine này cho đáp ứng miễn dịch tương đương với những bệnh nhân mắc Covid-19 đã bình phục. Tuy nhiên, những tình nguyện viên lớn tuổi hơn lại có đáp ứng miễn dịch thấp do nồng độ kháng nguyên không đủ. Do đó, hai công ty đã quyết định lùi kế hoạch tung vaccine ra thị trường từ giữa năm sau sang quý IV/2021 nhằm “cải thiện đáp ứng miễn dịch ở những người cao tuổi.”

Theo dự kiến ban đầu, Sanofi và GSK sẽ tiến hành nghiên cứu giai đoạn 3 đối với vaccine trên trong tháng này. Tuy nhiên, trong kế hoạch điều chỉnh, hai hãng sẽ tiến hành một nghiên cứu giai đoạn 2b vào tháng 2/2021 với hy vọng trước cuối năm sau sẽ điều chế được một loại vaccine hiệu quả hơn. Nếu kết quả khả quan, công tác nghiên cứu giai đoạn 3 trên toàn cầu có thể được khởi động trong quý II năm sau.

Theo hai hãng dược này, một nghiên cứu gần đây ở động vật linh trưởng không phải con người đã cho thấy vaccine do Sanofi và GSK phát triển với công thức kháng nguyên được nâng cấp có thể chống lại các bệnh về phổi, cũng như đẩy nhanh việc thanh thải virus ra khỏi khoang mũi và phổi trong vòng 2 tới 4 ngày. Những kết quả này mang lại niềm tin cho hai hãng dược trong việc ứng dụng công nghệ tái tổ hợp có tá dược bổ trợ để điều chế một loại vaccine hiệu quả cao cho người trưởng thành.

Ông Thomas Triomphe, Phó Chủ tịch điều hành Sanofi kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu vaccine Sanofi Pasteur, nêu rõ: “Chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, đó là lý do tại sao chúng tôi lấy làm thất vọng về sự chậm trễ này, song mọi quyết định của chúng tôi đang và sẽ luôn dựa trên khoa học và dữ liệu”.

Ông khẳng định Sanofi và GSK đã xác định đường hướng phía trước và luôn tin tưởng, cam kết mang lại một loại vaccine phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả. Chuyên gia này nhấn mạnh thế giới cần nhiều hơn một loại vaccine để chống lại đại dịch Covid-19.

Về phần mình, ông Roger Connor, Chủ tịch GSK Vaccine cho biết thêm mặc dù các kết quả nghiên cứu không như kỳ vọng, song dựa trên kinh nghiệm và hợp tác trước đó, họ tin rằng tá dược của GSK kết hợp với kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 có thể tạo đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Tuyên bố mới nhất của Sanofi và GSK được đánh giá là bước lùi lớn trong nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19. Vaccine do hai hãng này hợp tác phát triển dựa trên công nghệ mà Sanofi đã sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa.

Cho tới nay, dư luận đang đặt kỳ vọng vào vaccine do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, vốn đã chứng minh có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 lên tới 90%. Hiện các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine này với sự tham gia của hơn 40.000 tình nguyện viên đang được triển khai. (AP)

ADB triển khai sáng kiến trị giá 9 tỉ USD tiếp cận vaccine phòng Covid-19

Ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo triển khai sáng kiến trị giá 9 tỉ USD mang tên “Quỹ Tiếp cận vaccine châu Á và Thái Bình Dương” (APVAX), nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và công bằng cho các quốc gia thành viên đang phát triển khi họ mua và phân phối vaccine ngừa bệnh Covid-19.

Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho rằng các quốc gia đang phát triển là thành viên của ADB đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân và cần tài chính để đặt mua vaccine cũng như lên những kế hoạch phù hợp để quản lý quá trình tiêm chủng.

Theo đó, ADB triển khai sáng kiến APVAX nhằm hỗ trợ quá trình mua và vận chuyển vaccine từ nhà sản xuất tới các quốc gia thành viên cũng như đầu tư cho hệ thống phân phối, các cơ sở trữ đông và các thiết bị cần thiết. ADB sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để triển khai chương trình này.

Thông qua chương trình này, ADB cũng có thể sẽ cung cấp tài chính cho việc phát triển hoặc mở rộng năng lực sản xuất vaccine ở các quốc gia thành viên đang phát triển. ADB còn dành khoản 500 triệu USD cho Quỹ nhập khẩu vaccine để hỗ trợ giảm thiểu các nguy cơ thanh toán và tạo điều kiện cho các hoạt động nhập khẩu vaccine.

Hiện các quốc gia châu Á đang nỗ lực để đảm bảo hành triệu liều vaccine cho người dân trong khu vực, với mục tiêu triển khai tiêm chủng và bắt đầu chặng đường dài khôi phục trạng thái bình thường, giúp các nền kinh tế hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19.

ADB dự báo kinh tế khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm trong năm 2020 nhưng có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc hồi phục nhanh hơn dự kiến bất chấp diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường.

Năm 2021, kinh tế khu vực được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng 6,8%. Hồi tháng 4, ADB đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 20 tỉ USD để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển khắc phục những tác động của đại dịch và tinh giản một số quy trình thủ tục nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh hơn và linh hoạt hơn.

ADB đã cam kết 14,9 tỉ USD dưới hình thức các khoản vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm 9,9 tỉ USD hỗ trợ ngân sách giải ngân nhanh từ chương trình Giải pháp ứng phó đại dịch Covid-19 (CPRO) và hỗ trợ cho khu vực tư nhân.