Bầu cử Mỹ 2020
Tổng thống Trump "chiến đấu" vì 74 triệu người Mỹ bỏ phiếu
Ngày 30/11, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump tuyên bố: "Tôi không chiến đấu vì tôi, mà tôi đang chiến đấu vì 74 triệu người đã bỏ phiếu cho tôi, con số kỷ lục đối với một tổng thống đương nhiệm".
Trước đó, ông Trump đăng một dòng tweet khác khẳng định: "Chúng tôi không thua trong cuộc bầu cử này!".
Theo thống kê của Fox News, ông Trump giành được 73,9 triệu phiếu bầu phổ thông, trong khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nhận được hơn 80,2 triệu phiếu bầu.
Truyền thông Mỹ ước tính, ông Biden nhận được 306 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump nhận được 232 phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc ông Biden đã vượt qua số phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử tổng thống. (Fox News)
Mỹ-Liên hợp quốc
TTK Guterres và ông Biden bàn cách tăng cường quan hệ đối tác LHQ-Mỹ
Ngày 30/11, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã có buổi làm việc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres để thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề nhân đạo, phát triển bền vững, gìn giữ hòa bình, an ninh và giải quyết các cuộc xung đột, phát huy dân chủ và bảo vệ nhân quyền.
Ngày 1/12, người phát ngôn Stephane Dujarric của ông Tổng Thư ký LHQ cho hay, ông Guterres rất vui được nói chuyện với ông Biden để gửi lời chúc mừng cá nhân tới Tổng thống đắc cử Mỹ.
"Ngài Tổng Thư ký nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sự hợp tác chặt chẽ lâu dài giữa Mỹ và LHQ. Ông Guterres mong muốn được hợp tác với ông Biden và đội ngũ của ông ấy để xây dựng mối quan hệ đối tác của hai bên nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay", người phát ngôn này nói. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc
Luật mới về kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc chính thức có hiệu lực
Ngày 1/12, một bộ luật mới của Trung Quốc nhằm ngăn chặn xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ tối tân có thể được chuyển sang mục đích quân sự đã chính thức có hiệu lực. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.
Luật được ban hành hồi tháng 10 này, có vẻ như được thiết kế để nhằm vào Mỹ vốn đang cố gắng loại Trung Quốc khỏi mạng lưới thương mại toàn cầu với việc hai cường quốc hàng đầu thế giới bất đồng nhau trong một số vấn đề, trong đó có thông lệ kinh doanh, Đài Loan và Đặc khu Hành chính Hong Kong.
Những quan ngại cũng gia tăng về việc luật này sẽ tác động tới các công ty của một số nước, như Nhật Bản. (Kyodo)
Trung Quốc hối thúc Mỹ "sửa sai" lệnh trừng phạt liên quan tới Venezuela
Ngày 1/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, nước này hối thúc Mỹ sửa chữa sai lầm và dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt bất hợp pháp, sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu Điện tử Quốc gia Trung Quốc (CEIEC) có liên quan đến Venezuela.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Venezuela và phản đối việc lạm dụng các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích các doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Venezuela tuyên bố coi lệnh trừng phạt này của Mỹ là một âm mưu làm bất ổn tình hình trước bầu cử, đồng thời "một lần nữa lên án trước cộng đồng quốc tế các hành động bất hợp pháp của chính quyền Mỹ". (Reuters, Sputnik)
Mỹ-Trung Quốc-EU
Báo Anh: EU 'rủ' Mỹ thành lập liên minh toàn cầu mới đối trọng với Trung Quốc
Báo Daily Express của Anh cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) cùng với Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã dự một thảo tài liệu liên quan đến việc khắc phục sự khác biệt giữa các bên nảy sinh dưới thời ông Trump và chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng một "chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương" mới với chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden để chống lại những thách thức do "sự cương quyết ngày càng tăng của Trung Quốc".
Tuy nhiên, dự thảo này không tiết lộ Mỹ và EU cần thực hiện những hành động nào để chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả hơn nhưng nêu rõ, các bên có thể tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch và tội phạm mạng.
Dự kiến, văn kiện sẽ được đệ trình để lãnh đạo các nước thành viên EU phê duyệt tại hội nghị cấp cao của khối diễn ra vào từ ngày 10-11/12. Nếu kế hoạch được thông qua, EU và Mỹ có thể bắt tay vào thực hiện trong nửa đầu năm 2021. (Sputnik)
NATO: Trung Quốc là thế lực đang trỗi dậy
Ngày 30/11, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công bố báo cáo NATO 2030 bao gồm 138 đề xuất, được đưa ra trong bối cảnh những mối nghi ngờ ngày càng lớn về mục đích và sự xác đáng của một liên minh mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi năm ngoái đã cho rằng “bị chết não”.
Một nhà ngoại giao châu Âu dẫn thông tin từ báo cáo trên đánh giá Trung Quốc không còn là đối tác thương mại “vô hại” như phương Tây từng hy vọng mà là thế lực đang trỗi dậy trong thế kỷ này, với bằng chứng là các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực, châu Phi và những dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của châu Âu.
Theo báo cáo, NATO phải suy nghĩ kỹ hơn về cách đối phó với Trung Quốc và sự gia tăng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, mặc dù Nga sẽ vẫn là đối thủ chính trong thập kỷ này, trong đó, một phần trong phản ứng của NATO là nên duy trì lợi thế công nghệ so với Trung Quốc, bảo vệ các mạng máy tính và cơ sở hạ tầng. (Reuters)
Trung Quốc-Australia
Căng thẳng Trung Quốc-Australia rơi vào tình thế nguy hiểm
Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Canberra-Bắc Kinh đang tiếp tục bị đe dọa xung quanh bức ảnh binh lính Australia dí dao vào cổ một em bé mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng trên Twitter khiến Thủ tướng Australia Scott Morrison phẫn nộ, yêu cầu xin lỗi.
Tuy nhiên, đáp trả yêu cầu từ phía Canberra, Trung Quốc từ chối làm theo và tuyên bố: “Chính phủ Australia cần tự vấn sâu sắc và đưa thủ phạm ra trước công lý, đồng thời đưa ra lời xin lỗi chính thức tới người dân Afghanistan và cam kết sẽ không bao giờ lặp lại những tội ác như vậy”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia cho rằng, các chính trị gia ở Canberra đã "hiểu sai" về bài đăng này, đồng thời tìm cách "kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước" và "lái sự chú ý của công chúng khỏi những hành động tàn bạo khủng khiếp của một số binh sĩ Australia". (Aljazeera, Reuters)
Vụ ám sát nhà khoa học Iran
Israel đề phòng Iran trả đũa
Ngày 1/12, Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Alon Ushpiz yêu cầu các phái bộ, cơ sở ngoại giao ở nước ngoài cảnh giác ở mức cao nhất trước lo ngại Iran có thể trả đũa vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh mà Tehran cho là Israel đứng sau.
Cái chết của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh đẩy quan hệ Iran-Israel leo thang căng thẳng. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cho biết, Israel đã sử dụng các thiết bị điện tử để điều khiển từ xa trong vụ sát hại ông Fakhrizadeh.
Tổng thống Hassan Rouhani cáo buộc Israel tìm cách gây hỗn loạn bằng vụ sát hại ông Fakhrizadeh, đồng thời cam kết sẽ đáp trả vụ việc vào thời điểm thích hợp. Về phần mình, Israel từ chối bình luận về thông tin, cáo buộc mà Iran đưa ra. (Times of Israel)
Hungary-Ukraine
Căng thẳng ngoại giao với Ukraine, Hungary dọa đưa ra NATO
Ngày 30/11, Bộ Ngoại giao Hungary đã triệu Đại sứ Ukraine tại Budapest và cáo buộc Kiev đe dọa sau khi cơ quan an ninh quốc gia Ukraine (SBU) bất ngờ khám xét các văn phòng của người Hungary thiểu số.
Theo Ngoại trưởng Peter Szijjarto, Hungary đã chuyển lời phản đối đến Bộ Ngoại giao Ukraine về những hoạt động khám xét, đồng thời cho hay, ông sẽ nêu vấn đề này ra trước hội nghị ngoại trưởng các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1/12.
Trước đó cùng ngày, Hiệp hội Văn hóa Hungary ở Transcarpathia (THCA) thông báo, các lực lượng thuộc SBU đã bất ngờ lục soát trụ sở của tổ chức này và nhà riêng của chủ tịch THCA để tìm kiếm bằng chứng về “những hoạt động nhằm thay đổi các đường biên giới bằng hình thức bạo lực”. THCA đã gọi hành động của nhà chức trách Ukraine là một “cuộc săn lùng phù thủy”. (Reuters)
Nagorno-Karabakh
Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sĩ đến Nagorno-Karabakh, nhất trí về trung tâm giữ gìn hòa bình
Ngày 30/11, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, binh sĩ nước này sẽ tham gia công tác rà phá bom mìn tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, thuộc quyền kiểm soát của Azerbaijan. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức những “khóa huấn luyện” cho các đơn vị công binh của quân đội Azerbaijan.
Bộ này cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý giám sát một thỏa thuận ngừng bắn đối với khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh từ một trung tâm gìn giữ hòa bình chung.
Các chi tiết kỹ thuật để thành lập trung tâm chung đã được hoàn tất và một thỏa thuận đã được ký kết và sẽ bắt đầu hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Azerbaijan xác nhận, các lực lượng quân đội nước này đã tiến vào huyện Lachin, địa phương cuối cùng trong số 3 huyện được Armenia trao trả theo quy định của thỏa thuận chấm dứt 6 tuần giao tranh đẫm máu tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (AFP)
Tình hình Libya
Các bên đối địch hội đàm ở Morocco
Ngày 30/11, 26 đại diện chia đều cho Hạ viện (HoR) và Hội đồng Nhà nước Tối cao Libya thuộc các bên đối địch ở Libya đã bắt đầu vòng đàm phán mới kéo dài 2 ngày tại Morocco. Đây được coi là một phần trong nỗ lực tiến tới chấm dứt một thập kỷ xung đột ở quốc gia Bắc Phi này.
Ông Mohammed Raied - thành viên của HoR, tổ chức có trụ sở tại thành phố Mistara, miền Tây Libya - cho biết, cuộc đàm phán tại Tangier nhằm mục đích giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chẳng hạn như việc bổ nhiệm nhân sự cho các vị trí chủ chốt.
Tuần trước, cũng tại Tangier, hơn 120 nghị sĩ Libya đã cam kết chấm dứt “những chia rẽ” ở quốc gia Bắc Phi này, khởi đầu bằng quyết định triệu tập hội nghị của quốc hội được bầu ngay sau khi trở về nước. (AFP)
Nga
Nhân viên cơ quan chuyên trách bảo vệ Tổng thống Putin tự sát trong Điện Kremlin
Ngày 30/11, hãng thông tấn trung ương Nga (TASS) đưa tin, gần đây một sĩ quan của Cục Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) đã tự sát khi đang làm nhiệm vụ trong Điện Kremlin. FSO là cơ quan có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho tổng thống Nga và các quan chức cấp cao của Nga.
Kênh Telegram Baza tiết lộ danh tính của sĩ quan tự sát nói trên là Mikhail Zakharov. Các đồng nghiệp của ông này cho rằng nguyên nhân dẫn đến lựa chọn tiêu cực của ông này có thể là do "thái độ thờ ơ của cấp trên ở FSO về điều kiện làm việc của người lao động, cụ thể là việc ông này phải làm thêm giờ quá nhiều".
Theo kênh Baza, gần đây FSO bị thiếu hụt nhân viên nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng các nhân viên phải làm việc thêm vào ca của những người đã rời đi, trong khi "số giờ làm thêm này không được trả lương".
Baza cho biết ông Zakharov công tác tại phân đội 5 của cơ quan Cảnh vệ Liên bang, đơn vị phụ trách bảo vệ Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, nguồn tin an ninh của hãng TASS đã bác bỏ thông tin này và cho biết lí do khiến sĩ quan này tự sát có thể là "những vấn đề cá nhân", "không liên quan đến điều kiện làm việc". (TASS)