📞

Tin thế giới 11/7: Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Thái Lan từ giã chính trường

Minh Vương 20:57 | 11/07/2023
Tổng thống Czech khẳng định một điều về tình hình Ukraine, thêm nước phản đối việc Mỹ gửi bom chùm tới Ukraine… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnus, Lithuania ngày 11/7. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga bi quan về đàm phán hòa bình với Ukraine: Ngày 11/7, Interfax (Nga) dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko trong chuyến thăm Trung Quốc cho biết xứ bạch dương nhận thấy không có cơ sở để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố hiện không có bất cứ cơ sở nào cho đàm phán hòa bình với Kiev. Theo ông, lý do chính khiến tiến trình đàm phán trì trệ là do Ukraine không sẵn sàng. (Reuters)

* Tướng Ukraine: Quân Nga đang ‘mắc kẹt’ tại Bakhmut: Ngày 10/7, viết trên Telegram, Tướng Oleksander Syrskyi, chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine khẳng định: “Bakhmut. Đối thủ đã mắc bẫy. Thành phố đang nằm trong vùng kiểm soát hỏa lực của chúng tôi. Đối thủ đang bị đẩy khỏi vị trí”.

Trong khi đó, nhận định về tình hình phía Nam, một chỉ huy khác, Tướng Oleksander Tarnavskyi cho biết Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đang “tiếp tục di chuyển”, còn Nga đã mất “hàng trăm người” 24 giờ qua.

Viết trên Telegram, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong tuần qua, Kiev đã giành lại quyền kiểm soát 10,2 km2 lãnh thổ ở phía Nam và 4 km2 ở phía Đông. Hiện Kiev đã giành lại quyền kiểm soát 169 km2 ở khu vực phía Nam và 24 km2 quanh Bakhmut kể từ khi triển khai chiến dịch phản công.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Các lực lượng vũ trang Nga (VS RF) đã đẩy lui nhiều cuộc tấn công tại ba vùng ở Donetsk, bao gồm Klishchiivka, tâm điểm của đụng độ gần đây tại Bakhmut. Ngoài ra, VS RF cũng đã ngăn chặn các đợt tấn công của VSU ở phía Nam, bao gồm gần làng Rivnopil, khu vực Ukraine khẳng định đã giành lại quyền kiểm soát hai tuần trước. (Reuters)

* Tổng thống Czech: Ukraine sẽ phải đàm phán với Nga: Ngày 11/7, phát biểu tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Lithuania, Tổng thống Czech Petr Pavel nhận định: “Ukraine đang từng bước giành lại lãnh thổ. Có lẽ họ vẫn đang tìm kiếm những điểm yếu trong phòng thủ của Nga. Họ vẫn chưa triển khai lực lượng đáng kể đã chuẩn bị sẵn sàng”.

Tuy nhiên, theo ông, Nga có thời gian chuẩn bị tuyến phòng thủ và có ưu thế trên không. Tổng thống Czech nhấn mạnh Ukraine có nhiều động lực hơn và được trang bị công nghệ tốt hơn, nhưng lại không có đủ đạn dược và lực lượng không quân “để thực sự hiệu quả”.

Ông nói: “Họ sắp hết thời gian để tiến lên phía trước, không chỉ vì mùa Đông sắp tới sẽ khó khăn hơn mà còn vì các cuộc bầu cử ở Mỹ, Nga và Ukraine…Chúng ta sẽ thấy sự sẵn sàng hỗ trợ vũ khí bổ sung trên quy mô lớn cho Ukraine sẽ giảm đi nhiều hơn nữa. Tất cả những điều kiện này có thể sẽ dẫn đến kết luận rằng những gì đạt được vào cuối năm sẽ là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán.”

Theo ông Pavel, ngoài đạn dược và thiết bị quân sự, Ukraine cũng cần “sự khuyến khích và trấn an”. Ông cho rằng NATO có thể củng cố tinh thần của Ukraine bằng cách hứa sẽ bắt đầu quá trình gia nhập ngay sau khi kết thúc xung đột. Song nhà lãnh đạo này không dự đoán về kết quả hội nghị thượng đỉnh NATO. (TTXVN)

* Campuchia, Triều Tiên phản đối Mỹ gửi bom chùm tới Ukraine: Ngày 11/7, viết trên Twitter, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu rõ: “Tôi tiếp tục kêu gọi các nước thành viên NATO và các đồng minh của Mỹ như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Canada, vốn là các bên ký kết Công ước cấm bom chùm, phải có trách nhiệm và tham gia ngăn chặn Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine (Volodymyr Zelensky) sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này”.

Mới đây, Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi Mỹ và Ukraine không sử dụng bom chùm trong xung đột với Nga vì nạn nhân thực sự là dân thường. Nhà lãnh đạo này cho biết nếu được sử dụng, bom chùm sẽ gây ra mối nguy hiểm khủng khiếp cho dân thường, đặc biệt là trẻ em trong hàng thập kỷ, thậm chí hàng trăm năm.

Cùng ngày, trong thông cáo báo chí do KCNA (Triều Tiên) đăng tải, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui nhấn mạnh: “Tôi, thay mặt Chính phủ Triều Tiên, kịch liệt lên án quyết định của Mỹ cung cấp vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Ukraine là một hành động tội phạm nguy hiểm nhằm mang lại tai họa mới cho thế giới, đồng thời mạnh mẽ yêu cầu Mỹ rút lại quyết định này ngay lập tức”. Bà cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với “những hậu quả cực kỳ tai hại nếu cuối cùng nước này cho phép chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt để sử dụng tại Ukraine, điều ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng ngần ngại thực hiện”. (AKP/Yonhap)

Nga-Trung

* Nga khẳng định quan hệ “ở mức cao nhất” với Trung Quốc: Ngày 11/7, phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban liên nghị viện về hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nhấn mạnh: “Hôm nay, quan hệ Nga-Trung đang ở mức cao nhất từ trước đến nay về quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược. Quan hệ song phương đã bước sang một giai đoạn mới và trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước, bảo đảm an ninh, củng cố vị thế quốc tế và là sự bảo đảm đáng tin cậy cho việc duy trì hòa bình và ổn định trên toàn cầu”.

Hiện phái đoàn Quốc hội Nga đang thăm Trung Quốc theo lời mời của ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. (TASS)

Đông Nam Á

* Thủ tướng Thái Lan sẽ từ giã chính trường: Ngày 11/7, đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-ocha nêu rõ: “Từ hôm nay tôi muốn rời bỏ chính trường, từ bỏ tư cách thành viên đảng viên đảng UTN”.

Tướng Prayut lên nắm quyền tại Thái Lan kể từ năm 2014 sau chiến dịch lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Trong bầu cử năm 2019, ông được bầu lại làm thủ tướng và tiếp tục dẫn dắt chính phủ tới nay.

Ông Prayut sẽ là thủ tướng tạm quyền cho đến khi Thái Lan có chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5. Phiên họp bầu Thủ tướng mới của Hạ viện và Thượng viện nước này sẽ diễn ra ngày 13/7 tới. (Reuters)

Nam Á

* Rơi máy bay trực thăng ở Nepal, toàn bộ 6 hành khách thiệt mạng: Ngày 11/7, một vu rơi máy bay trực thăng gần đỉnh Everest ở Nepal đã khiến toàn bộ 6 người, gồm 5 hành khách người Mexico và cơ trưởng thiệt mạng. Báo The Kathmandu Post cho biết ông Chet Bahadur Gurung, cơ trưởng chuyến bay, đã làm việc cho hãng Manang Air được một thập kỷ và bắt đầu bay từ năm 1998.

Cụ thể, chiếc trực thăng thương mại tư nhân mang số đăng ký 9N-AMV thuộc sự điều hành công ty Manang Air, xuất phát từ thị trấn Surke thuộc huyện Solukhunvhu, nơi có đỉnh Everest và các đỉnh núi khác, đã mất liên lạc sau 15 phút cất cánh. Theo các báo cáo, chiếc trực thăng đang quay trở lại thủ đô Kathmandu thì phải thay đổi lộ trình bay do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Trước đó có tin chiếc trực thăng đã biến mất khỏi màn hình radar vào khoảng 10h00 sáng tại khu vực đèo Lamjura. Sau đó, người dân đã phát hiện các mảnh vỡ máy bay tại một ngôi làng ở Lamjura thuộc huyện Solukhunvhu. Trực thăng 9N-AMV chuyên chở khách du lịch muốn ngắm nhìn những đỉnh núi cao chót vót của đất nước, bao gồm cả đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Thủ tướng Nhật Bản cân nhắc cải tổ Nội các vào tháng Chín: Ngày 11/7, các nguồn tin tại Tokyo cho hay Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang cân nhắc cải tổ Nội các và ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền giữa tháng Chín tới. Dự kiến, ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thời điểm thay đổi nhân sự với sự cân nhắc về lịch trình ngoại giao trong hai tháng tới. (Kyodo)

* Hàn Quốc, NATO thiết lập quan hệ đối tác hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực: Ngày 11/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có cuộc gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.Tại đây, hai bên đã thông qua Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng (ITPP), nâng cấp quan hệ song phương từ Chương trình hợp tác đối tác cá nhân (IPCP) được thiết lập vào năm 2012. IPCP vạch ra hợp tác trong 7 lĩnh vực, bao gồm kết nối chính trị-quân sự, phòng thủ mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố. Trong khi đó, ITPP gia tăng số lượng lĩnh vực hợp tác lên 11, bao gồm cả đối thoại và tham vấn nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau về các mối đe dọa an ninh chung.

Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố: “Trong bối cảnh không thể tách rời an ninh ở Đại Tây Dương và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, với NATO”.

Về phần mình, ông Stoltenberg khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao hợp tác với các bạn, vì an ninh không chỉ dừng ở cấp khu vực mà là an ninh toàn cầu. Những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương quan trọng với châu Âu và những gì xảy ra ở châu Âu cũng quan trọng với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng giải thích kế hoạch của nước này trong thành lập một trung tâm diễn tập mạng quốc tế vào năm 2027. Đồng thời, ông cũng hy vọng tăng cường hợp tác giữa trung tâm mới này và Trung tâm Hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt (CCDCOE) của NATO. (Yonhap)

Trung Á

* Taliban cấm các nhà hoạt động của Thụy Điển ở Afghanistan: Ngày 11/7, người phát ngôn của chính quyền Taliban, ông Zabiullah Mujahid nêu rõ: “Sau vụ xúc phạm thánh kinh Qur’an và được cho phép xúc phạm tín ngưỡng Hồi giáo... Người Hồi giáo Tiểu vương quốc Afghanistan ra lệnh ngừng tất cả mọi hoạt động của Thụy Điển tại Afghanistan”. Chính quyền Thụy Điển đã không mở đại sứ quán ở Afghanistan kể từ khi phe Taliban nắm quyền năm 2021. (Reuters)

Châu Âu

* Nga lên tiếng về hội nghị thượng đỉnh NATO: Ngày 11/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga đang “theo dõi sát sao” diễn biến hội nghị thượng đỉnh NATO và sẽ đưa ra “phân tích sâu” với các phát biểu của lãnh đạo phương Tây, từ đó có biện pháp để bảo vệ an ninh của chính nước Nga.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, ông cũng chỉ trích quyết định của Pháp về cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, coi đây là sai lầm và sẽ gây ra hậu quả cho chính Ukraine. Theo quan chức này, Nga sẽ cần thiết lập tầm bắn chính xác của tên lửa.

Về tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển, đại diện Điện Kremlin cho rằng điều này sẽ tác động tiêu cực tới an ninh của Nga. Do đó, Moscow sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương tự như khi Helsikinki gia nhập liên minh quân sự này.

Đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ lập trường phản đối Thụy Điển gia nhập NATO, ông Peskov nhận định Ankara chỉ thực thi nghĩa vụ với tư cách là một thành viên của liên minh. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại khác biệt song vẫn chia sẻ một số lợi ích chung và Moscow vẫn có ý định tăng cường quan hệ với Ankara. (Reuters)

* NATO cam kết sẽ đưa ra “thông điệp rõ ràng” về tư cách thành viên của Ukraine: Ngày 11/7, phát biểu mở màn Hội nghị Thượng đỉnh tại thủ đô Vilnius (Lithuania), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định lãnh đạo các nước thành viên liên minh sẽ phát đi “một thông điệp rõ ràng, đoàn kết và tích cực về con đường phía trước hướng tới tư cách thành viên” trong tương lai của Ukraine.

Đề cập tới việc Nga tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, ông Stoltenberg khẳng định: “Luận điệu hạt nhân của Nga là liều lĩnh và nguy hiểm. Các đồng minh NATO đang giám sát chặt chẽ những gì Nga đang thực hiện song cho đến nay chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong hoạt động triển khai hạt nhân của Nga. Dù vậy, chúng ta vẫn cần duy trì lập trường cảnh giác”. (AFP/Reuters)

* Tổng thống Ukraine bình luận về khung thời gian gia nhập NATO: Ngày 11/7, viết trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định: “Thật vô lý và chưa từng có khi khung thời gian không được ấn định, cả lời mời (gia nhập NATO) lẫn tư cách thành viên của Ukraine đều không có. Trong khi đó, ngôn ngữ mơ hồ về ‘các điều kiện’ được thêm vào ngay cả khi mời Ukraine”.

Theo ông, sự không chắc chắn kéo dài về tư cách thành viên NATO sẽ tạo “động lực” để Nga tiếp tục các hoạt động quân sự. Khẳng định bản thân sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Ukraine nói: “Sự không chắc chắn là điểm yếu. Tôi sẽ thảo luận cởi mở về điều này tại hội nghị thượng đỉnh”. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ muốn EU thúc đẩy quá trình hội nhập: Ngày 11/7, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara hy vọng một nhóm làm việc về cải cách của Liên minh châu Âu (EU) sẽ được khôi phục sau khi Ankara chấp thuận tư cách thành viên NATO của Stockholm. Theo đó, nước này mong đợi tiến bộ cụ thể từ EU về hoạt động đi lại miễn thị thực, cũng như “khép lại” một số chương về gia nhập EU. Ông cũng cho rằng phương Tây cần hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ về các nhu cầu tài chính.

Quan chức này cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển mối quan hệ “hợp lý” với Mỹ và mong đợi đạt đồng thuận nhanh chóng về một số vấn đề. Dù vậy, không phải vấn đề nào cũng có thể được giải quyết. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Nga: Vũ khí từ Ukraine xuất hiện khắp châu Phi: Ngày 11/7, trả lời phỏng vấn TASS (Nga), Đại sứ nước này tại Libya Aydar Aganin nói: “Tình trạng vũ khí tràn lan bắt nguồn từ Ukraine chắc chắn đã trở thành một chủ đề nóng ngày nay. Số vũ khí này xuất hiện ở một số nơi trên thế giới và tất nhiên, có khả năng rơi vào tay các nhóm cực đoan và khủng bố khác nhau. Nếu cần, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể trở thành một hành lang quá cảnh khi sự kiểm soát của nhà nước với tình hình địa phương là không đủ. Không thể loại trừ rủi ro như vậy. Trong thời kỳ... vô chính phủ và hỗn loạn ở Libya, tôi nghĩ đã có một số quá cảnh”.

Nhà ngoại giao này cũng cho biết hiện các lực lượng an ninh và các cơ quan có thẩm quyền của Libya “đang trở nên mạnh mẽ hơn rõ rệt và thể hiện quyết tâm đáng kể trong việc ngăn chặn các hoạt động tội phạm xuyên biên giới”. (TASS)