Những người tị nạn chia nhau ổ bánh mì ở biên giới Ba Lan-Belarus ngày 10/11. (Nguồn: CFFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga: Moscow luôn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy
Ngày 12/11, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đe dọa ngừng trung chuyển khí đốt sang Liên minh châu Âu (EU) qua đường ống dẫn khí xuyên quốc gia Yamal-Europe trong trường hợp khối này mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Minsk.
Trước những câu hỏi của phóng viên về việc liệu Nga có đảm bảo an ninh năng lượng của EU bất kể hành động trên của "một nửa" trong Nhà nước liên minh cùng Moscow hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Rõ ràng là như vậy".
Theo ông Peskov: "Nga luôn, đang và có khả năng sẽ vẫn là quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng của lục địa châu Âu".
Nhấn mạnh rằng không nên nghi ngờ độ tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp và đối tác trong các hợp đồng mua bán khí đốt hiện tại cũng như tương lai, người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh: “Nga đã, đang và sẽ là quốc gia đáp ứng mọi nghĩa vụ về cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu, về việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng". (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Khả năng EU áp gói phạt thứ 5, Belarus dọa trả đòn khí đốt cực đau, cảnh báo gắt 'hãy nghĩ kỹ!' |
Mỹ cảnh báo EU về kế hoạch "xâm chiếm" Ukraine
Hãng Bloomberg trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, giới chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại với các đồng nghiệp châu Âu rằng, Mocow có thể cân nhắc khả năng tiến hành "xâm chiếm" Ukraine.
Bài báo lưu ý, Mỹ đã có thông tin về vấn đề này và đang nâng cấp báo động về một "hoạt động quân sự có thể xảy ra" nhưng chưa chia sẻ với các nhà chức trách châu Âu. Washington dự định làm điều đó trước khi đưa ra quyết định về một phản ứng tập thể.
Theo nguồn tin của Bloomberg, những lo ngại và nhận định của Mỹ được củng cố bằng "các bằng chứng từ các nguồn tin công khai".
Trước thông tin này, Điện Kremlin đã bác bỏ, đồng thời khẳng định, Moscow không gây một mối đe dọa với bất cứ nước nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng tôi nhắc lại rằng, những di chuyển của các lực lượng vũ trang trong lãnh thổ Nga không phải là nguyên nhân gây quan ngại. Moscow không phải là một mối đe dọa với bất cứ ai". (Bloomberg, Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Biển Đen: Tàu chiến Mỹ chưa đi, máy bay do thám Anh lại đến, Nga gắt: Tính tìm chiến trường? |
Khủng hoảng di cư đổ dầu vào căng thẳng phương Tây-Belarus
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với các nước thành viên EU tiếp tục châm thêm dầu vào căng thẳng giữa Minsk với các quốc gia phương Tây.
Ngày 11/11, tại Hội đồng Bảo an LHQ, Estonia, Pháp và Ireland, Na Uy, Anh, Mỹ và Albania đã ra tuyên bố chung cáo buộc Belarus cố ý sử dụng người di cư để gây bất ổn cho các nước láng giềng.
Các nước nêu trên "lên án Belarus sử dụng những người đang bị đe dọa tính mạng và cuộc sống bình an một cách có tổ chức để phục vụ cho các mục đích chính trị và nhằm gây bất ổn cho các nước láng giềng ở biên giới ngoài EU".
Tuyên bố này hối thúc Minsk nên hiểu rằng "mưu toan gây sức ép cho EU theo cách như vậy sẽ không đạt được kết quả", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "có phản ứng mạnh mẽ trước những hành động của Minsk".
Các nước ký tuyên bố bày tỏ sẵn sàng thảo luận về các biện pháp tiếp theo trừng phạt những ai giúp Minsk đưa người di cư đến EU và khẳng định "thống nhất và quyết tâm bảo vệ EU khỏi các hoạt động này của chính quyền Belarus".
Trong khi đó, ngày 12/11, phát biểu trên đài phát thanh Ba Lan, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Marcin Przydacz cho biết, Warsaw có thể đóng thêm nhiều chốt kiểm soát ở biên giới với Belarus trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng.
Về phía Belarus, Đại diện thường trực nước này tại LHQ Valentin Rybakov cho rằng, Ba Lan và Lithuania đang sử dụng cuộc khủng hoảng người di cư "nhằm kiếm thêm các khoản tiền từ EU cũng như để biện minh cho chính sách chống di cư và việc vi phạm nhiều cam kết quốc tế".
Phát biểu với Sputnik, Đại sứ Valentin Rybakov nhấn mạnh: "Theo tôi, thêm một lý do khiến họ làm điều này là bằng cách bôi xấu Belarus, họ đang cố gắng nâng cao tầm quan trọng và vai trò của mình trong chính trường châu Âu và quốc tế".
Ông Rybakov bày tỏ hy vọng EU sẽ chủ động bắt đầu một cuộc đối thoại để cùng giải quyết các vấn đề an ninh ở biên giới. (AFP, Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Giữa lúc biên giới Belarus-Ba Lan nóng, Nga điều máy bay ném bom sang Belarus, EU nhất trí cơ sở đòn mới |
AUKUS: Mỹ đặt cược lớn, Nhật Bản vào vai hoa hậu thân thiện
Ngày 11/11, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, nước này đang nhanh chóng triển khai quan hệ đối tác an ninh 3 bên mới với Anh và Australia (AUKUS).
Theo ông Sullivan, AUKUS, bao gồm cả việc chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Australia, là "đặt cược lớn" của Mỹ vào Australia dựa trên nền tảng của sự tin tưởng.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng hơn nữa của nỗ lực an ninh tập thể này là để tạo ra sự ổn định, an ninh và răn đe cao hơn ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, không phải theo đuổi cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Bắc Kinh, bác bỏ cảnh báo trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong một tin khác, ngày 12/11, Đại sứ Nhật Bản tại Australia Shingo Yamagami cho biết, Tokyo sẽ hỗ trợ Australia, Anh và Mỹ để đảm bảo thỏa thuận AUKUS thành công.
Đại sứ Yamagami cho biết, trong khi trọng tâm ban đầu của AUKUS là cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, Nhật Bản rất sẵn lòng giúp đỡ trong các lĩnh vực khác được nêu trong thỏa thuận như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ lượng tử.
Bên cạnh đó, Nhật Bản bày tỏ hoan nghênh AUKUS vì thỏa thuận giúp tăng cường khả năng răn đe và do đó bảo đảm sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) có sự tham gia của Australia, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ, ông Yamagami bày tỏ, nhóm Bộ tứ là một phương tiện để thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và có rất nhiều cơ hội để hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng ở Đông Nam Á và châu Âu.
Đại sứ Nhật Bản lưu ý, nhóm Bộ tứ đang hướng tới một bức tranh toàn cảnh, đó là trật tự khu vực và cách duy trì trật tự dựa trên luật lệ, duy trì hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho tất cả mọi người trong khu vực.
Hãng Kyodo đưa tin, Nhật Bản đang tiến hành công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị nhóm Bộ tứ tiếp theo tại nước này, dự kiến sớm nhất vào mùa Xuân năm 2022, song không cung cấp thêm chi tiết. (Sky News, Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Chủ tịch Trung Quốc phát cảnh báo, Mỹ phản pháo 'Đâu nhất thiết...' |
Nga-Mỹ lên kế hoạch đàm phán về khí hậu
Ngày 12/11, Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk cho biết, cuộc họp cấp bộ tiếp theo về vấn đề khí hậu giữa Nga và Mỹ được lên kế hoạch diễn ra trong tuần tới.
Trong một tuyên bố, Phó Thủ tướng Overchuk nêu rõ: "Theo kết quả của cuộc gặp trước, chúng tôi hiểu rằng liên lạc cấp bộ sẽ được tiếp tục. Chúng tôi hy vọng cuộc họp trực tuyến tiếp theo sẽ diễn ra trong những tuần tới, nhưng chưa xác định ngày cụ thể".
Cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức Nga và Mỹ về vấn đề khí hậu đã diễn ra theo hình thức trực tuyến trước Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga nổi giận phản pháo Mỹ-Ukraine: 'Vô ích..., không thể chấp nhận được' |
Một số tin tức quốc tế nổi bật khác trong ngày:
Tàu chiến Mỹ chưa đi, máy bay do thám Anh lại đến Biển Đen: Ngày 11/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, một máy bay chiến đấu Sukhoi SU-30 đã được điều động để chặn máy bay do thám Boeing RC-135 của Anh hoạt động gần Bán đảo Crimea.
Trong khi đó, cùng ngày, trả lời báo giới, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky lưu ý, các tàu chiến của Mỹ gần đây cũng đang hoạt động đầy khiêu khích ở Biển Đen. (TASS)
Tổng thống Nga sắp thăm Ấn Độ, bàn loạt vấn đề nóng: Tờ The Economic Times trích các nguồn tin tại New Delhi cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến thăm Ấn Độ vào ngày 6/12 để dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên.
Lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị gặp mặt trực tuyến: Ngày 11/11, các nguồn tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 15/11. (Reuters)
Nga tuyên bố cung cấp vũ khí cho Mali: Ngày 11/11, trên đường tới thăm Moscow, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop cho biết, nước này có thể nhờ Nga “giúp đỡ” trong bối cảnh tình hình an ninh đang bất ổn tại quốc gia Tây Phi. (Reuters, Sputnik)
| Tin thế giới 10/11: Ba Lan khiến Nga nổi giận; Indonesia-Malaysia tuyên bố về Biển Đông; Trung Quốc chìa cành olive cho Mỹ? Khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, căng thẳng Nga-Ba Lan, quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung Quốc, Biển Đen, Biển Đông, Ấn Độ Dương-Thái ... |
| Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 1-7/11: Các cam kết mới ở COP26; Nga-Belarus đạt thoả thuận lịch sử; Căng thẳng biên giới tại Đông và Trung Âu COP26 đi được nửa chặng đường, Nga-Belarus đẩy mạnh quan hệ, Anh-Pháp cố gắng hàn gắn bất đồng... là những sự kiện quốc tế nổi ... |