Xung đột Nga-Ukraine ngày càng nóng lên với các động thái mới đây từ hai nước, đặc biệt là việc Moscow bắn hạ 4 UAV Kiev.(Nguồn: Newsweek) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga bắn hạ 4 UAV Ukraine gần thị trấn có nhà máy lọc dầu: Thống đốc vùng Rostov của Nga, ông Vasily Golubev, ngày 12/4 cho biết lực lượng Nga bắn hạ 4 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine gần thị trấn Novoshakhtinsk ở vùng này, nơi có nhà máy lọc dầu trước đây đã bị Kiev nhắm tới.
Thống đốc Golubev cho hay cuộc tấn công ngày 12/4 không gây ra thương vong hay bất kỳ thiệt hại nào. Nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk cũng là mục tiêu của UAV Ukraine hồi tháng 3. Cuộc tấn công đã khiến nhà máy này phải đóng cửa trong thời gian ngắn. (Reuters)
* LHQ lên án các vụ tấn công kép ở Ukraine: Liên hợp quốc (LHQ) lên án làn sóng tấn công “đặc biệt đáng lo ngại” ở Ukraine nhằm vào những người có mặt tại hiện trường của một vụ không kích xảy ra trước đó.
Báo cáo trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 11/4, bà Edem Wosornu - đại diện của Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths - cho biết các vụ tấn công thứ hai sẽ khiến những người tới cứu giúp các nạn nhân trong vụ tấn công đầu tiên thiệt mạng hoặc bị thương. (UN)
* Nga tấn công cơ sở năng lượng để “phi quân sự hóa” Ukraine: Tổng thống Vladimir Putin ngày 11/4 tuyên bố những cuộc không kích gần đây của Nga nhằm vào mạng lưới năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện nghiêm trọng, là một phần trong kế hoạch “phi quân sự hóa” của Điện Kremlin đối với quốc gia láng giềng. (TASS)
Châu Á – Thái Bình Dương
* Thái Lan tăng tốc thực hiện Chiến lược Quốc gia về AI: Thái Lan đề ra lộ trình chiến lược AI quốc gia 5 năm (2022-2027) với mục tiêu biến nước này trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Đông Nam Á vào năm 2027.
Chiến lược này cũng nhằm mục đích nâng cao vị thế Thái Lan về chỉ số sẵn sàng AI từ vị trí thứ 59 năm 2021 lên tốp 50 vào năm 2025, đảm bảo ít nhất 600.000 người Thái có nhận thức về luật và đạo đức AI. Chiến lược này cũng dự kiến tạo ra 48 tỷ baht (1,32 tỷ USD) về tác động kinh doanh và xã hội vào năm 2027. (AI Thailand)
* Seoul hoan nghênh AUKUS cân nhắc đưa Hàn Quốc trở thành đối tác “Trụ cột 2”: Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 11/4 cho biết Seoul hoan nghênh liên minh an ninh 3 bên AUKUS - gồm Mỹ, Anh và Australia - có ý định tham vấn kết nạp Seoul làm đối tác đồng phát triển công nghệ quân sự tiên tiến.
Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với AUKUS trên các lĩnh vực chiến lược trong đó có công nghệ cao, đã và đang duy trì tiếp xúc chặt chẽ với liên minh này. Quan chức trên tiết lộ Seoul sẽ tham vấn AUKUS về các hạng mục cụ thể, xem xét nội bộ rồi đưa ra quyết định. (Yonhap)
* Nhật Bản-Mỹ-Philippines ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử: Tuyên bố chung của lãnh đạo Nhật Bản, Philippines và Mỹ sau cuộc gặp 3 bên lịch sử ngày 11/4 ở Washington bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines Ferdinan Marcos Jr. tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ bảo vệ Philippines trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với Trung Quốc. (AFP)
* Mỹ tung biểu tượng sức mạnh của Hải quân đến Đông Bắc Á tập trận: Hải quân Hàn Quốc cho biết, nước này, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển quốc tế phía Nam đảo Jeju trong ngày 11-12/4, nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến.
Hải quân Mỹ cử một trong những tàu chiến lớn nhất và là biểu tượng sức mạnh của lực lượng này, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71), cùng 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke tham gia tập trận với 2 tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lực lượng tham gia đã tiến hành huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập ngăn chặn việc vận chuyển trái phép vũ khí hủy diệt hàng loạt. (Yonhap)
Châu Âu
*Ukraine sắp nhận 2 tỷ USD từ EU: Ngày 12/4, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis thông báo, Ukraine có thể nhận được 1,9 tỷ Euro (2 tỷ USD) viện trợ tài chính của khối này từ gói 50 tỷ Euro sớm nhất là vào tháng 5 nếu Brussels phê duyệt kế hoạch cải cách của chính quyền Kiev.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước Liên minh châu Âu (ECOFIN), ông Dombrovskis nhấn mạnh: "Về các bước tiếp theo: Ủy ban đang đánh giá kế hoạch của Ukraine đưa ra các chỉ số cải cách và đầu tư hàng quý cần đạt được để giải ngân các khoản viện trợ trong tương lai. Chúng tôi sẽ sớm hoàn tất việc này và chuyển đánh giá tới Hội đồng (châu Âu). Sau khi được phê duyệt, Ukraine sẽ nhận được 1,9 tỷ Euro tiền viện trợ, rất có thể là vào tháng 5 tới".
Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố nước này sẽ phân bổ thêm 1 tỷ Euro (1,01 tỷ USD) để hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong năm nay và thêm 3 tỷ Euro vào năm tới. (Sputkniknews)
* Nga yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh các sân bay: Bộ Giao thông Vận tải Nga yêu cầu tăng cường bảo vệ các sân bay trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV).
Các biện pháp này sẽ áp dụng cho các sân bay được phân loại là loại cơ sở hạ tầng giao thông (TIF) thuộc loại 1 và 2, dễ bị tổn thương nhất trước các cuộc tấn công từ bên ngoài hoặc có khả năng thiệt hại cao trong trường hợp bị tấn công. (Reuters)
* Đức bắt giữ nhóm thiếu niên âm mưu tấn công khủng bố: Các công tố viên thành phố Duesseldorf của Đức ngày 12/4 cho biết cảnh sát đã bắt giữ 3 thiếu niên, gồm 2 nữ và một nam, ở miền Tây nước Đức vì nghi ngờ những đối tượng này đang lên kế hoạch tấn công khủng bố nhân danh Hồi giáo.
Tuyên bố của các công tố viên nêu rõ 3 thiếu niên từ 15 đến 16 tuổi này "bị nghi ngờ lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công khủng bố mang động cơ Hồi giáo và đã cam kết thực hiện kế hoạch này". Cả 3 cũng đã "phạm tội lên kế hoạch giết người và ngộ sát". (AFP)
* Nền kinh tế Anh có dấu hiệu thoát khỏi suy thoái: Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 12/4 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong tháng 2 vừa qua tăng 0,1% so với tháng trước đó, đồng thời mức tăng trưởng trong tháng 1 được điều chỉnh cao hơn. Những con số này làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi ở mức khiêm tốn sau khi nền kinh tế London rơi vào suy thoái nhẹ trong nửa sau năm 2023. (Reuters)
*Nga triệu Đại sứ Pháp vì bình luận của Ngoại trưởng Sejourne: Bộ Ngoại giao Nga thông báo, nước này ngày 12/4 đã triệu Đại sứ Pháp tới liên quan đến việc Bộ trưởng Ngoại giao và châu Âu của Pháp, ông Stephane Sejourne bình luận về những tuyên bố được cho là sai trái của giới chức Nga.
Theo phía Nga, ông Sejourne cho biết Paris không quan tâm đến việc đối thoại với Moscow do những tuyên bố của giới chức Nga chứa thông tin sai sự thật.
Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi coi những tuyên bố này của Ngoại trưởng Pháp là hành động có ý thức và có chủ ý của phía Pháp nhằm làm suy yếu khả năng tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa hai nước”. (AP)
Trung Đông - Châu Phi
* COGAT đổ lỗi cho LHQ làm chậm hoạt động viện trợ cho Gaza: Cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel điều phối những vấn đề dân sự tại các vùng lãnh thổ của Palestine (COGAT) tuyên bố không thể chuyển viện trợ bổ sung cho Dải Gaza thông qua cửa khẩu Kerem Shalom do tình trạng tắc nghẽn gây ra bởi khoảng 600 xe tải đang chờ nhận hàng bên phía Palestine.
Trong nội dung đăng tải trên mạng xã hội X ngày 11/4, COGAT nêu rõ: “Chúng tôi đã kéo dài thời gian mở cửa khẩu và tăng cường năng lực của mình. Hãy làm việc của bạn đi. Nút thắt cổ chai không nằm bên phía Israel”.
COGAT cáo buộc LHQ nhận và phân phối hàng hóa chậm trễ do thiếu năng lực hậu cần cũng như nhân sự, dẫn đến tình trạng hàng trăm xe tải ùn ứ tại khu vực cửa khẩu bên phía Palestine, ngăn cản Israel chuyển viện trợ nhân đạo bổ sung cho Gaza. (The Times of Israel)
* HĐBA LHQ kêu gọi bảo vệ nhân viên nhân đạo ở Gaza: Ngày 11/4, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) yêu cầu bảo vệ các nhân viên, cơ sở và hoạt động nhân đạo theo luật pháp quốc tế, tuân thủ các cơ chế thông báo nhân đạo và giảm xung đột. Lời kêu gọi được đưa ra sau một cuộc không kích của quân đội Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ của tổ chức từ thiện World Central Kitchen thiệt mạng ở Gaza.
Thông cáo báo chí của HĐBA LHQ cho biết số nhân viên nhân đạo thiệt mạng ở Gaza trong cuộc xung đột hiện nay đã lên tới 224 người, gấp hơn 3 lần số nhân viên viện trợ nhân đạo thiệt mạng trong bất kỳ cuộc xung đột nào được ghi nhận trong vòng 1 năm. (UN)
* Hải quân Morocco giải cứu 54 người di cư ngoài khơi Đại Tây Dương: Ngày 11/4, Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Morocco ra tuyên bố cho hay, Hải quân nước này đã giải cứu 54 người di cư từ một chiếc thuyền ở ngoài khơi Đại Tây Dương, cách cảng Dakhla 186 km về phía Nam.
Trước đó gần 2 tháng, Morocco thông báo phát hiện 8 thi thể người di cư và giải cứu 9 người di cư khác, sau khi chiếc thuyền chở họ bị chìm ngoài khơi phía Bắc đất nước.
Morocco trở thành một trong những điểm trung chuyển chính đối với người di cư châu Phi, khi họ thực hiện hành trình nguy hiểm xuyên Địa Trung Hải hoặc Đại Tây Dương để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn tại châu Âu. (Morocco World News)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Mỹ cảnh báo đáp trả các cuộc tấn công của Iran: Ngày 12/4, báo "Times of Israel" dẫn lời các quan chức Mỹ cảnh báo, Washington sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran nhằm vào binh lính, căn cứ hoặc lợi ích của Mỹ.
Đại sứ quán Mỹ tại Israel cũng đã khuyến cáo các nhân viên sứ quán và gia đình không đi ra bên ngoài các khu vực Tel Aviv, Jerusalem và Be'er Sheva trong bối cảnh có nguy cơ xảy ra cuộc tấn công của Iran vào Israel.
Theo các quan chức Mỹ, nước này đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Iran về việc họ không liên quan đến cuộc không kích ngày 1/4 nhằm vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria. (Reuters)
* Ông Donald Trump muốn sớm tranh luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden: Cựu Tổng thống Donald Trump đã gửi thư lên Ủy ban Tranh luận Tổng thống, trong đó kêu gọi đẩy nhanh lịch trình tranh luận để có thể đối mặt sớm hơn với Tổng thống Joe Biden.
Trong thư, các cố vấn của ông Donald Trump là Susie Wiles và Chris LaCivita kêu gọi: “Ủy ban phải đẩy lịch trình tranh luận năm 2024 lên sớm hơn để đảm bảo thêm nhiều người dân Mỹ có cơ hội quan sát các ứng viên trước khi bỏ phiếu. Chúng tôi cũng mong muốn tổ chức thêm các cuộc tranh luận". (CNN)
* LHQ cảnh báo nguồn dữ trữ lượng thực cho Haiti sắp cạn kiệt: Ngày 11/4, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stéphane Dujarric cho biết nguồn dự trữ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho Haiti có thể cạn kiệt vào cuối tháng này, trong bối cảnh các sân bay quốc tế vẫn không hoạt động.
Phát biểu trước báo giới, ông Dujarric cho biết tính đến thời điểm hiện tại, WFP đã tiếp cận được hơn 500.000 người cần hỗ trợ khẩn cấp tại một số điểm sơ tán ở thủ đô Port-au-Prince. Dù đang tăng cường viện trợ cho Haiti, song WFP cho biết lượng lương thực hiện chỉ đủ cung cấp cho 175.000 người trong 1 tháng. (UN)
* Mexico chính thức khởi kiện Ecuador lên Tòa án Công lý quốc tế: Ngày 11/4, chính phủ Mexico thông báo chính thức đệ đơn kiện Ecuador lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), liên quan việc lực lượng chức năng Ecuador tấn công Đại sứ quán Mexico tại Quito để bắt giữ cựu Phó Tổng thống của quốc gia Nam Mỹ Jorge Glas đang tị nạn.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết, nước này đồng thời yêu cầu đình chỉ tư cách thành viên của Ecuador tại Liên hợp quốc (LHQ), trừ khi Quito đưa ra lời xin lỗi công khai cũng như “thừa nhận những hành vi vi phạm các nguyên tắc và chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế”. (Reuters)