Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell sẽ sớm thăm Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Quan chức thân Nga nêu tình hình Bakhmut: Tối 11/4, phát biểu trên Kênh 1 của Truyền hình nhà nước Nga sau chuyến thăm Bakhmut, người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushilin cho biết, hiện quân đội Nga đã kiểm soát tất cả các tòa nhà hành chính ở thành phố này. Quan chức này nói thêm, Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) vẫn kiểm soát khu vực phía Tây thành phố và còn một số khu vực mà họ "có thể cầm cự trong một thời gian”. Theo ông, hiện các trận giao tranh khốc liệt đang diễn ra ở phía Tây Bakhmut, đặc biệt là khu vực đường sắt.
Trước đó cùng ngày, ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, cho biết, 80% thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga, bao gồm tất cả các trung tâm hành chính, nhà máy và xí nghiệp. (TASS/Sputnik)
* Nga dùng bom chân không ở Kherson? Ngày 11/4, trang mạng quân sự Nga đưa tin, Lực lượng không quân vũ trụ (VKS) của Nga đã dùng bom chân không hạng nặng đánh vào các vị trí của quân đội Ukraine ở tỉnh Kherson. Trang này cũng đăng tải một số đoạn video về tên lửa nhiệt áp và bom lượn tấn công binh sĩ Ukraine. Song hiện chưa có vụ tấn công bằng bom chân không nào được xác thực.
Bom chân không, hay còn gọi là bom giảm áp hoặc bom hiệu ứng tích lũy, sử dụng chân không để tạo lực công phá. Đây được coi là một trong những loại vũ khí có sức công phá mạnh nhất và có thể gây sát thương lớn trên phạm vi rộng. (TASS/Sputnik)
* Ukraine tung video lính Nga hành quyết tù binh, Điện Kremlin nói gì? Ngày 12/4, một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội về tình hình tại Ukraine đã gây tranh cãi gay gắt, trong đó những người được cho là binh sĩ Nga đã hành quyết một tù nhân người Ukraine bằng dao.
Phát biểu trong một đoạn video cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Sẽ phải có trách nhiệm pháp lý cho mọi hành vi. Yêu cầu cần thiết là đánh bại chủ nghĩa khủng bố”. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố: “Đoạn video khủng khiếp đó đang được lưu hành trên mạng trực tuyến. Thật vô lý khi Nga, còn tồi tệ hơn cả Nhà nước Hồi giáo (IS)tự xưng, lại là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”.
Về phần mình, Điện Kremlin khẳng định đoạn video trên nhằm mục đích cho thấy cảnh hành quyết một người lính Ukraine là “khủng khiếp” và cần xác minh thông tin này. (Reuters)
* Ukraine tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục: Ngày 11/4, theo thông tin trên trang web của Quốc hội Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một dự luật quy định tăng chi tiêu quốc phòng thêm 14,6 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 13/4.
Theo nghị sĩ Quốc hội Ukraine Yaroslav Zheleznyak, đây là mức tăng ngân sách kỷ lục. Viết trên Telegram, chính trị gia này nêu rõ: “Chưa bao giờ trong lịch sử Ukraine có thay đổi quan trọng như vậy với ngân sách”.
Ngày 21/3, các nghị sĩ Ukraine cũng đã thông qua dự luật tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng thêm hơn 14 tỷ USD. Trước đó, ngân sách của Ukraine năm 2023 đã lên kế hoạch chi tiêu 2.600 tỷ Hryvnia (71,1 tỷ USD). Trong đó, 1.140 tỷ Hryvnia (31,2 tỷ USD) được cung cấp cho các nhu cầu an ninh và quân sự, chiếm 43% tổng chi tiêu, tương đương 18,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đồng thời, chi tiêu cho Bộ Quốc phòng đã tăng từ 133,5 tỷ Hryvnia (3,65 tỷ USD) trong năm ngoái lên 857,9 tỷ Hryvnia (23,46 tỷ USD) cho năm nay. (TTXVN)
* Ukraine kêu gọi Ấn Độ tăng cường hỗ trợ y tế: Ngày 12/4, phát biểu trong chuyến thăm 4 ngày tới New Delhi, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Ukraine Emine Dzhaparova nêu rõ: “Ukraine mong muốn Ấn Độ viện trợ thêm thuốc men và thiết bị y tế. Việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng ở Ukraine có thể là cơ hội cho các công ty Ấn Độ”. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Kiev tới Ấn Độ kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. (AFP)
* Tài liệu bị rò rỉ của Mỹ: Đặc nhiệm NATO đã có mặt ở Ukraine? Tờ The Guardian và đài BBC của Anh dẫn các tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ tiết lộ các binh sĩ đặc nhiệm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có mặt ở Ukraine. Theo đó, trong các các báo cáo hàng ngày tháng 2 và tháng 3/2023, Anh đã triển khai 50 lính đặc nhiệm tới Ukraine, Latvia với 17 binh sĩ, Pháp là 15, Mỹ là 14 và Hà Lan có 1 người. Như vậy, tổng số đặc nhiệm phương Tây hiện diện ở Ukraine là 97 người.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Pháp đã phủ nhận thông tin trên, khẳng định không có bất cứ công dân nào của nước này tham gia các chiến dịch ở Ukraine. Anh cũng phản ứng với tuyên bố về “mức độ không chính xác nghiêm trọng” trong những tài liệu tình báo bị rò rỉ. (BBC/Guardians)
* Serbia bác tin gửi vũ khí cho Ukraine: Ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic nhấn mạnh: “Chúng tôi đã hàng chục lần bác bỏ thông tin sai sự thật này... Serbia không và sẽ không bán vũ khí cho Ukraine hay Nga, cũng như cho các quốc gia nằm trong vùng lân cận của khu vực xung đột”. Trước đó, Reuters trích dẫn các tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên mạng Internet tiết lộ Serbia không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. (TTXVN)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc đề nghị điều tra chương trình vũ khí sinh học của Mỹ tại Ukraine: Ngày 12/4, phát biểu tại họp báo thường kỳ về báo cáo Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng Mỹ đang chế tạo thành phần vũ khí sinh học gần biên giới Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lập luận: “Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và đảm bảo minh bạch mọi hoạt động quân sự-sinh học trên lãnh thổ Mỹ và bên ngoài nước Mỹ. Washington phải đồng ý tiến hành điều tra và ngừng cản trở nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường hệ thống an ninh sinh học, cũng như hệ thống pháp luật tương ứng”.
Theo ông, Mỹ đã tích cực hơn các nước khác trong triển khai các dự án quân sự-sinh học, đồng thời từ chối mọi sự kiểm soát quốc tế. Quan chức này bày tỏ: “Cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về hoạt động này. Chúng tôi thất vọng vì cho đến nay phía Mỹ chỉ đưa ra những tuyên bố vô căn cứ và không làm rõ sự việc”. (TASS)
Nga-Mỹ
* Nga: Mỹ cố ý rò rỉ tin mật để “đánh lừa” Moscow: Ngày 12/4, trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov giải thích: “Có thể là sẽ rất thú vị khi ai đó xem những tài liệu này, nếu chúng thực sự là tài liệu hoặc chúng có thể là giả mạo hoặc đó có thể là vụ rò rỉ có chủ ý. Vì Mỹ là một bên trong xung đột (Ukraine) và về cơ bản đang có hoạt động quân sự hỗn hợp chống lại chúng ta, nên có thể thủ đoạn như vậy được sử dụng để đánh lừa Nga”. (AFP)
Nga-Trung
* Trung Quốc bí mật đàm phán với Iran để hỗ trợ Nga? Politico (Mỹ) ngày 12/4 cho biết Iran đã bắt đầu đàm phán bí mật với Trung Quốc và Nga về hợp đồng mua nhiên liệu cho tên lửa đạn đạo được Nga sử dụng tại Ukraine. Theo đó, một nguồn tin từ giới ngoại giao tiết lộ ông Sajad Ahadzade - Tham tán phụ trách Hợp tác Công nghệ của Đại sứ quán Iran tại Trung Quốc - đã đạt thỏa thuận về việc mua amoni perchlorat (NH₄ClO₄) từ các công ty của Nga và Trung Quốc, được sử dụng để sản xuất tên lửa nhiên liệu rắn cung cấp cho quân đội Nga.
Theo Politico, kế hoạch này cho phép Bắc Kinh, thông qua sự trung gian của Tehran, hỗ trợ cho Moscow tại Ukraine mà không phải đối mặt với trừng phạt quốc tế và hay gây ảnh hưởng tới quan hệ với đối tác. Theo tờ này, hợp đồng mua NH₄ClO₄ từ các công ty tư nhân của Nga và Trung Quốc được cho là có thể né tránh được quy định năm 2015 của Liên hợp quốc (LHQ) đối với các quốc gia thành viên về cấm bán thành phần quan trọng trong sản xuất tên lửa cho Iran.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Nga đã ký một thỏa thuận chưa từng có với Iran về hợp tác quân sự để đáp lại sự hỗ trợ của Tehran tại Ukraine. Trước đó, Washington không thể cung cấp bằng chứng về việc Tehran chuyển giao tên lửa cho Moscow. Nga cũng phủ nhận cáo buộc Iran cung cấp vũ khí hay sử dụng các vũ khí này, nếu có, trong cuộc xung đột tại Ukraine. (Politico/Sputnik)
Đông Nam Á
* Indonesia chuẩn bị 5 sân bay cho Hội nghị cấp cao ASEAN: Ngày 11/4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi cho biết nước này đã chuẩn bị 4 sân bay dự phòng cho Sân bay chính Komodo để phục vụ Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 và các hội nghị liên quan đầu tháng Năm.
Bốn sân bay này bao gồm Sân bay I Gusti Ngurah Rai, Bali; Sân bay Lombok Praya, Tây Nusa Tenggara; Sân bay Sultan Hasanuddin, Nam Sulawesi và Sân bay El Tari, Đông Nusa Tenggara. Các sân bay này sẽ được chuẩn bị làm nơi đỗ qua đêm cho máy bay của đại biểu dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Đông Nusa Tenggara. Đồng thời, cơ sở vật chất tại đây sẽ được chuẩn bị để sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động khác, bao gồm kiểm tra hải quan, kiểm dịch, nhập cư và làm nơi đỗ trực thăng y tế.
Ông Sumadi tuyên bố Indonesia đã sẵn sàng hỗ trợ và góp phần vào thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN do nước này chủ trì, tương tự Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi năm ngoái. (TTXVN)
Nam Thái Bình Dương
* Australia muốn bớt phụ thuộc vào Trung Quốc: Ngày 12/4, trao đổi với đài Sky News (Australia) trên sóng truyền hình, Ngoại trưởng Australia Penny Wong nói: “Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một phần quan trọng trong khả năng phục hồi quốc gia của chúng ta. Chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích điều đó vì chúng tôi muốn đảm bảo rằng Australia có thị trường xuất khẩu đa dạng”.
Theo bà, Australia phải nhận ra rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ “không quay trở lại như 15 năm trước”: “Chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định hơn với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng biết rằng Australia sẽ không thể tiếp tục tách biệt mối quan hệ kinh tế và chiến lược của chúng ta”. Ngoại trưởng Penny Wong nhận định Trung Quốc hoạt động như một “cường quốc trên thế giới” và việc nước này và Australia không có cùng lợi ích trong một số lĩnh vực cụ thể.
Bà cũng gọi tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc quanh eo biển Đài Loan là “gây bất ổn” và cam kết sẽ kêu gọi giảm leo thang căng thẳng. (Sky News)
Nam Á
* Ấn Độ: Xả súng tại căn cứ quân sự, 4 người thiệt mạng: Các quan chức địa phương cho biết 4 quân nhân đã thiệt mạng sau một vụ xả súng tại căn cứ Bathinda, bang Punjab. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành truy tìm thủ phạm. Trong khi đó, nguồn tin quốc phòng tiết lộ rằng, một số lượng lớn các tay súng chưa rõ ranh tính đã vũ trang đầy đủ và tập trung tại căn cứ Bathinda. Tuy nhiên, một quan chức cảnh sát cấp cao ở bang Punjab cho hay đây “không phải là một cuộc tấn công khủng bố.” (Reuters)
Đông Bắc Á
* Ông Tập Cận Bình thị sát hải quân Trung Quốc: Ngày 12/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát lực lượng Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, tại buổi thị sát, ông đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi, nâng cao trình độ hiện đại hóa của lực lượng vũ trang Trung Quốc trên mọi mặt.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định cần củng cố năng lực ứng phó trong các tình huống phức tạp một cách kịp thời và phù hợp. Ông tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Bắc Kinh, đồng thời theo đuổi nỗ lực duy trì ổn định ở các khu vực lân cận. (Reuters/Tân Hoa xã)
* Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên tăng cường mức độ đe dọa: Ngày 12/4, trong báo cáo trình bày trước phiên họp của Ủy ban Quốc hội, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ Triều Tiên đã đặt ra mối đe dọa hạt nhân qua việc công bố các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ hơn và thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác nhau: “Triều Tiên tiếp tục duy trì lập trường đối đầu với Hàn Quốc và Mỹ, trong khi làm sâu sắc các mối quan hệ với Trung Quốc và Nga”. Hiện Triều Tiên vẫn chưa phản hồi kênh liên lạc liên Triều ngày thứ sáu liên tiếp mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.
Trước đó, hôm 11/4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se đã “hết sức” lấy làm tiếc khi Bình Nhưỡng không phản hồi kênh liên lạc liên Triều, mô tả đó là một hành động “đơn phương và vô trách nhiệm”. (Yonhap)
Châu Âu
* Quan chức cấp cao EU và Ngoại trưởng Đức thăm Trung Quốc: Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 13-15/4. Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay đại diện Trung Quốc và Đức sẽ hội đàm về ngoại giao và an ninh. (Reuters)
* Đông Âu muốn giảm phụ thuộc vào urani của Nga: Bloomberg ngày 11/4 đưa tin một số nhà máy điện hạt nhân Đông Âu đang tìm kiếm các nhà cung cấp urani mới nhằm hạn chế tình trạng phụ thuộc vào Nga. Theo đó, một số nhà máy điện hạt nhân nói trên có ý định ký kết hợp đồng mới cho đến năm 2025. Kazakhstan được coi là nhà cung cấp thay thế, nơi sản xuất 40% lượng urani của thế giới.
Ông Yerzhan Mukanov, Giám đốc điều hành Tập đoàn Kazatomprom, doanh nghiệp nhà nước của Kazakhstan, nhận định bất ổn địa chính trị đang làm thay đổi dòng chảy của nhiên liệu hạt nhân, khiến một số nhà sản xuất phải dự trữ. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đang chuẩn bị khai thác nguồn dự trữ để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường”, đồng thời xác nhận Kazakhstan có kế hoạch duy trì sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở mức 22.000 tấn trong năm nay.
Theo Bloomberg, Mỹ cũng có ý định giảm sự phụ thuộc vào urani làm giàu của Nga. Tuy nhiên. nỗ lực này không thể kìm hãm được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Moscow. Theo dự báo của Hiệp hội hạt nhân thế giới, nhu cầu urani trên thế giới sẽ tăng mạnh vào năm 2030.
Tháng Hai, Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố đang cố gắng tìm kiếm giải pháp thay thế nguồn cung urani từ Nga cho các nhà máy điện hạt nhân. Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế Andrew Light khi đó cho biết, Washington đang dựa vào 20% urani của Moscow trong các lò phản ứng hạt nhân thương mại, vì vậy, thực trạng này “không bền vững về mặt chiến lược”. Do đó, ông cho rằng, cần “cắt giảm sự phụ thuộc vào urani của Nga và Trung Quốc”. (Bloomberg)
Trung Đông-châu Phi
* Phái đoàn Iran đến Saudi Arabia để mở cửa đại sứ quán: Ngày 12/4, IRNA (Iran) đưa tin: “Phái đoàn của Iran đã đến Riyadh vào ngày 12/4 để mở cửa trở lại đại sứ quán và lãnh sự quán của Iran theo thỏa thuận mới đây giữa hai nước... Trong đó, một nhóm dự kiến sẽ tới Jeddah để chuẩn bị cho sự kiện mở cửa trở lại lãnh sự quán của Iran tại đây, cũng như cắt cử đại diện của Iran tại Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Một nhóm khác sẽ tới Riyadh để mở cửa trở lại đại sứ quán”.
Thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một phái đoàn của Saudi Arabia thực hiện chuyến thăm tương tự tới Tehran, giữa lúc hai bên nỗ lực khôi phục quan hệ sau sự thúc đẩy của Trung Quốc. Hồi tuần trước, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, các Ngoại trưởng của Saudi Arabia và Iran đã ký tuyên bố chung nêu rõ quyết định nối lại quan hệ có hiệu lực ngay lập tức. Kế hoạch mở lại đại sứ quán giữa hai nước đang được Iran và Saudi Arabia xúc tiến mạnh mẽ. (AFP)