Hình ảnh buổi công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tranh chấp trên Biển Đông ngày 12/7/2016. (Nguồn: VOVWorld) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày
Nga-Ukraine
* Ukraine nhận được khoản hỗ trợ tài chính mới: Ngày 12/7, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal bày tỏ cảm ơn Mỹ vì "sự hỗ trợ đáng kinh ngạc" của Washington sau khi Kiev nhận được thêm 1,7 tỷ USD khoản hỗ trợ tài chính quốc tế.
Ông Shmyhal xác nhận đã nhận được khoản tài trợ trên. (Reuters)
* EU phê duyệt khoản viện trợ tài chính 1 tỷ Euro cho Ukraine: Ngày 11/7, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt gói viện trợ tài chính trị giá 1 tỷ Euro cho Ukraine.
Đây là phần đầu tiên của gói hỗ trợ 9 tỷ Euro mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí cấp cho Kiev hồi tháng 5 để trang trải các nhu cầu cấp thiết và đảm bảo hoạt động của cơ sở hạ tầng quan trọng.
Các nhà ngoại giao EU cho biết, phần còn lại của gói viện trợ 9 tỷ Euro vẫn được giữ lại trong bối cảnh một số quốc gia thành viên tranh cãi về việc liệu một quốc gia có chiến tranh có đủ tư cách để ký vào các khoản vay dài hạn hay không. (AFP, Reuters)
* Nga-Ukraine nhất trí thảo luận về cuộc khủng hoảng ngũ cốc: Hãng Interfax dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, vòng đàm phán mới giữa nước này với Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ diễn ra tại thành phố Istanbul vào ngày 13/7.
* Nga cảnh báo xung đột quân sự trực diện với các cường quốc hạt nhân: Ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Mỹ và các đồng minh đang đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột quân sự mở với Moscow.
Bà nói rõ, điều này có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, có nghĩa là "sẽ đầy rẫy sự leo thang hạt nhân". (TASS)
* Khoảng 3,7 triệu người xin tị nạn Ukraine tạm thời ở Liên minh châu Âu (EU), trong khi 3 triệu người khác đã trở về nhà, theo Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson cho biết ngày 11/7.
Bà Johansson nói thêm, quốc gia có số lượng người tị nạn Ukraine lớn nhất là CH Czech, tiếp theo là Ba Lan, Estonia, Lithuania, Bulgaria và Latvia. (Reuters)
* Nga đơn giản hóa việc cấp quốc tịch cho toàn bộ công dân Ukraine: Ngày 11/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cho phép tất cả người dân Ukraine được nhập quốc tịch Nga theo cách đơn giản hóa. Trước đó, chỉ có người dân ở Donbass, các tỉnh Zaporozhye và Kherson mới có cơ hội như vậy.
Phản ứng về động thái trên, Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ phản đối mạnh mẽ, đồng thời khẳng định sắc lệnh này là "vô giá trị" và "không phù hợp với các chuẩn mực, nguyên tắc luật pháp quốc tế”.
Ukraine cũng kêu gọi các nước đối tác “phản ứng cứng rắn” đối với sắc lệnh này. (Reuters, AFP)
* Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí mạnh hơn: Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 11/7 kêu gọi phương Tây khẩn cấp cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng hơn để đáp lại sắc lệnh của Tổng thống Nga đơn giản hóa quy trình nhập quốc tịch Nga cho tất cả người dân Ukraine.
Ông Kuleba cũng yêu cầu các đối tác và đồng minh "đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với LB Nga”.
Cùng ngày, lực lượng quân quốc tế ở Ukraine kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí cho Kiev, nhấn mạnh số lượng pháo hạng nặng của Nga đang áp đảo quốc gia Đông Âu với tỷ lệ khoảng 8-1. (Reuters)
* Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro có kế hoạch điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenski vào ngày 18/7, khẳng định mong muốn của ông làm mọi việc có thể vì hòa bình. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine ngày 24/2.
Tổng thống cực hữu của Brazil luôn duy trì lập trường "trung lập" và "cân bằng" đối với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt chống Moscow. Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, cũng từ chối tham gia các biện pháp này. (Pledge Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Một loại vũ khí Ukraine từng coi là 'vật báu' nay là nỗi ám ảnh vô hình, vì sao? |
Biển Đông
* Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, nước này sẽ bảo vệ Philippines - ý chỉ các điều khoản của hiệp ước phòng thủ chung giữa 2 nước đồng minh này có từ năm 1951 - nếu lực lượng của quốc gia Đông Nam Á bị tấn công ở Biển Đông.
Ông nói thêm: "Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích". (Reuters)
* Nhật Bản-Philippines nhất trí tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về cuộc điện đàm mới đây của Ngoại trưởng nước này Hayashi Yoshimasa và người đồng cấp Philippines Enrique Manalo.
Ngoại trưởng Hayashi lên án mạnh mẽ các nỗ lực "đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" trên các vùng biển, cũng như chính sách ép buộc về kinh tế. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản-Philippines kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo phán quyết của Tòa trọng tài |
Khủng hoảng Sri Lanka
* Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ký vào đơn xin từ chức đề ngày 13/7, theo thông tin từ truyền thông địa phương ngày 12/7.
Theo Nhật báo Mirror, đơn xin từ chức này sau đó đã được chuyển cho một quan chức chính phủ cấp cao và sẽ được đệ trình lên Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena để công bố vào ngày 13/7, kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Rajapaksa.
* Trung Quốc hy vọng Sri Lanka sớm khôi phục ổn định xã hội, khôi phục kinh tế và cải thiện sinh kế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố.
Theo ông Uông Văn Bân, Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình ở Sri Lanka. (THX)
* Đảng đối lập chính Sri Lanka đề cử tổng thống kế nhiệm: Ngày 12/7, một quan chức giấu tên cho biết, đảng Samagi Jana Balawegaya đối lập chính ở Sri Lanka sẽ đề cử lãnh đạo đảng này Sajith Premadasa làm tổng thống tiếp theo của nước này.
Theo dự kiến, Quốc hội Sri Lanka sẽ họp bầu Tổng thống mới vào ngày 20/7. (Reuters)
* Liên hợp quốc kêu gọi các bên đối thoại đảm bảo chuyển giao chính quyền suôn sẻ và tìm ra những giải pháp cho "cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Sri Lanka”.
Trong một tuyên bố, phó phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres "tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Sri Lanka và luôn đoàn kết với nhân dân Sri Lanka. Ông lên án mọi hành động bạo lực và nhấn mạnh tầm quan trọng tối cao của việc duy trì hòa bình”. (News Wire, ANI)
TIN LIÊN QUAN | |
Khủng hoảng Sri Lanka: Ấn định ngày bầu cử, hé lộ thông tin về Tổng thống, Liên hợp quốc có lời |
Australia: Mỹ là đối tác quan trọng nhất
Ngày 11/7, trong bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nhấn mạnh, Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Australia.
Tái khẳng định, liên minh Mỹ-Australia là nền tảng trong chính sách an ninh và đối ngoại của Canberra, ông Marles đồng thời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước để tránh những gì ông mô tả là "một thất bại thảm khốc về khả năng răn đe" ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Liên quan hiệp ước an ninh với Mỹ và Anh (AUKUS), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh, AUKUS đem lại cho Canberra những lợi thế về năng lực, công nghệ và tình báo mà nước này không tự có hay phát triển được. (ABC News)
TIN LIÊN QUAN | |
Thỏa thuận Mỹ-Anh-Australia (AUKUS): Hợp tác có chọn lọc với sứ mệnh đặc biệt |
Châu Âu
* Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing đến Nga, theo truyền thông Nga đưa tin ngày 12/7.
Phát biểu với hãng Interfax, Đại sứ quán Nga tại Myanmar nêu rõ, ông Hlaing đang ở Moscow trong khuôn khổ chuyến thăm "cá nhân". Phái bộ ngoại giao này còn cho hay "ông ấy có kế hoạch tham dự lễ khai trương một trung tâm văn hóa Myanmar".
Theo tin tức truyền thông nhà nước Nga, dự kiến ông Hlaing cũng sẽ gặp gỡ giới chức của cơ quan hàng không vũ trụ Nga cùng giới chức của tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom. (AFP)
* Nga phát triển tên lửa đạn đạo Zmeevik: Hai nguồn thạo tin cho biết, Nga đang phát triển cho Hải quân nước này một "sát thủ tàu sân bay" - tên lửa đạn đạo Zmeevik, với thiết bị tác chiến siêu thanh.
Theo các nguồn tin, tên lửa này, có thể hoạt động trong các đơn vị tên lửa duyên hải của Hải quân, giống với các tên lửa cùng loại của Trung Quốc là DF-21D và DF-26, với tầm bắn lên tới 4.000 km. (TASS)
* Lãnh đạo Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc điện đàm “phá băng”: Ngày 11/7, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm hiếm hoi, được coi là động thái “phá băng” giữa hai quốc gia thù địch lâu đời.
Lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương cũng như bày tỏ hy vọng, những thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán tại Vienna, Áo, ngày 1/7 vừa qua sẽ được thực hiện trong tương lai gần nhất. (Hurriyet Daily News)
* Tổng thống Latvia Egils Levits kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng và thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với công dân, bất kể giới tính, nhằm ngăn chặn "mọi nguy cơ an ninh gia tăng" từ phía Nga.
Latvia, quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 2% GDP hiện nay lên mức 2,5% GDP trước năm 2025.
Ông Levits nói: “An ninh là ưu tiên trong chính sách của chúng tôi hiện nay… Mức chi tiêu quốc phòng 2,5% GDP đã được cam kết nhưng có thể không đủ và chúng ta nên chuẩn bị cho điều đó”.
Các đề xuất liên quan vấn đề nghĩa vụ quân sự và tăng chi tiêu cần được Quốc hội Latvia thông qua. (Reuters)
* Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội nước này hôm 11/7, vốn do phe đối lập cực tả khởi xướng.
Đề nghị của phe đối lập chỉ nhận được 146 phiếu ủng hộ trong tổng số 577 nghị sĩ tại Hạ viện Pháp, sau gần 3 giờ đồng hồ tranh luận. (AFP)
* Belarus nộp đơn xin gia nhập SCO: Ngày 11/7, quyền Ngoại trưởng Uzbekistan Vladimir Norov cho biết, Belarus đã gửi đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tới 8 nước thành viên là Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan.
Nếu các thành viên đạt được một thỏa thuận chung, thủ tục gia nhập của Belarus có thể được khởi động tại Hội nghị thượng đỉnh ở Samarkand của Uzbekistan vào giữa tháng 9. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Belarus chính thức nộp đơn xin gia nhập khối có Nga, Trung Quốc |
Châu Mỹ
* Venezuela và EU tăng cường hợp tác: Ngày 11/7, Ngoại trưởng Venezuela Carlos Faría cho biết, quốc gia Nam Mỹ này và EU đang tìm cách tăng cường quan hệ ngoại giao và hợp tác về năng lượng, môi trường, y tế, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Venezuela cho biết đã hội đàm với Tổng giám đốc khu vực châu Mỹ của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Brian Glynn tại Caracas nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở ngoại giao hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. (Prensa Latina)
* Trung Quốc kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Cuba: Ngày 11/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân yêu cầu Mỹ “chú ý đến lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, tôn trọng các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ và dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại Cuba".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ “các lệnh trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt đối với các quan chức Cuba thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và là một ví dụ điển hình của ngoại giao cưỡng chế”.
Ông Uông Văn Bân khẳng định Trung Quốc "kiên định ủng hộ các nỗ lực của chính phủ và người dân Cuba nhằm đảm bảo ổn định xã hội". (Prensa Latina)
Trung Đông
* Tổng thống Nga chuẩn bị công du Iran: Ngày 12/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Tehran để gặp những người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi và Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 19/7.
Ngoài cuộc gặp ba bên, các cuộc gặp song phương cũng sẽ được tổ chức tại Tehran.
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài thứ 2 của ông Putin kể từ khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, sau chuyến công du Trung Á vào cuối tháng 6.
* Italy và Iran nhất trí tăng cường quan hệ và hợp tác song phương: Ngày 11/7, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã gặp nhau tại thủ đô Rome để thảo luận về cách thức mở rộng quan hệ và hợp tác song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế.
Ngoại trưởng Di Maio khẳng định đây là cơ hội tốt để mở rộng quan hệ song phương, đồng thời cho hay, Italy cùng EU quan tâm đến cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và Rome sẵn sàng đóng một vai trò tích cực trong vấn đề này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nhấn mạnh, việc Iran ưu tiên phát triển quan hệ với Italy là cơ hội thích hợp để hai bên tăng cường trao đổi thương mại.
Hai Ngoại trưởng tuyên bố sẵn sàng mở rộng hợp tác khoa học và văn hóa song phương.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh sự phản đối của nước này đối với các cuộc chiến tại Yemen, Afghanistan hoặc Ukraine, khẳng định Tehran đang nỗ lực góp phần giải quyết xung đột Nga-Ukraine cũng như Thổ Nhĩ Kỳ-Syria qua đối thoại và đàm phán. (Tehran Times)
| Tin thế giới 11/7: Ukraine mở chiến dịch phản kích lớn; Quốc hội Nga họp bất thường; Lời khai mới của nghi phạm sát hại ông Abe Shinzo Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng Sri Lanka, kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản, xung quanh vụ ám sát cựu Thủ tướng ... |
| Vụ tuabin khí Dòng chảy phương Bắc 1: Vật về chủ cũ, Mỹ-Đức ủng hộ, Ukraine thất vọng hành động Xoay quanh việc Canada quyết định trả lại tuabin khí về cho Dòng chảy phương Bắc 1, bất chấp việc Mỹ và Đức ra thông ... |