📞

Tin thế giới 12/8: Nga quyết bảo vệ nhà máy Zaporizhzhia đến cùng; FBI tìm gì tại nhà riêng của ông Trump? Hàn Quốc ân xá cho 'Thái tử Samsung'

Quang Đào 19:45 | 12/08/2022
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, tình hình nhà máy Zaporizhzhia, vụ FBI điều tra ông Trump, Hàn Quốc đặc xá cho 'Thái tử Samsung'... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Nga khẳng định sẽ không rút quân khỏi nhà máy Zaporizhzhia. (Nguồn: BBC)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

* Nga không đồng tình với việc rút quân khỏi nhà máy Zaporizhzhia: Trong bài đăng trên Telegram, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Leonid Slutsky khẳng định, quân đội Nga kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là chìa khóa cho an ninh hạt nhân của khu vực.

Ngoài ra, ông Slutsky cũng hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cho phái đoàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến nhà máy để thị sát tình hình thực tế.

“Tuy nhiên, Ukraine phải dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân. Đây là điều mà các nước G7 nên quan tâm.”, ông Slutsky viết.

Cùng ngày, ông Vladimir Rogov, thành viên của chính quyền Zaporizhzhia, cho biết quyết định về việc thiết lập một vành đài an toàn xung quanh nhà máy Zaporizhzhia kết hợp với việc Nga rút quân sẽ là vô trách nhiệm và khiến nhà máy điện dễ bị quân đội Ukraine tấn công. (TASS)

* LHQ yêu cầu vùng phi quân sự gần nhà máy hạt nhân ở Ukraine: Liên quan đến tình hình nhà máy Zaporizhzhia, trong cuộc họp hôm 11/8 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cả hai bên ngừng mọi giao tranh gần nhà máy.

Đồng thời, ông Guterres đề xuất triển khai một khu phi quân sự và Ukraine yêu cầu các lực lượng Nga rút khỏi khu vực này.

"Cơ sở này không được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Thay vào đó, cần có thỏa thuận khẩn cấp ở cấp độ kỹ thuật về chu vi phi quân sự hóa an toàn để đảm bảo an toàn cho khu vực," ông Guterres cho biết trong một tuyên bố. (Reuters)

* Thêm 2 tàu chở ngũ cốc rời Ukraine: Ngày 12/8, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay có thêm 2 tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng của Ukraine.

Thông báo nêu rõ tàu chở hàng Sormovskiy mang cờ Belize chở theo 3.050 tấn lúa mì đã rời cảng Chornomorsk và sẽ hướng đến tỉnh Tekirdag, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu chở hàng Star Laura mang cờ Quần đảo Marshall chở 60.000 tấn ngô cũng đã rời cảng Pivdennyi và có kế hoạch đến giao hàng tại Iran.

Như vậy, trong vòng hai tuần qua, 14 tàu chở ngũ cốc đã rời khỏi các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen. (Anadolu)

* Ukraine cảnh báo du khách Nga không đến Crimea: Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 11/8 đăng tải một đoạn video và nêu rõ: “Trừ khi các bạn muốn có một kỳ nghỉ hè khó chịu, thì chúng tôi khuyên những vị khách Nga quý giá không nên đến thăm Crimea”.

Video sau đó chuyển từ hình ảnh những bãi biển nên thơ sang hình ảnh vụ nổ lớn xảy ra hồi đầu tuần này tại sân bay quân sự Saki của Nga ở Crimea. (RT)

Châu Á:

* Nhiều quốc gia ủng hộ đối với nguyên tắc Một Trung Quốc: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 12/8 nêu rõ, quan điểm công bằng và hợp lý của Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Theo đó, ông nếu tên một số quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nguyên tắc Một Trung Quốc trên cơ sở song phương và đa phương, bao gồm: Nga, Campuchia, Lào, Indonesia, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Bangladesh, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand và các nước khác.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng duy trì tình hình quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định. (TASS)

* Cựu Tổng thống Sri Lanka đến Thái Lan: Truyền thông Thái Lan đưa tin, cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đang ở tại một khách sạn ở trung tâm Bangkok, nơi cảnh sát khuyên ông không nên ra ngoài vì lý do an ninh.

Ông Rajapaksa đến Thái Lan cùng 3 người khác trên một chuyến bay thuê bao từ Singapore, hạ cánh tại sân bay quân sự cạnh sân bay quốc tế Don Mueang vào khoảng 20 giờ ngày 11/8.

Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm 10/8 nói với các phóng viên rằng ông Rajapaksa được phép nhập cảnh Thái Lan vì lý do nhân đạo, nhưng sẽ được khuyến cáo tránh thu hút sự chú ý trong thời gian lưu trú. (Bangkok Post)

* Iran yêu cầu EU đảm bảo các yêu cầu then chốt để khôi phục đàm phán hạt nhân: Hãng thông tấn quốc gia IRNA dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của Iran ngày 12/8 cho hay, một đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran ký năm 2015 "có thể chấp nhận được nếu EU cung cấp đảm bảo" đối với các yêu cầu then chốt của Tehran.

* Thái tử Samsung được ân xá: Ngày 12/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố quyết định đặc xá cho gần 1.700 tù nhân, trong đó có người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong và Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-bin. Quyết định có hiệu lực vào ngày 15/8, đúng Ngày Giải phóng Hàn Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp Nội các, Tổng thống Yoon Suk-yeol bày tỏ hy vọng quyết định đặc xá trong Ngày Quốc khánh sẽ giúp ổn định sinh kế của người dân và kéo đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. (Yonhap)

* Mỹ quan ngại về việc Triều Tiên có thể thử vũ khí hạt nhân: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 11/8 cho biết: “Mỹ đánh giá Triều Tiên đang chuẩn bị bãi thử (hạt nhân) Punggye-ri cho lần thử hạt nhân thứ 7. Đánh giá này phù hợp với những tuyên bố công khai của Triều Tiên. Chúng tôi đang chuẩn bị cho tất cả các trường hợp bất thường với sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.”

Theo ông Patel, Mỹ lo ngại trước những luận điệu mạnh mẽ của chế độ Bình Nhưỡng xung quanh chương trình hạt nhân của nước này, cho rằng "vụ thử hạt nhân lần thứ 7 kể từ năm 2017 sẽ là một hành động leo thang, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực và quốc tế, cũng như an ninh". (AP)

Châu Âu:

* Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Putin tăng: Mức độ tin tưởng của người dân Nga đối với Tổng thống Vladimir Putin đã tăng 0,5 điểm phần trăm lên 81,3% trong tuần, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận toàn Nga được công bố ngày 12/8.

* Nhiều nghị sỹ châu Âu lên kế hoạch thăm Đài Loan (Trung Quốc): Các Nghị sỹ châu Âu cam kết sẽ tiếp tục các chuyến thăm theo kế hoạch tới Đài Loan, bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng tránh bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo tự trị tuần trước.

Bà Marie-Pierre Vedrenne, Nghị sỹ Pháp trong Nghị viện châu Âu, cho hay kế hoạch của Ủy ban thương mại thăm Đài Loan vào tháng 12.

Trong khi đó, một nhóm nhà lập pháp Đức tuyên bố họ sẽ thăm Đài Loan vào tháng 10 tới. (SCMP)

* Tòa án Pháp mở điều tra trốn thuế đối với cựu Thủ tướng Czech: Tòa án điều tra tội phạm nghiêm trọng (PNF) của Pháp đã bắt đầu điều tra sơ bộ về nghi vấn rửa tiền và trốn thuế liên quan đến việc mua bất động sản ở Pháp của cựu Thủ tướng Séc Andrej Babis. PNF đã giao cho Cơ quan chống tham nhũng và vi phạm tài chính, thuế quốc gia (OCLCIFF) ở thành phố Cannes phụ trách cuộc điều tra này.

Truyền thông Pháp bắt đầu tập trung tìm hiểu về tài sản của ông Babis vào mùa Thu năm ngoái sau vụ rò rỉ tài liệu mật Hồ sơ Pandora. Vào thời điểm đó, các nhà báo đã phát hiện ra rằng một số nguyên thủ quốc gia và Chính phủ đang cất giấu tài sản của họ bằng việc mở các công ty tại các “thiên đường thuế” trên thế giới. (Le Monde)

* Latvia, Estonia rút khỏi nhóm hợp tác với Trung Quốc: Ngày 11/8, Latvia và Estonia vừa chính thức rút khỏi hợp tác khung định dạng 16+1 giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu.

Trong thông cáo cùng ngày, Bộ Ngoại giao Latvia cho biết, việc nước này tiếp tục tham gia nhóm hợp tác của Trung Quốc "không còn phù hợp với các mục tiêu chiến lược của đất nước trong môi trường quốc tế hiện nay".

Cả Latvia và Estonia đều cho biết sẽ tiếp tục hướng tới "quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Trung Quốc", đồng thời tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. (Reuters)

Châu Mỹ:

* FBI tìm kiếm tài liệu hạt nhân tại nhà ông Trump: Các đặc vụ liên bang Mỹ đã tìm kiếm các tài liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân khi họ khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump ở Palm Beach (Florida) hôm 8/8, nhưng không rõ liệu những tài liệu đó có được thu hồi hay không. (Washington Post)

* Bạo lực lan rộng gần biên giới Mexico-Mỹ: Ngày 11/8, tình trạng bạo lực lan rộng tại thành phố Juarez ở biên giới Mexico, giáp ranh bang Texas (Mỹ), khiến nhiều cơ sở kinh doanh bị đốt phá và ít nhất tám người thiệt mạng.

Theo giới chức địa phương, vụ việc đầu tiên là vụ bạo động tại nhà tù khiến hai tù nhân thiệt mạng và bốn người khác bị thương. Truyền thông đưa tin vụ việc liên quan tổ chức tội phạm Sinaloa.

Sau đó, một vụ tấn công tại cửa hàng thực phẩm ở thành phố Juarez cũng khiến hai người thiệt mạng và một người khác bị thương. Cửa hàng này và hai cơ sở kinh doanh khác bị đốt phá.

Tối cùng ngày, một tay súng đã sát hại bốn nhân viên của đài phát thanh địa phương khi những người này tham gia một sự kiện ngoài trời. (TTXVN/CBS)

* Venezuela và Colombia nối lại quan hệ ngoại giao: Ngày 11/8, Venezuela và Colombia đã bổ nhiệm các đại sứ mới tại thủ đô của nhau, động thái hướng tới nối lại quan hệ hai nước sau hơn 3 năm căng thẳng.

Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia hồi đầu năm 2019, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Ivan Duque công khai ủng hộ thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido khi nhân vật này tự xưng là “Tổng thống lâm thời” Venezuela. (Al Jaazera)

Châu Phi:

* LHQ kêu gọi bảo vệ dân thường ở miền Đông CHDC Congo: Ngày 11/8, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết các nhà nhân đạo của LHQ tại CHDC Congo đang kêu gọi phải bảo vệ dân thường sau khi các nhóm vũ trang sát hại ít nhất 100 dân thường ở tỉnh Ituri trong vòng 1 tháng qua.

Những hạn chế về an ninh cũng ảnh hưởng đến các hoạt động nhân đạo tại miền Đông CHDC Congo. Cuối tuần qua, 2 tổ chức phi chính phủ quốc tế đã rút khỏi Ituri, ảnh hưởng đến việc cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho hơn 44.000 người phải đi sơ tán. (THX)

* Cuộc bầu cử ở Kenya diễn ra tích cực: Ngày 11/8, phái đoàn quan sát bầu cử chung đến từ Liên minh châu Phi (AU), Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), phái bộ quan sát bầu cử đến từ Cộng đồng Đông Phi (EAC) và Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) bày tỏ hài lòng với việc cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh an ninh được bảo đảm và không gặp trở ngại lớn.

Thống kê từ Ủy ban Ranh giới và Bầu cử độc lập của Kenya (IEBC) cho thấy 64,4% người dân nước này trong tổng số 22,1 triệu dân, tương đương 14,2 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu. Theo ủy ban này, hiện việc kiểm phiếu đang được tiến hành và người dân cần bình tĩnh chờ đợi kết quả. (Reuters)