Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày 12/9 tại Vladivostok, Nga. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* UAV Đức xuất hiện ở Ukraine: Tối ngày 11/9, các trang mạng quân sự Nga cho biết, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Đức để tấn công xứ bạch dương.
Theo đó, chiếc UAV bị bắn hạ ở huyện Novozybkovsky, Bryansk là UAV biến hình Vector do công ty Quantum Systems (Đức) sản xuất. UAV này được chọn bởi được làm bằng sợi carbon gia cường, có khả năng chống chịu các điều kiện thời tiết khác nhau. Ngoài ra, Vector hoạt động không gây ra tiếng ồn và có khả năng truyền video HD qua liên kết mã hóa. Đặc điểm chính là khả năng biến đổi thành một mẫu UAV khác có tên Scorpion với đặc tính nhẹ, ít gây chú ý và nhanh hơn.
Trước đó, trong ngày 11/9, Nga ghi nhận ba sự cố liên quan đến UAV nêu trên. Cụ thể, lúc 8h, một UAV hạng nhẹ tấn công nhà ga Druzhba, gây thiệt hại đáng kể cho các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Khoảng 10 phút sau, một chiếc UAV Vector bị phát hiện trong khu vực, song nó vẫn đã bị bắn hạ. Sau đó, lúc 9h, một vật thể khác trên không bị phát hiện đã bay đến làng Krucha và thả lựu đạn phân mảnh.
Trong một diễn biến khác, Thống đốc tỉnh Kursk, ông Roman Starovoyt, cho biết VSU đã tấn công thị trấn Rylsk lần thứ 2 liên tiếp bằng UAV, song không gây nên thương vong.
Viết trên kênh Telegram, quan chức này cho biết: “Ở Rylsk đã lặp lại cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine trên phố Lenin”. Trước đó, hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 1 UAV của Ukraine ở tỉnh Kursk. (TASS)
* Sân bay Ukraine sắp nhận F-16: Ngày 12/9, trang mạng quân sự Nga cho biết sân bay Starokonstantinov, tỉnh Khmelnitsky của Ukraine đang tăng cường xây dựng để tiếp nhận các máy bay tiêm kích F-16. Theo các chuyên gia và nguồn tin quốc phòng, mục tiêu chính là hiện đại hóa sân bay để có thể tiếp nhận F-16.
Trước đó, chính sân bay quân sự này là nơi đồn trú của các máy bay ném bom Su-24 của Không quân Ukraine, Với tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP EG, chúng trở thành vũ khí hạng nặng và mạnh mẽ trong tay quân đội Ukraine.
Sân bay Starokonstantinov đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa. Điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của căn cứ này. Trước đó, Ukraine tuyên bố có thể bắt đầu sử dụng các máy bay trên từ mùa Đông năm nay. (TTXVN)
Mỹ-Trung
* Khả năng Ngoại trưởng Mỹ-Trung gặp gỡ: Ngày 11/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến sẽ đón tiếp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị từ nay tới cuối năm 2023, dù ông Vương có dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) hay không.
Đồng thời, quan chức này cho biết Tổng thống Joe Biden đã nói, ông chủ Nhà Trắng hy vọng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối mùa Thu này: “Chúng tôi tin rằng không có gì có thể thay thế đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới khả năng đó”.
Trước đó, Trung Quốc đã ám chỉ rằng bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Tập và ông Biden ở San Francisco, California cuối năm nay sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có “đủ sự chân thành” hay không. Trước đó, với chuyến thăm hồi tháng 6, ông Blinken đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc trong 5 năm qua. Ông cũng đã gặp lại người đồng cấp Vương Nghị bên lề cuộc gặp ở Jakarta, Indonesia. Sau chuyến thăm, ba quan chức cấp cao khác của Mỹ đã tới Bắc Kinh để họp, nhưng các quan chức Trung Quốc vẫn chưa tới Washington đàm phán. (Reuters)
Đông Nam Á
* Thủ tướng Campuchia sẽ chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp tại New York: Ngày 12/9, Khmer Times (Campuchia) cho biết Phòng Thương mại Campuchia (CCC) và Phòng Thương mại Mỹ sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Campuchia-Mỹ tại New York ngày 22/9 tới. Phó Chủ tịch CCC Lim Heng cho biết, Thủ tướng Campuchia Hun Manet sẽ chủ trì Diễn đàn. Ông nêu rõ: “Diễn đàn dự kiến góp phần mở rộng quan hệ giữa các doanh nhân và nhà đầu tư của hai nước”.
Trong thời gian ở Mỹ, ngày 21/9, phái đoàn CCC dự kiến gặp các công ty hàng đầu Mỹ nhằm nâng cao nhận thức trong giới doanh nhân và đầu tư Mỹ về cơ hội đầu tư tại Campuchia. Ngoài ra, theo ông Heng, phái đoàn do Chủ tịch CCC Kith Meng dẫn đầu sẽ gặp mặt doanh nhân và nhà đầu tư Campuchia sinh sống tại Mỹ nhằm thúc đẩy tiềm năng đầu tư.
Trước đó, ngày 9/9, gặp mặt các công nhân may mặc, Thủ tướng Hun Manet cho biết ông sẽ dẫn đầu phái đoàn Campuchia tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York. Ông nêu rõ: “Trong chuyến thăm Mỹ cuối tháng 9/2023, tôi sẽ gặp các doanh nhân và quan chức cấp cao Mỹ nhằm làm rõ lập trường về các vấn đề quốc tế và mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại”.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan và Thuế Campuchia, từ tháng 1-8/2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,11 tỷ USD, chiếm 38% trong tổng số 15,69 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ lại giảm 4,8% so với mức 6,24 tỷ USD của năm ngoái. Sản phẩm xuất khẩu chính của Phnom Penh là hàng may mặc, phụ kiện quần áo, da, vật dụng du lịch, túi xách, máy móc và giày dép. Campuchia nhập khẩu xe cộ, máy móc và thiết bị cơ khí, dụng cụ y tế và dược phẩm Mỹ. (Khmer Times)
Đông Bắc Á
* Thủ tướng Nhật Bản sẽ thay Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng: Ngày 12/9, đài NHK (Nhật Bản) cho biết ngày 13/9, ông Kishida Fumio có thể bổ nhiệm bà Kamikawa Yoko, từng là Bộ trưởng Tư pháp, thay ông Hayashi Yoshimasa làm Ngoại trưởng. Ông Kihara Minoru, người đứng đầu một nhóm liên nghị sĩ Nhật Bản-Đài Loan, sẽ thay ông Hamada Yasukazu làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Ngoài ra, Thủ tướng Kishida đã quyết định lưu nhiệm Chánh văn phòng nội các Matsuno Hirokazu và đang cân nhắc việc giữ Bộ trưởng Tài chính Suzuki Shunichi và Bộ trưởng Công nghiệp Nishimura Yasutoshi ở nguyên vị trí. Ông Kishida bổ nhiệm ông Suzuki làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các đầu tiên vào tháng 10/2021. Duy trì tính liền mạch trong lĩnh vực tài chính sẽ nhấn mạnh sự tập trung của chính quyền ông vào việc giữ đồng Yen trong tầm kiểm soát và soạn thảo một gói biện pháp mới nhằm giảm bớt tác động từ chi phí sinh hoạt tăng cao.
Trước đó, ông cho biết có kế hoạch cải tổ nội các và thay đổi trong ban lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Đảng (LDP), sớm nhất vào ngày 13/9. (NHK)
* Khả năng Nhật Bản, Hàn Quốc trở lại đối thoại với Nga: Ngày 12/9 tại Vladivostok, khi được hỏi về sự vắng mặt của Hàn Quốc và Nhật Bản tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế phương Đông 2023 (EEF 2023), Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Nga Alexey Chekunkov nhấn mạnh: “Tôi tin rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ quay lại cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Nga”.
Ngoài ra, ông cho biết các phái đoàn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Belarus đang làm việc tại Diễn đàn này, với sự tham gia của đại diện tổng cộng 53 quốc gia, bao gồm các nước “không thân thiện”. Quan chức này lưu ý, các phái đoàn Trung Quốc và Ấn Độ “đang thể hiện sự quan tâm đến hợp tác về năng lượng, hàng hải, đặc biệt là với Tuyến đường biển phía Bắc, đóng tàu, công nghệ và phát triển”. (TASS)
* Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu sẽ dự hội đàm Nga-Triều: Ngày 12/9, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Bộ trưởng Quốc phòng Nga sẽ tham gia hội đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy nhiên, Moscow và Bình Nhưỡng không lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp riêng giữa các Bộ trưởng Quốc phòng của Nga và Triều Tiên.
Trước đó cùng ngày, RIA Novosti cho biết ông Kim đã đến Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin hiện đang tham dự EEF 2023 ở Vladivostok. (Reuters/Sputnik)
Châu Âu
* Tổng thống Nga nhận định về Liên Xô, khẳng định niềm tin vào Trung Quốc: Ngày 12/9, phát biểu tại EEF 2023 về khả năng tranh cử tổng thống Nga năm 2024, Tổng thống Vladimir Putin cho biết: “Theo luật, quốc hội phải ấn định thời điểm vào cuối năm, sau đó chúng ta sẽ nói (về nó)”. Trước đó, sửa đổi trong Hiến pháp Liên bang Nga đã trao cho ông Putin quyền ứng cử tổng thống năm 2024. Theo ông, các quan chức sẽ làm việc, thay vì tính toán cho người kế nhiệm.
Đáng chú ý, ông Putin đã đáp trả bình luận cho rằng một số quốc gia, bao gồm Budapest và Prague, chỉ trích Liên Xô đưa quân vào Hungary và Tiệp Khắc (nay được chia thành hai nước Czech và Slovakia) những năm 1956 và 1968.
Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Từ lâu, người ta đã thừa nhận rằng phần này trong chính sách của Liên Xô là sai lầm và chỉ dẫn đến căng thẳng. Thật sai lầm khi thực hiện bất cứ điều gì trong chính sách đối ngoại phương hại tới lợi ích của các dân tộc khác. Nhưng dựa chính vào những hành động này mà các nước phương Tây hàng đầu đang thực hiện ngày hôm nay”.
Nhận định về Nga năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, ông nói: “Trong những năm, 1990, chúng ta đã đạt được rất nhiều, ý tôi là sự giải phóng và tự do. Đáng tiếc, chúng ta cũng mất đi nhiều. Họ đã chi tiêu hoặc lãng phí một cách thiếu suy nghĩ những gì đã đạt được ở thập kỷ trước, trong thời kỳ Liên Xô còn tồn tại”.
Trước đây, Tổng thống Vladimir Putin từng nói Nga ở trong tình trạng yếu kém những năm 1990, phụ thuộc vào công cụ tài chính khác nhau và đã mất một phần chủ quyền. Tổng thống Putin cũng đề cập đến thất bại của Moscow sau khi Liên Xô sụp đổ, với nỗ lực của Washington để “chia cắt người Nga và người Ukraine”.
Về xung đột tại Ukraine, ông lưu ý Ukraine sẽ tận dụng khả năng ngừng chiến để tái vũ trang. Nhà lãnh đạo này nhắc lại đánh giá rằng chiến dịch phản công của Ukraine đã “thất bại” và Kiev đã mất 71.500 người. Ông nêu rõ: “Tổn thất (của quân đội Ukraine) là rất lớn - đã mất 543 xe tăng, 18.000 xe bọc thép các loại...”
Liên quan đến Trung Quốc, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga và nước này đã đạt đến mức độ hợp tác chưa từng có những năm gần đây: “Quả thực, trong những năm gần đây, mối quan hệ của chúng ta đã đạt đến mức độ chưa từng có, điều này áp dụng cho tất cả các lĩnh vực tương tác của hai nước chúng tôi”.
Ở chiều ngược lại, ông nhấn mạnh Mỹ luôn coi Nga là kẻ thù thường trực. Theo Tổng thống Vladimir Putin, dù ai là người đứng đầu Nhà Trắng tiếp theo, quan hệ song phương vẫn khó cải thiện. Ông cũng cho rằng việc truy tố cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một hành vi mang “động cơ chính trị” nhằm vào “đối thủ”.
* Belarus đóng cửa Đại sứ quán tại Slovakia: Ngày 11/9, sắc lệnh trên Cổng thông tin Internet pháp lý quốc gia Belarus, Minsk đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Bratislavia: “Hội đồng các bộ trưởng Belarus quyết định: Đóng cửa Đại sứ quán Belarus tại Slovakia đến ngày 1/12/2023... Sắc lệnh có hiệu lực vào ngày công bố chính thức”. Dự kiến, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/9. Belarus và Slovakia thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 14/1/1993. (Sputnik)
* Anh, Nhật và Italy đẩy nhanh dự án phát triển máy bay chiến đấu: Ngày 12/9, Tập đoàn quốc phòng BAE Systems (Anh) cho biết hãng này cùng với Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) và Leonardo (Italy) đã đồng ý chuyển bước sang giai đoạn thiết kế ý tưởng trong dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Trước đó, tháng 12/2022, ba quốc gia này đã đồng ý hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu tiên tiến để sử dụng vào giữa thập kỷ tới. BAE cho biết thỏa thuận mới về Chương trình Không quân chiến đấu toàn cầu (GCAP) sẽ hỗ trợ cuộc thảo luận nhằm đưa ra các phân công nhiệm vụ và các yêu cầu về năng lực cho máy bay.
Ông Herman Claesen, lãnh đạo GCAP của BAE, cho biết “tốc độ hợp tác cao với các đối tác công nghiệp và chính phủ ở Italy và Nhật Bản” đã được duy trì kể từ khi triển khai chương trình. Theo BAE, ba nước sẽ cập nhật tiến độ của dự án tại hội chợ vũ khí quốc tế DSEI ở London, Anh tuần này. GCAP dự kiến tiêu tốn hàng chục tỷ USD, song hiện các bên vẫn chưa thống nhất được việc phân bổ ngân sách như thế nào. Bộ Quốc phòng Anh đã cam kết đầu tư 2 tỷ Bảng Anh cho dự án, vốn trước đây là Tempest, trước khi Nhật Bản và Italy tham gia. (Reuters)
Châu Mỹ
* Cuba hoãn Hội nghị Đảng toàn quốc: Ngày 11/9, truyền thông nhà nước Cuba cho biết Hội nghị toàn quốc lần thứ hai của Đảng Cộng sản Cuba (PCC), dự kiến được tổ chức vào tháng 10 tới, đã bị hoãn đến quý đầu tiên của năm 2024. Theo đó, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương PCC là nhằm có thêm thời gian xử lý và đưa ra những đề xuất liên quan đến hành động của Đảng nhằm đối phó với bao vây cấm vận và chiến tranh không quy ước. Nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng việc hoãn tổ chức Hội nghị tạo điều kiện củng cố tranh luận, tham vấn chuyên gia, học giả và xác định các hành động cần thực hiện trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong thời gian Hội nghị toàn quốc chưa diễn ra, các quy trình chuẩn bị vẫn được tiến hành, bao gồm cả hoạt động bầu cử đại biểu. (La Prensa Latina)
Trung Đông-Châu Phi
* Mỹ cho phép chuyển tiền khủng để trao đổi tù nhân với Iran: Ngày 11/9, theo một tài liệu Reuters có được, Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng pháp để cho phép chuyển 6 tỷ USD trong quỹ của Iran từ Hàn Quốc sang Qatar - bước đi cần thiết để thực hiện thỏa thuận trao đổi từ nhân Mỹ-Iran như công bố trước đó. Trong tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ này, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định việc dỡ bỏ trừng phạt là vì lợi ích an ninh quốc gia. Tài liệu, được gửi tới các ủy ban quốc hội Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ Mỹ thừa nhận sẽ thả 5 người Iran như một phần của thỏa thuận nhằm đảm bảo quyền tự do cho 5 công dân Mỹ.
Tài liệu viết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho trả tự do cho họ, Mỹ cam kết trả tự do cho 5 công dân Iran, hiện đang bị giam giữ và cho phép chuyển khoảng 6 tỷ USD tiền của Iran bị phong tỏa trong các tài khoản hạn chế ở (Hàn Quốc) sang các tài khoản bị hạn chế ở Qatar, nơi tiền chỉ được dành cho hoạt động thương mại nhân đạo”. Tài liệu lưu ý điều này chỉ mang lại “lợi ích hạn chế cho Iran”.
Về phần mình, trong tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Adrienne Watson cho biết ngày 8/9, ông Blinken đã thực hiện “bước thủ tục trong một quy trình đang diễn ra để đảm bảo tiền Iran có thể chuyển từ tài khoản bị hạn chế này sang tài khoản bị hạn chế khác và vẫn bị hạn chế với thương mại nhân đạo”.
* Iran xác nhận tạm giữ một công dân Thụy Điển: Ngày 12/9, cơ quan tư pháp Iran xác nhận đã bắt giữ một công dân Thụy Điển làm việc cho Liên minh châu Âu (EU). Người phát ngôn cơ quan tư pháp Iran Masoud Setayeshi nêu rõ: “Theo kết quả thẩm vấn sơ bộ, công dân bị bắt giam hoàn toàn đúng luật và trong những ngày tới chúng tôi sẽ công bố toàn bộ kết quả điều tra về vụ án của người này”.
Tuần trước, Ủy ban Liên minh châu Âu và Thụy Điển đã thông báo về việc một công dân Stockholm bị tạm giữ ở Iran. Đây là vụ bắt giữ người nước ngoài mới nhất trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Tehran với phương Tây. (Reuters)
* Tổng thống Zimbabwe công bố nội các mới: Ngày 11/9, ông Emmerson Mnangagwa đã công bố 26 nhân sự cấp cao của chính phủ, ít lâu sau khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng trước.
Theo đó, chính trị gia này đã giữ lại một số bộ trưởng trong danh sách, bao gồm Bộ trưởng Xúc tiến Đầu tư và Tài chính Mthuli Ncube; Bộ trưởng Ngoại giao Frederick Shava; Bộ trưởng Tư pháp, Pháp lý và Nghị viện Ziyambi Ziyambi; Bộ trưởng Đất đai và Nông nghiệp Masuka; và Bộ trưởng Quốc phòng Oppah Muchinguri Kashiri. Trong số một số thay đổi, cựu Bộ trưởng Năng lượng Soda Zhemu đã được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng mới phụ trách Khai thác mỏ.
Hiện Tổng thống Mnangagwa phải đối mặt với thách thức xây dựng lại nền kinh tế suy thoái do siêu lạm phát, tiền tệ sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp cao. (Reuters)