Quân đội Mỹ không còn giữ im lặng về vụ bạo loạn ở Quốc hội
Sau gần một tuần kiên quyết giữ im lặng kể từ vụ bạo loạn ở Đồi Capitol, ngày 12/1, lãnh đạo quân đội Mỹ đã gửi một thông cáo chung đến các binh sĩ trong đó khẳng định: "Vụ biểu tình bạo loạn là một sự tấn công trực tiếp vào Quốc hội, vào trụ sở Quốc hội và quy trình Hiến pháp".
Thông cáo chung của 7 vị tướng và 1 đô đốc Mỹ nhấn mạnh, quân đội tiếp tục cam kết bảo vệ Hiến pháp.
"Quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp không cho phép bất cứ ai quyền sử dụng bạo lực, khuyến khích và tham gia bạo loạn. Bất cứ hành động nào làm gián đoạn tiến trình Hiến pháp không chỉ đi ngược lại các truyền thống và giá trị của chúng ta mà còn đi ngược lại pháp luật", thông cáo nêu rõ.
Ngoài ra, thông cáo cũng khẳng định: "Tổng thống đắc cử Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức và sẽ trở thành Tổng tư lệnh thứ 46 của chúng ta". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Chính sách Nam Á của Mỹ: Lần hiếm hoi ông Biden cùng phe với ông Trump |
Bộ Ngoại giao Mỹ ngừng mọi chuyến thăm ngoại giao
Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã ngừng tất cả các chuyến thăm ngoại giao trong 8 ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm cả chuyến đi dự kiến của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft tới Đài Loan (Trung Quốc) và chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bỉ.
Đây là sự thay đổi đột ngột về kế hoạch mà theo Bộ này, là cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang chính quyền ông Biden sắp tới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn cam kết hoàn thành quá trình chuyển đổi suôn sẻ và có trật tự và sự được hoàn tất trong 8 ngày tới. (ANI)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuyên gia Nga đánh giá khả năng xảy ra âm mưu đảo chính ở Mỹ |
Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết thúc giục ông Pence kích hoạt Tu chính án số 25
Ngày 12/1 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết hối thúc Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, vốn trao quyền cho Phó Tổng thống và nội các phế truất Tổng thống.
Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tối muộn ngày 12/1 (trưa 13/1 theo giờ Việt Nam), Nghị quyết nói trên đã được thông qua với 223 phiếu thuận, 205 phiếu chống và 5 nghị sĩ không bỏ phiếu. Chỉ có duy nhất 1 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu tán thành nghị quyết.
Tuy nhiên, trước đó, ông Pence cũng đã gửi thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bác việc kích hoạt Tu chính án số 25.
Sau cuộc bỏ phiếu này, Hạ viện Mỹ cũng sẽ xúc tiến cuộc bỏ phiếu nữa đối với nghị quyết luận tội Tổng thống, với cáo buộc "kích động nổi loạn" liên quan vụ bạo loạn ở Quốc hội do những người ủng hộ ông Trump gây ra hôm 6/1. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bạo loạn Điện Capitol và ba câu hỏi lớn của nước Mỹ |
YouTube nối tiếp làn sóng "quay lưng" với ông Trump
Trang dịch vụ chia sẻ video YouTube của tập đoàn Alphabet Inc đã tiếp nối làn sóng "quay lưng" Tổng thống Mỹ Donald Trump của các nền tảng trực tuyến.
Trong một thông báo trưa 13/1 (giờ Việt Nam), YouTube cho biết đã xóa nội dung mới được đăng tải trên kênh của Tổng thống Trump với lý do nội dung này vi phạm các chính sách về kích động bạo lực.
YouTube nêu rõ, kênh của Tổng thống Trump hiện đã bị cấm đăng tải các video mới hoặc phát trực tiếp trong tối thiểu 7 ngày và lệnh cấm này có thể sẽ được gia hạn.
Trước YouTube, tuần trước, Facebook cũng đã tạm khóa tài khoản mạng xã hội Facebook và ứng dụng Instagram của Tổng thống Trump, trong khi Twitter thậm chí còn mạnh tay hơn khi xóa tài khoản của ông chủ Nhà Trắng.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng bị đình chỉ sử dụng các mạng xã hội khác như Snapchat và Twitch. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump: Hai phe tranh cãi, Tổng thống Mỹ nói ‘đã đoán trước’ sự việc |
Giữa "bão luận tội", ông Trump thăm tường biên giới Mỹ-Mexico
Ngày 12/1, khi nhiệm kỳ Tổng thống chỉ còn một tuần, ông Trump đã đến Alamo, Texas để thăm tường biên giới Mỹ-Mexico.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho hay, chuyến thăm đánh dấu việc chính quyền Tổng thống Trump đã hoàn tất gần 650 km tường biên giới đúng như lời hứa trong nỗ lực nhằm cải tổ hệ thống nhập cư.
Nguồn tin của Reuters cho biết, ông Trump - người luôn coi việc xây dựng tường biên giới là một trong những thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ - quyết định thăm tường biên giới sau khi các cố vấn khuyên ông đến đây để "góp phần khẳng định di sản của mình".
Trong bài phát biểu ở khu vực tường biên giới, ông Trump đã liệt kê lại hàng loạt chính sách về nhập cư trong nhiệm kỳ mà ông cho là "mang tính lịch sử". Thực tế, 4 năm qua, chính quyền của ông Trump đã đưa ra nhiều chính sách nhập cư chưa từng có tiền lệ.
Về phần mình, Tổng thống đắc cử Joe Biden, ông sẽ đảo ngược nhiều chính sách nhập cư của chính quyền ông Trump ngay sau khi nhậm chức và ngừng việc xây dựng tường biên giới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bạo loạn ở Mỹ khiến châu Âu 'sốc nặng' |
Mặc Mỹ lại dọa trừng phạt, Nga tự tin hoàn tất dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 12/1, các nguồn tin giấu tên cho biết, trong tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Trump đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt cuối cùng nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Thông báo được gửi tới các công ty châu Âu bị nghi ngờ đang tiếp tay cho dự án và hối thúc các công ty này rút lui.
Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo vào ngày 14 hoặc 15/1 về các công ty mà họ cho rằng đang hỗ trợ xây dựng đường ống khí đốt từ Nga sang Đức, khả năng bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm, hỗ trợ lắp đặt đường ống ngầm dưới biển hoặc thẩm tra thiết bị xây dựng của dự án.
Trong bối cảnh đó, ngày 13/1, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hiện đã xong 90% khối lượng công việc và sẽ được hoàn tất bất chấp sức ép từ Mỹ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bị vây tứ bề, triển vọng nào cho Dòng chảy phương Bắc 2? |
Ngoại trưởng Ấn Độ nói về quan hệ với Trung Quốc và Mỹ
Ngày 13/1, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tuyên bố, lòng tin của nước này với Trung Quốc đã bị suy giảm sâu sắc, trong khi mối quan hệ với Mỹ đang ngày càng được củng cố và tin tưởng khả năng sẽ mở rộng dưới thời chính quyền mới ở Washington.
Phát biểu tại Hội nghị Reuters Next, ông Jaishankar nêu rõ: “Sau 45 năm, đã thực sự có đổ máu ở biên giới. Điều đó đã tác động rất lớn đến công luận và về mặt chính trị... thực sự đã tác động đến lòng tin của Ấn Độ đối với Trung Quốc và mối quan hệ với Bắc Kinh. Lòng tin đó đã bị suy giảm sâu sắc".
Bình luận về quan hệ Ấn Độ-Mỹ, Bộ trưởng Jaishankar nói: “Về mặt cấu trúc, mối quan hệ với Mỹ rất vững mạnh, có những yếu tố hết sức độc đáo, có sự hội tụ về chính trị, sự hội tụ ngày càng lớn về an ninh và quốc phòng”.
Ông đồng thời khẳng định Ấn Độ sẽ phản hồi tích cực với bất kỳ đề nghị hoặc lời mời nào từ chính quyền Biden về việc tái khởi động cuộc đàm phán về thương mại tự do. (Hindustan Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Điều quan trọng là Ấn Độ không được nhượng bộ Trung Quốc |
Chủ tịch Diaz-Canel: Cuba là nạn nhân và không bảo trợ khủng bố
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước quyết định của Mỹ đưa nước này này trở lại "danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố".
Trong tuyên bố trên mạng Twitter, Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định, Cuba là nạn nhân của khủng bố và không bao giờ là quốc gia bảo trợ cho hành động này. Ông nêu rõ thế giới lên án Washington cáo buộc Havana tài trợ cho khủng bố là hành động đạo đức giả.
Chủ tịch Cuba cũng đồng thời cho rằng, việc Mỹ áp dụng chính sách cấm vận lâu dài đối với Cuba là minh chứng của hành động khủng bố nhà nước.
Nhiều nước và các tổ chức quốc tế cũng đã phản đối và lên án quyết định được cho là bất công với một đất nước có uy tín quốc tế cao về tình đoàn kết như Cuba, trong đó có Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP); Chủ tịch Nghị viện Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur); Chính phủ Venezuela và Trung Quốc. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ lại đưa Cuba vào danh sách đen tài trợ khủng bố, Havana lập tức lên tiếng |
Triều Tiên bế mạc đại hội Đảng Lao động lần thứ VIII
Ngày 13/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, đại hội Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ VIII đã khép lại 8 ngày họp với việc thông qua Nghị quyết “Thực thi đầy đủ các nhiệm vụ đã đặt ra trong báo cáo công tác của Ủy ban Trung ương WPK lần thứ 7”.
Nghị quyết đặt ra các mục tiêu mới trên mọi lĩnh vực gồm kinh tế, quốc phòng, văn hóa và quản lý nhà nước-xã hội trong 5 năm tiếp theo, hướng tới xây dựng xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Triều Tiên.
Phát biểu bế mạc đại hội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặc biệt nhấn mạnh, toàn thể đảng viên phải đề cao 3 ý tưởng gồm “tin tưởng vào nhân dân, đoàn kết nhất trí và tự lực tự cường”.
Triều Tiên cũng thông báo sẽ triệu tập Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên (Quốc hội) vào ngày 17/1 tới để thảo luận về vấn đề tổ chức và thông qua kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế quốc gia và vấn đề thực hiện ngân sách nhà nước. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên lên tiếng sau khi bất ngờ vắng mặt trong danh sách Bộ Chính trị |
Nga mong Anh, Pháp tham gia tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân
Ngày 12/1, tại một hội nghị trực tuyến về kiểm soát vũ khí sau các cuộc bầu cử tại Mỹ, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov hy vọng có thể thảo luận về khả năng tham gia của các đối tác mới trong các thỏa thuận kiểm soát vũ khí sau khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được gia hạn.
"Nga cân nhắc khách quan các nỗ lực tạo áp lực quốc tế lên các nước nhằm hối thúc họ tham gia vào một cơ chế kiểm soát vũ khí. Các cuộc thảo luận và tham vấn cần được tiến hành trên nguyên tắc tự do và tự nguyện, xét đến các lợi ích hợp pháp của các bên", ông Antonov nói.
Đại sứ Nga nêu rõ, quan điểm của nước này là ưu tiên Pháp và Anh tham gia vào các thỏa thuận nói trên bởi 2 nước này sở hữu các vũ khí hạt nhân tương đương với Trung Quốc, đồng thời có hợp tác chặt chẽ với Mỹ về chính sách hạt nhân trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tương lai vũ khí hạt nhân Mỹ dưới thời ông Joe Biden |
Tình hình Belarus: 4 nước châu Âu nhất trí tăng cường ủng hộ phe đối lập ở Belarus
Theo Hãng thông tấn Czech (ČTK), ngày 12/1, đại diện quốc hội của 4 nước Visegrad (gồm Czech, Ba Lan, Slovakia và Hungary – nhóm V4) đã nhất trí về việc cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn với phe đối lập tại Belarus do bà Svetlana Tikhanovskaya đứng đầu.
Chủ tịch Hạ viện Czech Radek Vondráček nhấn mạnh sau cuộc họp: "Chúng ta không được ngừng gây áp lực lên Belarus. Nền tảng để một người có thể cầm quyền phải dựa trên bầu cử tự do".
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Czech Miloš Vystrčil đề cập khả năng mời đại diện của phe đối lập tại Belarus thăm Thượng viện nước này và thúc giục các nước nhóm V4 hành động.
Trước đó, Hãng tin thông tấn BelTA đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ thị cho Chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt "ăn miếng trả miếng" đối với các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt một số doanh nghiệp Belarus. (ČTK, Belta)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Belarus ra chỉ thị mới, quyết 'ăn miếng trả miếng' với EU |
Israel bị nghi thực hiện 18 vụ không kích ở Syria khiến 23 người thiệt mạng
Ngày 13/1, AFP dẫn thông báo của tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay, các cuộc không kích ban đêm nghi do Israel thực hiện nhằm vào các kho vũ khí và các vị trí quân sự ở đông Syria đã làm 7 quân nhân của Syria thiệt mạng.
Theo SOHR, không quân Israel được cho là đã thực hiện nhiều hơn 18 vụ không kích vào các mục tiêu ở khu vực kéo dài từ Deir Ezzor cho tới sa mạc Boukamal ở biên giới Syria-Iraq vào ngày 13/1.
Ngoài 7 quân nhân Syria, các vụ tấn công được cho đã làm 16 thành viên lực lượng dân quân của Vệ binh Cách mạng Iran, nhóm Hezbollah và nhóm Fatimid Brigade tử vong. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Sau một năm nhiều biến cố, Trung Đông có thể khởi sắc trong năm 2021? |
Thủ tướng Canada cải tổ nội các, Ngoại trưởng bị thay thế
Ngày 12/1, Văn phòng Thủ tướng Canada ra thông báo thay đổi nội các, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đương nhiệm Marc Garneau sẽ nắm giữ cương vị Ngoại trưởng Canada.
Bên cạnh đó, ông François-Philippe Champagne, hiện là Ngoại trưởng Canada, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp.
Ông Omar Alghabra, hiện là Thư ký Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Jim Carr sẽ tiếp tục làm Đại diện đặc biệt cho khu vực Prairies. (Anadolu)
| Vũ khí Mỹ và sự 'biến tấu' trong quân đội Israel TGVN. Quân đội Israel sở hữu số lượng đáng kể thiết bị và vũ khí do Mỹ viện trợ. Tuy nhiên, thiết bị của Mỹ ... |
| Tin thế giới 12/1: Ông Trump tìm được đối tượng đổ lỗi; Hé lộ nội dung cuộc gặp Trump-Pence; Trung Quốc lên tiếng về hành động của Mỹ với Cuba TGVN. Hậu bạo loạn ở Mỹ, lễ nhậm chức của ông Biden, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, tình hình Trung Đông, vụ Iran bắt giữ ... |
| {Full Video} Thủ tướng dự chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam TGVN. Sáng 27/8, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao diễn ra chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 ... |