📞

Tin thế giới 13/12: IAEA nỗ lực về Zaporizhzhia, biên giới Trung-Ấn lại nóng, Trung Quốc ‘sốc’ vì vụ nổ ở Kabul

Minh Vương 20:41 | 13/12/2022
Moscow nói Kiev cần chấp nhận “thực tế” vì hòa bình, SCO tập trận ở Nga, chính phủ Peru trước áp lực mới…là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Người dân biểu tình tại tuyến đường cao tốc tại Arequipa, Peru ngày 12/12. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga: Ukraine phải chấp nhận thực tếđể có hòa bình: Ngày 13/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ đề xuất ba bước được cho là của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về hòa binh. Đồng thời, quan chức này khẳng định tiến trình này là không thể “nếu không tính đến thực tế”.

Cùng ngày, ông Dmitry Peskov cũng khẳng định Nga không đặt vũ khí hạng nặng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Nga vẫn giữ liên lạc với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tổ chức đang cố gắng nỗ lực để thiết lập một khu phi quân sự quanh nhà máy. (Reuters)

* IAEA nhất trí cử nhóm thường trực đến nhà máy Zaporizhzhia: Ngày 13/12, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết IAEA đã nhất trí cử nhóm thường trực tới các nhà máy hạt nhân ở Ukraine, bao gồm nhà máy Zaporizhzhia.

Viết trên mạng xã hội sau cuộc gặp Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi, Thủ tướng Shmygal nhấn mạnh: “Các nhóm này nhằm bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân và ghi lại mọi nỗ lực gây ảnh hưởng từ bên ngoài đến chúng, đặc biệt là hoạt động pháo kích của Nga”.

Theo Thủ tướng Ukraine, IAEA sẽ triển khai các nhóm thường trực của tổ chức tới các nhà máy tại Zaporizhzhia, Rivne, Khmelnytskyi, Pivdennoukrainska và Chernobyl, song không nêu rõ khung thời gian. Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cũng nhắc lại lời kêu gọi “phi quân sự hóa” nhà máy ở Zaporizhzhia, miêu tả đây là ưu tiên của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Cũng trong ngày 13/12, tham dự hội nghị quốc tế ở Paris về viện trợ khẩn cấp cho Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Chúng tôi đã cố gắng bảo vệ (nhà máy điện hạt nhân) Chernobyl và mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ nhà máy Zaporizhzhia. Những tuần tới sẽ rất quan trọng”. (AFP/Reuters)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc “lấy làm tiếc” trước quyết định của Nhật Bản về nạn nhân thời chiến: Ngày 13/12, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo Suk cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc về thực tế rằng quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới và các biện pháp tiếp theo mà chính Nhật Bản đã cam kết đã không được thực hiện một cách trung thực”. Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản thực thi đầy đủ các cam kết về việc tưởng nhớ các lao động cưỡng bức thời chiến.

Gần đây, Tokyo đã đệ trình báo cáo về tiến độ thực hiện các biện pháp tiếp theo tại 23 địa điểm thời Minh Trị nằm trong danh sách đã đăng ký năm 2015. Các địa điểm này bao gồm đảo Hashima hoặc đảo Battleship, là những nơi nhiều người (dân từ bán đảo) Triều Tiên bị cưỡng bức làm lao động khổ sai. Bất chấp cam kết trước đó việc tưởng nhớ các nạn nhân, Nhật Bản tuyên bố rằng điều kiện làm việc Hashima là khắc nghiệt “đối với mọi thợ mỏ” và bằng chứng đáng tin cậy không cho thấy rằng “điều kiện làm việc của những người Triều Tiên là tồi tệ hơn”. (TTXVN)

Nam Á

* Trung Quốc, Ấn Độ thông báo về tình hình ở khu vực biên giới hai nước: Trung Quốc cho biết tình hình ở biên giới với Ấn Độ đã “ổn định” trong ngày 13/12, sau khi một số nguồn tin của Ấn Độ thông báo về vụ đụng độ giữa quân đội hai nước liên quan tới vùng biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya tuần trước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Uông Văn Bân cho hay: “Theo những gì chúng tôi biết, tình hình biên giới Trung Quốc-Ấn Độ nhìn chung là ổn định”. Ông cho biết hai bên “đã duy trì đối thoại cởi mở về vấn đề biên giới thông qua các kênh ngoại giao và quân sự”.

Trong khi đó, người người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho rằng họ “đã bị cản trở vì quân đội Ấn Độ đã vượt qua Đường Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) một cách bất hợp pháp". “Chúng tôi đã phản ứng chuyên nghiệp, chuẩn mực và mạnh mẽ, giúp ổn định tình hình trên thực địa. Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ đã rút quân”, người phát ngôn nói.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cáo buộc Trung Quốc cố tình “đơn phương thay đổi hiện trạng” ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya của họ tuần trước với các cuộc đụng độ khiến binh sỹ thuộc quân đội của hai bên bị thương. Ông Singh nói: “Vào ngày 9/12/2022, PLA đã cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cách xâm phạm LAC phân chia lãnh thổ hai nước, tại khu vực Tawang”. Ông cũng cho biết thêm rằng quan chức Ấn Độ đã nêu vấn đề nói trên với Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao. (AFP/Reuters)

* Trung Quốc bị sốc về vụ tấn công ở Kabul: Ngày 13/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Vụ tấn công khủng bố này thật ghê tởm và Trung Quốc bị sốc nặng. Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hình thức khủng bố... Chúng tôi bày tỏ thương tiếc đối với những quân cảnh Afghanistan đã thiệt mạng và bày tỏ thương cảm với những người bị thương”.

Trước đó, viết trên Telegram, ngày 12/12, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công khách sạn ở trung tâm thủ đô Kabul, trước đó cùng ngày, nơi nhiều người Trung Quốc thường xuyên lui tới tại Afghanistan. Trong vụ tấn công trên, lực lượng an ninh Afghanistan đã tiêu diệt ít nhất 3 phần tử khủng bố. Một bệnh viện tại địa phương cho biết đã tiếp nhận 21 người thương vong, trong đó có 3 người thiệt mạng. Trung Quốc cũng đã xác nhận 5 công dân nước này đã bị thương. (AFP)

Châu Âu

* Tổng thống Nga có thể đọc Thông điệp Liên bang ngày 27/12: Một nguồn tin trong Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho hay: “Có thông tin Tổng thống sẽ đọc thông điệp liên bang ngày 27/12, chưa hoàn toàn chắc chắn, nhưng có thông tin đó”. Trước đó, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tổ chức cuộc họp báo cuối năm thường niên trước thềm năm mới. (TASS)

* Nga xác định cơ chế đáp trả phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu mỏ: Báo Vedomosti (Nga) dẫn một nguồn thạo tin ngày 13/12 cho biết, theo dự thảo sắc lệnh mới đây của Tổng thống Nga, Moscow sẽ từ chối cung cấp dầu mỏ cho các nước tham gia áp đặt giá trần đối với dầu Nga.

Cụ thể, dự thảo quy định cấm bán dầu với các lý do sau: Một là, nếu hợp đồng chỉ định nước tham gia áp giá trần với tư cách là người nhận; Hai là, nếu giá trần xuất hiện như một điều kiện trong hợp đồng, hoặc giá tham chiếu được xác định bằng với giá trần (60 USD/thùng). Ngoài ra, sắc lệnh còn có một điều khoản cho phép tránh mọi lệnh cấm đối với các giao dịch, với sự cho phép của chính phủ.

Tuy nhiên, sắc lệnh sẽ không áp dụng với các hợp đồng phát sinh trước ngày 5/12 và có hiệu lực kể từ thời điểm công bố cho đến ngày 1/1/2023 với khả năng gia hạn. Các chi tiết về thực hiện sắc lệnh, cụ thể là thủ tục giám sát tuân thủ lệnh cấm, phạm vi hàng hóa, danh sách các quốc gia… sẽ được Moscow quy định. (TTXVN)

* EU và Hungary đạt thỏa thuận giải ngân viện trợ 18 tỷ Euro cho Ukraine: Ngày 12/12, sau nhiều ngày thương lượng, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) và Hungary đã đạt được thỏa thuận. Theo đó Budapest “bật đèn xanh” giải ngân khoản viện trợ 18 tỷ Euro cho Ukraine vào năm 2023 và áp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%. Đổi lại, các nước khác trong EU khác đồng ý giảm số tiền dành cho Hungary đang bị phong tỏa xuống còn 6,3 tỷ Euro (6,64 tỷ USD) và xúc tiến chuyển khoản tiền phục hồi hậu đại dịch Covid-19 cho Budapest. Czech, nước Chủ tịch luân phiên EU, đã ra thông báo nhấn mạnh hai bên đã đạt được “một thỏa thuận lớn”. Dự kiến, chi tiết của thỏa thuận này sẽ chính thức được xác nhận trong tuần này.

Phát biểu ngày 13/12, Trưởng đoàn đàm phán của Hungary, ông Tibor Navracsics, nêu rõ nước này hy vọng sẽ sớm ký kết các thỏa thuận tài chính với EU sau khi được dỡ bỏ phong tỏa hàng tỷ Euro số tiền phục hồi hậu Covid-19 và tiền trong các quỹ phát triển. Ngoài ra, vào cuối tháng 3/2023, Quốc hội Hungary sẽ thông qua các cải cách cần thiết khác nhằm thuyết phục EU dỡ bỏ phong tỏa số tiền còn lại trong các quỹ dành cho Budapest trong tương lai, cho phép nước này triển khai các dự án đầu tư do EU tài trợ. (TTXVN)

* Czech hối thúc các bộ trưởng EU ra quyết định về giới hạn giá khí đốt: Phát biểu khi dự họp các bộ trưởng năng lượng EU với mục tiêu đạt đồng thuận về mức giá trần khí đốt ngày 13/12, Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela nhấn mạnh: “Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc các bộ trưởng có sẵn sàng đạt được nhất trí hay không”. Theo ông Sikela, là nước Chủ tịch luân phiên EU và chịu trách nhiệm soạn thảo các văn bản đàm phán cho EU, Czech đưa ra một đề xuất “khả thi” để giải quyết những quan ngại khác nhau về giá trần khí đốt. (Reuters)

Châu Mỹ

* Lãnh đạo 4 nước Mỹ Latinh ra tuyên bố chung về Peru: Ngày 12/12, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, Tổng thống Argentina Alberto Fernánde, Tổng thống Bolivia Luis Arce và Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã ra tuyên bố chung, bày tỏ sự quan ngại về những diễn biến gần đây ở Peru. Tuyên bố chung có đoạn: “Chính phủ Colombia, Mexico, Argentina và Bolivia, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các sự kiện gần đây dẫn đến quyết định cách chức và bắt giữ Jose Pedro Castillo Terrones, Tổng thống Peru... Chính phủ của chúng tôi kêu gọi tất cả các chủ thể tham gia quá trình này ưu tiên việc tuân theo ý chí của người dân, điều đã được thể hiện rõ ràng trong ngày bầu cử”.

Trước đó, ngày 12/12, cựu Tổng thống Peru Pedro Castillo đã cáo buộc việc Phó Tổng thống Dina Boluarte “tiếm quyền”, đồng thời khẳng định sẽ không từ bỏ nhiệm vụ “cao cả và thiêng liêng” của mình với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Viết trên Twtitter, ông cho biết đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiệm kỳ khi bị “vùi dập, cắt liên lạc, đối xử thô bạo và bị bắt cóc” và kêu gọi người dân không tin tưởng đề xuất tổ chức sớm tổng tuyển cử do bà Boluarte đưa ra.

Việc ông Castillo bị phế truất và bắt giữ đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình toàn quốc, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Bất chấp lời kêu gọi của chính phủ mới, người ủng hộ ông Castillo vẫn tiếp tục phong tỏa nhiều tuyến đường quốc lộ chính, khiến Lima phải huy động cảnh sát bảo đảm an ninh. (Sputnik/TTXVN)