Những ngày qua, không quân Mỹ đã liên tục bắn hạ các vật thể chưa xác định trên bầu trời Bắc Mỹ. (Nguồn: militaryanalizer.com) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Điện Kremlin nói về hòa đàm Nga-Ukraine: Bình luận về tuyên bố của Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz rằng phương Tây đã ngăn cản ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và Nga năm ngoái, người phát ngôn điện Kremlin cho biết: “Đó chính là văn kiện đã được thống nhất sau các cuộc đàm phán khó khăn và thậm chí đã được ký tắt”. Tuy nhiên, theo ông, đột nhiên Ukraine rời khỏi bàn đàm phán và ngừng liên lạc mà không rõ lý do. Quan chức này còn nhắc lại Nga đã nhiều lần lên tiếng về lý do đàm phán bị gián đoạn.
Moscow cho biết sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cả hai bên đã bắt đầu hòa đàm trong những ngày đầu tiên. Lần gần đây nhất Nga thông báo về tiến trình này là cuối tháng 3/2022, sau cuộc họp của hai phái đoàn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo sáng kiến của phía Ukraine, cuộc đối thoại đã bị đình chỉ. (TTXVN)
* Ngoại trưởng Nhật Bản cân nhắc dự họp về xung đột Nga-Ukraine: Theo một nguồn tin ngày 13/ 2, ông Hayashi Yoshimasa đang cân nhắc tham dự phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc từ ngày 22/2 và cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an về xung đột tại Ukraine. Đồng thời, với tư cách Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Tokyo đang cân nhắc thảo luận trực tuyến và trực tiếp về tình hình tại Ukraine. (Kyodo)
* Báo Trung Quốc: Mỹ chưa muốn xung đột ở Ukraine kết thúc: Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 13/2 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nhận định: “Nhiều vòng đàm phán Nga-Ukraine trong năm qua không dẫn đến kết quả đáng kể nào. Điều đó chứng minh rằng ngay cả khi Moscow và Kiev đạt được một số thỏa thuận, Washington sẽ ngay lập tức can thiệp vào và phá vỡ toàn bộ quá trình…câu hỏi lớn ở thời điểm hiện tại không phải khả năng nối lại hòa đàm Nga-Ukraine, mà là liệu Moscow và Washington có thể đạt được một số đồng thuận để tránh leo thang căng thẳng hay không”.
Một số ý kiến khác nêu: “Mỹ hiện chưa sẵn sàng hoặc chưa muốn đàm phán với Nga lúc này. Dựa trên các thỏa thuận và quyết định mới nhất của Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden không muốn xung đột kết thúc và sẽ tiếp tục sử dụng nó để làm suy yếu Nga và EU. Ukraine là cái giá Washington sẵn sàng trả”. (Sputnik)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc nói khinh khí cầu Mỹ từng tiến vào không phận 10 lần: Ngày 13/2, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo năm 2022, đã có hơn 10 lần khinh khí cầu tầm cao của Mỹ bay qua không phận nước này mà không có sự cho phép. Theo quan chức này, Trung Quốc không có thông tin liên quan tới vật thể bay bị Mỹ bắn hạ trên vùng trời Alaska và Canada. (Reuters)
Nga-Mỹ
* Tình báo Nga: Mỹ tuyển dụng tay súng để tấn công SNG: Ngày 13/2, Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) tuyên bố: “Theo dữ liệu đáng tin cậy mà Cơ quan tình báo đối ngoại Nga nhận được, quân đội Mỹ đang tích cực tuyển các tay súng thánh chiến có liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda, nhất là những người từ Bắc Caucasus và Trung Á, để thực hiện tấn công khủng bố ở Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)”.
Cụ thể hơn, tuyên bố này cho biết hồi tháng 1/2023 vừa qua, Mỹ đã tuyển 60 tay súng. Sau khi được huấn luyện tại căn cứ quân sự al-Tanf của xứ cờ hòa ở Syria, các tay súng này sẽ đến Nga và các nước SNG khác để tấn công khủng bố các nhà ngoại giao và quan chức an ninh. Đến nay, SVR chưa tiết lộ thông tin tình báo đằng sau tuyên bố trên. (Reuters/Sputnik)
* Mỹ khuyến cáo công dân lập tức rời Nga: Trong một thông cáo ngày 12/2, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã hối thúc công dân lập tức rời Nga “do hậu quả khó lường” của xung đột Ukraine, và người Mỹ sinh sống hay du lịch tại đây nên rời đi ngay vì nguy cơ “bị giam giữ”. Thông báo lưu ý Moscow “có thể từ chối công nhận quốc tịch Mỹ của những người mang hai quốc tịch, từ chối quyền tiếp cận hỗ trợ lãnh sự của Mỹ, ngăn cản họ rời khỏi Nga và/hoặc bắt họ đi nghĩa vụ".
Trước đó, ngày 28/12/2022, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cũng từng đưa ra một khuyến cáo tương tự, hối thúc công dân rời khỏi Nga khi “còn cơ hội”. (TASS)
Nga-Trung
* Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc sớm có cuộc gặp gỡ đầu tiên? Ngày 13/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết: “Hiện nay, Bộ Ngoại giao hai nước đang nghiên cứu các phương án tổ chức cuộc tiếp xúc cá nhân đầu tiên (giữa hai Ngoại trưởng). Hai bên cũng cam kết mở rộng gặp gỡ ở các cấp độ khác”. Theo ông Rudenko, các quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước đang tích cực phát triển hợp tác trong môi trường quốc tế biến động nhanh chóng. Ngày 9/1/2023, trong cuộc điện đàm đầu tiên, nhà ngoại giao Nga mời người đồng cấp Trung Quốc tới xứ bạch dương vào thời điểm thích hợp. (Sputnik)
Nam Thái Bình Dương
* Động đất rung chuyển quần đảo thuộc New Zealand: Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận động đất có độ lớn 6,1 Richter đã làm rung chuyển quần đảo Kermadec, New Zealand lúc 16h18 ngày 13/2 (giờ Việt Nam). Theo thông tin ban đầu, tâm chấn trận động đất nằm ở độ sâu 374,033 km, được xác định tại tọa độ 29,5218 độ vĩ Nam và 177,9727 độ kinh Tây. (Tân Hoa xã)
Đông Nam Á
* Indonesia, Timor Leste thúc đẩy giải quyết vấn đề biên giới trên bộ: Ngày 13/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tiếp Thủ tướng Timor Leste Taur Matan Ruak tại Dinh Tổng thống ở Bogor, Tây Java.
Phát biểu trong cuộc họp báo, lãnh đạo nước chủ nhà nhấn mạnh, đối với việc quản lý khu vực biên giới, hai bên đã nhất trí hoàn thành sớm hai đoạn phân định biên giới trên đất liền còn lại trong năm nay là đoạn Noel Besi, huyện Citrana và Bidjael Suna thuộc huyện Oben. Tổng thống Indonesia cho rằng việc hoàn tất đàm phán ranh giới trên đất liền có ý nghĩa quan trọng để có thể bắt đầu đàm phán trên biển, cũng như thúc đẩy quá trình xây dựng đồn biên giới quốc gia.
Nhân dịp này, ông Joko Widodo đã hoan nghênh những tiến triển mới trong thiết lập kết nối trên bộ giữa hai nước thông qua tuyến đường Kupang-Dili với nhiều tuyến xe bus xuyên biên giới. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi giảm chi phí hậu cần vận tải đường biển đối với hoạt động kinh doanh giao thương song phương.
Trước đó, tháng 7/2022, Tổng thống Timor Leste José Manuel Ramos-Horta đã thăm chính thức Indonesia. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết 4 Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp, tuyến xe bus xuyên biên giới, tiêu chuẩn hóa và đo lường, hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực thương mại. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Nhật Bản cân nhắc dự trữ hàng thiết yếu tại các bưu điện: Ngày 13/2, truyền thông Nhật Bản đưa tin Tokyo đang cân nhắc sử dụng bưu điện để tích trữ nhu yếu phẩm, bao gồm lương thực, nước và giường để chuyển đến các vùng sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa. Theo kế hoạch, chính quyền địa phương sẽ sử dụng bưu điện như nhà kho và lưu trữ đồ cứu trợ thiên tai khi cần thiết. Ngoài ra, các bưu điện cũng cần có phương tiện để vận chuyển nhu yếu phẩm khi cần.
Vào thời điểm Nhật Bản gặp khó khăn với tình trạng dân số giảm, chính phủ nước này vẫn đang tìm cách duy trì hệ thống vận chuyển toàn quốc qua đường bưu điện. Ước tính, xứ sở hoa anh đào có 24.000 bưu điện trên cả nước. (Tân Hoa xã)
Châu Âu
* Châu Âu xây dựng gói trừng phạt mới với Nga: Politico (Mỹ) dẫn lời quan chức và giới ngoại giao cho biết gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) với Nga có thể bao gồm thêm 4 ngân hàng, trong đó có Alfa-ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga. Danh sách 130 cá nhân và thực thể mở rộng bao gồm lãnh đạo và giới chức quân sự do Nga chỉ định ở Ukraine, các phóng viên làm việc cho truyền thông Nga, cùng nhiều công ty và cá nhân ở một số quốc gia khác có liên quan tới xung đột tại Ukraine, trong đó có Mali và Iran.
Gói trừng phạt mới cũng có thể bao gồm cấm nhập khẩu cao su và nhựa đường từ Nga sang EU, cấm xuất khẩu một số hàng hóa sang Nga, bao gồm xe tải và xe hạng nặng xây dựng. Brussels cũng có ý định trừng phạt công ty vận tải có trụ sở tại Dubai, bị nghi giúp Nga né tránh trừng phạt về xuất khẩu dầu mỏ.
EU có thể cấm người Nga tham gia ban giám đốc của các công ty EU liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả công ty cung cấp điện và khí đốt.
Dự kiến, các đại sứ EU dự kiến sẽ thảo luận về gói trừng phạt mới vào ngày 15/2. (Sputnik)
* NATO có thể lập căn cứ thường trực tại Ba Lan: Ngày 13/2, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Arkadiusz Mularzyk cho biết trong chuyến thăm Ba Lan ngày 20-22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể công bố việc thành lập các căn cứ quân sự thường trực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ba Lan.
Theo ông Mularzyk, Ba Lan muốn công bố quyết định này, song đây là vấn đề tùy thuộc vào phía Mỹ và Warsaw không muốn đi trước trong vấn đề này vì “Tổng thống Biden sẽ công bố một số kế hoạch cụ thể tại Ba Lan”. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan tiết lộ trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, ông đã kêu gọi thành lập căn cứ quân sự thường trực NATO tại Ba Lan. Ông nhấn mạnh dù việc công bố quyết định nói trên trong chuyến thăm tới sẽ là cơ hội tốt nhất cho quan hệ song phương, nhưng quyết định cuối cùng sẽ nằm ở Mỹ.
Trước đó, hôm 10/2, Nhà Trắng đã công bố về chuyến thăm của ông Biden tới Ba Lan. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Andrzej Duda cùng các nhà lãnh đạo của Nhóm Bucharest 9, đồng thời có bài phát biểu nhân dịp một năm nổ ra xung đột Nga-Ukraine. (TTXVN)
* Áo cảnh báo EU không nên phá hoại đối thoại với Nga: Trả lời phỏng vấn Washington Post (Mỹ), Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói EU không nên phá hoại các nền tảng cần thiết để đối thoại với Nga. Theo ông, tách khỏi Nga là cần thiết, và “chúng ta hiểu rằng không thể quay lại tình trạng trước đây với Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn ở đó và chúng ta phải đương đầu với họ”.
Theo Ngoại trưởng Áo, “nỗ lực hiện nay là nhằm mục đích giúp người dân Ukraine lấy lại hoàn toàn nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Song ông khẳng định: “Trong lúc chờ đợi, chúng ta không nên phá hủy nền tảng chúng ta có thể cần (để đối thoại với Nga)”. (Sputnik/Washington Post)
Châu Mỹ
* Mỹ đóng cửa không phận gần Canada: Ngày 12/2, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã đóng cửa không phận hồ Michigan gần biên giới với Canada trong thời gian ngắn. Đây là lần đầu tiên Mỹ đóng cửa không phận tại đây. Trên Twitter, Bộ chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) nêu rõ động thái trên nhằm bảo đảm an toàn hàng không ở khu vực hoạt động của NORAD. Lệnh hạn chế bay tạm thời tại đây sau đó đã được dỡ bỏ.
Một ngày trước đó, nhà chức trách Mỹ cũng đã đóng cửa không phận bang Montana và quân đội Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu đến khu vực này để điều tra một vật thể lạ ở đó. Tuy nhiên, sau đó NORAD cho biết các phi công đã không phát hiện vấn đề gì bất thường.
Cùng ngày, truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin từ một quan chức và Quốc hội Mỹ cho hay quân đội nước này đã bắn hạ một vật thể bay không xác định trên hồ Huron chiều 12/2 (giờ địa phương) ở gần biên giới Canada. Đây là ngày thứ ba liên tiếp vật thể không xác định bị bắn hạ trên không phận Bắc Mỹ, tiếp sau các động thái tương tự ở vùng Yukon, miền Bắc Canada, ngày 11/2 và Alaska hôm 10/2. Hiện Mỹ và Canada đang tìm kiếm mảnh vỡ của các vật thể bị bắn hạ.
Phát biểu trên kênh truyền hình ABC (Mỹ), lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Charles Schumer cho biết giới chức Mỹ cho rằng các vật thể bay bị bắn hạ ở Alaska và Yukon là khinh khí cầu. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Nga tuyên bố không gây sức ép với Syria trong vấn đề nhân đạo: Ngày 13/2, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Nga không gây áp lực lên chính quyền hợp pháp của Cộng hòa Arab Syria. Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên. Nga đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ các nạn nhân ở Syria khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng này”. Theo ông, tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria bị ảnh hưởng bở động đất cần được giải quyết nhanh chóng, thông qua nhà chức trách Syria. (Sputnik)