Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 13/7: Nga tuyên bố không ảo tưởng với Mỹ; Afghanistan phản công ác liệt; Tổng thống Nga và niềm tin với Ukraine

Quan hệ Nga với Mỹ, Ukraine, Mỹ-Trung Quốc, tình hình Afghanistan, quan hệ Israel với Palestine, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ-Iran, vụ ám sát Tổng thống Haiti là một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 13/7: Nga tuyên bố không ảo tưởng với Mỹ; Afghanistan phản công ác liệt; Tổng thống Nga và niềm tin với Ukraine
Tổng thống Nga cho rằng, trong những năm gần đây, bức tường ngăn cách đã xuất hiện giữa Moscow và Kiev như một nỗi bất hạnh lớn, một thảm kịch. (Ảnh minh họa. Nguồn: China Daily)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế trong ngày:

Nga-Mỹ: Moscow không ảo tưởng trong mối quan hệ với Washington

Ngày 13/7, trả lời phỏng vấn tạp chí International Affairs của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergey Ryabkov cho biết: "Moscow muốn mối quan hệ ổn định hơn và có thể dự đoán được với Washington nhưng không ảo tưởng về những gì có thể đạt được trong những mối quan hệ này".

Theo quan chức ngoại giao Nga, đây được gọi là "mối quan hệ hợp đồng", nghĩa là không thể có hy vọng hoặc kỳ vọng và không thể có ảo tưởng hay tham vọng.

Tuy vậy, ông Ryabkov bày tỏ, trong một số lĩnh vực, "có lẽ chúng tôi sẽ có thể đi đến các điều khoản trên cơ sở hợp lý".

Bên cạnh đó, Thứ trưởng ngoại giao Nga nhận định, vẫn chưa rõ liệu Moscow có thể xây dựng mối quan hệ ổn định hơn với Washington trên cơ sở các thỏa thuận hay không. (TASS)

TIN LIÊN QUAN
Cập nhật Chiến lược An ninh quốc gia, Tổng thống Putin 'thay lời muốn nói'

Nga-Ukraine: Niềm tin của Tổng thống Putin- Sự thống nhất lịch sử

Ngày 12/7, Điện Kremlin đã công bố bài viết của Tổng thống Putin có tựa đề Sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine.

Trong bài viết, Tổng thống Putin nhắc lại lời ông đã nói trong chương trình Hỏi đáp trực tiếp hồi tháng trước rằng, người Nga và người Ukraine là một dân tộc, một tổng thể duy nhất và khẳng định, đây chính là niềm tin của nhà lãnh đạo Nga.

Ông Putin tuyên bố: “Nga chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chống Ukraine. Việc Ukraine nên như thế nào sẽ do người dân của họ quyết định".

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, trong những năm gần đây, bức tường ngăn cách đã xuất hiện giữa Moscow và Kiev như một nỗi bất hạnh lớn, một thảm kịch, một phần do "những sai lầm của chính chúng ta trong nhiều giai đoạn", đồng thời, "cũng là kết quả của những hành động có mục đích luôn tìm cách phá hoại sự đoàn kết" giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ông Putin cho rằng, Mỹ và các nước EU thời gian qua đã cố gắng buộc Kiev cắt đứt hợp tác kinh tế với Moscow: “Ukraine bị lôi kéo vào một trò chơi địa chính trị nguy hiểm, mục tiêu là biến thành một rào cản giữa châu Âu và Nga, trở thành bàn đạp chống lại Nga".

Người đứng đầu nước Nga đảm bảo, Ukraine hoàn toàn có thể thực sự có chủ quyền trong quan hệ đối tác với Nga, bởi mối quan hệ tinh thần, con người, văn minh giữa hai quốc gia đã hình thành trong nhiều thế kỷ, có "cùng cội nguồn, đã được tôi luyện bởi những thử thách chung, những thành tựu và chiến thắng".

Bên cạnh đó, ông Putin cam kết, Nga cởi mở đối thoại với Ukraine và sẵn sàng thảo luận về những vấn đề khó khăn nhất, nhưng Kiev phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, mà không phải là "công cụ" đấu tranh với Moscow "trong tay kẻ xấu". (The Internatonal Affairs)

TIN LIÊN QUAN
Liệu có Thế chiến III ở Biển Đen sau những cuộc đụng độ giữa Nga và phương Tây?

Tình hình Afghanistan: Chiến trường ác liệt, quân chính phủ phản công

Ngày 13/7, người phát ngôn Taliban Amir Khan Muttaqi tuyên bố, lực lượng này không muốn giao tranh với các lực lượng chính phủ bên trong các thành phố của Afghanistan, thay vào đó, phiến quân kêu gọi đầu hàng.

Người phát ngôn trên nhấn mạnh, hành động này sẽ “bảo vệ các thành phố của họ khỏi nguy cơ bị hủy hoại”.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Afghanistan tuyên bố, lực lượng quân sự nước này đã tiến hành cuộc không kích vào ngày 12/7 và tiêu diệt 29 tay súng Taliban, trong đó có 3 chỉ huy cấp cao tại khu vực Tepa, tỉnh Jawzjan ở miền Bắc. Một số lượng lớn vũ khí và đạn dược của Taliban cũng bị phá hủy trong cuộc tấn công.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ Afghanistan thông báo, các lực lượng an ninh đã tiêu diệt thủ lĩnh tình báo của phong trào Hồi giáo Taliban tại tỉnh Logar ở miền Đông.

Các lực lượng Afghanistan cũng đã giành lại quyền kiểm soát huyện Kuran-wa-Muntaj thuộc tỉnh miền Bắc Badakhshan sau nhiều ngày giao tranh quyết liệt, buộc phiến quân Taliban phải rút lui.

Ở thời điểm hiện tại, Afghanistan đang trong tình thế đối đầu căng thẳng giữa chính phủ và Taliban, lực lượng trước đó tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ quốc gia Tây Nam Á này sau khi Mỹ thông báo rút quân hồi tháng 4. (AFP, THX, Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Mỹ-Afghanistan: Ngổn ngang mối lo an ninh

Mỹ-Trung Quốc-EU:

Mỹ thúc đẩy thỏa thuận thương mại để đối phó Trung Quốc

Ngày 12/7, tờ Bloomberg đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc về một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với các nền kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Thỏa thuận có thể bao gồm các nước như Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Australia, New Zealand và Singapore.

Theo Bloomberg, các chi tiết của thỏa thuận vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra đối với nền kinh tế kỹ thuật số có thể bao gồm các nguyên tắc về sử dụng dữ liệu, sự thuận lợi trong thương mại và các thỏa thuận hải quan điện tử. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Dữ liệu lớn - Chiến trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Trung Quốc chỉ trích lời kêu gọi thiết lập "mặt trận thống nhất" Mỹ-EU

Ngày 13/7, Trung Quốc đã lên án lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó một ngày về thiết lập một "mặt trận thống nhất" giữa Mỹ và EU để "chống lại những mối đe dọa đối với mở cửa, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Trung Quốc".

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, nước này "hết sức lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối những bình luận của bà Yellen", khẳng định, Bắc Kinh "luôn kiên quyết ủng hộ" hệ thống thương mại đa phương dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Còn nước còn tát?

Mỹ-Iran: Hai bên tiến hành đàm phán trao đổi tù nhân, đàm phán hạt nhân sắp kết thúc

Ngày 13/7, Iran cho biết, nước này và Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán trao đổi tù nhân, nhằm trả tự do cho các tù nhân Iran bị giam giữ trong các nhà tù của Mỹ và các nước khác do vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.

Hiện Mỹ chưa có phản hồi trước thông tin này.

Liên quan các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho hay: “Trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được, có thể nói rằng, chúng tôi sắp kết thúc các cuộc đàm phán”.

Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết, song phía Iran hy vọng, các bên có thể đưa ra quyết định của riêng mình, mang lại một thỏa thuận có lợi cho tất cả.

Theo người phát ngôn Khatibzadeh, giới chức Iran nhất trí rằng, Mỹ cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran và sau đó, quốc gia Trung Đông sẽ nối lại các nghĩa vụ ngay sau khi xác minh rõ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân.

Bên cạnh đó, Iran nhấn mạnh, các yêu cầu bổ sung ngoài phạm vi JCPOA của một số bên là không liên quan tới thỏa thuận tiềm năng. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Chính sách đối ngoại của Iran thời Tổng thống Ebrahim Raisi: Tập trung đối nội, mở lối đối ngoại

Thổ Nhĩ Kỳ-Israel: Cuộc điện đàm hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo

Ngày 12/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Israel Isaac Herzog khi mối quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng, trong đó, ông Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với an ninh và ổn định tại Trung Đông.

Tổng thống Erdogan cũng khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đối thoại bất chấp những quan điểm khác biệt của hai bên, đồng thời lưu ý, cộng đồng quốc tế trông đợi một "giải pháp hai nhà nước toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột Palestine-Israel, trong khuôn khổ các nghị quyết của Liên hợp quốc".

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch và công nghệ.

Cuộc điện đàm diễn ra sau cuộc nói chuyện tương tự giữa ông Erdogan và người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas hôm 10/7. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Israel-Palestine căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Israel-Palestine: Ngoại trưởng Israel ủng hộ giải pháp hai nhà nước

Ngày 12/7, tờ Times of Israel cho hay, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã bày tỏ ủng hộ một giải pháp hai nhà nước giữa nước này và Palestine, nhưng cho rằng điều kiện chưa chín muồi để đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Bên cạnh đó, ông cho biết muốn tìm cách mở ra một chương mới trong quan hệ Israel-EU, nhấn mạnh các giá trị tự do chung giữa Israel và các quốc gia châu Âu.

TIN LIÊN QUAN
Tình hình Israel-Palestine: Nỗ lực mới bên bờ vực

Vụ ám sát Tổng thống Haiti: Nga theo dõi tình hình, nghi phạm dính líu Mỹ

Ngày 13/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này đang theo dõi các diễn biến tại Haiti sau vụ Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát, đồng thời cho rằng: “Tình hình đang khiến các đối tác phương Tây sợ hãi, không chỉ Mỹ mà còn đối với phương Tây nói chung”.

Theo bà Zakharova, một phái đoàn tình báo Mỹ đã được cử đến Haiti sau khi có các báo cáo cho rằng, một công ty quân sự tư nhân của Mỹ tham gia vào việc tuyển mộ những đối tượng tình nghi ám sát hoặc tham gia vào quá trình chuẩn bị thực hiện kế hoạch này.

Trong khi đó, Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ Mỹ ngày 12/7 cho biết, một trong 2 đối tượng người Mỹ gốc Haiti bị bắt giữ do tình nghi tham gia vào vụ ám sát từng có quan hệ với một cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

Cùng ngày, Mỹ thông báo đang xem xét đề nghị cử quân đội tới Haiti sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ quốc gia này. (Sputnik, Reuters)

Tin thế giới 12/7: Nga kín như bưng lệnh của ông Putin sau cuộc gọi với Mỹ; Ukraine chọc tức Nga? EU khởi động cuộc đua với Trung Quốc

Tin thế giới 12/7: Nga kín như bưng lệnh của ông Putin sau cuộc gọi với Mỹ; Ukraine chọc tức Nga? EU khởi động cuộc đua với Trung Quốc

Quan hệ Nga với Mỹ, Ukraine, Liên minh châu Âu (EU); quan hệ EU với Trung Quốc, Israel; vấn đề Biển Đông, tình hình Bán ...

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 5-9/7: Nga-phương Tây căng thẳng trên Biển Đen, Tổng thống Haiti bị ám sát

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 5-9/7: Nga-phương Tây căng thẳng trên Biển Đen, Tổng thống Haiti bị ám sát

Nga, phương Tây và căng thẳng trên Biển Đen; Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn sau vụ ám sát tổng thống... là những sự ...