📞

Tin thế giới 1/4: Hải quân Trung Quốc vẫn kém xa Nga, Mỹ; Philippines ghi nhận các cấu trúc ‘phi pháp’ ở Biển Đông; Mỹ sẽ ‘nhượng bộ’ Iran?

Quang Đào 19:45 | 01/04/2021
Hải quân Trung Quốc chưa thể bằng Nga, Mỹ; Biển Đông 'dậy sóng'; tình hình Myanmar, quan hệ Mỹ-Nga, Mỹ-Iran... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Hải quân Trung Quốc chưa thể ‘sánh ngang hàng’ với Mỹ và Nga

Đó là nhận định của Thiếu tướng đã nghỉ hưu La Viện. Cụ thể, theo ông La, Hải quân Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) là lực lượng yếu nhất trong tổng thể quân đội nước này.

“Mặc dù Trung Quốc đã rất coi trọng việc phát triển hải quân kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đã phát triển nhiều loại tàu tiên tiến, nhưng cho dù đó là số lượng tàu hay mức độ thành thạo của hải quân trong chiến đấu thực tế, có một khoảng cách lớn giữa đất nước ta với Mỹ và Nga”, tướng La Viện nói.

Ngoài ra, không chỉ riêng hải quân mà về tổng thể, vẫn còn tồn tại một khoảng cách rõ ràng giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Mỹ và Nga. (Sohu)

Trung Quốc phản ứng với cáo buộc không chia sẻ thông tin về Covid-19

Ngày 31/3, tại buổi họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ các cáo buộc của phương Tây về việc Bắc Kinh không chia sẻ đầy đủ dữ liệu cho nhóm chuyên gia điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bà Hoa cũng không đề cập phàn nàn của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về những khó khăn trong "truy cập dữ liệu thô" ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã cấp phép các chuyên gia của WHO đầy đủ quyền tiếp cận các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

"Thực tiễn chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc virus (SARS-CoV-2) là hoàn toàn phi đạo đức" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gay gắt nhận xét, song không trực tiếp nhắc tới việc Mỹ và 13 nước đồng minh ra tuyên bố chung quan ngại về báo cáo của WHO và Bắc Kinh.

Ngoài ra, theo GS. Lương Vạn Niên, đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu của WHO và Trung Quốc, các nhà nghiên cứu của cả hai bên đã có quyền truy cập cùng một lượng dữ liệu như nhau trong suốt quá trình điều tra và do đó, cáo buộc thiếu quyền tiếp cận là không chính xác. (THX)

Tình hình Myanmar: Quân đội ngừng bắn 1 tháng, LHQ cảnh báo nguy cơ xung đột đẫm máu

Ngày 31/3, kênh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV bất ngờ công bố lệnh ngừng bắn đơn phương của quân đội nước này với các lực lượng vũ trang dân tộc, kéo dài 1 tháng.

Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này nhấn mạnh, quân đội Myanmar sẽ hành động mạnh tay đối với những kẻ “phá rối” an ninh, chống lại chính quyền quân sự.

Trong khi đó, cũng trong ngày 31/3, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đã cảnh báo nguy cơ về một cuộc nội chiến và tình trạng "tắm máu", đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nhanh chóng hành động.

Trong ngày 1/4, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, các nhân viên Hội Chữ thập đỏ Myanmar ở tuyến đầu đã bị bắt giữ, đe dọa và bị thương khi cố gắng chữa trị cho dân thường bị thương đang ngày một gia tăng.

Hội Chữ thập đỏ cảnh báo, cuộc khủng hoảng tại Myanmar tạo ra mối đe dọa lớn về y tế khi các dịch vụ cơ bản như giao thông hoặc ngân hàng sụp đổ, khiến các chương trình nhân đạo khó trụ vững. (Reuters/AP)

Mỹ sẽ hành động mạnh mẽ trong vấn đề khí hậu

Ngày 31/3, Đặc phái viên của Mỹ về khí hậu John Kerry cho biết nước này sẽ sớm đưa ra các cam kết mới đầy tham vọng để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu tại một cuộc họp ở Paris do Cơ quan năng lượng quốc tế tổ chức, ông Kerry nhấn mạnh rằng Tổng thống Joe Biden sẽ công bố các khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD để thúc đẩy kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.

Các khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định là biện pháp mà các quốc gia đưa ra để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức khoảng 1,5°C.

Ngoài ra, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào Ngày Trái đất 22/4. (Reuters)

Mỹ chuẩn bị ra đề xuất ‘làm lành’ với Iran

Trong tuần này, đại diện của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ​​đưa ra đề xuất với chính phủ Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân, nhằm muốn quay trở lại việc thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Có khả năng Mỹ sẽ yêu cầu Iran ngừng công việc đối với các máy ly và làm giàu uranium đến độ tinh khiết 20%. Đổi lại, Washington sẵn sàng dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran. (Politico)

Quan hệ Mỹ-Nga rơi vào khủng hoảng, khó có ‘tương lai sáng’

Phát biểu tại cuộc họp chung của Ủy ban quốc phòng và quốc tế của Hội đồng Liên bang và Thượng viện Nga ngày 31/3, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, quan hệ song phương Nga - Mỹ đang ở trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc, một phần do sự miễn cưỡng của chính quyền Mỹ Joe Biden trong việc giải quyết các vấn đề với Moscow.

Đại sứ Anatoly Antonov nhận định, triển vọng không tươi sáng trong quan hệ song phương Nga - Mỹ thời gian tới. Ông cho rằng Washington đang phá hủy nền tảng của mối quan hệ, khi tiếp tục lao vào vòng xoáy trừng phạt theo những lời đồn đoán sai lầm. Trong khi đó, nhiều năm qua, Nga đã tích cực nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, thiết lập đối thoại bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau... nhưng phía Nga đã không thể thay đổi quỹ đạo của mối quan hệ phức tạp này.

Mặc dù vậy, ông Anatoly Antonov vẫn tin tưởng, Nga và Mỹ có thể xác định các lĩnh vực hợp tác cùng nhau. Hiện ông Anatoly Antonov đã được triệu hồi về nước để cùng Bộ Ngoại giao tham vấn với chính phủ và Quốc hội Nga về mối quan hệ song phương Nga-Mỹ trong thời gian tới. (THX)

Biển Đông

Philippines phát hiện thêm các cấu trúc 'phi pháp'

Quân đội Philippines cho biết, đã ghi nhận một số cấu trúc nhân tạo phi pháp tại khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, gần nơi hàng trăm tàu Trung Quốc đã neo đậu trái phép hồi tháng trước.

Theo Trung tướng Cirilito Sobejana, người đứng đầu quân đội Philippines, những cấu trúc trên nằm không xa các đảo và thực thể mà Philippines tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ông cũng cho biết thêm, những cấu trúc này được phát hiện hôm 30/3 vừa qua trong các chuyến bay tuần tra của quân đội nước này tại Biển Đông. Nhưng ông Sobejana không nói rõ nước nào đã xây dựng hay mở rộng những cấu trúc này.

Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa trả lời yêu cầu bình luận về các cấu trúc tại khu vực cụm Sinh Tồn ở Biển Đông. (Reuters)

Thế giới lên tiếng về động thái của Trung Quốc ở Đá Ba Đầu

Mỹ, Nhật Bản và Indonesia, Australia đã tăng cường gây sức ép đối với Trung Quốc sau vụ việc hơn 200 tàu của nước này tập kết bất thường xung quanh Đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, hàng trăm tàu đang neo đậu tại Đá Ba Đầu là tàu của “dân quân biển” Trung Quốc. Đồng thời, ông Blinken cũng khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác, "ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", và phản đối hành vi sai trái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Cùng ngày, Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson cho biết, Australia đã bày tỏ lo ngại về “những hành vi gây bất ổn” ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

“Chúng tôi luôn lo ngại về bất cứ hành động gây bất ổn nào có thể gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông”, ông Steven Robinson cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh, Australia ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về phần mình, Philippines mô tả sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc mang tính “áp đảo và đe dọa”.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Canada thông báo rằng tàu chiến HMCS Calgary đã đi qua Biển Đông trong hai ngày đầu tuần này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Canada Daniel Le Bouthillier xác nhận, tàu HMCS Calgary đã đi qua gần Quần đảo Trường Sa. (Reuter/CBC)

Nga điều vũ khí hạng nặng đến biên giới với Ukraine

Trên truyền thông mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn video đăng tải hình ảnh các đoàn tàu hỏa chở đầy vũ khí hạng nặng của Nga, trong đó có xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng tiến về biên giới giáp Ukraine.

Hiện chưa rõ việc chuyển vũ khí này được thực hiện khi nào, kéo dài trong bao lâu. Nhưng hình ảnh cùng video trên mạng xã hội cho thấy hoạt động điều chuyển này được thực hiện ít nhất là từ ngày 27/3. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã từ chối xác nhận thông tin. (New York Times)

Slovakia có Thủ tướng mới

Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova ngày 1/4 đã bổ nhiệm ông Eduard Heger làm Thủ tướng mới, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 1 tháng qua ở nước này.

Trước đó, ngày 30/3, Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã từ chức và Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đã giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho Bộ trưởng Tài chính Eduard Heger. Tất cả 4 đảng trong liên minh cầm quyền đã nhất trí tham gia nội các mới cùng ông Heger điều hành đất nước.

Ông Herger sẽ tiếp quản chức chủ tịch đảng OĽaNO của ông Matovic, trong khi ông Matovic sẽ giữ chức bộ trưởng tài chính trong nội các mới.

Ông Heger, 44 tuổi, là một cựu doanh nhân và từng làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng. Ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính vào tháng 3/2020 khi đảng OĽaNO và Thủ tướng Matovic giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Ông Heger hiện còn đảm nhận cương vị quyền bộ trưởng y tế. (TASS)

Chính phủ Niger ngăn chặn thành công âm mưu đảo chính

Chính phủ Niger cho biết đã ngăn chặn một âm mưu đảo chính vào ngày 31/3 – hai ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mohamed Bazoum.

Một cuộc điều tra đã được bắt đầu và một số binh sỹ có liên quan đến âm mưu đảo chính đã bị bắt giữ, trong khi một số người khác đang bị truy lùng ráo riết. Những binh sỹ bị bắt giữ được cho là chủ mưu vụ đảo chính.

Tuyên bố của Chính phủ Niger cho biết, tình hình đã được kiểm soát và đề nghị người dân tiếp tục với cuộc sống bình thường. (DW)