📞

Tin thế giới 14/10: Anh thay Bộ trưởng Tài chính, Triều Tiên bắn đạn pháo, Haiti trước thảm họa nhân đạo

Minh Vương 20:01 | 14/10/2022
Nga bác cáo buộc về xung đột Armenia-Azerbaijan, Italy bầu Chủ tịch Hạ viện mới, Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến lập trung tâm khí đốt…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ông Kwasi Kwarteng không còn lãnh đạo Bộ Tài chính Anh. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Châu Âu

* Nga muốn tham gia điều tra sự cố Dòng chảy phương Bắc: Ngày 14/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này muốn các tàu của mình được phép tiến hành điều tra về sự cố rò rỉ trên các đường ống Dòng chảy phương Bắc ở Biển Baltic.

Ông nói: “Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ các tàu của chúng tôi được phép tiếp cận (hiện trường). Tàu (Nga) cần có quyền đến (khu vực xảy ra sự cố)”.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ không công nhận kết quả điều tra nếu các chuyên gia nước này bị từ chối tham gia cuộc điều tra về sự cố trên hai Dòng chảy phương Bắc. Khi đó, Moscow sẽ cho rằng các nước liên quan muốn che đậy điều gì đó hoặc “bao che cho thủ phạm của hành động khủng bố”. (Sputnik)

* Nga bác cáo buộc của Pháp về xung đột Armenia-Azerbaijan: Ngày 14/10, họp với lãnh đạo các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở Kazakhstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ bình luận của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rằng Moscow đang “gây bất ổn” cho tiến trình hòa bình Armenia-Azerbaijan.

Ông Putin “Tôi tin rằng những phát ngôn này cho thấy sự thiếu hiểu biết về diễn biến của cuộc xung đột”. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng nói thêm rằng, bình luận của ông Macron là “không thể chấp nhận được”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng chỉ trích phát biểu của ông Macron, cho rằng Pháp đang muốn chia rẽ quan hệ của Nga với Azerbaijan và Armenia. (AFP)

* Nga nêu thời điểm sửa xong cầu bị phá hoại ở Crimea: Một tài liệu trên trang web của chính phủ Nga cho biết, việc sửa chữa cây cầu nối bán đảo Crimea với Nga sẽ hoàn thành trước tháng 7/2023.

Trước đó, cầu Crimea đã bị hư hại trong một vụ nổ mà Moscow cáo buộc do Ukraine gây ra, khiến 3 người thiệt mạng và làm sập 2 nhịp cầu.

Tuy nhiên, Kiev không thừa nhận thực hiện vụ tấn công này. (RT)

* Ukraine muốn sớm gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc: Ngày 13/10, Ukrinform (Ukraine) dẫn lời Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar cho biết, hiện “hành lang xanh” từ các cảng của Ukraine đang hoạt động hiệu quả theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.

Dự kiến, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tổ chức đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận này. Kiev cũng đang xem xét mở rộng danh mục hàng hóa xuất khẩu qua cảng biển và sẵn sàng thảo luận với Ankara.

Theo Bộ Hạ tầng cơ sở Ukraine, kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, tổng cộng 331 tàu, chở 7,38 triệu tấn nông sản đã rời các cảng của Ukraine đến các nước châu Á, châu Âu và châu Phi. Thỏa thuận dự kiến hết hiệu lực vào ngày 19/11 tới. (Ukrinform)

* Anh thay Bộ trưởng Tài chính: Ngày 14/10, BBC đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã bị cách chức. Theo đó, ông Kwarteng hiện không còn là lãnh đạo bộ này. Hiện chưa rõ ai sẽ thay thế ông Kwarteng. (Reuters)

* Hạ viện mới của Italy bầu Chủ tịch: Ngày 14/10, Hạ nghị sĩ Lorenzo Fontana của đảng Liên đoàn trong liên minh cực hữu đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện mới của Italy, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử ngày 25/9.

Ông Fontana, 42 tuổi, cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan đến Liên minh châu Âu (EU), nổi tiếng với quan điểm bảo thủ, với lập trường thân Nga, phản đối đồng tính và hoài nghi về châu Âu, đã được bầu với đa số tuyệt đối tại Hạ viện gồm 400 ghế.

Liên minh cực hữu, gồm các đảng Anh em Italy (FdI), Liên đoàn và Forza Italia, đã gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm đồng thuận về các chức vụ trong nội các kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Điều này thể hiện rõ thông qua quá trình lựa chọn người sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện mới của Italy. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến kế hoạch thành lập trung tâm khí đốt: Ngày 14/10, kênh NTV (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin, Tổng thống nước này Tayyip Erdogan đã chỉ thị cho Bộ Năng lượng xúc tiến việc xây dựng trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ sau hội đàm giữa ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ông Erdogan cho biết, cả hai nước sẽ lập tức bắt đầu công việc liên quan đề xuất của ông Putin về vận chuyển khí đốt Nga tới châu Âu.

Trước đó, ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường tốt nhất để chuyển hướng cung cấp khí đốt tới EU, sau khi xảy ra sự cố rò rỉ tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc. (Anadolu)

Đông Bắc Á

* Triều Tiên bắn thêm nhiều loạt đạn pháo ra vùng biển phía Đông: Quân đội Hàn Quốc cho biết, chiều 14/10, Triều tiên đã bắn thêm đạn pháo ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, sau khi phóng 1 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và các loạt đạn pháo trước đó trong ngày.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cho hay, từ 17h ngày 14/10 (giờ địa phương) tại Jangjon ở tỉnh Kangwon, Bình Nhưỡng đã bắn khoảng 80 quả đạn pháo ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Các quả đạn pháo đã rơi xuống vùng đệm phía Đông và phía Tây nằm ở phía Bắc Đường ranh giới phía Bắc, biên giới biển trên thực tế giữa hai miền Triều, được phân định theo thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều năm 2018.

JCS cho biết, hiện quân đội Hàn Quốc đang tăng cường giám sát, cảnh giác và duy trì tư thế sẵn sàng đối phó với sự hợp tác chặt chẽ của quân đội Mỹ.

Trước đó, sáng sớm cùng ngày, Triều Tiên đã điều khoảng 10 máy bay chiến đấu đến gần biên giới liên Triều, bắn 1 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và khoảng 170 đạn pháo vào các vùng đệm trên biển. (Yonhap)

* Triều Tiên có thể triển khai 2-3 vụ thử hạt nhân liên tiếp: Ngày 14/10, phát biểu với News TV của Yonhap (Hàn Quốc), trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sớm thử hạt nhân lần thứ bảy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul nói: “Nếu (Triều Tiên) tìm cách thử các thiết bị hạt nhân chiến thuật để gắn trên các tên lửa khác nhau đang được họ phát triển gần đây, nước này chắc đã sẵn sàng ở một trình độ công nghệ (nhất định). Họ có thể thực hiện 2-3 vụ thử liên tiếp, chứ không chỉ 1 lần”.

Tuy nhiên, ông cho rằng, khó có thể dự đoán thời điểm Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần tới, đồng thời đánh giá khả năng đó đang ngày càng hiện hữu.

Quan chức này cũng khẳng định, Hàn Quốc đang nỗ lực duy trì thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều năm 2018, bất chấp hành động khiêu khích mới nhất của Triều Tiên. (Yonhap)

* Bộ trưởng Nhật Bản thăm đền Yasukuni: Ngày 14/10, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi được cho là đã thăm đền Yasukuni - nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật thiệt mạng trong Thế chiến II, trong đó có nhiều người bị xem là tội phạm chiến tranh - trước thềm lễ hội mùa Thu vào tuần tới.

Trong cuộc họp báo ngày 14/10, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ quyết định phù hợp về việc có thực hiện hành động tương tự trong năm nay hay không.

Tuy nhiêm, nguồn tin từ một số người thân cận với nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay, ông dự kiến sẽ không tới đền Yasukuni và chỉ gửi lễ vật “masakaki” nhân dịp lễ hội mùa Thu kéo dài 3 ngày của ngôi đền này. (Kyodo)

Đông Nam Á

* Indonesia: Cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân khiến nhiều người tử vong trong vụ bạo loạn sân cỏ: Ngày 14/10, nhóm điều tra độc lập (TGIPF) thảm kịch tại sân vận động Kanjuruhan (Indonesia) khiến hơn 130 người thiệt mạng đã đưa ra kết luận rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều người tử vong là hơi cay.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, pháp lý và an ninh Mahfud MD cho biết, một nhóm điều tra độc lập khác đang đánh giá mức độ độc hại của loại hơi cay đã được sử dụng, song không thể phủ nhận rằng tình trạng nhiều người tử vong cùng lúc chủ yếu do hơi cay.

Trước đó, cảnh sát cho biết, do các cửa ra vào sân vận động chật hẹp trong khi lượng khán giả quá đông càng khiến hậu quả nặng nề hơn. Lực lượng cảnh sát và quân đội Indonesia đang điều tra hàng chục nhân viên có liên quan vụ việc.

Ngoài ra, báo cáo cũng kết luận Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đã lơ là trách nhiệm khi bỏ qua một số quy định, đồng thời kêu gọi lãnh đạo và ủy ban điều hành PSSI từ chức.

Ông Mahfud MD cũng cho biết, các kết luận điều tra chi tiết kèm khuyến nghị dài 124 trang, đã được trình lên Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Jakarta Post)

Châu Mỹ

* WFP: Haiti có thể đối mặt với thảm họa nhân đạo: Ngày 14/10, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đánh giá, Haiti đang đối mặt với thảm họa nhân đạo khi nước này phải “vật lộn” với tình trạng suy dinh dưỡng, bạo lực băng đảng, lạm phát và dịch tả bùng phát.

Ông Jean-Martin Bauer, Giám đốc WFP tại Haiti, nói “Haiti đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo…gần đến điểm sụp đổ”.

Haiti, quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, đang đối mặt với khủng hoảng an ninh nghiêm trọng từ sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise và trận động đất kinh hoàng năm 2021.

Ngày 6/10, Liên hợp quốc cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tả tại đây sau khi phát hiện những ca mắc bệnh tả đầu tiên trong 3 năm qua. Hiện ít nhất 7 trường hợp đã tử vong vì tả trong đợt bùng phát này tại Haiti. (Reuters)