📞

Tin thế giới 14/12: Ông Trump 'độc đấu' Quốc hội; Nga cáu với truyền thông Mỹ; Australia - 'tái ông thất mã' trong lục đục với Trung Quốc

Hoàng Hà 19:45 | 14/12/2020
TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Nga-Mỹ, vấn đề Hong Kong, Australia-Trung Quốc, tình hình Nagorno-Karabakh, Brexit... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Hậu bầu cử Mỹ 2020

Đại cử tri đoàn chuẩn bị họp quyết định số phận ông Trump

Ngày 14/12 (giờ Mỹ), Đại cử tri đoàn - gồm 538 Đại cử tri, những người được các đảng chính trị ở từng bang chọn trước ngày bầu cử 3/11 - sẽ họp mặt và chính thức bầu chọn Tổng thống và Phó Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của Mỹ.

Thông thường, đây chỉ là sự kiện mang tính thủ tục bởi kết quả hầu như đều đã được quyết định trong vài ngày sau ngày bỏ phiếu. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố không công nhận kết quả cùng những nỗ lực thách thức pháp lý đã khiến nhiều người tập trung sự chú ý vào sự kiện này.

Tất cả 50 bang ở Mỹ đã xác nhận kết quả nghiêng về ông Joe Biden. Sau khi Đại cử tri bỏ phiếu, Quốc hội Mỹ sẽ họp để kiểm đếm và công bố người đứng đầu Nhà Trắng nhiệm kỳ tới nếu vượt 270 phiếu.

Các bang đầu tiên bỏ phiếu vào ngày 14/12 là Indiana, Tennessee và Vermont - vào khoảng 10 giờ sáng (giờ Mỹ), các bang như Arizona, Georgia và Pennsylvania sẽ bỏ phiếu vào tầm trưa trong khi bang Wisconsin sẽ bỏ phiếu đại cử tri vào 1 giờ chiều, bang Michigan bỏ phiếu vào 2 giờ chiều.

Phe trung thành với ông Trump tìm cách ngáng chân ông Biden phút cuối

Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Mo Brooks ở bang Alabama tuyên bố ý định chặn kết quả bỏ phiếu đại cử tri ngày 14/12.

Theo luật năm 1887, một thành viên quốc hội và một thượng nghị sĩ phải cùng nhau nộp đơn phản đối nếu muốn chặn kết quả bỏ phiếu đại cử tri.

Ông Brooks khẳng định: "Theo hiến pháp, chúng tôi (quốc hội) có vai trò lớn hơn nhiều so với Tòa án Tối cao hay bất cứ thẩm phán liên bang hoặc bang nào trong phán quyết cuối cùng".

Theo tờ The New York Times, các Thượng nghị sĩ Ron Johnson của bang Wisconsin và Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky cũng thể hiện sẵn sàng tham gia nỗ lực của ông Brooks.

Nếu ông Brooks tìm được "bạn đồng hành", việc đếm phiếu đại cử tri sẽ dừng lại. Lưỡng viện sẽ thảo luận riêng biệt trong 2 giờ đồng hồ về việc dừng đếm phiếu ở bang có tranh chấp và sẽ bỏ phiếu xem có hủy bỏ việc đếm phiếu đại cử tri hay không. (The Hill)

Ông Trump 'đấu' lại Quốc hội, dọa phủ quyết Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021

Ngày 13/12, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ phủ quyết đạo luật ngân sách quốc phòng sửa đổi trị giá 740 tỷ USD, bất chấp việc kế hoạch chi tiêu do lưỡng đảng soạn thảo này đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, "kẻ được lợi nhất từ dự luật quốc phòng mới là Trung Quốc". (Sputnik)

Ông Trump từ chối ưu tiên tiêm vaccine Covid-19

Ngày 14/12, Tổng thống Trump đã từ chối ưu tiên được tiêm vaccine Covid-19 do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phát triển trong đợt tiêm chủng đầu tiên từ ngày 14/12 và cho biết, các quan chức Nhà Trắng cũng sẽ tiêm sau.

Trước đó, Reuters đưa tin, Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, các nhân viên chủ chốt tại Nhà Trắng và các quan chức ở cả 3 nhánh của chính phủ Mỹ sẽ được tiêm vắc xin trong 10 ngày tới.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết, ông đã điều chỉnh kế hoạch, theo đó, cả ông và các nhân viên đều không tiêm trước những người đang cần được ưu tiên tiêm vaccine hơn.

"Những người làm việc trong Nhà Trắng nên tiêm vaccine sau, trừ trường hợp cần thiết. Tôi đã yêu cầu điều chỉnh việc này. Tôi cũng chưa có lịch tiêm vaccine, nhưng sẽ làm vậy vào thời điểm thích hợp. Xin cảm ơn!", ông Trump viết trên Twitter. (Twitter, Reuters)

Vấn đề Hong Kong

Người đứng đầu Hong Kong hoãn kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, chuyến công tác thường niên tới Bắc Kinh của Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga để diện kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị hoãn.

SCMP trích dẫn một nguồn tin cho biết, chuyến đi bị hoãn lại vì đợt lây lan Coivd-19 mới nhất trong khi nguồn khác cho hay, ban đầu bà Lâm dự kiến đến Bắc Kinh trước ngày 19/12, nhưng chi tiết của chuyến đi công vụ này đã trở thành một “bí ẩn”. Tuy nhiên, một nguồn tin thứ 3 nói rằng, ngày của chuyến đi “vẫn chưa được quyết định”.

Kể từ khi nhậm chức Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong vào năm 2017, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều đến Bắc Kinh trước ngày 16/12 hàng năm để báo cáo với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và các lãnh đạo cấp cao khác về tình hình chính trị, kinh tế- xã hội mới nhất của thành phố này.

SCMP nhận định, chính phủ thường thông báo chuyến đi trước vài ngày, nhưng cho đến nay, không có thông tin chi tiết nào được công bố. (SCMP)

Nga-Mỹ

Nga nói tấn công mạng đi ngược lại các nguyên tắc đối ngoại, chỉ trích truyền thông Mỹ

Ngày 13/12, Đại sứ quán Nga tại Washington D.C ra tuyên bố cho rằng, việc truyền thông Mỹ cáo buộc các tin tặc Nga đứng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ là không có căn cứ.

Trang mạng xã hội Facebook của Đại sứ quán Nga viết rõ: "Chúng tôi tuyên bố một cách có trách nhiệm: các hoạt động độc hại trong không gian thông tin đi ngược lại những nguyên tắc chính sách đối ngoại của Nga, các lợi ích quốc gia và sự hiểu biết của chúng tôi về quan hệ giữa các nước".

Tuyên bố khẳng định, Nga không thực hiện các chiến dịch tấn công trong không gian mạng, đồng thời lưu ý, Moscow tích cực thúc đẩy các hiệp định an ninh mạng song phương và đa phương, tuy nhiên "không nhận được hồi đáp từ Washington".

Trước đó, cơ quan báo chí của Bộ Thương mại Mỹ xác nhận về một vụ xâm nhập mạng máy tính nằm trong Cơ quan Viễn thông và Thông tin Quốc gia. Theo Washington Post, các tin tặc làm việc cho chính quyền Nga đứng sau các vụ tấn công này, song không đưa ra bằng chứng. (TASS)

Tướng Mỹ "khen" quân đội Nga hết lời

Ngày 13/12, Wall Street Jounal đăng tải một phần cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho rằng, Nga vẫn là một cường quốc nhờ tính chuyên nghiệp cao của quân đội và khả năng giải quyết các nhiệm vụ được giao.

Ông Milley nhận xét: “Quân đội của họ rất khéo léo và rất chuyên nghiệp. Ho không đông như thời Xô Viết, song rất khéo léo. Trên thực tế, Nga là một cường quốc. Không có gì phải nghi ngờ khả năng của họ”. (Wall Street Journal)

Mỹ-Sudan

Mỹ chính thức đưa Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố

Ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ký thông báo quyết định đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố sau 27 năm có tên trong danh sách này, có hiệu lực từ ngày 14/12.

Trước đó, ngày 26/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thông báo tới Quốc hội Mỹ về việc đưa Sudan khỏi danh sách của Mỹ liệt kê các nước tài trợ khủng bố Theo luật pháp Mỹ, Quốc hội có 45 ngày để xem xét quyết định này.

Mỹ đưa Sudan vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố từ năm 1993. Điều này khiến Chính phủ Sudan gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầu tư nước ngoài và các thỏa thuận giãn nợ khẩn cấp. Ngoài Sudan, trong danh sách này của Mỹ còn có các nước Iran, Triều Tiên và Syria. (AFP)

Australia-Trung Quốc

Ngân khố Australia "hưởng lợi" từ các đòn tấn công thương mại của Trung Quốc

Chuyên gia kinh tế Chris Richardson của hãng tư vấn Deloitte Access Economics cho biết, sự "lo ngại" về khả năng Trung Quốc trừng phạt những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia đã góp phần đẩy giá quặng sắt tăng thêm 18 USD/tấn trong tháng 12 lên 160 USD/tấn, mức cao nhất trong 7 năm qua.

Ông Richardson nói thêm: "Điểm mấu chốt là cuộc chiến thương mại của Trung Quốc đang giúp Australia kiếm được nhiều tiền hơn là mất. Cụ thể hơn, Australia đã mất tiền từ nhiều thứ, từ tôm hùm đến rượu vang. Nhưng về tổng thể, ngân sách chính phủ được hưởng lợi lớn nhờ tăng thu từ quặng sắt".

Ông Richardson nhận định, "sự hung hăng thương mại của Trung Quốc đã mang lại khoản thu thuế lớn dự tính lên tới 3 tỷ AUD trong giai đoạn 2020-2021 cho ngân sách Australia".

Brexit

EU tin tưởng khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Anh, Pháp cảnh báo

Ngày 14/12, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier cho biết, việc ký kết thỏa thuận thương mại mới với Anh vẫn có thể xảy ra và hai bên vẫn đang đàm phán giải quyết những bất đồng về khả năng tiếp cận ngư trường của Anh và các quy định về sân chơi công bằng cho các công ty.

Phát biểu với báo giới, ông Barnier nói: "Chúng tôi chỉ mới đàm phán được 9 tháng và cần ít nhất 5 năm cho tất cả các thỏa thuận trước đó, chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được thỏa thuận này... vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên... Một thỏa thuận tốt, cân bằng. "

Trước đó, Anh và EU đã nhất trí kéo dài đàm phán thương mại hậu Brexit sau khi bỏ lỡ thời hạn chót mà chưa đạt được kết quả.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định, người dân Anh sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất trong vụ Brexit.

Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Micheal Martin bày tỏ hy vọng các nhà đàm phán của Anh và EU có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong những ngày tới. (Reuters)

Nagorno-Karabakh

Nga điều đội máy bay chở "hàng bí mật" đáp xuống Armenia

Theo Avia.Pro, Bộ Quốc phòng Nga đã điều 10 máy bay chở theo hàng hóa bí mật tới Armenia dù trước đó, Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết, công tác chuyển giao trang bị cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Karabakh đã hoàn tất.

Theo dữ liệu mà Avia.Pro thu được, chỉ trong vòng 24h, 10 máy bay Không quân Nga chở theo hàng hóa bí mật trên khoang đã được triển khai tới Armenia.

Các chuyên gia không loại trừ khả năng Nga cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho cư dân ở Nagorno-Karabakh, song hiện chưa có bình luận chính thức nào của Nga về động thái này.

Tình hình tại Nagorno-Karabakh đang có dấu hiệu xấu trở lại khi các cuộc đụng độ tái bùng phát, khiến lực lượng Armenia và Azerbaijan đều bị thiệt hại và hai bên đều cáo buộc lẫn nhau khơi mào. (Avia)