Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 14/5: Chiến tranh đã đến với Dải Gaza?; Armenia-Azerbaijan tái diễn căng thẳng; ông Putin được đề cử giải Nobel Hòa Bình

Cập nhật tình hình chiến sự Israel-Palestine, quan hệ Mỹ-Nga, căng thẳng Armenia-Azerbaijan lại bùng phát... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Tin thế giới 14/5: Chiến tranh đã đến với Dải Gaza?; Armenia-Azerbaijan tái diễn căng thẳng; ông Putin được đề cử giải Nobel Hòa Bình

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tình hình chiến sự Israel-Palestine:

Cuộc xung đột giữa Israel-Palestine đang ngày một leo thang nguy hiểm

Ngày 14/5, Israel cho biết họ đã điều lực lượng bộ binh tới Gaza để đáp trả đợt phóng tên lửa mới nhất từ khu vực do Hamas kiểm soát.

Trong một thông điệp ngắn gọn, quân đội Israel tuyên bố: "Máy bay và lực lượng bộ binh Israel đang thực hiện một cuộc tấn công ở Dải Gaza”. Động thái leo thang này đã được xác nhận bởi phát ngôn viên quân đội John Conricus, mặc dù ông không nêu rõ quy mô hoạt động.

Các cuộc nã pháo dữ dội đã xảy ra vào tối 13/5. Các phóng viên AFP đã nhìn thấy quân đội Israel tập trung tại hàng rào an ninh. Những quả cầu lửa lóe sáng trên bầu trời sau khi các đợt tấn công dày đặc nã vào Gaza.

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), trong chiến dịch không kích kéo dài 40 phút này, khoảng 450 tên lửa đã thả xuống 150 mục tiêu ở phía bắc Gaza.

Israel khẳng định rằng mục tiêu của họ chỉ giới hạn ở các địa điểm được sử dụng cho mục đích quân sự, nhưng mật độ dân số Palestine và thực tế là các cơ sở của Hamas và Thánh chiến Hồi giáo nằm gần, và thường ẩn dưới các tòa nhà dân sự đã khiến việc tránh thương vong dân sự là điều hoàn toàn không thể.

Để trả đũa, Hamas đã bắn hàng chục quả rocket từ Gaza về phía bờ biển phía Nam Israel của các thành phố Ashdod và Ashkelon, và ở vùng lân cận của sân bay Ben Gurion tại Tel Aviv. Theo Al Jazeera, Hamas đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công nhà máy hoá chất của Israel ở khu định cư Nir Or.

Israel cũng phát hiện có ít nhất 3 quả rocket được bắn từ phía Lebanon. (AFP/AP/Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Chuyện gì đang diễn ra ở Trung Đông? Bản chất cũ trong bối cảnh mới

Israel gọi Hamas là khủng bố

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan đã gửi công hàm cho Hội đồng Bảo an (HĐBA), kêu gọi cơ quan này lên án mạnh mẽ cuộc tấn công tên lửa đang diễn ra từ Gaza và bảo vệ quyền của tự vệ của Israel.

Công hàm này gọi Hamas là "những kẻ khủng bố Palestine", tố cáo phong trào này đã "đẩy mạnh khủng bố, bắn hàng trăm quả tên lửa vào Jerusalem, cũng như các thành phố khác trên khắp Israel".

Ông Erdan nêu rõ: "Nhà nước Israel không muốn leo thang. Tuy nhiên, Israel có quyền và nghĩa vụ bảo vệ người dân và chủ quyền và sẽ tiếp tục làm điều đó một cách mạnh mẽ". (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Giọt nước tràn ly và nguyên nhân đằng sau xung đột căng thẳng giữa Israel và Palestine

Israel nhất trí với Nga cần giảm căng thẳng

Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/5 tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergey Vershinin và quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Israel Alon Ushpiz đã điện đàm, trong đó khẳng định cần lập tức giảm leo thang căng thẳng khu vực.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Hai bên đã thảo luận chi tiết tình hình hiện nay tại khu vực xung đột giữa Palestine và Israel với trọng tâm là cần giảm leo thang căng thẳng cũng như đảm bảo sự an toàn trọn vẹn cho cư dân Israel và Palestine".

Ngoài ra, hai nhà ngoại giao cũng đề cập tới những vấn đề cấp bách liên quan tới hòa giải Palestine-Israel, đang được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét".

Trong khi đó, Ai Cập đã đề nghị với Israel nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm. Tuy nhiên, phía Israel trước đó đã thông báo với Ai Cập rằng nước này sẽ không nhất trí một lệnh ngừng bắn trước ngày 15/5. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Xung đột Israel-Palestine: Phương trình khó giải của chính quyền Biden

Căng thẳng Armenia-Azerbaijan bùng phát, Nga buộc phải vào cuộc

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong ngày 14/5.

Hôm 13/5, Tổng công tố Armenia đã mở một vụ án hình sự về việc "xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ" sau khi Bộ quốc phòng Armenia cáo buộc Azerbaijan đưa lực lượng xâm nhập lãnh thổ nước này.

Phát biểu trong cuộc họp khẩn với hội đồng an ninh được triệu tập ngay sau đó, ông Pashinyan cho biết quân đội Azerbaijan đã tiến sâu hơn 3km vào khu vực phía Nam Armenia và có kế hoạch "bao vây" Hồ Sev Lich.

Ông Pashinyan nêu rõ quân đội Armenia đã có phản ứng phù hợp với động thái trên, đồng thời nhấn mạnh căng thẳng mới này cần phải giải quyết thông qua đối thoại.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngay lập tức đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Armenia mà họ gọi là “mang tính kích động,” Tuyên bố nhấn mạnh lực lượng biên phòng Azerbaijan chỉ triển khai quân trong khu vực thuộc chủ quyền của Azerbaijan tại hai huyện Lachin và Kalbajar.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng khẳng định cam kết hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực và hối thúc có các bước đi nhằm thực hiện mục tiêu này. (Reuters/TASS)

TIN LIÊN QUAN
Mỹ công nhận tội ác diệt chủng tại Armenia: Cảnh báo bước đi sai lầm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khuyên Mỹ 'tự soi gương'

Tổng thống Nga Vladimir Putin ứng cử giải Nobel Hoà bình

Ngày 13/5, Ủy ban Nobel Nauy đã đưa nhà lãnh đạo Nga vào danh sách ứng viên cho Giải Nobel Hòa bình 2021. Người đề cử Tổng thống Putin cho giải thưởng này là viện sĩ, nhà văn Sergei Komkov.

Ông Komkov đã nộp đơn đề cử Tổng thống Nga Putin lên Ủy ban Nobel Nauy vào mùa Thu năm ngoái. Cũng trong khoảng thời gian này, phía Mỹ đã đề cử ông Donald Trump, khi đó đang giữ chức vụ Tổng thống Mỹ. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Nói là làm, Nga hiện thực hóa quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Mỹ cam kết ủng hộ Australia trước sức ép từ Trung Quốc

Ngày 13/5, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với người đồng cấp Australia rằng Washington “sẽ không để Canberra đứng một một mình trước sức ép kinh tế từ Bắc Kinh”.

Ngoại trưởng Mỹ bổ sung: “Đó là điều các đồng minh thực hiện. Chúng ta luôn hỗ trợ lẫn nhau với quan điểm sức mạnh tập thể để đổi mặt đe dọa và thách thức”.

Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ và Australia cùng đoàn kết bởi có giá trị chung mà những quốc gia khác, trong đó có cả Trung Quốc, không thể tác động. Cả Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Australia Marise Payne đều kêu gọi tiến hành cuộc điều tra cẩn thận và toàn diện về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, vốn ghi nhận những ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc từ cuối năm 2019. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Tàu chiến Australia hoạt động tích cực và không muốn bỏ trống Biển Đông

Mỹ-Nga không đặt nhiều kỳ vọng vào thượng đỉnh song phương

Nga và Mỹ đều không đặt kỳ vọng đạt được đột phá tại cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin bởi cả hai nhà lãnh đạo dường như không sẵn sàng nhượng bộ các bất đồng.

Cụ thể, một quan chức Nhà Trắng giấu tên chia sẻ với Reuters: “Tầm nhìn của chúng tôi không phải là khôi phục lại quan hệ. Đây là nỗ lực để khiến mọi thứ dễ dự đoán hơn, cùng hợp tác về những điều thống nhất và nêu rõ quan điểm về bất đồng”.

Về phía Điện Kremlin, các quan chức Nga coi hội nghị này là sự kiện quan trọng để lắng nghe trực tiếp Tổng thống Biden.

Những thông tin chi tiết về hội nghị như địa điểm, thời gian và chương trình nghị sự vẫn đang được hai bên thảo thuận.

Nhưng mục tiêu vẫn là lên kế hoạch tổ chức tại quốc gia thứ ba vào tháng 6, sau chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Anh và Bỉ. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Diễn biến mới trong căng thẳng Nga-Mỹ: Washington dừng hoạt động lãnh sự tại Moscow

Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự áp đặt thiết quân luật

Ngày 14/5, truyền hình nhà nước đưa tin, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở một thị trấn của bang Chin.

Động thái diễn ra sau khi chính quyền quân sự đổ lỗi cho "những phần tử khủng bố có vũ trang" tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào một đồn cảnh sát và một ngân hàng trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội và những phiến quân sắc tộc thiểu số gia tăng ở các khu vực biên giới.

Trước sự phản đối đang lan rộng, chính quyền quân sự đã đấu tranh để duy trì trật tự trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày tại các thành phố và giao tranh tại các bang biên giới kể từ cuộc chính biến đầu tháng Hai.

Theo hãng thông tấn Myanmar, sự bất ổn tại thị trấn Mindat vào ngày 12-13/5 liên quan tới khoảng 100 người sử dụng súng tự chế để tấn công một đồn cảnh sát và khoảng 50 người nhằm vào Ngân hàng Kinh tế Myanmar. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Tình hình Myanmar: 100 ngày hậu chính biến và những gì sắp tới

Hàn Quốc có Thủ tướng mới

Ngày 14/5, ngày bắt đầu nhiệm kỳ chính thức đứng đầu chính phủ Hàn Quốc, tân Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết, ông sẽ nỗ lực theo đuổi sự đoàn kết quốc gia trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19.

7h sáng cùng ngày, Tổng thống Moon Jae-in đã thông qua việc bổ nhiệm ông Kim Boo-kyum làm Thủ tướng mới của Hàn Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng đảng phái gia tăng về các lựa chọn mới trong Nội các, ông Kim cho biết, ông sẽ trao đổi với cả đảng cầm quyền và đảng đối lập và kêu gọi sự ủng hộ từ họ.

Khi được hỏi về chính sách kinh tế của mình, tân Thủ tướng Hàn Quốc khẳng định sẽ "chuẩn bị kỹ lưỡng" để mang lại niềm tin cho dân chúng Hàn Quốc. (Yonhap)

TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc - Nguy cơ ‘già trước khi giàu’ và áp lực với tham vọng kinh tế
Doanh nghiệp phải trả tin tặc 5 triệu USD để chuộc lại hệ thống dẫn nhiên liệu, Mỹ quy trách nhiệm cho Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden và vấn đề bán đảo Balkan: Chiến thắng ngoại giao từ những vết xe đổ
Cập nhật Covid-19 ngày 14/5: Mỹ lên án dùng vaccine vì mục đích chính trị; châu Á nhiều điểm nóng; Google chi 33 triệu USD hỗ trợ Mỹ Latinh chống dịch
Tin thế giới 13/5: Nguy cơ bùng phát chiến tranh ở Gaza; Trung Quốc coi nhẹ động thái mới ở Biển Đông; Nga ra lập trường về Donbass