Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, ARF cần chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chính sách ngoại giao phòng ngừa để đối phó với các thách thức hiện nay. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* UAV Nga tấn công thị trấn quê nhà của Tổng thống Ukraine: Ngày 14/7, Thống đốc Kryvyi Rih, ông Serhiy Lysak cho biết, máy bay không người lái (UAV) của Nga đã tấn công thành phố Kryvyi Rih, quê nhà của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở miền Trung Ukraine, làm hư hại một số tòa nhà và bị thương một dân thường. Trước đó, Lực lượng không quân Ukraine cho hay, 16 trong số 17 UAV Shahed do Iran sản xuất được Nga phóng trong đêm đã bị bắn hạ. (Reuters)
* Nga cảnh báo nguy cơ Ukraine sử dụng bom chùm “bừa bãi”: Ngày 14/7, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nêu rõ: “Bất kỳ ai theo dõi xung đột đều biết Kiev đã sử dụng sự hỗ trợ an ninh của Mỹ để tấn công các mục tiêu dân sự với hy vọng đe dọa chúng tôi và ‘tiêu diệt càng nhiều người Nga càng tốt’. Các cuộc tấn công đã được thực hiện nhằm vào các khu dân cư, nơi không có bất kỳ cơ sở quân sự nào”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo nếu bom chùm của Mỹ được cung cấp cho Ukraine, Nga sẽ phải sử dụng vũ khí tương tự để chống lại quân đội Ukraine. Theo ông, cho đến nay, Nga đã hạn chế sử dụng bom, đạn chùm trong các hoạt động quân sự của mình vì nước này nhận ra mức độ nguy hiểm của chúng đối với dân thường. Ông Shoigu khẳng định việc Washington cung cấp vũ khí như vậy sẽ chỉ kéo dài xung đột ở Ukraine. (TASS)
* Ukraine chỉ trích phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Anh: Ngày 13/7, trả lời phỏng vấn tờ The Guardian (Anh) về phát biểu trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng (NSDC) Ukraine, ông Oleksiy Danilov nói: “Tôi không quan tâm nhiều đến những gì ông ấy (Wallace) nói. Người ta có thể nói điều gì đó trong trạng thái xúc động và sau đó phải hối hận. Đây chắc chắn không phải là quan điểm thực sự của ông ấy”.
Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đánh giá cao chính quyền Anh vì sự hỗ trợ đáng kể cho Kiev.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng, phương Tây “muốn thấy sự biết ơn” của Ukraine và Kiev cần phải chú ý hơn đến điều này. The Guardian cho rằng, lý do cho tuyên bố này là do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không hài lòng với việc các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa mời Kiev tham gia liên minh tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius ngày 11-12/7. (The Guardian)
* Lầu Năm góc đánh giá về hoạt động của Wagner ở Ukraine: Ngày 13/7, phát biểu họp báo, Thư ký báo chí Lầu Năm góc, Chuẩn tướng Pat Ryder nhận định: “Ở giai đoạn này, chúng tôi không thấy lực lượng Wagner tham gia với bất kỳ khả năng đáng kể nào để hỗ trợ các hoạt động của Nga ở Ukraine”. Ông Ryder cho biết, Mỹ đánh giá rằng “phần lớn” các tay súng Wagner vẫn còn ở các khu vực Ukraine hiện do Nga kiểm soát. Trước đó, hôm 12/7, chính quyền Moscow thông báo quân đội Nga đã nhận từ Wagner hơn 2.000 thiết bị quân sự trong đó có nhiều xe tăng, thiết giáp, hệ thống tên lửa và đạn được các loại. (AFP)
* ASEAN tái khẳng định quan điểm về Ukraine: Ngày 14/7, tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 (AMM-56) tại Jakarta, Indonesia nêu rõ: “Đối với Ukraine, chúng tôi tiếp tục tái khẳng định sự tôn trọng đối với chủ quyền, độc lập về chính trị và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. ASEAN tiếp tục kêu gọi tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt ngay xung đột và cam kết nghiêm túc đối thoại thực chất để giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Các nước thành viên ASEAN ủng hộ nỗ lực của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngoài ra, ASEAN kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở đối với những người gặp khó khăn ở Ukraine và để bảo vệ dân thường, nhân viên cứu trợ nhân đạo và những người trong các tình huống dễ bị tổn thương.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Retno Marsudi khẳng định, Indonesia sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác về an ninh lương thực giữa ASEAN và Nga. Bà lưu ý: “Là một người bạn của Nga và Ukraine, Indonesia không ngừng kêu gọi hòa bình. Chúng ta phải hiện thực hóa mô hình (hòa bình) này bằng hành động thực tế”. (Antara)
Đông Nam Á
* Indonesia: ARF cần chuyển sang giai đoạn mới của ngoại giao phòng ngừa: Ngày 14/7, phát biểu khai mạc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30 tại Jakarta (Indonesia) Ngoại trưởng nước chủ nhà Retno Marsudi nhận định đã đến lúc điễn dàn chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chính sách ngoại giao phòng ngừa để phản ứng trước thách thức an ninh trong khu vực.
Theo bà, ARF được thành lập vào năm 1994 nhằm xây dựng cấu trúc an ninh khu vực sau Chiến tranh Lạnh bằng cách thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin thông qua đối thoại và tham vấn. Tuy vậy, cục diện an ninh khu vực hiện đã khác nhiều trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đang tiếp tục chia rẽ.
Nhà ngoại giao này nêu rõ: “Khu vực của chúng ta cũng có nhiều điểm nóng tiềm ẩn, từ tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết đến các cuộc xung đột sắc tộc. Tình hình trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, buôn bán người và cướp biển đang gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải quản lý tốt hơn các xung đột tiềm ẩn”.
Bà hối thúc các nước sử dụng ARF như một phương tiện để thúc đẩy hòa bình tích cực, và ngăn chặn bất kỳ xung đột tiềm ẩn nào phát sinh trong khu vực. Đồng thời, các nước cần tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược bằng cách tiếp tục thúc đẩy các quy tắc tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực.
Về phía Indonesia, bà cho biết nước này tiếp tục thúc đẩy thực hiện cụ thể Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) để không chỉ mang lại tác động kinh tế và các lợi ích trực tiếp cho người dân, đồng thời còn “tạo thói quen” hợp tác chiến lược trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. (Antara)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của NATO: Ngày 13/7, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Mã Triều Húc đã bác bỏ các cáo buộc của NATO với Bắc Kinh.
Theo quan chức này, cáo buộc được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, chứa đầy tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ. Ông đánh giá NATO, sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, đã bị sa lầy trong tâm lý này và không thể tự giải thoát. Ông Mã khẳng định Bắc Kinh là nhân tố xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự quốc tế. Đại diện Trung Quốc cũng nhấn mạnh: “Như đã được chứng thực bởi vô số sự thật. Kẻ gây rối thực sự không ai khác là NATO”. (Tân Hoa xã)
* Bắc Kinh nêu “rủi ro” trong Chiến lược mới của Đức về Trung Quốc: Ngày 14/7, phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng sự cạnh tranh và chủ nghĩa bảo hộ dưới danh nghĩa ‘giảm thiểu rủi ro’ và giảm sự phụ thuộc là hoàn toàn chính trị hóa những hợp tác bình thường”. Theo ông, động thái này sẽ “chỉ tạo ra kết quả ngược lại với dự kiến, gây rủi ro do con người tạo ra”. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: “Việc phản đối cái gọi là cạnh tranh về hệ thống, lợi ích và giá trị đi ngược lại xu hướng của thời đại và chỉ khiến sự chia rẽ trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn”.
Ngày 13/7, chính quyền Đức đã thông qua Chiến lược mới về Trung Quốc, trong đó, mô tả cách ứng phó của Berlin trước một Bắc Kinh “quyết đoán hơn”. (AFP)
* Nhật Bản, Trung Quốc nhất trí liên lạc chặt chẽ: Ngày 14/7, bên lề AMM-56 tại Jakarta (Indonesia), Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị.
Hai bên nhắc lại quan điểm về các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước. Song, đại diện Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí liên lạc chặt chẽ ở các cấp. Ông Hayashi Yoshimasa và ông Vương Nghị cũng chia sẻ tầm quan trọng của sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và giao lưu nhân dân. (Kyodo)
* Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên báo trước việc xả đập: Ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Hyo Jung nêu rõ: “Chính phủ đã yêu cầu Triều Tiên hôm 30/6 thông báo trước trong trường hợp nước này xả nước từ đập. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa có bất kỳ phản hồi nào”. Quan chức này cho biết Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ sử dụng các kênh khác, chẳng hạn như báo chí hoặc đường dây nóng giữa Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và quân đội Triều Tiên, để đối phó với các tình huống bất ngờ nếu chúng xảy ra.
Theo thỏa thuận tháng 10/2009, Bình Nhưỡng nhất trí thông báo trước cho Seoul về kế hoạch xả nước từ đập, sau sự cố khiến 6 người Hàn Quốc thiệt mạng do Triều Tiên xả nước từ đập Hwanggang mà không báo trước. (Yonhap)
Châu Âu
* Nga: Cần xem xét lại tình trạng pháp lý của nhóm Wagner: Ngày 14/7, Điện Kremlin thông báo cần “xem xét” lại tình trạng của lực lượng lính đánh thuê tư nhân Wagner, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sự tồn tại của lực lượng này không có cơ sở pháp lý.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Kommersant (Nga), nhà lãnh đạo khẳng định đã đưa ra một con đường cho Wagner: “Các tay súng này có thể tập trung lại một chỗ và tiếp tục tại ngũ. Sẽ không có gì thay đổi với họ. Họ sẽ được lãnh đạo bởi cùng một người, là chỉ huy thực sự của họ trong suốt thời gian qua”.
Theo báo Kommersant, các tay súng Wagner sẽ nằm dưới quyền một chỉ huy có biệt danh “Sedoy”. Theo ông Putin, “nhiều người đã gật đầu”. Song, người đứng đầu tập đoàn Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, cuối cùng đã từ chối lời đề nghị.
Trước phản hồi của nhân vật này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh: “Nhóm Wagner ở đây song về mặt pháp lý, lực lượng này không tồn tại. Có một vấn đề riêng liên quan đến sự hợp pháp hóa thực sự của Wagner. Vấn đề này phải được thảo luận tại Duma Quốc gia và trong Chính phủ Nga”. (AFP/Reuters)
* 64% người Đức không hài lòng với ông Olaf Scholz: Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Forsa (Đức) công bố ngày 14/7, chỉ 34% người Đức được hỏi hài lòng với công việc của Thủ tướng Olaf Scholz. Trong khi đó, có tới 64% số người cho biết họ ít hài lòng hoặc hoàn toàn không hài lòng với nhà lãnh đạo nước Đức.
So với mùa Xuân năm 2022, mức độ hài lòng hiện tại với Thủ tướng Scholz đã thấp hơn nhiều. Kết quả khảo sát tháng Ba năm ngoái cho thấy, có tới 60% số người được hỏi thể hiện sự hài lòng hoặc rất hài lòng với người đứng đầu Chính phủ Đức. Trong khi đó, chỉ có 33% ít hài lòng hoặc hoàn toàn không hài lòng.
Về Chính phủ liên minh hiện tại, sau bất đồng dai dẳng trong những tháng qua trong liên minh, chỉ 19% số người Đức được hỏi tin rằng mọi thứ sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Ngược lại, 78% nhận định khả năng hành động của Chính phủ hiện nay sẽ tiếp tục bị suy giảm do bất đồng quan điểm giữa các đảng phái. (TTXVN)
* Hungary cảnh báo hậu quả khi mời Ukraine gia nhập NATO: Ngày 14/7, phát biểu trên đài phát thanh Kossuth (Hungary) Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu rõ: “Nếu chúng tôi thêm Ukraine vào NATO, điều đó sẽ gây ra xung đột ngay lập tức. Tuy nhiên, thái độ ủng hộ tiếp tục cuộc xung đột Ukraine vẫn chiếm ưu thế ở phương Tây”.
Nhà lãnh đạo này cũng nhận định, cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng sẽ kéo dài. Tuy nhiên, chính phủ Hungary sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản đó. (TASS)
Trung Đông-Châu Phi
* Italy hối thúc nối lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine: Ngày 13/7, phát biểu sau khi gặp người đồng cấp Israel Eli Cohen tại Rome (Italy), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani đã kêu gọi nối lại tiến trình hòa bình. Ông Tajani gọi các sự kiện gần đây là "các cuộc tấn công khủng bố” và bày tỏ tình đoàn kết của Italy với Israel trước những thiệt hại về người. Nhà ngoại giao này cũng bày tỏ quan ngại về số lượng nạn nhân liên quan đến bạo lực giữa hai nước ngày càng tăng trong năm nay.
Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Italy tái khẳng định sự ủng hộ của nước này với thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Arab, tin tưởng nó sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định lâu dài tại khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Italy, quan hệ của nước này và Israel dựa trên tình hữu nghị và đoàn kết. Văn bản này cũng nêu rõ ngoài mối quan hệ chính trị bền chặt, Nhà nước Do Thái còn là đối tác chiến lược của Rome trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ sinh học, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, không gian và năng lượng. (Anadolu)
* Trung Quốc kêu gọi các bên ở Sudan chấm dứt hành động thù địch: Ngày 13/7, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Dai Bing đã kêu gọi các bên ở Sudan chấm dứt hành động thù địch. Ông cho biết, cuộc xung đột vũ trang ở Sudan đã diễn ra được ba tháng, song giao tranh vẫn tiếp diễn mặc dù hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.
Trung Quốc hy vọng mọi bên ở Sudan sẽ ưu tiên hòa bình, hạnh phúc của người dân, tìm kiếm đối thoại và chấm dứt hành động thù địch để tránh dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn. Đồng thời, Bắc Kinh cũng ủng hộ nỗ lực của các tổ chức, quốc gia khu vực, hướng tới đàm phán hòa bình. (Tân Hoa xã)