Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng, dù ông Putin nói về 'tình anh em' giữa hai dân tộc, nhưng những hành động của Nga lại 'chẳng theo kiểu anh em'. (Nguồn: EPA-EFE) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế trong ngày:
Nga-Ukraine:
'Nỗi niềm' của Tổng thống Nga
Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã suy nghĩ trong nhiều tháng về việc viết bài báo Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine, được đăng trên trang web của Điện Kremlin cùng ngày, vốn đề cập tất cả vấn đề trong quan hệ song phương "dựa trên các sự kiện và tài liệu lịch sử".
Giải thích về lý do viết bài báo, nhà lãnh đạo Nga cho hay, quan hệ giữa nước này với Ukraine đã thay đổi trong khi các hoạt động chống Moscow đang bắt đầu: "Tình hình đòi hỏi chúng ta phải xem xét kỹ hơn thế giới mà chúng ta đang sống, chúng ta là ai, mối quan hệ của chúng ta với những người thân và láng giềng gần gũi nhất của chúng ta ra sao".
Bên cạnh đó, ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh, ngày nay ở Ukraine, có hàng triệu người, cũng như các lực lượng chính trị muốn khôi phục quan hệ với Nga, nhưng họ không được phép thực hiện các kế hoạch này và bị loại khỏi chính trường một cách sai trái.
Ông Putin cho biết, bài báo này gửi tới người dân Nga, người dân Ukraine và cả "những người bảo trợ cho giới lãnh đạo chính trị của Ukraine ngày nay", đồng thời bày tỏ hy vọng, giới lãnh đạo Ukraine sẽ đọc bài báo.
Tổng thống Putin cũng khẳng định sẵn sàng thảo luận với giới lãnh đạo Ukraine về bài báo này. (TASS)
Tổng thống Ukraine nói về bài báo của ông Putin: 'Tôi chỉ có thể ghen tị'
Ngày 13/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phản biện đề cập của ông Putin về "tình anh em" giữa hai dân tộc trong bài báo: "Nga đã quên nhắc đến Ukraine trong vai trò 'dân tộc anh em' khi nói về chiến thắng chủ nghĩa phát xít, về Thế chiến II, về biết bao nhiêu sinh mạng người Ukraine đã mất và trong những dịp khác. Tôi cho rằng làm như vậy là không theo kiểu anh em".
Cho biết "chưa có thời gian" đọc cặn kẽ toàn bộ nội dung bài báo, nhà lãnh đạo Ukraine nói: "Thông qua một số đoạn đã đọc thì tôi có thế thấy đây là một bài viết sâu. Quả thật, Tổng thống Nga đã bỏ ra rất nhiều thời gian, bởi vì trong bài có trích dẫn nhiều thông tin và dữ liệu lịch sử".
Nhắc lại rằng, dù Kiev thường xuyên nói về cuộc gặp song phương nhưng "Tổng thống Nga không có đủ thời gian cho cuộc gặp", ông Zelensky bóng gió: "Trước đây tôi không biết ông ấy đã dành thời gian của mình cho việc gì, nhưng bây giờ tôi đã thấy kết quả".
Tổng thống Zelensky nói: "Tôi chỉ có thể ghen tị khi tổng thống của một quốc gia lớn như vậy có thể bỏ ra nhiều thời gian cho một công việc chi tiết đến mức đó".
Tuyên bố sẵn sàng thảo luận riêng cùng ông Putin về một số khía cạnh của bài báo, ông Zelensky nói "có thể tôi sẽ cung cấp thêm cho ông ấy rất nhiều tài liệu để sử dụng cho bài báo khác trong tương lai".
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẳng định, sẽ đọc kỹ bài báo của Tổng thống Putin và "bởi bài báo được viết bằng tiếng Ukraine nên chúng tôi phải trả lời. Chúng tôi sẽ suy nghĩ". (RIA Novosti)
Tình hình Afghanistan: Quyết định rút quân là một 'sai lầm'?
Ngày 14/7, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã chỉ trích việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Afghanistan, cho rằng, người dân tại quốc gia này đã bị bỏ lại và bị lực lượng phiến quân Taliban “tàn sát”.
Ông cũng tin rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ rời khỏi chính trường vào cuối năm nay sau 16 năm cầm quyền, cũng “cảm thấy như vậy”.
Cùng ngày, Nga đã hối thúc chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban khởi động các cuộc đàm phán có ý nghĩa nhằm sớm thành lập một chính quyền liên hiệp chuyển tiếp trước khi quá muộn.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng tuyên bố, London sẵn sàng hợp tác với Taliban, nếu lực lượng này tham gia chính phủ liên hiệp ở Afghanistan và tôn trọng các quyền của con người.
Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ hy vọng, Afghanistan sẽ đạt được một thỏa thuận quyền lực rộng khắp và bao trùm, theo đuổi chính sách ổn định và đúng đắn đối với người Hồi giáo, kiên quyết chống khủng bố dưới mọi hình thức và tư tưởng cực đoan, đồng thời cam kết thiết lập quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng. (AFP, Reuters, THX)
Nga-Mỹ:
Nga hé lộ thời gian tổ chức tham vấn ổn định chiến lược với Mỹ
Ngày 14/7, các nguồn tin từ phái đoàn Nga cho hay, nước này và Mỹ bắt đầu "tham vấn về ổn định chiến lược trong một tuần, tại đó cả hai bên sẽ nêu trước quan điểm của họ về việc này".
Các nguồn tin cho biết thêm, Moscow kêu gọi thảo luận về tất cả các loại vũ khí mà bằng cách này hay cách khác ảnh hưởng đến ổn định chiến lược, bao gồm cả vũ khí chiến lược hạt nhân và phi hạt nhân, vũ khí tấn công và phòng thủ ảnh hưởng đến tình hình an ninh toàn cầu và ổn định chiến lược. (Sputnik)
Mỹ sẽ làm mọi cách chống lại tin tặc có trụ sở tại Nga nếu Moscow không hành động
Ngày 13/7, tại một sự kiện về công nghệ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, nước này đã nói rõ với Nga rằng, họ sẽ thực hiện các biện pháp chống lại tin tặc trên lãnh thổ Nga nếu Moscow không có hành động đối phó.
Nhắc lại vụ tấn công mạng SolarWinds, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nói rằng, 22 quốc gia đã ủng hộ kết luận của Washington về vai trò của Moscow trong vụ tấn công, khẳng định điều này vô cùng quan trọng vì "chỉ khi cùng chung tiếng nói mới có thể ngăn chặn các hành vi xấu trong tương lai hiệu quả hơn".
Ngoại trưởng Blinken tuyên bố: "Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Các quốc gia chứa chấp tội phạm mạng có trách nhiệm hành động. Nếu họ không làm vậy, chúng tôi sẽ làm". (TASS)
Dòng chảy phương Bắc 2: Mỹ-Đức đạt tiến triển, Ukraine hy vọng, Nga lên tiếng
Ngày 14/7, Ngoại trưởng Đức Haiko Maas cho biết, quá trình đàm phán giữa Đức và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã đạt được tiến triển ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ukraine cũng đang đặt hy vọng vào việc Mỹ và Đức đưa ra các "đảm bảo an ninh" năng lượng cho nước này trước lo ngại Dòng chảy phương Bắc 2 trong Thượng đỉnh này.
Trong khi đó, ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ thực hiện các trách nhiệm liên quan đến việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine theo thỏa thuận 5 năm với Kiev, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2024: "Nga có những trách nhiệm nhất định theo hợp đồng này và theo lẽ tự nhiên, nó sẽ hoàn thành chúng một cách đầy đủ".
Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine và các vấn đề liên quan đến những dự án khí đốt khác không nên gắn với các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy về giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine. (TASS, Sputnik)
Iran tuyên bố có thể làm giàu uranium ở mức 90% khi cần thiết
Ngày 14/7, theo hãng thông tấn bán chính thức Mehr, phát biểu trong cuộc họp nội các, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI) có thể làm giàu uranium có độ tinh khiết lên tới 20%, 60% và thậm chí 90% trong trường hợp cần thiết.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 quy định Iran được phép làm giàu uranium ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận. Cho đến nay, Iran đã làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 60%.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Iran trấn an dư luận quốc tế rằng, Tehran làm giàu uranium lên mức tinh khiết 20% chỉ dành cho các mục đích hòa bình, đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ đảo ngược những bước đi hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Trước đó, ngày 13/7, cả Mỹ và Iran đều xác nhận đang đàm phán về vấn đề trao đổi tù nhâncủa hai nước.
Biển Đông: Mỹ bác bỏ những 'tuyên bố chủ quyền lãnh hải phi pháp' của Trung Quốc
Ngày 14/7, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein khẳng định, các vấn đề liên quan Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và có tính xây dựng thông qua đối thoại và tham vấn, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng tái khẳng định việc Washington bác bỏ "những tuyên bố chủ quyền lãnh hải phi pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc: Nghị sỹ Mỹ cảnh báo Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc
Trong một bài báo mới đây trên tờ National Interest, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mark Green đã cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa nước này với Trung Quốc.
Ông Green viết rằng: "Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới - lần này là giữa Mỹ và Trung Quốc".
Theo chính trị gia này, Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ trong các chuỗi cung ứng và "xung đột giữa hai nước có nguy cơ phá hoại các mảng then chốt về kinh tế, như các ngành y tế và ô tô".
Thượng nghị sĩ Mark Green lưu ý thêm: "Hướng Trung Quốc và Mỹ vào một mục tiêu chung từng làm trong quá khứ là hy vọng tốt nhất để ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới". (THX)
Vụ ám sát Tổng thống Haiti: Mỹ tăng cường bảo vệ Đại sứ quán
Ngày 13/7, chính phủ Mỹ đã gửi một thêm 12 nhân viên an ninh, bao gồm cả Thủy quân lục chiến, tới Haiti để tăng cường an ninh cho Đại sứ quán nước này sau khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hôm 7/7.
Hành động này cho thấy, ngay cả chính phủ Mỹ cũng nhận thấy mức độ không đảm bảo về an ninh sau cái chết của nhà lãnh đạo Haiti.
Cùng ngày, hãng Reuters dẫn hai nguồn tin chính phủ Mỹ xác định, người từng cung cấp tin mật cho Cơ quan Thực thi Ma túy (DEA) của Mỹ là Joseph Vincen, 55 tuổi, là một trong hai công dân Mỹ bị bắt giữ với cáo buộc tham gia vào vụ ám sát Tổng thống Moise. (Reuters)