Ukraine lại đòi Brazil bắt giữ Tổng thống Putin nếu ông dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới. (Nguồn: Tasnim) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Hàn Quốc bắn cảnh cáo Triều Tiên: Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo ngày 15/10, quân đội nước này đã nổ súng bắn cảnh cáo ở phía Nam Đường ranh giới quân sự (DML) chia cắt hai miền Triều Tiên. Động thái này nhằm đáp trả việc Triều Tiên cho nổ tung một phần con đường nối với Hàn Quốc bên phía Triều Tiên.
Trước đó, JCS cho biết Triều Tiên đã cho nổ tung đoạn đường nối với Hàn Quốc sau khi tuyên bố cắt đứt hoàn toàn tuyến đường bộ và đường sắt từng được coi là biểu tượng của sự hợp tác liên Triều.
Cùng ngày, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố Bình Nhưỡng có “bằng chứng rõ ràng” về việc quân đội Seoul đứng sau các vụ xâm nhập bằng thiết bị bay không người lái (UAV) gần đây vào Bình Nhưỡng và cảnh báo về các hành động trả đũa. (AFP)
Tin liên quan |
NÓNG! Bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn, Bình Nhưỡng làm nổ tung vài đoạn đường nối hai miền, Seoul bắn đạn cảnh cáo |
*Trung-Nga mở rộng hợp tác quân sự: Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo ngày 15/10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov tại thủ đô Bắc Kinh.
Theo bộ trên, tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ hy vọng làm sâu sắc và mở rộng các mối quan hệ quân sự song phương, cũng như duy trì trao đổi cấp cao giữa hai nước.(Reuters)
*Trung Quốc kêu gọi Philippines ngăn chặn tình hình trở nên phức tạp ở Biển Đông: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 15/10 kêu gọi Philippines dừng mọi hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình ở Biển Đông.
Truyền thông Philippines trước đó đưa tin tàu hải cảnh Trung Quốc đã va chạm với tàu của Cục Thủy sản và nguồn lợi thủy sản Philippines ở Biển Đông vào ngày 11/10. Theo tin từ truyền thông, tàu Philippines bị hư hại nhẹ.
Gần đây, tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông mà Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền, các sự cố liên tục xảy ra với tàu thuyền của hai bên. (Sputnik)
*Mỹ đánh giá "rủi ro lớn" từ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên: Theo hãng tin Yonhap ngày 15/10, Chính phủ Mỹ đánh giá rằng việc phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên với sự tăng cường hợp tác quân sự Nga – Triều đang gia tăng rủi ro lớn.
Trong cuốn sách mới mang tên “Chiến tranh” của Bob Woodward, tác giả tiết lộ rằng William Burns, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã bí mật đến thăm Trung Quốc vào tháng 6 năm nay. Ông Burns sau đó đã báo cáo với Tổng thống Joe Biden, đưa ra nhận định rằng Trung Quốc không yên tâm trước mối quan hệ chặt chẽ giữa Triều Tiên với Nga, bao gồm cả việc hai bên tăng cường hợp tác quân sự.
Trong cuốn sách vừa ra mắt của mình, nhà báo Woodward cho rằng việc tăng cường hợp tác Triều-Nga có thể khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên liều lĩnh hơn. (Yonhap)
*Ấn Độ ký mua 31 UAV của Mỹ: Ngày 15/10, tại New Delhi, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết các thỏa thuận trị giá hơn 3,8 tỷ USD để mua 31 thiết bị bay không người lái (UAV) Predator cho 3 quân chủng và thiết lập cơ sở bảo trì, sửa chữa và đại tu cho những thiết bị này trên đất Ấn Độ.
Tuần trước, Ủy ban An ninh nội các Ấn Độ (CCS) đã phê duyệt đề xuất mua sắm trên. Trong số 31 UAV này, 15 chiếc sẽ được trang bị cho Hải quân Ấn Độ, số còn lại sẽ được chia đều cho Không quân và Lục quân.
Ấn Độ đã đàm phán thỏa thuận này với Mỹ trong nhiều năm nhưng những rào cản cuối cùng mới được giải quyết cách đây vài tuần tại cuộc họp của Hội đồng mua sắm quốc phòng, vì nó phải được giải quyết trước ngày 31/10 – thời điểm đề xuất của Mỹ hết hiệu lực. (Times of India)
TIN LIÊN QUAN | |
Tin thế giới 14/10: Campuchia tuyên bố về lập trường địa chính trị, Trung Quốc tập trận ở eo biển Đài Loan, Israel thừa nhận hậu quả 'nặng nề đau đớn' |
*Mỹ, Philippines tập trận ngay sau cuộc diễn tập của Trung Quốc: Ngày 15/10, hàng ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines bắt đầu 10 ngày tập trận chung ở miền Bắc và miền Tây Philippines, một ngày sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn quanh Đài Loan.
Cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines diễn ra trong bối cảnh đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines leo thang ở các rạn san hô và vùng biển ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Vào thời điểm cuộc tập trận bắt đầu, chính phủ Philippines thông báo một tàu tuần tra dân sự của họ đã bị hư hại nhẹ vào ngày 11/10 do bị một "tàu dân quân biển Trung Quốc cố tình va quệt”. (AFP)
Châu Âu
*Nga đạt bước tiến quân sự lớn ở Donetsk: Ngày 15/10, Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR, tự xưng và tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào ngày 7/4/2014) cho biết, Lực lượng vũ trang Nga đang tiến vào Dzerzhinsk (Toretsk) thuộc DPR và đã kiểm soát được 2/3 thành phố này.
Trong khi đó, kênh Rossiya 24 dẫn nhận định của ông Pushilin cho hay, cùng thời điểm với cuộc tiến công của Nga ở Dzerzhinsk, Ukraine đang tái triển khai quân dự bị đến thành phố từ Konstantinovka lân cận. Ông tiết lộ: “Hiện tại, chúng tôi có thể nói rằng 70% thành phố (Dzerzhinsk) đã được giải phóng”.
Quan chức này lưu ý rằng, việc sơ tán dân thường bị cản trở bởi hoạt động giao tranh, với ít nhất 1.000 người vẫn đang chờ được sơ tán đến nơi an toàn. Ông cũng dự báo, một khi lực lượng Nga kiểm soát hoàn toàn Dzerzhinsk, họ sẽ có thể tiến xa hơn về phía Bắc DPR. (Sptuniknews)
*Italy ủng hộ kết nạp các nước Balkan vào EU: Ngày 15/10, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani khẳng định nước này ủng hộ các quốc gia Tây Balkan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và "tất cả các vấn đề còn bỏ ngỏ" cản trở các quốc gia Tây Balkan gia nhập EU phải được giải quyết.
Theo ông Tajani, EU nên quan tâm đến các nước Tây Balkan để các nước này không quay sang Nga, và “với việc hội nghị thượng đỉnh về Quy trình Berlin được tổ chức, chúng ta đang đưa ra một tín hiệu rất quan trọng về sự chú ý”.
Về cuộc chiến Ukraine, ông Tajani đánh giá rằng “thời điểm để đàm phán song phương với (Tổng thống Nga) Putin vẫn chưa đến. Chúng ta cần có một hội nghị hòa bình mà Nga và Trung Quốc phải tham gia để tìm ra giải pháp cho một cuộc chiến đã diễn ra quá lâu. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga nổi giận vì Na Uy bật đèn xanh cho Mỹ, Oslo vội thanh minh |
*Nga cắt giảm nhân viên lãnh sự tại Na Uy: Đại sứ quán Nga tại Na Uy hôm 14/10 đăng thông báo trên mạng xã hội Facebook cho biết họ sẽ cắt giảm nhân viên lãnh sự xuống còn 2 người theo yêu cầu của chính quyền Na Uy.
Thông báo cho biết cùng với đó, các dịch vụ lãnh sự sẽ bị cắt giảm. Bộ ngoại giao Na Uy cho biết đã có một cuộc đối thoại với Nga để đảm bảo sự hiện diện ngoại giao ở cả hai nước.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Oslo đã trục xuất 15 nhân viên Đại sứ quán Nga mà Bộ ngoại giao Na Uy cáo buộc là các sĩ quan tình báo hoạt động dưới vỏ bọc các chức danh ngoại giao. Vào thời điểm đó, Đại sứ quán Nga tại Oslo mô tả quyết định của Na Uy là “một bước đi cực kỳ không thân thiện khác”. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
*Nội bộ Israel nhất trí về phương pháp, thời gian tấn công Iran: Ngày 15/10, Đài phát thanh quốc gia Kan của Israel đưa tin, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant đã nhất trí về phương pháp và thời điểm tấn công trả đũa Iran sau các cuộc tham vấn an ninh với các bộ trưởng khác.
Theo đài phát thanh trên, chiến dịch này vẫn cần có sự chấp thuận cuối cùng của nội các. (Sputnik)
*Mỹ bắt đầu vận chuyển hệ thống phòng thủ tới Israel: Lầu Năm Góc ngày 15/10 xác nhận các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã bắt đầu được vận chuyển đến Israel từ hôm 14/10 và sẽ sớm đi vào hoạt động.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ - Thiếu tướng Pat Ryder - thông báo: “Trong những ngày tới, đội ngũ quân nhân bổ sung của Mỹ cùng các bộ phận còn lại của hệ thống THAAD sẽ tiếp tục được đưa đến Israel”.
Tướng Ryder nhấn mạnh hệ thống THAAD nhằm tăng cường khả năng bảo vệ Israel trước các mối đe dọa trong khu vực. (Reuters)
*Nga cảnh báo Israel về hành động quân sự ở Syria: Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov ngày 15/10 xác nhận Moscow đã liên tục bày tỏ với Israel về mối quan ngại liên quan đến các hoạt động của quân đội Israel ở Syria.
Trước đó, ngày 2/10, Bộ Quốc phòng Syria cho biết Không quân Israel đã tấn công một tòa chung cư ở khu phố Mezzeh tại Damascus, khiến 3 thường dân thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Ngày 8/10, ít nhất 7 thường dân đã thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong cuộc không kích của Israel vào cùng khu vực.
Sau đó 1 ngày, hãng thông tấn SANA của Syria đưa tin 1 sĩ quan an ninh nước này đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào thành phố Al-Quneitra ở phía Tây Nam đất nước. (Al Jazeera)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc |
*Israel báo cho Mỹ về kế hoạch tấn công đáp trả Iran: Đài NBC dẫn lời một số quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel đã “khoanh vùng” các mục tiêu ở Iran có thể tấn công để đáp trả cuộc không kích hôm 1/10 vừa qua của Tehran.
Theo nguồn tin, những mục tiêu nói trên chủ yếu là các cơ sở quân sự và phân phối năng lượng của Iran. Giới chức Mỹ cho biết các chiến lược gia Israel vẫn đang trong quá trình tính toán và chưa đi đến quyết định cuối cùng, cho rằng tính đến thời điểm này, Israel chưa tỏ ra sẵn sàng thực hiện các vụ ám sát hoặc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Một số tờ báo cho rằng ngày Yom Kippur, hay Lễ Đền tội (11-12/10), có thể là dịp mà Israel sẽ tranh thủ ra tay, song dường như các tướng lĩnh quân đội Israel đã quyết định chờ đến một thời điểm nào đó thuận lợi hơn. (Al Jazeera)
*Qatar cáo buộc Israel cố tình mở rộng xung đột ở Trung Đông: Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani ngày 15/10 lên tiếng cáo buộc Israel chọn mở rộng xung đột ở Trung Đông để thực hiện "các kế hoạch đã có từ trước" đối với khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng và Lebanon.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Qatar cáo buộc Israel đang lợi dụng tình hình quốc tế hiện nay để thực hiện các kế hoạch định cư ở Bờ Tây.
Qatar đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza và kêu gọi ngừng bắn ở Lebanon, nơi Israel bắt đầu mở rộng chiến dịch quân sự từ cuối tháng 9. Doha đã nhiều lần kêu gọi giải quyết vấn đề Palestine trên cơ sở một nhà nước Palestine được thành lập bên cạnh Israel. (Gulf News)
*Iran phủ nhận cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga: Một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, viết trên mạng xã hội X ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, Ismaeil Baghaei đã lên án lệnh trừng phạt mới của EU đối với Tehran, đồng thời phủ nhận việc cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga. (Reuters)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Ukraine yêu cầu Brazil bắt giữ Tổng thống Nga: Tổng công tố Ukraine Andrei Kostin kêu gọi Brazil bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) nếu ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại Brazil vào tháng 11 tới.
Tổng công tố Ukraine Andrei Kostin cho biết ông đã nhận được thông tin tình báo về việc Tổng thống Putin có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil. Ông Kostin kêu gọi chính quyền Brazil thi hành lệnh bắt giữ của ICC nếu ông Putin xuất hiện ở đó.
ICC đã ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga vào tháng 3/2023, khoảng một năm sau khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Nga phủ nhận các cáo buộc và Điện Kremlin đã bác bỏ lệnh của ICC vì cho rằng “không hợp lệ”. (Sputniknews)
*Nhà Trắng cảnh báo Iran về hậu quả nếu tấn công người Mỹ: Ngày 14/10, Nhà Trắng cho biết Mỹ theo dõi sát sao các mối đe dọa từ Iran đối với cựu Tổng thống Donald Trump trong nhiều năm qua và cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" nếu Tehran tấn công bất kỳ công dân Mỹ nào.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett nhấn mạnh: "Chúng tôi coi đây là vấn đề an ninh quốc gia và an ninh nội địa có mức độ ưu tiên cao nhất, và chúng tôi lên án mạnh mẽ Iran vì những lời đe dọa trắng trợn này. Nếu Iran tấn công bất kỳ công dân nào của chúng tôi, bao gồm cả những người vẫn đang hay đã từng phục vụ nước Mỹ, Iran sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng".(Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Bất ngờ với hồ sơ và tuyên bố của đối tượng bị bắt giữ vì tình nghi ám sát ông Trump |
*Bầu cử Mỹ: Ông Trump cam kết giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine thông qua đàm phán: Cựu Tổng thống Mỹ nay là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump cam kết sẽ giải quyết xung đột ở Ukraine thông qua đàm phán, đồng thời trách nhà lãnh đạo đương nhiệm Joe Biden không liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ theo hình thức trò chuyện hỏi-đáp ở Pennsylvania, ông Trump cam kết: “Tôi sẽ giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán”. Ông nói thêm rằng ông có quan hệ tốt với cả lãnh đạo Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định trong trường hợp nước Mỹ dưới thời ông lãnh đạo, xung đột giữa Nga và Ukraine “sẽ không bao giờ xảy ra”. (Sputnik)
*Canada trục xuất 6 nhà ngoại giao Ấn Độ: Một nguồn tin chính phủ tiết lộ, Canada đã trục xuất 6 nhà ngoại giao Ấn Độ sau khi cảnh sát thu thập bằng chứng cho thấy họ tham gia vào "chiến dịch bạo lực" của chính phủ Ấn Độ. Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu 6 nhà ngoại giao này rời khỏi Canada trước 11.59 đêm 19/10.
Tờ Washington Post trước đó đưa tin các nhà ngoại giao đã bị trục xuất. Ấn Độ đã rút đại sứ của mình khỏi Canada hôm 14/10 cùng với các quan chức và nhà ngoại giao khác mà Ottawa nêu tên là những người có liên quan đến một vấn đề liên quan đến cuộc điều tra tại quốc gia này.
Vụ án mạng năm 2023 nhằm vào công dân Canada Hardeep Singh Nijjar đã làm rạn nứt nghiêm trọng quan hệ ngoại giao với Ấn Độ sau khi Thủ tướng Justin Trudeau cho rằng có "những cáo buộc đáng tin cậy" liên kết cơ quan tình báo Ấn Độ với vụ việc này. (AFP)
Nga sơ tán hơn 30.000 người khỏi các khu vực giáp biên giới Ukraine Cao ủy Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova ngày 14/10 cho biết khoảng 30.415 người, trong đó có gần 8.000 trẻ em, phải sơ tán khỏi ... |
EU bất đồng về Quỹ hỗ trợ Ukraine, khen Nga lách trừng phạt tốt, thừa nhận 'mục tiêu xa vời' khi muốn tìm kiếm khế ước bằng vũ lực Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa không đạt được sự đồng thuận về Quỹ hỗ trợ Ukraine trong khuôn ... |
Một năm xung đột Israel-Hamas: Nguy cơ cuộc chiến toàn diện Ngày 7/10 đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas. Đây là cuộc xung đột quy mô lớn nhất, ... |
Lo ngại Israel trả đũa, Iran tăng cường an ninh cơ sở dầu mỏ Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Mohsen Paknejad ngày 6/10 đã đi kiểm tra tình hình an ninh tại cảng xuất khẩu dầu chủ chốt của ... |
Triều Tiên bất ngờ công khai về một cơ sở hạt nhân bí mật, Hàn Quốc thấp thỏm tuyên bố không bao giờ chấp nhận điều này Mới đây, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thăm Viện vũ khí hạt nhân và cơ sở sản xuất "vật liệu hạt nhân cấp ... |