Bầu cử Mỹ 2020
Đại cử tri đoàn bỏ phiếu chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden
Ngày 14/12 (giờ Mỹ, ngày 15/12 giờ Việt Nam), 538 đại cử tri ở 50 bang và đặc khu Columbia đã tiến hành bỏ phiếu xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri tại 24 bang, trong đó có nhiều bang chiến địa quan trọng gây tranh cãi như Michigan, Pennsylvania, Georgia và Wisconsin, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri.
Số phiếu đại cử tri mà ông Biden giành được trong cuộc bầu cử năm nay đúng bằng số phiếu đại cử tri Tổng thống Trump có được trong năm bầu cử 2016, thời điểm mà ông tuyên bố đó là “chiến thắng long trời lở đất”.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau cuộc bỏ phiếu, ông Biden nói rằng: "Trong cuộc chiến vì linh hồn nước Mỹ, dân chủ đã thắng thế. Người dân chúng ta đã bỏ phiếu. Niềm tin vào thể chế vẫn giữ vững. Tính toàn vẹn của cuộc bầu cử vẫn nguyên vẹn. Đã đến lúc để sang trang mới, để đoàn kết, để hàn gắn".
Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Cuối cùng, Nga cũng đã 'nói lời cần nói' | |
TIN LIÊN QUAN |
Nước cờ cuối cùng của ông Trump
Ngày 14/12, Cố vấn cao cấp Nhà Trắng Stephen Miller phủ nhận ý kiến cho rằng, cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn sẽ đặt dấu chấm hết cho nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của ông Trump.
“Ngày duy nhất ghi nhận trong Hiến pháp là ngày 20/1. Vì vậy, chúng tôi có đủ thời gian để xác định lại sai trái của cuộc bầu cử gian lận này và chứng nhận Tổng thống Trump là người thắng cử”, ông Miller nói.
Theo vị cố vấn này, một nhóm "đại cử tri thay thế" - là những người ủng hộ ông Trump - tại một số bang chiến địa như Georgia, Wisconsin và Pennsylvania sẽ nhóm họp và tiến hành bỏ phiếu bầu. Các phiếu bầu này sau đó sẽ được gửi lên Quốc hội.
Ông Miller cho rằng: "Điều này sẽ đảm bảo rằng tất cả các nỗ lực pháp lý của chúng tôi còn tiếp tục. Nếu chúng tôi thắng những vụ kiện này tại Tòa án Tối cao, lá phiếu của các đại cử tri thay thế có thể được Quốc hội công nhận”.
Theo cố vấn Miller, nếu chiến dịch tranh cử của ông Trump thành công trong việc lật ngược kết quả ở bất kỳ bang chiến địa nào trong số những bang trên, phiếu bầu của đại cử tri thay thế có thể được Quốc hội công nhận.
Tuy nhiên, không có quy định trong Hiến pháp hoặc có các quy trình bầu cử của tiểu bang nào cho phép có một nhóm đại cử tri “thay thế” như vậy. (Fox News)
Bầu cử Mỹ 2020: Cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri sắp kết thúc, ông Trump hứng chịu 'cú đánh cuối cùng' đau đớn | |
TIN LIÊN QUAN |
Mỹ-Trung Quốc
Trung Quốc kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác
Ngày 15/12, trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về quan điểm của Bắc Kinh sau khi Đại cử tri đoàn Mỹ bỏ phiếu xác nhận ông Biden là Tổng thống tiếp theo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, hai nước nên tăng cường đối thoại và liên lạc vì sự phát triển ổn định và thịnh vượng của mối quan hệ song phương.
Ông Uông Văn Bân kêu gọi Trung Quốc và Mỹ duy trì tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, tập trung vào hợp tác và giải quyết những khác biệt, đồng thời đẩy mạnh hợp tác song phương một cách ổn định và vững chắc. (THX)
Mỹ- Trung Quốc: Tình thời giận lấn thương | |
TIN LIÊN QUAN |
Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Nga-Iran bênh vực Ankara
Ngày 14/12, Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) liên quan mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là "sai lầm nghiêm trọng" và cho biết họ sẽ đáp trả nếu cần thiết sau khi nước này liên tục kêu gọi Washington giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thay đổi quyết định "không công bằng" vốn sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ là bất hợp pháp và thể hiện sự thách thức đối với luật pháp quốc tế.
Iran dù vẫn đang căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn lên án gay gắt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Ankara và khẳng định nước này "đứng về chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)
Bỏ qua 'bài thơ tai vạ', Tổng thống Rouhani nói đỡ cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Iran chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ vụ S-400 | |
TIN LIÊN QUAN |
Trung Quốc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác
Ngày 14/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện cuộc điện đàm trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Vương Nghị kêu gọi Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm, tăng cường hợp tác chính trị, củng cố lòng tin và đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định nước này "sẵn sàng sát cánh cùng người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho tới khi nước này đánh bại được đại dịch", cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc thể hiện "lòng tin của Ankara vào Bắc Kinh và lòng tin chính trị là nền tảng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia".
Ông Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ lo ngại chung về chống khủng bố và duy trì ổn định, an ninh quốc gia, đồng thời khẳng định 2 nước phản đối việc áp đặt “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố. (THX)
Gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan S-400 là ‘không thể giải thích được’, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối | |
TIN LIÊN QUAN |
Anh-Ấn Độ
Anh tìm kiếm hợp tác với Ấn Độ hậu Brexit
Từ 15-17/12, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sẽ có chuyến thăm tới Ấn Độ, trong đó, dự kiến sẽ thảo luận về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cũng như đặt nền móng cho mối quan hệ hậu Brexit trên các lĩnh vực "thương mại, quốc phòng, khí hậu, di cư và di chuyển, giáo dục và y tế trong bối cảnh hậu Brexit”.
Các quan chức Ấn Độ và Anh sẽ thảo luận về khuôn khổ của Đối tác Chiến lược Toàn diện, bao gồm quan hệ quốc phòng và chiến lược, chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thương mại và hợp tác về năng lượng tái tạo.
Trong ngày 15/12, văn phòng Thủ tướng Anh cũng thông báo, ông Johnson sẽ thăm Ấn Độ vào tháng 1 tới, trong chuyến thăm song phương đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Trong một thông báo, ông Johnson nêu rõ: "Là một nhân tố then chốt trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ là một đối tác ngày càng không thể thiếu với Vương quốc Anh vì chúng tôi hành động để thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, đương đầu với những mối đe dọa chung với an ninh của chúng ta và bảo vệ hành tinh của chúng ta". (The Hindu, Reuters)
Bất chấp dịch Covid-19, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thăm Ấn Độ | |
TIN LIÊN QUAN |
Iran
Iran ra lệnh cấm trước cuộc bầu cử Tổng thống
Ngày 15/12, Quốc hội Iran do những nghị sĩ theo đuổi chủ trương cứng rắn dẫn dắt đã thông qua một biện pháp cấm các công dân có hai quốc tịch và những người có quyền cư trú nước ngoài tham gia tranh cử Tổng thống sau khi xuất hiện đồn đoán một số quan chức, trong đó có Ngoại trưởng Mohamad Javad Zarif, có thể có Thẻ Xanh của Mỹ.
Biện pháp được thông qua trong một phiên họp được phát trực tiếp qua đài phát thanh nhà nước này vẫn cần phải được một hội đồng tăng lữ cấp cao thông qua trước khi nó có hiệu lực.
Iran dự kiến tổ chức bầu cử Tổng thống vào tháng 6/2021. Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani không thể tham gia tranh cử bởi ông đã giữ hai nhiệm kỳ Tổng thống liên tiếp. (Reuters)
Vụ ám sát nhà khoa học Iran đẩy Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden vào thế khó? | |
TIN LIÊN QUAN |
Iran nêu điều kiện khởi động lại thỏa thuận hạt nhân
Ngày 14/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, nước này sẵn sàng tái tuân thủ những cam kết hạt nhân của nước này theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 nếu các bên khác của thỏa thuận tuân thủ những cam kết liên quan.
Ông Rouhani đã hối thúc chính quyền Mỹ sắp tới tham gia trở lại JCPOA và thực hiện những cam kết theo thỏa thuận này.
Ngoài ra, Tổng thống Iran khẳng định, chương trình tên lửa của Tehran là vấn đề không thể thương lượng và Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden "nhận thức rõ điều này". (THX, Reuters)
New York Times: Ám sát nhà khoa học Iran là 'ván bài' của Israel? | |
TIN LIÊN QUAN |
Indonesia-Israel
Indonesia phủ nhận thông tin thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel
Ngày 15/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah đã bác bỏ thông tin cho rằng, Indonesia và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh Indonesia sẽ không phản bội người dân Palestine.
Hội đồng Ulema Indonesia (MUI), cơ quan bán chính thức phụ trách các vấn đề Hồi giáo cấp quốc gia và là tổ chức Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia đã ca ngợi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia khi bác bỏ những thông tin trên và cảnh báo Chính phủ Indonesia không nên bị lôi kéo bởi những kẻ cơ hội chính trị và cơ hội kinh tế mà có thể xem xét khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Indonesia chưa từng thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel do bản sắc Hồi giáo mạnh mẽ và nhận thức chung về sự chiếm đóng của Israel đối với vùng đất Palestine. (Mina News)
| TGVN. Ngày 15/12, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đã gửi thư chính thức chúc ... |
| Hậu bầu cử Mỹ 2020: Phản đối ông Trump, một Hạ nghị sĩ rời đảng Cộng hòa, Bộ trưởng Tư pháp từ chức TGVN. Hạ nghị sĩ Mỹ bang Michigan thông báo sẽ rời khỏi đảng Cộng hòa với lý do chính bắt nguồn từ hành động của ... |
| TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Nga-Mỹ, vấn đề Hong Kong, Australia-Trung Quốc, tình hình Nagorno-Karabakh, Brexit... là một số sự kiện quốc tế ... |