📞

Tin thế giới 15/3: Đan Mạch lập quỹ ‘khủng’ vì Ukraine, Nga nói gì về máy bay Mỹ?

Minh Vương 21:09 | 15/03/2023
Trung Quốc phản đối tuyên bố của IAEA về AUKUS, bất ngờ về thượng đỉnh Hàn-Nhật, Ngoại trưởng Mỹ tới Ethiopia… là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội đàm với người đồng cấp Ethiopia Demeke Mekonnen ngày 15/3 tại Addis Abbas. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách thúc đẩy thỏa thuận thêm 120 ngày: Ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nhấn mạnh: “Chúng tôi đã bắt đầu đàm phán theo phiên bản ban đầu của thỏa thuận. Việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận này rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc (về việc gia hạn) trong 120 ngày thay vì hai tháng”.

Ông cũng lưu ý, các bên tham gia sẽ đánh giá và quyết định về việc gia hạn bổ sung sáng kiến này, còn Ankara hy vọng đạt kết quả tích cực. Ankara sẽ tiếp tục thảo luận nhằm gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận cho phép vận chuyển ngũ cốc từ các cảng Ukraine ở Biển Đen, trong 120 ngày, thay vì 60 ngày. (Reuters)

* Đan Mạch lập quỹ 1 tỷ USD viện trợ cho Ukraine: Ngày 15/3, chính phủ Đan Mạch tuyên bố, sau khi được 159/179 nghị sĩ quốc hội ủng hộ, nước này sẽ thành lập quỹ 1 tỷ USD để viện trợ cho Ukraine trong năm 2023. Thông báo của Bộ Tài chính Đan Mạch nêu rõ: “Chính phủ đã nhất trí lập một quỹ cho Ukraine với khung tổng thể vào khoảng 7 tỷ Kroner (1 tỷ USD) trong năm 2023”. (AFP)

Nga-Mỹ

* Nga cảnh báo máy bay Mỹ tránh xa không phận: Ngày 15/3, Nga đã yêu cầu Washington tránh xa không phận nước này sau khi máy bay không người lái (UAV) MQ-9 của Mỹ bị máy bay phản lực Nga chặn và rơi xuống Biển Đen.

Trong tuyên bố trên trang web của Đại sứ quán Nga tại Mỹ, Đại sứ Nga Anatoly Antonov cho biết, UAV Mỹ đã “cố tình và khiêu khích" khi tiếp cận không phận Nga: “Hoạt động không thể chấp nhận được của quân đội Mỹ ở gần biên giới của chúng tôi là nguyên nhân gây lo ngại. Họ thu thập thông tin tình báo, sau đó được Kiev sử dụng để tấn công quân đội và lãnh thổ của Nga. Chúng ta hãy đặt câu hỏi: nếu UAV tấn công của Nga xuất hiện gần New York hoặc San Francisco, Không quân và Hải quân Mỹ sẽ phản ứng thế nào?”

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay không có hoạt động liên lạc cấp cao nào với Washington về vụ việc, song khẳng định Nga sẽ không bao giờ từ chối tham gia các đối thoại mang tính xây dựng.

Trước đó, Mỹ cho biết một máy bay chiến đấu của Nga đã va vào cánh của một UAV Mỹ khi nó bay qua Biển Đen trong không phận quốc tế, khiến UAV này rơi xuống biển. Nga bác bỏ điều này, cho rằng UAV đó rơi do “mất kiểm soát, mất độ cao”. (Reuters)

Đông Nam Á

* Malaysia muốn bài trừ các hành động kỳ thị Hồi giáo: Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ngày 15/3, Ngày quốc tế chống lại sự kỳ thị Hồi giáo, Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định, Malaysia sẵn sàng hợp tác một cách xây dựng và mang tính tập thể với cộng đồng quốc tế nhằm đạt mục tiêu trên.

Theo ông, quốc gia Đông Nam Á này luôn hết lòng tham gia cùng cộng đồng thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế chống lại sự kỳ thị Hồi giao. Theo ông, đây không phải là một ngày để ăn mừng, mà là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng thế giới cũng như sự cần thiết phải hành động để chống lại sự kỳ thị Hồi giáo.

Đồng thời, trong bối cảnh các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới sắp chào đón tháng lễ Ramadan, Thủ tướng Malaysia kêu gọi người dân thực hành điều độ theo quan niệm của Malaysia, bác bỏ tư tưởng cực đoan trong cử hành tháng thánh lễ. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc hoan nghênh Honduras thiết lập quan hệ chính thức: Ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Honduras Xiomara Castro về tìm kiếm các mối quan hệ chính thức với Trung Quốc. Trước đó ngày 14/3, bà Castro cho biết, bà đã yêu cầu Ngoại trưởng nước này thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc. (Reuters)

* Trung Quốc quan ngại trước tuyên bố của IAEA về Australia: Phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc 3 quốc gia ép buộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tham gia vào kế hoạch đó (AUKUS)”. Trước đó, IAEA tuyên bố cần phải đảm bảo rằng thỏa thuận cung cấp tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) sẽ không gây ra “những nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân”. (Reuters)

* Nhật Bản-Hàn Quốc sẽ không ra tuyên bố chung sau thượng đỉnh: Ngày 15/3, phát biểu trước thềm chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nêu rõ: “Trong tình hình chiến lược hiện nay, bao gồm cả việc đảm bảo an ninh, chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Chúng tôi sẽ hợp tác với Hàn Quốc để hiện thực hóa mục tiêu khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống nước này Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 16/3, lãnh đạo hai nước không ra tuyên bố chung với lý do bị hạn chế về thời gian. Thay vào đó, kết quả về cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai bên sẽ được lãnh đạo hai nước thông báo cụ thể tại họp báo riêng rẽ sau đó. (Sputnik/TTXVN)

Trung Á

* Azerbaijan: Armenia nổ súng ở biên giới: Ngày 15/3, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố: “Các cứ điểm của quân đội Azerbaijan đã bị lực lượng Armenia ở biên giới bắn phá trong đêm”. Ngoài ra, Bộ này cũng cho biết đã có còn có vụ nổ súng “từ các loại súng có cỡ nòng khác nhau” ở Karabakh. Trước tình hình đó, quân đội Azerbaijan “đã thực hiện biện pháp thích hợp” để đáp trả.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia đã gọi tuyên bố trên là “thông tin sai lệch”.

Trước đó, Ngày 14/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã phàn nàn với Tổng thống Vladimir Putin về “các vấn đề” liên quan lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh và cảnh báo về tình trạng bất ổn trong khu vực này. (AFP)

Châu Âu

* Nga đề xuất đình chỉ Hiệp ước thuế với các nước không thân thiện: Ngày 15/3, Bộ Tài chính Nga nêu rõ: “Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Nga đã đề xuất Tổng thống Nga ban hành sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần với tất cả những nước áp đặt biện pháp hạn chế kinh tế đơn phương với Nga”. (Sputnik)

* Anh muốn củng cố quan hệ với Australia và Nhật Bản: Phát biểu trên đài NHK (Nhật Bản) ngày 15/3, Ngoại trưởng James Cleverly cho biết, Anh muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thân thiện, đặc biệt là Nhật Bản và Australia. Ông nêu rõ: “Anh sẽ vẫn tập trung vào điều đó trong nhiều thập kỷ tới. Xây dựng mối quan hệ bền chặt với bạn bè của chúng tôi trong khu vực. Australia là một ví dụ rất rõ ràng, tất nhiên là Nhật Bản nữa”.

Về Bắc Kinh, nhà ngoại giao hàng đầu của London nói: “Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, phản ứng của chúng tôi trước những hành động của Bắc Kinh cần được đánh giá một cách thận trọng”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, London cũng “trực tiếp chỉ trích” một số vấn đề trong cách hành xử của Bắc Kinh. (Sputnik)

* Latvia nêu lý do NATO chưa xem xét kết nạp Ukraine: Ngày 15/3, Financial Times (Anh) dẫn lời Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho biết: “Tất nhiên, chừng nào mọi thứ còn tiếp diễn, không thành viên nào trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghiêm túc xem xét kết nạp Ukraine bởi điều này sẽ ngay lập tức kéo toàn bộ liên minh vào xung đột”. Tuy nhiên, sau khi xung đột kết thúc, “lựa chọn duy nhất” cho Kiev là “thành viên đầy đủ của NATO, cùng với tất cả các đảm bảo an ninh”.

Cũng theo Thủ tướng Karins, Latvia bắt đầu hỗ trợ quân sự cho Ukraine ngay cả trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông nêu rõ: “Chúng tôi bắt đầu cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine trước khi xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022. Tên lửa phòng không Stinger từ Latvia là một trong những vũ khí mà người Ukraine sử dụng trong những ngày đầu tiên của xung đột”. (Sputnik)

* Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sớm chấp thuận Phần Lan vào NATO trước tháng Năm: Ngày 15/3, hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết nhiều khả năng nước này sẽ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan trước khi quốc hội kết thúc nhiệm kỳ giữa tháng Tư và bầu cử vào tháng Năm tới. Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/3 để thảo luận về nỗ lực gia nhập NATO với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Ngoại trưởng Mỹ, Ethiopia hội đàm: Ngày 15/3 tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hội đàm người đồng cấp nước chủ nhà Demeke Mekonnen trong bối cảnh hai nước đang tìm cách hàn gắn quan hệ sau bất đồng về nội chiến hai năm ở vùng Tigray, miền Bắc quốc gia Tây Phi.

Phát biểu với báo giới, ông Blinken nhấn mạnh: “Còn rất nhiều việc phải làm. Có lẽ điều quan trọng nhất là củng cố nền hòa bình được duy trì ở miền Bắc (Ethiopia)”. Về phần mình, ông Demeke nói: “Chúng tôi có mối quan hệ lâu dài và đã đến lúc khôi phục, thúc đẩy mối quan hệ này”. Theo kế hoạch, ông Blinken cũng sẽ gặp Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và các nhà lãnh đạo của lực lượng Tigray, vốn chống lại chính phủ liên bang trong cuộc chiến ở vùng cực Bắc này

Sau khi rời Ethiopia, ông Blinken sẽ đến Niger ngày 16/3, nơi đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy Hồi giáo ngày càng gia tăng. Đây là chuyến công du mới nhất trong loạt chuyến thăm châu Phi của các quan chức cấp cao Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách củng cố quan hệ tại lục địa Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế. (Reuters)