📞

Tin thế giới 15/9: Indonesia-Trung Quốc 'nổi sóng' Biển Đông; Thêm nước Arab sắp 'hòa bình' với Israel; Lý do Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh từ chức

Hoàng Hà 19:45 | 15/09/2020
TGVN. Căng thẳng mới giữa Indonesia-Trung Quốc ở Biển Đông, thỏa thuận hòa bình giữa các nước Arab với Israel, bầu cử Mỹ 2020, tình hình Belarus, vụ chính trị gia đối lập Nga hôn mê, Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Trung Quốc-Indonesia

Vụ Indonesia đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ: Bắc Kinh phản ứng, Jakarta tăng cường tuần tra

Ngày 14/9, người đứng đầu Cơ quan an ninh hàng hải (Bakamla) Indonesia Aan Kurnia cho biết, đã trục xuất tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở khu vực biển Bắc Natuna hôm 12/9 bất chấp tín hiệu cảnh báo xâm nhập trái phép.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc phản đối động thái của tàu tuần duyên trên.

Ngày 15/9, phản ứng lại các động thái của Indonesia, phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, một trong những tàu tuần duyên của nước này đang tiến hành tuần tra tại các vùng biển "thuộc quyền tài phán của Bắc Kinh" và khẳng định, "các quyền và lợi ích của Trung quốc tại các vùng biển có liên quan là rõ ràng".

Ông Uông Văn Bân cũng cho biết, Trung Quốc và Indonesia đã liên lạc với nhau về vụ việc này.

Trong khi đó, cũng trong ngày 15/9, một quan chức an ninh cấp cao Indonesia cho biết, Hải quân và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển sẽ tăng cường các hoạt động an ninh hàng hải gần một số đảo của nước này ở Biển Đông sau vụ việc trên.

"Vì một tàu xuất hiện, sau đó chạy vòng quanh khiến chúng tôi hoài nghi. Chúng tôi đã tiếp cận tàu đó và biết được rằng đó là một tàu tuần duyên của Trung Quốc", quan chức trên cho hay. (Reuters)

Trung Đông

Oman sẽ là quốc gia Arab thứ 5 ký thỏa thuận hòa bình với Israel?

Ngày 14/9, trang mạng The Arab Weekly dẫn một số nguồn tin ngoại giao Arab thạo tin về tình hình ở vùng Vịnh cho rằng, thái độ hoan nghênh của Vương quốc Hồi giáo Oman đối với thỏa thuận hòa bình Bahrain-Israel là một dấu hiệu nữa cho thấy việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Israel là điều phù hợp. Theo những nguồn tin này, Oman đang chuẩn bị cho việc ký kết hiệp ước hòa bình với Israel.

Các nguồn tin này chỉ ra rằng, Oman có tất cả các đặc điểm để có thể trở thành quốc gia Arab thứ 5, sau Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, thực hiện một bước đi như vậy.

Theo đó, cố Quốc vương Oman Qaboos bin Said đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở đường cho người kế nhiệm ông, Quốc vương đương nhiệm Haitham bin Tariq, xúc tiến việc ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel, khi ông tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Muscat vào tháng 10/2018 với đầy đủ những nghi thức trọng thể.

Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Netanyahu, chuyến thăm đầu tiên một người đứng đầu Chính phủ Israel tới một quốc gia Arab vùng Vịnh, đã được đón tiếp với hình thức và nghi thức tương xứng với các chuyến thăm của các nguyên thủ. Thủ tướng Israel đã được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thức của Oman với danh hiệu trang trọng là "Ngài".

Sau khi thông báo về thỏa thuận giữa UAE và Israel do Washington làm trung gian, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Quốc vương Oman Haitham bin Tariq Al Said tại Muscat.

Theo ông Pompeo, trong cuộc gặp với Quốc vương Haitham bin Tariq Al Said, ông đã đề cập đến tầm quan trọng “của việc xây dựng sự thống nhất trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và phát triển trên đà thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

Trước đó, Oman đã bày tỏ hoan nghênh quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel của UAE và Bahrain, nhưng vẫn chưa chính thức bình luận về ý định làm điều tương tự. Truyền hình nhà nước Oman cho biết: “Nước này hoan nghênh sáng kiến của Bahrain nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel và hy vọng điều này sẽ góp phần đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine”. (The Arab Weekly)

Anh-EU

Anh cáo buộc EU 'đe dọa toàn vẹn lãnh thổ'

Ngày 14/9, Thủ tướng Boris Johnson cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) "đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Anh" khi ông kêu gọi Hạ viện ủng hộ Dự luật Thị trường Nội địa Anh của Chính phủ.

Dự luật này bị cho là vi phạm luật quốc tế vì đã vi phạm điều khoản trong Thỏa thuận Rút lui (Thỏa thuận Brexit) mà Anh đã ký với EU. Dự luật này gây ra sự phản đối không chỉ của EU mà ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền Anh.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Johnson, việc áp dụng những quy định thương mại của EU sẽ dẫn đến nguy cơ một số hàng hóa của Anh khi vào vùng Bắc Ireland phải chịu mức thuế cao hơn và EU đang dùng điều này như một đe dọa nhằm gia tăng sức ép đàm phán để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit trước khi hết năm nay.

Cho rằng, điều này là 'vô lý và đi ngược lại tinh thần' của quyết định Bắc Ireland trong Thỏa thuận Rút lui, Thủ tướng Johnson nói: "EU đang đe dọa áp đặt thuế khóa đối với đất nước chúng ta, chia cắt đất nước và làm thay đổi địa lý kinh tế của nước Anh".

"Không Thủ tướng nào, chính phủ nào, quốc hội nào có thể chấp nhận được sự áp đặt như vậy", ông Johnson khẳng định.

Theo Thỏa thuận Brexit, EU sẽ tiếp tục có tiếng nói đối với hoạt động thương mại tại vùng Bắc Ireland, nơi là biên giới đất liền duy nhất của Anh với EU kể từ sau ngày 31/12. Mục đích của điều này nhằm đảm bảo giữ đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland (nước thành viên EU) được mở - theo tinh thần chính yếu của Thỏa thuận Hòa bình 1998, vốn đã mang lại sự kết thúc 30 năm xung đột trên hòn đảo Ireland. (Reuters)

Bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ chức để hỗ trợ tranh cử?

Ngày 14/9, New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad quyết định từ chức và sẽ rời Trung Quốc vào đầu tháng 10 tới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gián tiếp xác nhận động thái này với việc ca ngợi những đóng góp của ông Branstad trong hơn 3 năm qua nhằm tái cân bằng quan hệ Mỹ-Trung.

Các nguồn tin của CNN cũng như Reuters cùng ngày nói rằng, Đại sứ Branstad từ chức để trở về Mỹ hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, khi chỉ còn khoảng 50 ngày nữa là tới ngày bầu cử, theo lời đề nghị của chính Tổng thống.

Trước đó, hôm 12/9, Tổng thống Trump từng gợi ý ông Branstad có thể sẽ tham gia vào đội ngũ vận động tranh cử của ông. Trong một đoạn video được Thượng nghị sĩ Iowa Joni Ernst đăng tải trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông Branstad sắp trở về Mỹ.

Ông Branstad là một trong những đại sứ đầu tiên được ông Trump lựa chọn ngay sau khi đắc cử hồi cuối năm 2016. Khi đó, ông Trump nói, lựa chọn ông Branstad là do ông ấy có nhiều kinh nghiệm trong hoạch định chính sách công, thương mại, nông nghiệp cũng như mối quan hệ của ông ấy với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Quyết định từ chức của ông Branstad sẽ khiến phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Bắc Kinh khuyết vị trí đại sứ giữa lúc quan hệ hai bên leo thang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề. Tình trạng này có thể kéo dài vài tháng kể cả khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới. (CNN, Reuters)

Tình hình Belarus

Belarus đề cập 'phản ứng mạnh' đối với các mối đe dọa quân sự, lên án láng giềng Lithuania

Ngày 15/9, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố không loại trừ một phản ứng mạnh mẽ đối với điều mà Belarus coi là các mối đe dọa quân sự.

Bộ Quốc phòng cho biết, bất kỳ mối đe dọa nào cũng sẽ gặp phải sự phản ứng trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một khối an ninh hậu Xô Viết bao gồm Nga.

Bộ này cho rằng, một số quốc gia láng giềng đang cố tình làm tổn hại quan hệ giữa Minsk và Moscow, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đến thành phố Sochi để hội đàm song phương.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thượng viện Belarus nêu rõ, quốc gia láng giềng Lithuania đã vi phạm luật pháp quốc tế khi Vilnius ngày 10/9 công nhận chính khách đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya là lãnh đạo hợp pháp của Belarus.

Theo tuyên bố, động thái này của Lithuania đã "vượt ngoài lẽ thường" đồng thời cáo buộc Vilnius rõ ràng can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus". (Reuters)

Vụ chính trị gia đối lập Nga

Lãnh đạo đối lập Nga Navalny lần đầu 'lên sóng' sau hôn mê

Ngày 15/9, nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đã chia sẻ một bức ảnh từ bệnh viện với hình ảnh đang nằm trên giường, xunh quanh là người thân sau nghi án ông bị đầu độc.

Đăng trên mạng xã hội Instagram, nhân vật chỉ trích Điện Kremlin cho hay: "Chào, đây là Navalny. Tôi nhớ tất cả các bạn. Tôi vẫn không biết nhiều về mọi thứ, nhưng ngày hôm qua tôi có thể tự thở cả ngày. Hoàn toàn là tự bản thân thôi".

Trong khi đó, New York Times dẫn lời một quan chức an ninh Đức giấu tên cho hay, ông Navalny không có ý định ở lại Berlin lâu sau khi phục hồi.

"Ông ấy không có ý định sống lưu vong ở Đức. Ông ấy muốn trở về Nga và tiếp tục công việc. Ông ấy biết rõ tình trạng sức khỏe của mình và biết rõ chuyện gì đã xảy ra và mình đang ở đâu", nguồn tin cho hay.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Moscow nhắc lại sẽ công khai làm sáng tỏ việc gì đã xảy ra với ông Navalny, người đã được Đức và các chính quyền phương Tây khác phán đoán bị nhiễm chất độc thần kinh Novichok.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, tất cả mọi người sẽ vui vẻ nếu ông Navalny hồi phục và ông ấy có thể tự do từ Đức trở về Nga. Song, Moscow "vẫn không hiểu tại sao khi các phòng thí nghiệm Pháp và Thụy Sỹ có thể xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của ông ấy thì Nga lại không thể có được sự tiếp cận tương tự". (Reuters, New York Times)

Trung Quốc-EU

EU tuyên bố không để Trung Quốc tiếp tục 'lợi dụng'

Tối 14/9, Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhân dịp này, các lãnh đạo EU nhấn mạnh, Trung Quốc cần mở cửa thị trường hơn nữa, tôn trọng các cộng đồng thiểu số, ngừng các chính sách gây tranh cãi về Hong Kong, đồng thời nhấn mạnh châu Âu sẽ không tiếp tục để Trung Quốc lợi dụng thương mại.

Khi đề cập việc châu Âu cho rằng, Trung Quốc không giữ cam kết thực hiện thương mại tự do và công bằng, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel nhấn mạnh: "Châu Âu là một người chơi, không phải sân chơi".

Với giá trị giao thương lên đến hơn 1 tỷ Euro mỗi ngày, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ là thị trường lớn thứ 2 (sau Mỹ) cho hàng hóa và dịch vụ của EU. EU cáo buộc Trung Quốc phá vỡ hàng loạt quy tắc thương mại toàn cầu, từ sản xuất thép quá mức đến đánh cắp sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết: "EU thực sự lo ngại về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và xé bỏ các rào cản".

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel nói, bà và 2 nhà lãnh đạo EU đã hối thúc Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện rõ quan điểm liệu Bắc Kinh có thực sự muốn một thỏa thuận đầu tư mà đòi hỏi Trung Quốc phải mở cửa thị trường hay không.

“Chúng tôi gây sức ép… Nhìn chung hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định: có đi có lại, cạnh tranh công bằng”, bà Merkel nói.

Ngoài ra, EU cũng muốn Trung Quốc đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn về chống biến đổi khí hậu.

Ông Michel cũng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh leo thang căng thẳng ở Biển Đông. (Reuters, Bloomberg)

Anh cảnh báo công dân về nguy cơ bị bắt giữ vô cớ ở Trung Quốc

Ngày 15/9, Anh đã ban bố một khuyến cáo du lịch tới Trung Quốc, cảnh báo công dân nước này có nguy cơ bị bắt giữ vô cớ, sau khi một số người nước ngoài bị bắt với hàng loạt cáo buộc, trong đó có những trường hợp liên quan tới các bí mật nhà nước và an ninh quốc gia.

Trong một khuyến cáo mới nhất được đăng tải trên trang web riêng, Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo: "Giới chức Trung Quốc trong những tình huống cụ thể đã bắt giữ nhiều người nước ngoài viện dẫn lý do 'đe dọa an ninh quốc gia'. Cũng có nguy cơ xảy ra các vụ bắt giữ vô cớ, bao gồm cả những công dân Anh".

Khuyến cáo của Anh được đưa ra sau khi một số người nước ngoài bị bắt giữ tại Trung Quốc với những cáo buộc liên quan tới an ninh quốc gia, trong đó có người Canada, Australia, Nhật Bản và ít nhất 1 người Mỹ. Một số người vẫn còn đang bị giam giữ. (Reuters)